Thứ Năm, 08/06/2023
Dinh dưỡng Dinh dưỡng cho mẹ và bé Uống trà thảo mộc trong thời kỳ mang thai

Uống trà thảo mộc trong thời kỳ mang thai

Bài viết thứ 61 trong 68 bài thuộc ebook Dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai
 

Có nên uống trà thảo mộc trong khi mang thai?

Nhiều chị em khi mang thai kiêng caffeine, cồn, nicotine, và những loại thuốc không cần thiết, nhưng lại không đắn đo gì khi uống trà thảo mộc. Và không phải ai cũng biết rằng trà thảo mộc cũng có thể tác động đến cơ thể người mẹ và gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.

Khác với các loại thuốc cần kê toa và không kê toa, cơ quan thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) lại không có đánh giá riêng về độ an toàn và hiệu quả đối với trà thảo mộc. Hầu hết các thành phần trong trà thảo mộc an toàn với hàm lượng nhỏ, nhưng một số khác thì không. Hiện tại, chỉ một số ít thành phần thảo mộc trong trà được nghiên cứu an toàn cụ thể cho phụ nữ mang thai. Vì vậy, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng các loại trà thảo mộc.

Làm sao để phân biệt được loại trà thảo mộc nào có thể dùng được cho mẹ bầu?

Phụ nữ mang thai cần cân nhắc đối với các loại trà có nhãn dành riêng cho phụ nữ mang thai được bán ở siêu thị hay cửa hàng. Trong khi những nhà sản xuất trà này quảng bá sản phẩm của họ có lợi cho sức khỏe của các bà mẹ, chưa có một nghiên cứu lâm sàng nào chứng minh cho tuyên bố trên, và chưa có quy định cụ thể về độ an toàn của các thành phần này trong trà.

Trà dành cho người mang thai thường bao gồm những thành phần như linh thảo, hạt thì là, lá sả, cỏ đuôi ngựa, lá tầm ma, tầm xuân và lá dâu tây. Tất cả các thành phần này đều không an toàn nếu dùng xuyên suốt thai kỳ, ví dụ: lá tầm ma có thể gây kích thích tử cung và sinh non.

Trà được làm từ thảo mộc như bạc hà và xạ hương (thyme) có thể an toàn khi thỉnh thoảng uống với lượng nhỏ lúc đang mang thai hoặc cho con bú.

Gừng cũng thường được thêm vào trà để làm giảm tình trạng ốm nghén trong quá trình mang thai và đã có nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả và an toàn của nó cho mục đích này. Tuy nhiên cũng có một số bằng chứng cho thấy ảnh hưởng của nó đến hormone giới tính của thai nhi. Vì thế trước khi uống trà gừng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn.

Lưu ý: phụ nữ mang thai vẫn có thể ăn những loại thực phẩm chứa thảo mộc như hương thảo và hồi vì hàm lượng của chúng trong thực phẩm thấp hơn so với trong trà và hoạt tính chúng cũng bị giảm đi so với dùng trong trà.

Những loại trà nào không nên dùng trong thai kỳ?

Nhiều loại thảo mộc trong trà khi dùng với số lượng lớn có thể gây hại do công nghệ sản xuất trà làm cô đặc những chất hóa học có trong thảo mộc. Một vài thành phần này có thể làm tăng tỉ lệ sảy thai, sinh non và trẻ sinh ra nhẹ cân.

Những loại thảo mộc có thể gây hại như hồi, gừng, hoa chanh, tầm xuân, bạc hà mèo (catnip), hoa cúc La Mã, liên mộc (comfrey), ma hoàng (ephedra, loại thảo mộc thường dùng trong y học Trung Hoa, bị cấm ở Mỹ từ 2004), tầm gửi châu Âu, cây dâm bụt, bạc hà đắng, Labrador, sả, rễ cam thảo, ngải cứu, bạc hà hăng (pennyroyal), lá mâm xôi, hương thảo, cây xô thơm, cây de vàng (sassafras), lá cây tầm ma, cỏ hướng bài (vetiver), dương kỳ thảo (yarrow).

Mặc dù một số hộ sinh sử dụng lá mâm xôi (lá mâm xôi đỏ) để hỗ trợ việc sinh nở nhưng hiệu quả của nó vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Chỉ nên dùng nó trong khoảng thời gian ngắn và có sự giám sát của bác sĩ chuyên môn.

Đặc biệt, không nên sử dụng những loại thảo mộc dưới đây lúc đang mang thai hoặc cho con bú:

  • Coca có thể chứa lượng nhỏ cocaine, theo cơ quan chống ma túy Hoa Kỳ.
  • Liên mộc, rễ hồ tiêu (kava), xa điệp hương (woodruff) có thể gây hại cho gan.
  • Mate (yerba mate) có thể chứa nhiều caffeine hơn cà phê.

Cách chọn những loại trà thảo mộc an toàn

Nếu bạn thích trà thảo mộc, hãy kiểm tra nhãn của hộp trà và chú ý những thành phần không an toàn hoặc không quen thuộc.

Thậm chí trà tự làm cũng chỉ nên sử dụng ở mức vừa phải vì vẫn chưa có kết luận rõ rang về tác động của những loại thảo mộc đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú. Uống quá nhiều bất kỳ loại trà thảo mộc nào cũng có ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của mẹ và bé. Không nên tự làm trà từ bất cứ bộ phận nào của thực vật nếu không biết rõ về ảnh hưởng lâu dài của chúng nếu dùng trong suốt thai kỳ.

Tài liệu tham khảo

http://www.babycenter.com/0_herbal-teas-during-pregnancy_3537.bc