Nội dung chính
Chất sắt đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin cần thiết về chất sắt như: con bạn cần bao nhiêu chất sắt, nguồn cung cấp chất sắt tốt nhất và làm sao để bé tránh nhận quá nhiều hoặc quá ít chất sắt.
Tìm hiểu thêm: 10 dưỡng chất quan trọng cho trẻ em.
Tại sao chất sắt lại quan trọng?
Sắt là thành phần quan trọng để sản xuất hemoglobin – một loại sắc tố đỏ có vai trò vận chuyển oxy trong máu – và myoglobin – một loại sắc tố lưu trữ oxy trong cơ bắp. Thiếu sắt là tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến nhất tại Hoa Kỳ và thiếu sắt có thể gây thiếu máu dẫn đến mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
Chất sắt còn ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ, do đó thiếu máu có thể gây ra những tác động xấu đến phát triển nhận thức của trẻ. Tình trạng thiếu sắt nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.
Con của bạn cần bao nhiêu sắt?
Lứa tuổi 1-3 tuổi: 7 mg mỗi ngày
Lứa tuổi 4-8 tuổi: 10 mg mỗi ngày
Nếu con bạn ăn chay, nên tăng gấp đôi lượng sắt cho bé vì cơ thể khó hấp thụ sắt có nguồn gốc từ thực vật.
Bé không cần phải đạt đủ lượng chất sắt cần thiết mỗi ngày. Thay vào đó, bạn nên tính lượng chất sắt trung bình được khuyến nghị trong một vài ngày hoặc một tuần.
Chất sắt từ nguồn động vật và nguồn thực vật khác nhau như thế nào?
Sắt heme – có nguồn gốc động vật như thịt, hải sản và gia cầm – được cơ thể hấp thụ dễ dàng. Trái lại, cơ thể cần được hỗ trợ mới hấp thụ được sắt non-heme, được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau có lá xanh đậm, các loại đậu, bánh mì và ngũ cốc tăng cường, và trái cây khô. Tuy nhiên lưu ý rằng lòng đỏ trứng cũng chứa chủ yếu sắt non-heme.
Bạn có thể tăng khả năng hấp thụ chất sắt non-heme cho cơ thể bằng cách chế biến cùng với các loại thức ăn giàu sắt heme hoặc thực phẩm giàu vitamin C như nước cam, cam, dâu tây, ớt chuông xanh và đỏ, đu đủ, bông cải xanh, bưởi chùm, dưa lưới, cà chua, bông cải xanh, xoài và khoai lang.
Điều này đặc biệt quan trọng đối với trẻ em ăn chay: bé cần ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt với thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường sự hấp thụ sắt vào cơ thể.
Nguồn cung cấp chất sắt tốt nhất
Sắt có thể được tìm thấy trong nhiều loại thức ăn. Dưới đây là một số nguồn cung cấp chất sắt rất tốt:
- 1/2 chén ngũ cốc tăng cường, loại ăn liền: 12 mg
- 1/2 chén bột yến mạch tăng cường, hoà với nước: 5 mg
- 1/4 chén đậu hũ: 2,22 mg (Hàm lượng sắt trong đậu hũ thay đổi tuỳ theo từng loại, vì vậy hãy kiểm tra nhãn để biết hàm lượng sắt có trong sản phẩm.)
- 1/4 chén đậu nành: 2 mg
- 1/4 chén đậu lăng luộc: 2 mg
- 1/4 chén đậu hầm với thịt lợn và nước sốt cà chua: 2 mg
- 1/4 chén đậu navy: 1 mg
- 1/4 chén đậu thận (kidney bean): 1 mg
- 1 oz (28-29 g) thịt bò nạc om: 1 mg
- 1 muỗng cà phê mật đường: 1 mg
- 1/2 miếng thịt hamburger nướng vừa chín (1,5 oz), 95 % nạc: 1 mg
- 1/4 chén đậu garbanzo: 1 mg
- 1/4 chén rau bina đông lạnh nấu chín: 0,9 mg
- 1/4 chén đậu đen: 0,9 mg
- 1/4 chén đậu pinto: 0,9 mg
- 1 lát bánh mì: 0,9 mg
- 1/4 chén nho khô: 0,7 mg
Lượng sắt trong thực phẩm có đôi chút khác, tùy thuộc vào thương hiệu của sản phẩm hoặc vị trí của miếng thịt (đùi, sườn hay cốt lết). Lưu ý rằng nho khô và thực phẩm có hạt thô to khác (như đậu) đều dễ gây nghẹn cho trẻ nhỏ. Nhớ nghiền hoặc cắt thành miếng nhỏ khi cho trẻ ăn.
Trẻ em có thể ăn nhiều hoặc ít hơn số lượng nêu trên tùy vào độ tuổi và khẩu vị của trẻ. Hãy ước lượng hàm lượng dinh dưỡng phù hợp cho trẻ.
Liệu bé có nhận quá nhiều chất sắt không?
Điều này có thể. Mặc dù việc nạp quá nhiều chất sắt từ thực phẩm hầu như là không thể xảy ra, nhưng nếu bạn cho bé dùng chế phẩm bổ sung chất sắt thì lại là chuyện khác. Hàm lượng sắt quá nhiều từ các chế phẩm bổ sung có thể độc hại cho trẻ em, gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong. Lượng tối đa tiêu thụ hàng ngày (Upper Intake Level) (UL) đối với sắt là 40 mg mỗi ngày cho trẻ từ 13 tuổi trở xuống. Đó là mức tiêu thụ tối đa an toàn được khuyến nghị bởi Hội đồng Thực phẩm và Dinh dưỡng của Viện Y học Hoa Kỳ (the Food and Nutrition Board of the Institute of Medicine).
Nếu bạn lo ngại rằng con của bạn không nhận được đủ chất sắt, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho con uống viên bổ sung chất sắt.
Bạn lưu ý luôn đậy kỹ nắp lọ thuốc bổ sung sắt cẩn thận và để xa tầm nhìn của trẻ – khi bạn không để ý, trẻ có thể tò mò lấy thuốc để thử. Và bạn đừng bao giờ dùng viên vitamin để dụ dỗ bé, vì bé có thể sẽ thích và lấy vitamin để nhai khi bạn không để ý.
Tài liệu tham khảo:
http://www.babycenter.com/0_iron-in-your-childs-diet_10324691.bc