Nội dung chính
Cholesterol là một chất béo dạng sáp được tạo ra bởi gan và cũng có thể đến từ thức ăn. Cholesterol giúp xây dựng màng tế bào và tạo nên các hormone (như estrogen và testosterone) và vitamin D.
Có lẽ hầu hết người lớn không biết cholesterol có ý nghĩa thế nào đối với trẻ em. Bệnh tim mạch bắt nguồn từ thời thơ ấu, vì vậy lượng lớn cholesterol trong cơ thể trẻ có thể làm tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch và đột quỵ khi trẻ trưởng thành.
Cholesterol đến từ đâu?
Gan là nơi tạo nên tất cả cholesterol mà cơ thể cần. Nhưng cholesterol cũng có thể cung cấp vào cơ thể từ một số loại thực phẩm. Thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hòa (saturated fat) và chất béo chuyển hóa (trans fat) cao cũng có thể làm tăng tổng hợp cholesterol ở gan.
Thực phẩm từ thực vật như rau xanh, hoa quả và các loại hạt và quả hạch đều không chứa cholesterol. Những thực phẩm nguồn gốc động vật có chứa cholesterol gồm:
- Lòng đỏ trứng
- Thịt đỏ
- Thịt gia cầm
- Hải sản
- Những sản phẩm từ sữa (gồm sữa, phô mai và kem)
Cholesterol có những loại nào?
Cholesterol không thể tự do di chuyển mà phải kết hợp với các protein để di chuyển trong máu đi khắp cơ thể. Phức hợp cholesterol và protein di chuyển trong máu được gọi là các lipoprotein.
Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL, low-density lipoprotein) và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL, high-density lipoprotein) là 2 loại lipoprotein mà chúng ta thường hay nghe nhất.
Lipoprotein tỷ trọng thấp – còn gọi là cholesterol xấu – có thể tích tụ ở thành động mạch. Cholesterol và các chất khác trong máu tạo thành mảng bám, từ đó có thể làm mạch máu trở nên cứng, hẹp hoặc bị tắc nghẽn. Chúng cũng dễ tạo các cục máu đông. Một cục máu đông có thể làm tắc nghẽn một động mạch hẹp và gây ra đau tim hoặc đột quỵ.
Tình trạng xơ vữa động mạch (động mạch trở nên xơ cứng) có thể làm giảm lượng máu đi qua các cơ quan trong cơ thể như não, ruột và thận.
Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) – còn gọi là cholesterol tốt – mang cholesterol từ các động mạch về gan. Ở gan cholesterol bị phân giải và đào thải ra ngoài.
Do vậy, tình trạng nồng độ LDL cao và nồng độ HDL thấp làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch.
Nguyên nhân nào làm tăng cholesterol?
3 lí do chính khiến nồng độ cholesterol trong cơ thể tăng cao bao gồm:
- Chế độ ăn uống: chế độ ăn uống nhiều chất béo, đặc biệt là nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
- Di truyền: có bố mẹ hoặc họ hàng có nồng độ cholesterol cao
- Béo phì: có chế độ ăn uống không lành mạnh và không tập thể dục
Những người thường xuyên tập thể dục, ăn uống lành mạnh, không có bố mẹ hoặc họ hàng có nồng độ cholesterol cao hoặc bệnh tim mạch, không bị thừa cân thì ít có nguy cơ có nồng độ cholesterol cao.
Chẩn đoán nồng độ cholesterol cao như thế nào?
Tất cả trẻ em nên được kiểm tra nồng độ cholesterol khi được 9-11 tuổi và kiểm tra lại một lần nữa khi được 17-21 tuổi.
Trẻ em trên 2 tuổi nên được kiểm tra nồng độ cholesterol nếu:
- Có bố mẹ hoặc họ hàng có tổng nồng độ cholesterol cao hơn 240 mg/dL
- Có một người trong gia đình có tiền sử bệnh tim mạch ở tuổi dưới 55 đối với nam và dưới 65 đối với nữ.
- Có một vài vấn đề sức khoẻ (như bệnh thận, hội chứng Kawasaki hoặc viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên)
- Đang thừa cân hoặc béo phì
- Bị tiểu đường, huyết áp cao, hoặc hút thuốc
Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ cholesterol của trẻ. Trẻ phải được đảm bảo không được ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trừ nước trong khoảng 12 giờ trước khi xét nghiệm.
Theo hướng dẫn của Chương trình Giáo dục Cholesterol Quốc gia Hoa Kỳ (NCEP), khuyến nghị nồng độ cholesterol tỷ trọng thấp cho trẻ trong độ tuổi 2-18 được trình bày trong bảng sau:
Mức | Tổng cholesterol (mg/dL)* | LDL cholesterol, (mg/dL) |
Bình thường | < 170 | < 110 |
Trên bình thường | 170-199 | 110-129 |
Cao | ≥ 200 | ≥ 130 |
* mg/dL = miligram trên đề ci lít
Nồng độ cholesterol cao cần được điều trị như thế nào?
Nếu trẻ có nồng độ LDL lớn hơn hoặc bằng 130 mg/dL, bác sĩ sẽ đưa ra một số lời khuyên để thay đổi lối sống và dinh dưỡng:
- Giảm chất béo trong chế độ ăn uống (đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa) và cholesterol trong chế độ ăn
- Tăng cường tập thể dục
- Giảm cân nếu cần
Bác sĩ sẽ kiểm tra lại nồng độ cholesterol sau 3-6 tháng khi trẻ đã thực hiện các hướng dẫn trên.
Đối với trẻ từ 10 tuổi trở lên khi có nồng độ LDL lớn hơn hoặc bằng 190 mg/dL, nếu việc thay đổi chế độ ăn và tập luyện không hiệu quả thì có thể cân nhắc dùng thuốc để điều trị. Hơn nữa, những trẻ có nguy cơ cao như bị tiểu đường, bị huyết áp cao và tiền sử gia đình có người có nồng độ cholesterol cao hoặc bệnh tim mạch có thể cần chữa trị để giảm nồng độ LDL.
5 cách giúp kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu
Hãy kiểm tra nồng độ cholesterol của bạn. Nếu bạn có nồng độ cholesterol cao thì cần kiểm tra nồng độ cholesterol cho con bạn.
Dưới đây là 5 cách giúp kiểm soát nồng độ cholesterol cho gia đình của bạn:
- Ăn các thực phẩm tốt cho tim mạch như:
- Rau xanh, trái cây và các loại ngũ cốc nguyên hạt
- Phần nạc của thịt đỏ và gia cầm, cá, các loại hạt và quả hạch, các loại đậu và các sản phẩm từ đậu nành
- Sữa các sản phẩm sữa không béo hoặc ít béo
- Chất béo tốt như dầu cá, dầu từ các loại hạt hạt và dầu thực vật
- Hạn chế thức phẩm và đồ uống bổ sung đường.
- Đọc thông tin dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm để lựa chọn thực phẩm và đồ uống có hàm lượng cholesterol, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa thấp.
- Tăng cường tập thể dục, điều này sẽ giúp tăng HDL trong máu. Trẻ em và thanh thiếu niên nên tập thể dục ít nhất 60 phút mỗi ngày.
- Giúp trẻ giữ cân nặng phù hợp.
Nhớ rằng quan trọng nhất là cả gia đình cùng nỗ lực duy trì một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống hợp lý. Nếu thực hiện được thì bạn sẽ giúp gia đình và bản thân có một sức khỏe tốt ở hiện tại và cả trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
https://kidshealth.org/en/parents/cholesterol.html?WT.ac=ctg#cathealthy-eating