Thứ Năm, 03/04/2025
Dinh dưỡng Chế độ ăn Keto (ketogenic) và Ung thư: Thực trạng nghiên cứu

Chế độ ăn Keto (ketogenic) và Ung thư: Thực trạng nghiên cứu

Bài viết thứ 8 trong 9 bài thuộc ebook Thực phẩm hỗ trợ sức khỏe
 

Theo số liệu thống kê năm 2020 về ung thư tại Việt Nam, cứ 100,000 người thì có 160 ca ung thư. Tính đến năm 2020, cả nước có tổng cộng 122,690 ca tử vong do ung thư trên tổng số 97,3 triệu dân, chủ yếu là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.

Ngày nay mặc dù đã có rất nhiều tiến bộ vượt bậc trong phương pháp điều trị ung thư nhưng chúng đều mang tính đặc thù theo từng ca bệnh: bệnh có thể thuyên giảm hoàn toàn (complete remission), hoặc chỉ ở mức hạn chế u phát triển kéo dài sự sống hay điều trị triệu chứng giảm kích thước u, giảm đau. Các phương pháp điều trị thường kết hợp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm đích (targeted therapy) v.v.

Chưa có một biện pháp duy nhất nào có thể chữa được tất cả các loại ung thư cho tất cả bệnh nhân. Những biện pháp điều trị thay thế hoặc bổ trợ vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, điển hình như việc thay đổi dinh dưỡng trong chế độ ăn uống của bệnh nhân. Một trong số này bắt đầu cho thấy kết quả lạc quan là chế độ ăn ketogenic (ít tinh bột, nhiều chất béo). Qua bài viết này, tác giả muốn cập nhật thực trạng nghiên cứu gần đây nhất về hiệu quả của chế độ Keto trong việc điều trị ung thư.

Lưu ý quan trọng: Bạn phải trao đổi về lựa chọn điều trị với bác sĩ chuyên khoa. Đối với ung thư, thời điểm điều trị là cực kỳ quan trọng và tuyệt đối không trì hoãn hoặc tự ý dùng các phương pháp điều trị thay thế/bổ sung mà không thông báo với bác sĩ theo dõi. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả của phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra cho bạn.

Nguồn ảnh: Unsplash/ Agto Nugroho

Sơ lược về chế độ ăn Keto

Chế độ ăn này có nhiều điểm tương đồng với các chế độ ăn ít tinh bột (low-carb) như Atkins.

Ketogenic là một chế độ dinh dưỡng rất ít chất bột đường (carbohydrate hoặc carb) và thay thế bằng cách tăng lượng chất béo và protein. Bình quân, nó cung cấp khoảng 70% calo dưới dạng chất béo, 20% calo từ protein và 10% calo từ tinh bột. Có nhiều phiên bản của chế độ ăn ketogenic và một số phiên bản khác thậm chí còn có hàm lượng chất béo cao hơn.

Sau vài ngày, chất béo trở thành nguồn năng lượng chính cho cơ thể. Điều này gây ra sự gia tăng đáng kể mức độ của các hợp chất xeton (ketone) trong máu của bạn. Sự thay đổi về trạng thái chuyển hóa chất này còn được gọi là xeton hóa (ketosis).

Tóm lại: Chế độ ăn kiêng ketogenic là một chế độ ăn kiêng rất ít tinh bột, nhiều chất béo. Lượng chất béo có thể chiếm 70% hoặc cao hơn trên tổng lượng calo nạp vào.

Tác động của việc thay đổi chế độ dinh dưỡng với tế bào ung thư

Các chế độ dinh dưỡng đều chủ yếu nhắm vào sự khác biệt về trao đổi chất giữa tế bào ung thư và tế bào bình thường.

Trước đây, các chế độ ăn ít tinh bột, trong đó có ketogenic thường dùng “hiệu ứng Warburg” (*) để lý giải về cơ chế hoạt động. Theo đó, các tế bào bình thường có một mức độ linh hoạt nhất định trong việc chuyển hóa. Chúng có thể dùng năng lượng từ glucose từ tinh bột hoặc từ xeton từ chất béo. Trong khi các tế bào ung thư lại chỉ sử dụng năng lượng dưới dạng glucose. Các chế độ này cho rằng việc giảm tinh bột, giảm đường trong máu sẽ chặn nhiên liệu của các tế bào ung thư và lâu dài sẽ giảm kích thước và tiêu diệt khối u.

Ghi chú: (*) Hiệu ứng Warburg là một hiện tượng trao đổi chất của tế bào ung thư được phát hiện bởi Otto Warburg vào năm 1924. Những phát hiện của ông đã chỉ ra rằng các tế bào ung thư dùng glucose chủ yếu quá trình đường giải hiếu khí (aerobic glycolysis) để sinh ra năng lượng thay vì quá trình oxi-phosphoryl hóa (oxidative phosphorylation ) ở ti thể như các tế bào bình thường.

Tuy nhiên, rất nhiều nghiên cứu mới đã chứng minh rằng “hiệu ứng Walburg” chỉ là thứ phát của một số đột biến gen tác động đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Do đó, việc chữa trị triệt để cần nhắm tới các yếu tố gen di truyền, giải mã và dịch mã gen chứ không chỉ đơn thuần là cắt giảm một nhóm thực phẩm nào đó.

Hơn thế nữa, mặc dù cắt giảm tinh bột, cơ thể vẫn tạo ra glucose thông qua quá trình gluconeogenesis từ các phân tử không phải carbohydrate như protein, chất béo. Và các tế bào ung thư vẫn có thể sử dụng các nguồn nhiên liệu khác ngoài glucose như glutamine và các axit béo (theo Giáo sư Đặng Văn Chí, Giám đốc Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig, Mỹ). Vì vậy, một chế độ ăn ít carbohydrate chỉ làm chậm tăng trưởng chứ không thể “bỏ đói” các tế bào ung thư.

Tóm lại: Chế độ ăn ketogenic nhắm tới việc giảm lượng đường trong máu, “bỏ đói” các tế bào ung thư và giảm sự phát triển của khối u. Tuy nhiên, các tế bào ung thư vẫn có khả năng sử dụng nguồn nhiên liệu khác ngoài glucose. Vẫn chưa đủ chứng minh khoa học cho thấy cắt giảm tinh bột từ chế độ ăn ketogenic có thể là phương pháp điều trị thay thế cho ung thư.

Các lợi ích khác của chế độ ăn ketogenic đối với việc giảm nguy cơ mắc hoặc hỗ trợ điều trị ung thư

Mặc dù vậy, một số tác động tích cực khác đến từ việc giảm bớt carbohydrate bằng ketogenic được cho là giúp giảm nguy cơ mắc hoặc có thể bổ trợ cho quá trình điều trị ung thư. Các yếu tố được cải thiện gồm: nồng insulin và mức độ lưu hành của IGF-1, đường huyết và nguy cơ béo phì.

1. Có thể làm giảm mức IGF-1

Chế độ ăn ít carbohydrate cũng dẫn đến việc giảm mức độ hormone insulin và yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1). Điều này có thể gián tiếp làm cho tế bào ung thư nhận được ít hơn tín hiệu để kích thích phát triển.

Điều này có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư hoặc làm chậm sự phát triển của khối u về lâu dài.

 

Nguồn ảnh: Unsplash/ Louis Hansel

2. Có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu và bệnh tiểu đường

Các bằng chứng khác cho thấy rằng những người có lượng đường trong máu cao và mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ phát triển ung thư cao hơn.

Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn ketogenic rất hiệu quả trong việc giảm lượng đường trong máu và có thể giúp kiểm soát bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng theo chế độ ăn kiêng này trong một thời gian dài. Vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài của chế độ ăn kiêng này đến sức khỏe.

3. Có thể ngăn béo phì

Vì chế độ ăn ketogenic là một biện pháp giảm cân. Nó cũng có thể giúp giảm nguy cơ ung thư bằng cách chống lại bệnh béo phì.

Giảm lượng tinh bột giúp nhanh chóng giảm lượng calo nạp vào, làm giảm năng lượng có sẵn cho các tế bào ung thư trong cơ thể bạn. Điều này có thể làm chậm sự phát triển của khối u.

Tóm lại: Chế độ ăn ketogenic có thể làm giảm mức IGF-1, kiểm soát lượng đường trong máu, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và béo phì. Những yếu tố này có thể dẫn đến giảm nguy cơ phát triển ung thư ngay từ đầu.

Nghiên cứu ở động vật về ảnh hưởng của chế độ ăn ketogenic đối với ung thư

Các nhà khoa học đã nghiên cứu việc sử dụng ketogenic như một liệu pháp điều trị ung thư thay thế hoặc hỗ trợ trong nhiều thập kỷ, đa số chỉ mới được thử nghiệm trên động vật.

Nguồn ảnh: Unsplash/ Oxana Golubets

Tế bào ung thư không thể sử dụng xeton làm nhiên liệu. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy chế độ ăn ketogenic có khả năng làm giảm sự phát triển của khối u và cải thiện tỷ lệ sống sót.

Cụ thể, một nghiên cứu thử nghiệm chế độ ăn ketogenic ở những con chuột bị ung thư di căn. Khi so sánh với chế độ ăn bình thường, chế độ ăn keto đã làm chậm tốc độ phát triển của khối u và làm tăng thời gian sống sót trung bình của chuột lên 56,7% (tương đương khoảng 17 ngày). Con số này tăng lên 77,9% (hoặc khoảng 24 ngày) khi kết hợp với liệu pháp oxy.

Một nghiên cứu khác cho thấy việc sử dụng chế độ ăn rất ít tinh bột (chỉ 0,1% lượng calo đến từ carb) để hạn chế lượng đường có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của ung thư biểu mô tế bào vảy (Squamous Cell Carcinoma/ SCC) ở phổi hoặc thực quản. Cần nhấn mạnh rằng chỉ riêng chế độ ăn ketogenic hoặc thuốc hóa trị cisplatin không giúp thu nhỏ các khối u. Tuy nhiên, kết hợp hai phương pháp này lại có hiệu quả trong việc giảm kích cỡ u. Chế độ ăn này thậm chí còn hiệu quả cản trở u phát triển hơn khi nó được kết hợp với thuốc tiểu đường canagliflozin.

Một số thành viên thuộc nhóm nghiên cứu này cũng đã nhận thấy loại ung thư biểu mô tế bào vảy SCC thường phụ thuộc vào năng lượng từ glucose nhiều hơn so với các loại ung thư khác như ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma).

Trong một số trường hợp, giảm mức insulin từ ketogenic có thể làm tăng hiệu quả hoạt động các chất ức chế phosphoinositide 3-kinase (PI3K) dùng trong liệu pháp nhắm đích (targeted therapy) trong điều trị ung thư.

Tóm lại: Đa số các nghiên cứu ở động vật đều cho kết quả lạc quan về việc dùng chế độ ăn ketogenic như một phương pháp điều trị bổ sung cho bệnh ung thư.

Nghiên cứu lâm sàng ở người về ảnh hưởng chế độ ăn keto và ung thư

Khác với những bằng chứng đầy hứa hẹn từ nghiên cứu trên động vật, nghiên cứu ở người còn hạn chế ở khả năng làm giảm kích thước khối u và ngăn tiến triển của một số bệnh ung thư khi kết hợp cùng liệu pháp điều trị tiêu chuẩn.

1. Ung thư não

Phần lớn các nghiên cứu về ung thư đều xem xét các u nguyên bào thần kinh đệm (glioblastoma), là loại u não có độ ác cao, thường phát triển khá nhanh.

Nguồn ảnh: Unsplash/ National Cancer Institute

Một trong những thử nghiệm đầu tiên được ghi nhận vào năm 1995 về trường hợp của hai bệnh nhi ung thư não (u sao bào astrocytoma giai đoạn muộn). Sau 7 ngày dùng ketogenic (60% calo từ chất béo), đường máu giảm xuống mức thấp, xeton trong máu tăng 20-30 lần và giảm 21,8% hấp thu glucose tại vị trí khối u. Một trong hai cô gái thực hiện ketogenic trong vòng 12 tháng ghi nhận những cải thiện đáng kể về thể trạng, tâm lý và ung thư đã không tiến triển trong suốt thời gian này.

Một nghiên cứu khác năm 2010 về tác dụng của kết hợp phẫu thuật và ketogenic trong việc điều trị u nguyên bào thần kinh đệm. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân nữ 65 tuổi thực hiện ketogenic nghiêm ngặt, rất ít calo. Liệu pháp này cho thấy khả năng làm chậm đáng kể tốc độ phát triển khối u. Sau khi quay về chế độ dinh dưỡng bình thường khoảng 10 tuần, khối u phát triển nhanh trở lại.

Trong một nghiên cứu khác, 3 trong số 5 người bị u thần kinh đệm (glioma) đã thuyên giảm hoàn toàn (complete remission) sau khi kết hợp ketogenic với xạ trị hoặc hóa trị. Ở hai người còn lại, ung thư tái phát sau khi ngừng chế độ ăn ketogenic.

2. Các loại ung thư khác

Thực hiện ketogenic trong 12 tuần có thể cải thiện đáng kể thể trạng và tâm lý ở phụ nữ bị ung thư buồng trứng (ovarian) hoặc ung thư nội mạc tử cung (endometrial).

Môi trường vi mô của tế bào u buồng trứng (Nguồn ảnh: Unsplash/ National Cancer Institute)

Khi so sánh với các chế độ dinh dưỡng khác như chế độ ăn ít béo, giàu chất xơ của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), kết quả từ ketogenic lại khả quan hơn. Những người thực hiện ketogenic cho biết họ có thể dễ dàng hoàn thành các hoạt động thể chất như leo cầu thang hoặc di chuyển bàn ghế. Họ cũng cảm thấy năng lượng cải thiện, giảm cảm giác thèm các món nhiều tinh bột và dầu mỡ như thức ăn nhanh fastfood, pizza.

Chế độ ăn ketogenic cũng có thể giúp làm giảm các tác dụng phụ như chán ăn và suy nhược thường thấy ở các phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Trong một nghiên cứu ở 81 người bệnh dùng xạ trị, hóa trị hoặc cả hai, các kết quả cho thấy ketogenic giúp giảm béo ở những người bị ung thư trực tràng hoặc ung thư vú trong khi vẫn duy trì khối lượng cơ xương.

3. Nghiên cứu chất lượng cuộc sống

Nguồn ảnh: Unsplash/ National Cancer Institute

Một nghiên cứu về chất lượng cuộc sống đã điều tra tác động của chế độ ăn ketogenic ở 16 người ung thư giai đoạn cuối.

5 người trong số này thực hiện ketogenic trong toàn bộ thời gian thử nghiệm 3 tháng. Họ cho biết tâm trạng cải thiện, giảm chứng mất ngủ và không có bất kỳ tác dụng phụ nào từ ketogenic.

Mặc dù vậy, ketogenic vẫn không giúp giảm cảm giác mệt mỏi hoặc đau đớn ở các bệnh nhân giai đoạn này. Mặt khác, tỷ lệ tuân thủ tương đối thấp cho thấy rất ít người có thể thực hiện chế độ ăn này.

Những người khác dừng nghiên cứu vì cho rằng thực đơn quá nghiêm ngặt hoặc vì lý do cá nhân. Hai người trong số này tử vong sớm.

Tóm lại: Một vài nghiên cứu và báo cáo ở người cho rằng chế độ ăn ketogenic có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh ung thư. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đưa ra khuyến nghị cụ thể dựa trên kết quả từ nghiên cứu ở người hiện nay.

Những bất lợi có thể đến từ việc thực hiện ketogenic ở bệnh nhân ung thư

Chế độ ăn ketogenic có những lợi ích cho sức khỏe, nhưng nó cũng đi kèm với rủi ro nhất định. Trái với các kết quả nghiên cứu khả quan, vẫn chưa có tổ chức ung thư uy tín nào khuyến nghị chế độ ăn ketogenic như một biện pháp ngăn ngừa ung thư hoặc điều trị ung thư.

Ketogenic là một chế độ ăn uống rất giàu chất béo, có thể làm tăng cholesterol xấu ở người bệnh. Cắt giảm một nhóm chất dinh dưỡng bất kỳ có thể dẫn đến nguy cơ thiếu hụt các nguyên tố vi lượng như chromium, selenium, kẽm, đồng,v.v.

Nguồn ảnh: Unsplash/ Alex Munsell

Chế độ ăn ít tinh bột thường có nguy cơ không cung cấp đủ năng lượng cho những người đang điều trị ung thư theo biện pháp tiêu chuẩn. Bản chất hạn chế của ketogenic còn có thể khắc nghiệt đối với một số bệnh nhân ung thư, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì thực hiện.

Chế độ dinh dưỡng này có thể không áp dụng được cho thể trạng hay bệnh tình của bạn và thậm chí phản tác dụng. Nếu bạn muốn thử chế độ ăn ketogenic, hãy nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa. Họ có thể giúp bạn đánh giá xem chế độ ăn này có phù hợp với mình hay không.

Thông điệp cần nhớ

Chế độ ăn ketogenic mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo các nghiên cứu trên động vật và một số nghiên cứu ban đầu ở người, ketogenic cũng có thể dùng để hỗ trợ các biện pháp điều trị tiêu chuẩn hoặc giảm yếu tố nguy cơ gây ung thư. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đưa ra khuyến nghị cụ thể về ứng dụng ketogenic trong điều trị ung thư dựa trên những nghiên cứu ở người hiện nay.

Các phương pháp y khoa chính thống hiện nay đều đã được nghiên cứu phát triển và ứng dụng hiệu quả trong việc điều trị nhiều loại ung thư phổ biến. Tốt nhất bạn vẫn nên trao đổi với của bác sĩ chuyên khoa ung thư để có những lựa chọn điều trị phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

https://www.healthline.com/nutrition/ketogenic-diet-to-fight-cancer

“The Warburg Effect and Its Role in Cancer Detection and Therapy” – Ethan Christ, COLUMBIA UNIVERSITY 2009

https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf

https://www.nytimes.com/2016/05/15/magazine/warburg-effect-an-old-idea-revived-starve-cancer-to-death.html