Nội dung chính
Nhu cầu muối và natri của trẻ sơ sinh và trẻ em
Trẻ sơ sinh và trẻ em chỉ cần một lượng nhỏ muối trong khẩu phần ăn. Tuy nhiên, thức ăn từ cửa hàng bạn mua cho trẻ (trừ loại thực phẩm không muối dành cho trẻ) lại thường chứa nhiều muối, ví dụ như phở, hủ tíu, bánh mì, các loại hạt rang (muối), ngay cả bánh quy cũng có.
Lượng muối tối đa được khuyến cáo cho trẻ sơ sinh và trẻ em là :
- Với bé dưới 12 tháng tuổi: ít hơn 1 gam/ngày (ít hơn 0,4 gam natri)
- Trẻ em từ 1 đến 3 tuổi: 2 gam/ngày (0,8 gam natri)
- Trẻ em từ 4 đến 6 tuổi: 3 gam/ngày (1,2 gam natri)
- Trẻ em từ 7 đến 10 tuổi: 5 gam/ngày (2 gam natri)
- Trẻ em trên 11 tuổi: 6 gam/ngày (2,4 gam natri)
Lưu ý rằng trẻ sơ sinh bú sữa mẹ đã được cung cấp đủ lượng muối cần thiết qua nguồn sữa mẹ. Sữa công thức cũng chứa lượng muối tượng tự như sữa mẹ.
Ngoài ra, hầu hết thực phẩm tự nhiên đều chứa natri. Khi bạn bắt đầu cho trẻ ăn dặm (khi trẻ được sáu tháng tuổi trở đi), hãy nhớ rằng không thêm muối vào thức ăn dặm vì thận của trẻ không dung nạp được nhiều muối. Bạn cũng nên tránh cho trẻ dùng thức ăn được chế biến sẵn, không dành riêng cho trẻ như phở, hủ tíu, ngũ cốc ăn sáng… vì chúng có thể chứa một lượng muối khá cao.
Lời khuyên về cách lựa chọn thực phẩm ít muối cho trẻ
Nhiều thức ăn được ghi nhãn dành cho trẻ em nhưng vẫn có thể chứa khá nhiều muối. Cho nên việc kiểm tra thông tin dinh dưỡng trước khi mua rất quan trọng. Thông thường, hàm lượng muối được hiển thị qua lượng natri trong một khẩu phần thức ăn.
Nhìn chung, thực phẩm có chứa hơn 0,6 gam (600 miligam) natri trong 100 gam thực phẩm được coi là chứa nhiều muối. Bạn có thể tính được lượng muối trong thực phẩm bằng cách nhân lượng natri với 2,5. Ví dụ, một loại thực phẩm có chứa 1 gam natri trong 100 gam thực phẩm, có nghĩa là thực phẩm này chứa 2,5 gam muối trong 100 gam.
Bạn có thể giảm lượng muối cho con mình bằng cách tránh xa đồ ăn vặt có vị mặn như khoai tây chiên, bánh quy, hay các loại nước phở, hủ tíu dành cho người lớn. Thay vào đó hãy đổi thành đồ ăn nhẹ có ít muối, hay tốt nhất là do bạn tự nấu để đảm bảo thành phần nguyên liệu. Với các đồ ăn nhẹ, hãy thử những thức ăn tốt cho sức khỏe như trái cây sấy khô, rau củ cắt lát, trái cây cắt nhỏ cho thức ăn đa dạng phong phú.
Kết luận: Giảm các món ăn nhiều muối cũng đồng nghĩa với việc bạn đang giúp con tạo thói quen không thích ăn mặn, sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực dài lâu cho sức khỏe của con trẻ.
Tài liệu tham khảo
https://www.nhs.uk/common-health-questions/childrens-health/how-much-salt-do-babies-and-children-need/