Thứ Năm, 21/11/2024
Dinh dưỡng Isoflavone đậu nành có thể giúp tôi mang thai?

Isoflavone đậu nành có thể giúp tôi mang thai?

Bài viết thứ 56 trong 68 bài thuộc ebook Dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai
 

Tiếc là chưa có câu trả lời rõ ràng. Một số phụ nữ cho rằng uống isoflavone đậu nành giúp họ thụ thai, tuy nhiên các nhà khoa học chưa nghiên cứu về nó và chưa có dữ liệu cho thấy liệu nó có hiệu quả hay an toàn hay không.

Trên thực tế, một số chuyên gia cảnh báo việc tiêu thụ các sản phẩm đậu nành đậm đặc (concentrated soy product) có thể ức chế khả năng sinh sản, đặc biệt ở những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt “bình thường”, có nghĩa là dưới 35 ngày và đều đặn. Ở những phụ nữ này, uống chế phẩm bổ sung đậu nành có thể làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.

Có ý kiến cho rằng isoflavone đậu nành – một loại phytoestrogen hay estrogen có nguồn gốc thực vật – có thể hoạt động tương tự như thuốc clomiphene (nhãn hiệu có tên là Clomid và Serophene) giúp phụ nữ thụ thai. Cả hai hoạt động trên con đường chuyển hóa estrogen trong cơ thể và có thể được sử dụng để điều khiển chu kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn rụng trứng bất thường hoặc không rụng trứng, thuốc này có thể kích thích rụng trứng. Nếu vấn đề sinh sản là do nguyên nhân khác, phương thuốc này không hỗ trợ khắc phục.

Theo lý thuyết, isoflavone đậu nành ngăn chặn các thụ thể estrogen trong não và đánh lừa cơ thể nghĩ rằng mức estrogen tự nhiên thấp. Để đáp lại, cơ thể bắt đầu một chuỗi sự kiện để tăng cường sản sinh estrogen. (Như là một phần của quá trình này, một nhóm trứng sẽ trưởng thành để sẵn sàng rụng khi bị kích thích.) Sau năm ngày, bạn dừng uống isoflavone. Một khi tác dụng ngăn chặn thụ thể biến mất, cơ thể của bạn sẽ nghĩ, “Ồ, hiện tại chúng ta đã có rất nhiều estrogen – đã đến lúc phải rụng trứng” và sẽ giải phóng một loại hormone để kích thích rụng trứng.

Vấn đề là không phải tất cả isoflavone đậu nành nhất thiết phải hoạt động theo cách này. “Một số isoflavone đậu nành hoạt động như chất ngăn chặn estrogen nhưng một số khác lại bắt chước estrogen – nghĩa là cơ thể nghĩ nó là estrogen. Điều này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe và làm cho sự mất cân bằng hormone càng trở nên tồi tệ hơn,” Jill Blakeway, một chuyên gia châm cứu, nhà nghiên cứu về thảo dược lâm sàng được cấp phép và là đồng tác giả của quyển sách “Making Babies: A Proven Three-Month Program for Maximum Fertility” (Thụ thai: Chương trình Tăng cường Tối đa Khả năng Sinh sản trong vòng ba tháng đã được chứng thực) cho biết. “Ví dụ như, một người phụ nữ bị u xơ tử cung có thể thấy tình trạng của cô ta trở nên tồi tệ hơn sau khi uống isoflavone đậu nành.”

Thuốc clomiphene không có nguy cơ này bởi vì nó được thiết kế đặc biệt để hoạt động như chất ngăn chặn estrogen. Isofalvone đậu nành có nhiều loại khác nhau và không thể đoán trước được tác dụng của chúng.

Hơn nữa, một số mô trong cơ thể rất nhạy cảm với estrogen, chẳng hạn như ngực, tử cung và buồng trứng, có thể gặp một số vấn đề khi tiếp xúc với isoflavone đậu nành có tính chất giống estrogen. Có một số bằng chứng cho thấy liều lượng lớn đậu nành có thể giúp các tế bào ung thư phát triển trong các mô này. Ngoài ra, còn có bằng chứng cho thấy việc ăn quá nhiều đậu nành có thể làm tổn hại tuyến giáp và dẫn đến suy tuyến giáp.

Blakeway cho biết, nếu bạn uống isoflavone đậu nành trong nửa chu kỳ đầu để tăng cường sản sinh estrogen, nhưng không uống vào nửa chu kỳ thứ hai để tăng mức progesterone, bạn có thể gây ra sự mất cân bằng hormone và gây tổn hại đến khả năng sinh sản. Đó là do các hormone liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt nổi dậy và tương tác với các hormone khác. Nếu bạn thay đổi một hormone, nó có thể ảnh hướng đến các hormone khác.

Cuối cùng, isoflavone đậu nành được bán như là chế phẩm bổ sung, có nghĩa là chúng chưa được quy định bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Kết quả là, chúng không chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt tương tự như thuốc kê toa hay thuốc không kê toa.

“Không có cách nào để biết những gì bạn đang uống có chứa lượng đậu nành (hay các thành phần khác) như bạn nghĩ hay không,” theo chuyên gia dinh dưỡng Hillary M. Wright, giám đốc tư vấn dinh dưỡng tại Trung tâm Domar chuyên về Sức khỏe Trí tuệ/Cơ thể ở Boston IVF và là tác giả của quyển sách “The PCOS Diet Plan: A Natural Approach to Health for Women With Polycystic Ovary Syndrome” (Chế độ ăn uống PCOS: Giải pháp Tự nhiên cho Sức khỏe của Phụ nữ bị Hội chứng Buồng trứng Đa nang). Trường hợp của clomiphene thì khác, nó được quy định bởi FDA và có hồ sơ theo dõi lâu dài về sự an toàn và được kê toa với liều lượng chính xác.

Isoflavone đậu nành cũng không rẻ hơn clomiphene, do đó việc tiết kiệm tiền có lẽ không phải là lý do để sử dụng chúng. Chế phẩm bổ sung có giá khoảng từ $10 đến $20 cho một chu kỳ. Clomiphene thường được bao gồm trong hầu hết các gói bảo hiểm, vì thế giá thành thường được xem là đồng chi trả (tức là bảo hiểm trả một phần) (thường trong khoảng từ $5 đến $20). Nếu bạn không có bảo hiểm thuốc kê toa, một chu kỳ của thuốc Clomid có giá khoảng $60 và một chu kỳ của loại thuốc tương tự (được bán ở dạng clomiphene citrate hoặc Milophene) có giá khoảng $30. Tất nhiên, sử dụng clomiphene dưới bất kỳ hình thức nào đều cần phải được kê toa và chăm sóc bởi một chuyên viên y tế.

Nếu bạn vẫn muốn dùng thử isoflavone đậu nành để tăng cường khả năng sinh sản, bạn nên xem xét những lời khuyên sau đây:

  • Phụ nữ trên 35 tuổi nên tìm kiếm sự can thiệp y tế kịp thời tốt hơn là mất nhiều thời gian để lựa chọn những sản phẩm như là đậu nành vốn có thể không hiệu quả, Shari Brasner, bác sĩ sản khoa và giáo sư tại trường Y khoa Mount Sinai và là tác giả của quyển sách “Advice From a Pregnant Obstetrician” (Lời khuyên của Bác sĩ Sản khoa dành cho Phụ nữ Mang thai).
  • Hãy thử isoflavone đậu nành chỉ khi bạn rụng trứng không đều hoặc không rụng trứng. Không nên sử dụng chúng nếu như bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào mà có thể trở nên tồi tệ hơn do bạn uống phytoestrogen đậm đặc, chẳng hạn như u xơ tử cung, polyp (khối u) cổ tử cung, bệnh lạc nội mạc tử cung, xơ nang ngực hay bệnh tuyến giáp.
  • Nếu bạn bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), bạn nên tránh isoflavone đậu nành – mặc dù clomiphene thường được kê toa cho phụ nữ trong tình trạng này. Phytoestrogen có thể làm trầm trọng thêm PCOS, chuyên gia châm cứu Blakeway cho biết. Clomiphene là sự lựa chọn tốt hơn cho phụ nữ bị PCOS, bởi vì các chuyên gia biết chính xác cơ chế tác dụng của thuốc và nó cho kết quả có thể dự đoán trước.
  • Uống liều lượng từ 80 đến 200 mg/ngày cho chu kỳ 3 đến 7 ngày hoặc 5 đến 9 ngày (giống như bạn uống clomiphene), Blakeway khuyên. Bạn nên sử dụng liều thấp nhất có thể và không thay đổi nó trong suốt chu kỳ năm ngày. Ngoài ra bạn nên dùng chế phẩm bổ sung bởi vì việc có thể nhận được hàm lượng isoflavone theo khuyến nghị chỉ từ thực phẩm là không có khả năng.
  • Trao đổi bác sĩ về các tương tác có thể giữa đậu nành và bất kỳ loại thuốc bạn đang uống, bao gồm cả thuốc kháng sinh, thuốc tuyến giáp và clomiphene.
  • Bạn nên biết các tác dụng phụ tức thời, bao gồm nhức đầu, mệt mỏi, căng ngực và rối loạn tiêu hóa. Bạn nên uống chế phẩm bổ sung trước khi đi ngủ có thể giúp giảm thiểu tác động của các tác dụng phụ này.

Tài liệu tham khảo

http://www.babycenter.com/404_can-soy-isoflavones-help-me-get-pregnant_10364266.bc