Chủ Nhật, 06/04/2025
Dinh dưỡng Dinh dưỡng cho mẹ và bé Tầm quan trọng của vitamin thai kỳ

Tầm quan trọng của vitamin thai kỳ

Bài viết thứ 59 trong 68 bài thuộc ebook Dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai
 

Vitamin thai kỳ (prenatal vitamin) có thực sự cần thiết không?

Có. Thật khó để có được tất cả các chất dinh dưỡng cần cho bạn và em bé của bạn, ngay cả khi chế độ ăn uống của bạn là gần như hoàn hảo và bạn ăn đa dạng các loại thực phẩm, bao gồm thịt, sản phẩm từ sữa, trái cây, rau, ngũ cốc và các loại đậu.

Hầu hết phụ nữ có thể có lợi từ việc uống chế phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất thai kỳ (tốt nhất là trước khi họ muốn thụ thai). Hãy nghĩ về nó như một giải pháp để đảm bảo rằng bạn đang nhận được đúng lượng các chất dinh dưỡng quan trọng trong suốt thai kỳ.

Uống vitamin thai kỳ thậm chí còn quan trọng hơn đối với những phụ nữ có những hạn chế trong ăn uống, có các vấn đề về sức khỏe, hoặc có các biến chứng khi mang thai. Điều này bao gồm những phụ nữ:

  • Là người ăn chay trường hoặc người ăn chay thường
  • Không dung nạp được lactose hoặc thực phẩm khác
  • Hút thuốc hoặc lạm dụng các chất gây nghiện khác
  • Mắc chứng rối loạn máu nào đó
  • Mắc bệnh mãn tính
  • Đã trải qua phẫu thuật dạ dày
  • Đang mang thai song sinh hoặc nhiều hơn 

Vitamin thai kỳ có chứa những gì mà tôi không thể nhận được từ thực phẩm?

Hai chất dinh dưỡng quan trọng, axit folic và sắt, luôn có trong vitamin thai kỳ vì hầu hết phụ nữ mang thai không có đủ chúng nếu chỉ từ thức ăn.

Axit folic

Nhận được đủ vitamin B này trong tháng trước khi thụ thai và trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thể làm giảm nguy cơ em bé bị dị tật ống thần kinh như tật nứt đốt sống và thiếu não từ 50 đến 70 %. Axit folic cũng có thể làm giảm nguy cơ dị tật khác, chẳng hạn như sứt môi, hở hàm ếch và các khuyết tật về tim. Uống axit folic thậm chí có thể làm giảm nguy cơ tiền sản giật.

Cơ thể bạn hấp thụ các dạng axit folic tổng hợp tốt hơn so với dạng tự nhiên được tìm thấy trong thực phẩm, vì vậy ngay cả khi bạn ăn một chế độ ăn uống cân bằng, bạn vẫn nên sử dụng thêm chế phẩm bổ sung cho axit folic này.

Để biết thêm chi tiết, xem bài viết đầy đủ của chúng tôi về axit folic trong chế độ ăn uống khi bạn mang thai (liên kết đến 1.b.a.20).

Sắt

Hầu hết những phụ nữ sắp làm mẹ không có đủ khoáng chất này trong chế độ ăn uống của họ để đáp ứng nhu cầu tăng lên của cơ thể khi mang thai, điều này có thể dẫn đến bệnh thiếu máu do thiếu sắt (liên kết đến 1.b.a.21). Việc phòng tránh bệnh thiếu máu do thiếu sắt có thể làm giảm nguy cơ sinh non, cân nặng sơ sinh thấp và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Để biết thêm chi tiết, xem bài viết đầy đủ của chúng tôi về sắt trong chế độ ăn uống khi mang thai của bạn (liên kết đến 1.b.a.22).

Những chất dinh dưỡng nào mà tôi cần nhưng lại không có trong vitamin thai kỳ?

Canxi

Vitamin thai kỳ của bạn có thể có chứa canxi, nhưng có khả năng cao là nó không đủ. Bạn cần canxi để giúp em bé của bạn phát triển xương và răng, cũng như các dây thần kinh và cơ bắp khỏe mạnh (bao gồm tim).

Hầu hết các vitamin thai kỳ có chứa từ 100 đến 200 milligram (mg) canxi, nhưng một số loại thì hoàn toàn không chứa canxi. Đó là vì canxi là một khoáng chất có tỷ trọng thấp nên tốn nhiều thể tích, và những viên thuốc vitamin thai kỳ vốn đã đủ lớn rồi!

Để tìm ra bạn cần bao nhiêu canxi và làm thế nào để có được nó, hãy xem bài viết đầy đủ của chúng tôi về canxi trong chế độ ăn khi bạn mang thai (liên kết đến 1.b.a.12).

Axit béo thiết yếu

Vitamin thai kỳ không chứa các axit béo thiết yếu, chẳng hạn như các axit béo omega-3 DHA và EPA, những axit béo này rất quan trọng cho sự phát triển của não, thần kinh và mô mắt của bé.

Cá là một nguồn chính chứa DHA và EPA, nhưng bạn phải cẩn thận việc không ăn quá nhiều cá có hàm lượng thủy ngân cao trong khi bạn đang mang thai.

Bởi vì omega-3 rất quan trọng đối với em bé của bạn, bạn nên nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc bạn có nên dùng chế phẩm bổ sung hay không.

Tìm hiểu thêm:

Chất béo trong chế độ ăn uống thai kỳ (liên kết đến 1.b.a.23)

Ăn cá khi mang thai 

Uống bổ sung dầu cá trong thai kỳ 

Vitamin D

Cơ thể bạn cần vitamin tan trong chất béo này để giúp xây dựng xương và răng của bé. Vitamin D đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì mức canxi và phốt pho.

Nếu bạn đang thiếu vitamin D trong thời gian mang thai, em bé của bạn lúc sinh ra có thể sẽ bị thiếu vitamin này. Điều này có thể dẫn đến em bé  có nguy cơ bị còi xương (có thể dẫn đến gãy xương và biến dạng), tăng trưởng xương bất thường và chậm phát triển thể chất. Sự thiếu hụt vitamin D cũng có liên quan đến những biến chứng thai kỳ như là tiền sản giật và bệnh tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên cần có thêm những nghiên cứu để xác thực mối liên quan này.

Để tìm ra bạn cần bao nhiêu vitamin D và làm thế nào để có được nó, hãy xem thêm bài viết đầy đủ của chúng tôi về vitamin D trong chế độ ăn uống khi mang thai.

Tôi nên bắt đầu uống vitamin thai kỳ khi nào?

Dùng vitamin thai kỳ mỗi ngày ngay sau khi bạn nhận ra là mình mang thai.

Bởi vì axit folic rất quan trọng trong những tuần đầu tiên của thai kỳ, tốt hơn là bạn nên bắt đầu dùng vitamin thai kỳ trước khi bạn thụ thai – đó là lý do tại sao nhiều bác sĩ khuyên điều này cho những phụ nữ dự tính có thai.

Dùng vitamin thai lỳ ít nhất 3 tháng trước khi thụ thai cũng giúp làm giảm sự ốm nghén trong khi mang thai. Và nếu bạn cho con bú mẹ, bác sĩ có thể khuyên bạn nên tiếp tục dùng vitamin thai kỳ thậm chí là sau khi sinh.

Làm thế nào để chọn đúng loại vitamin thai kỳ cho tôi?

Không may là, không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho các chế phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất bởi vì Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa kỳ không qui định điều đó. Điều đó có nghĩa là nó tùy thuộc vào bạn và bác sĩ của bạn nhằm đảm bảo bạn có một sự lựa chọn an toàn và phù hợp cho bạn. (Xem bài báo của chúng tôi về việc mua chế phẩm bổ sung để được hướng dẫn thêm.)

Tại lần khám trước khi sinh đầu tiên của bạn hoặc tại lần khám định kì, bác sĩ của bạn có thể sẽ kê toa vitamin uống hằng ngày hoặc giới thiệu một số nhãn hiệu không kê toa.

Một chế phẩm bổ sung tốt sẽ cung cấp một số chất dinh dưỡng nhất định (chẳng hạn như axit folic và sắt) mà bạn có thể không thể nhận được đủ từ chế độ ăn uống của bạn. Nhưng nó cũng cung cấp những chất dinh dưỡng khác ở liều lượng thấp hơn liều lượng được cho là gây hại cho bé – đặc biệt là vitamin A.

Vitamin A có nguồn gốc từ sản phẩm động vật có thể gây ra dị tật bẩm sinh khi dùng ở liều cao. Đó là lý do tại sao các vitamin A trong hầu hết các vitamin thai kỳ ít nhất có một phần ở dạng beta-carotene.

Beta-carotene là một chất dinh dưỡng được tìm thấy trong trái cây và rau quả mà cơ thể có thể chuyển hóa thành vitamin A. Không giống như vitamin A từ sản phẩm động vật, beta-carotene được coi là an toàn thậm chí ở liều cao.

Lưu ý: Bạn không được dùng bất kỳ chế phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất nào khác trong thời gian bạn dùng chế phẩm bổ sung thai kỳ trừ phi có sự chỉ định của bác sĩ.

Nếu tôi nhầm lẫn dùng hai viên vitamin thai kỳ trong cùng ngày?

Đừng lo lắng. Uống gấp đôi số lượng được đề nghị cho các dưỡng chất trên chỉ một ngày sẽ không làm hại bạn hoặc em bé của bạn. Nhưng việc dùng liều gấp đôi thường xuyên hơn có thể có hại, vì vậy điều quan trọng là không nên tạo thói quen đó.

Nếu vì một số lý do gì đó bác sĩ khuyên bạn nên dùng một chất dinh dưỡng nhất định (ví dụ sắt hoặc canxi) với liều cao hơn liều có sẵn trong vitamin thai kỳ thì bạn nên dùng thêm chế phẩm bổ sung riêng biệt cho chất dinh dưỡng đó để đạt được hàm lượng mong muốn.

Nếu tôi gặp khó khăn khi nuốt những viên thuốc?

Những viên thuốc vitamin thai kỳ thường khá lớn. Một số phụ nữ mang thai cảm thấy khó nuốt, đặc biệt là khi họ đang đối phó với những cơn buồn nôn.

Nếu đây là vấn đề của bạn, bác sĩ có thể kê loại viên thuốc nhỏ hơn hoặc loại có phủ với một lớp bóng mượt làm cho chúng dễ nuốt hơn. (Thuốc không chứa canxi thường nhỏ hơn và bạn có thể nhận được canxi bằng cách khác.)

Vitamin thai kỳ dạng nhai cũng có mặt trên thị trường. Thậm chí còn có loại dạng bột mà bạn có thể trộn với nước. Vì vậy, nếu bạn không thích một dạng nào đó, hãy thử các dạng khác để tìm ra dạng thích hợp với bạn.

Nếu các vitamin làm rối loạn dạ dày của tôi?

Nếu bạn đang uống bổ sung sắt nhiều hơn lượng đề nghị là 30 mg, nó có thể gây rối loạn đường tiêu hóa của bạn. (Bổ sung 30 mg hoặc ít hơn sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề gì cho bạn.)

Để tránh buồn nôn, bạn hãy thử uống chế phẩm bổ sung trước khi đi ngủ hoặc dùng với bữa ăn để làm dạ dày dễ chịu hơn.

Uống rất nhiều sắt còn có thể dẫn đến táo bón, vốn đã là vấn đề đối với nhiều phụ nữ mang thai. Nó cũng có thể gây ra buồn nôn, hoặc đôi khi là tiêu chảy.

Nếu sắt dường như làm đau dạ dày của bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn. Nếu bạn không bị thiếu máu, có thể chuyển sang dùng một loại vitamin thai kỳ chứa ít sắt hơn. Nếu không thì bạn có thể tìm cách làm giảm sự táo bón như là:

  • Uống nước ép mận
  • Ăn 2-3 khẩu phần trái cây mỗi ngày
  • Dùng chế phẩm bổ sung chất xơ psyllium

Tài liệu tham khảo

http://www.babycenter.com/0_prenatal-vitamins-a-nutritional-insurance-policy_287.bc?showAll=true