Thứ Tư, 27/11/2024

Caffeine trong thai kỳ

Bài viết thứ 13 trong 68 bài thuộc ebook Dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai
 

Tiêu thụ caffein trong thai kỳ có ổn không?

Phụ nữ mang thai và đang dự định có thai nên hạn chế tiêu thụ caffeine. Tuy nhiên, bao nhiêu là ổn? Sau nhiều thập kỷ, việc tranh luận và bằng chứng mâu thuẫn nhau vẫn chưa có sự thống nhất về lượng caffeine được xem là an toàn trong thai kỳ.

Để tránh tác dụng phụ, Học viện Sản khoa và Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyên phụ nữ nên hạn chế lượng caffeine nạp vào không quá 200 mg/ngày, tương đương với một cốc cà phê 11 oz (325 ml). (Xem các bảng bên dưới để biết lượng caffeine có trong các loại thực phẩm và đồ uống thông dụng.)

Uống cafe trong thai kỳ có được không

Các mối lo ngại khi tiêu thụ caffeine trong thai kỳ?

Khi bạn uống cà phê, caffeine sẽ đi qua nhau thai vào nước ối và vào máu của thai nhi. Cơ thể của bạn vẫn có thể hoạt động để chuyến hóa và loại bỏ caffeine, nhưng thai nhi vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển và do đó cần nhiều thời gian hơn để xử lý caffeine. Kết quả là thai nhi sẽ bị ảnh hưởng bởi caffeine nhiều hơn nhiều so với bạn.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng chỉ định rõ những ảnh hưởng chính xác của caffeine đối với thai nhi và thai kỳ. ACOG nói rằng tiêu thụ caffeine ít (ít hơn 200 mg) không phải là vấn đề lớn trong việc gây ra xảy thai hoặc sinh non. Tuy nhiên, một nghiên cứu qui mô lớn tìm thấy rằng những phụ nữ tiêu thụ nhiều hơn 300 mg caffeine mỗi ngày có khả năng sinh bé nhẹ cân hơn.

Một điều chắc chắn là: Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn nếu bạn không tiêu thụ nhiều caffeine. Nó là một chất kích thích, do đó nó làm tim bạn đập nhanh hơn và làm tăng huyết áp. Hơn nữa, nó có thể làm cho bạn cảm thấy bồn chồn và gây mất ngủ. Caffeine cũng có thể góp phần vào chứng ợ chua bằng cách kích thích sự tiết axit dạ dày

Các dấu hiệu này có thể rõ ràng hơn trong diễn tiến thai kỳ. Đó là do khả năng của cơ thể phân hủy caffeine chậm lại, vì thế lượng caffeine trong máu sẽ cao hơn. Trong ba tháng giữa của thai kỳ, bạn phải mất gấp đôi thời gian để loại bỏ caffeine ra khỏi cơ thể so với khi bạn chưa mang thai. Trong ba tháng cuối của thai kỳ, bạn gần như phải mất thời gian gấp ba lần.

Điều này có thể ảnh hưởng đến lượng caffeine đi qua nhau thai và tiến đến thai nhi, thai nhi không thể xử lý caffeine một cách hiệu quả. (Điều này cũng đúng đối với trẻ sơ sinh, đó cũng là lý do tại sao bạn nên hạn chế tiêu thụ caffeine nếu bạn đang cho con bú, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên sau khi sinh.)

Cuối cùng, có thêm một lý do để cắt giảm cà phê và trà, cho dù nó có chứa caffeine hay không. Những thức uống này chứa những hợp chất làm cản trở việc hấp thụ chất sắt (liên kết đến 1.b.a.22). Điều này đặc biệt quan trọng bởi vì rất nhiều phụ nữ mang thai thiếu sắt. Nếu bạn uống cà phê hoặc trà, bạn nên uống nó giữa các bữa ăn để nó ít ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất sắt.

Những loại thực phẩm và đồ uống nào chứa caffeine?

Dĩ nhiên cà phê là một trong số đó. Lượng caffeine trong một khẩu phần cà phê rất khác nhau, tùy thuộc vào loại hạt cà phê, cách rang, cách ủ và kích cỡ của cốc cà phê. (Mặc dù cà phê espresso chứa nhiều caffeine hơn nhưng nó được phục vụ trong một cốc nhỏ, do đó một cốc to cà phê ủ thường thật ra chứa nhiều caffeine hơn so với cốc nhỏ espresso.)

cà phê espresso chứa nhiều caffein hơn

Để kiểm soát lượng caffeine bạn tiêu thụ, bạn nên biết về các nguồn thực phẩm khác cũng chứa caffeine như trà, các loại nước giải khát, nước tăng lực, sô cô la và kem cà phê. Caffeine cũng có trong các sản phẩm thảo dược và các loại thuốc không kê đơn, bao gồm một số loại thuốc điều trị nhức đầu, cảm lạnh và dị ứng. Bạn nên đọc nhãn sản phẩm trước khi dùng.

Lượng caffeine có trong các loại thực phẩm và đồ uống thông dụng

Bảng 1. Lượng caffeine có trong một số loại cà phê

Cà phê Số lượng Lượng caffeine

(mg)

Cà phê ủ 240 ml 95-200
Cà phê ủ của Starbucks 350 ml 240
Cà phê ủ của Dunkin’ Donut 470 ml 211
Cà phê latte, misto hay cappuccino của Starbucks 470 ml 150
Cà phê latte, misto hay cappuccino của Starbucks 350 ml 75
Cà phê espresso của Starbucks 28,35 g (1 oz) 75
Cà phê espresso 28,35 g (1 oz) 64
Cà phê hòa tan 1 muỗng cà phê 31
Cà phê khử caffeine 240 ml 2


Bảng 2. Lượng caffeine có trong một số loại trà

Trà Số lượng Lượng caffeine

(mg)

Trà đen ủ 240 ml 47
Trà xanh ủ 240 ml 25
Trà đen khử caffeine 240 ml 2
Trà Tazo Chai Tea latte của Starbucks (một loại trà đen đậm đặc) 470 ml 95
Trà hòa tan không đường 1 muỗng cà phê 26
Trà Snapple 470 ml 42
Trà Lipton Brisk iced tea 470 ml 5

 

Bảng 3. Lượng caffeine trong một số loại nước giải khát

Nước giải khát Thể tích Lượng caffeine

(mg)

Coca cola 350 ml 35
Diet Coke (Coca cola dành cho người ăn kiêng) 350 ml 47
Pepsi 350 ml 38
Diet Pepsi (Pepsi dành cho người ăn kiêng) 350 ml 36
Jolt Cola 350 ml 72
Mountain Dew 350 ml 54
7 Up 350 ml 0
Sierra Mist 350 ml 0
Sprite 350 ml 0

 

Bảng 4. Lượng caffeine trong một số loại nước tăng lực

Nước tăng lực Thể tích Lượng caffein

(mg)

Red Bull 245 mk 77
SoBe Essential Energy vị dâu hoặc cam 240 ml 48
5-Hour Energy 60 ml 138

 

Bảng 5. Lượng caffeine trong các món tráng miệng

Thực phẩm Số lượng Lượng caffein

(mg)

Sô cô la đen (70-85% cacao rắn) 28,35 g (1 oz) 23
Sô cô la sữa 44 g 9
Kem cà phê hay sữa chua đông lạnh 240 ml 2
Ca cao nóng 240 ml 8-12
Sô cô la chip hơi ngọt (semisweet) 120 ml 53
Sữa sô cô la 240 ml 5-8


Lời khuyên để từ bỏ thói quen tiêu thụ caffeine trong khi bạn đang mang thai

Nụ vị giác có thể giúp bạn khá nhiều khi từ bỏ thói quen này. Rất nhiều phụ nữ không còn cảm giác thèm cà phê trong quý đầu của thai kỳ khi những cơn ốm nghén hành hạ mỗi sáng.

Nhưng nếu bạn vẫn còn thích uống cà phê mỗi sáng, bạn có thể chuyển sang loại cà phê khử caffeine. Các loại đồ uống khử caffeine vẫn có thể chứa caffeine, tuy nhiên lượng caffeine này rất ít.

Nếu bạn là một người nghiện cà phê nặng, việc từ bỏ thói quen tiêu thụ caffeine có thể sẽ không dễ dàng. Để làm giảm bớt triệu chứng nghiện cà phê (bao gồm đau đầu, ngứa ngáy, lờ phờ), bạn hãy giảm lượng cà phê từ từ.

Bạn có thể trộn loại cà phê khử caffeine với cà phê thường uống của bạn, rồi tăng dần tỉ lệ trộn theo hướng ít caffeine hơn. Hoặc bạn có thể pha nhiều sữa và ít cà phê hơn. Nếu là ở nhà, hãy dùng lượng bột cà phê ít hơn (hoặc ít lá trà hơn) cho mỗi lần pha, hoặc pha với thời gian ngắn hơn. Chẳng hạn như để túi trà trong cốc chừng 1 phút thay vì 5 phút, cách này có thể làm giảm một nửa lượng caffeine.

Mặc dù trà thảo mộc thường không chứa caffeine, hãy đọc bảng thành phần và hỏi bác sĩ trước khi dùng loại nào. Một số thảo mộc hoặc phụ gia không an toàn cho thai kỳ.

Một điều nữa cần nhớ là caffeine cũng có thể tìm thấy trong một số sản phẩm mà bạn không ngờ tới. Chẳng hạn như loại kem dưỡng da bơ cacao thường dùng cho phụ nữ dưỡng da mặt có thể chứa một lượng rất nhỏ caffeine. Nghiên cứu năm 2006 cho thấy nguy cơ bị rối loạn nhịp tim ở thai nhi thấp hơn khi người mẹ ngưng dùng kem dưỡng da trong thai kỳ.

Nghiên cứu này cho thấy caffeine trong kem dưỡng da có ảnh hưởng nào đó đến thai nhi trong thai kỳ, mặc dù nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ. Nếu bạn dùng loại kem này thường xuyên, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.

Tài liệu tham khảo

http://www.babycenter.com/caffeine-during-pregnancy