Chủ Nhật, 30/03/2025
Dinh dưỡng Dinh dưỡng cho mẹ và bé Uống rượu bia khi đang mang thai

Uống rượu bia khi đang mang thai

Bài viết thứ 14 trong 68 bài thuộc ebook Dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai
 

Bao nhiêu rượu là quá nhiều trong quá trình mang thai?

Rượu và việc mang thai không thể đi cùng nhau. Không ai biết chính xác những tác hại có thể xảy ra dù là với một lượng nhỏ nhất của rượu đối với một bào thai đang phát triển.

Tất cả các tổ chức y tế công cộng tại Hoa Kỳ đều khuyến cáo rằng phụ nữ mang thai, cũng như phụ nữ đang cố gắng thụ thai, nên thận trọng bằng cách tránh xa rượu hoàn toàn. Các chuyên gia sản phụ khoa tại các trường Cao đẳng Mỹ và Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ cũng có lời khuyên tương tự.

Rượu có thể gây ra tác dụng gì tới em bé của tôi?

Khi bạn uống rượu, rượu nhanh chóng đi qua máu của bạn, qua nhau thai, và vào bào thai của bạn. Bé của bạn chuyển hóa rượu chậm hơn so với bạn, vì vậy sau khi uống, rượu trong máu của bé có thể cao hơn trong máu của bạn.

Uống rượu gây nguy hiểm cho bào thai đang phát triển bằng nhiều cách: Nó làm tăng nguy cơ sẩy thai và thai chết lưu. Chỉ cần mỗi ngày uống một ly cũng có thể làm tăng tỷ lệ em bé sinh ra bị nhẹ cân và tăng nguy cơ trẻ có vấn đề với việc học tập, phát biểu, khả năng tập trung, ngôn ngữ, hay bé quá hiếu động.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bà mẹ uống ít nhất một lần trong tuần có nhiều khả năng có con sau này biểu hiện có hành vi hung hăng và phạm pháp hơn so với bà mẹ không uống rượu. Một nghiên cứu cho thấy cô gái mà có mẹ uống rượu khi mang thai có nhiều khả năng có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

“Chứng rối loạn do rượu ở thai nhi” (Fetal alcohol spectrum disorders – FASD) là thuật ngữ các chuyên gia sử dụng để mô tả hàng loạt vấn đề liên quan đến tiếp xúc với rượu trước khi sinh. Kết quả nghiêm trọng nhất của việc sử dụng rượu là hội chứng thai nhi bị nhiễm rượu (FAS), một tình trạng suốt đời đặc trưng bởi sự tăng trưởng kém (trong bụng mẹ, sau khi sinh, hoặc cả hai), đặc điểm khuôn mặt không bình thường, và tổn hại hệ thần kinh trung ương.

Trẻ mắc hội chứng FAS cũng có thể có đầu và não nhỏ bất thường, cũng như có các khuyết tật về trái tim, cột sống, và các bộ phận cơ thể khác. Thương tổn hệ thần kinh trung ương có thể bao gồm thiểu năng, sự chậm trễ trong phát triển thể chất, các vấn đề về thính giác và thị giác, và một loạt các vấn đề về hành vi.

Uống rượu thường xuyên (uống từ bảy lần trở lên mỗi tuần các thức uống gồm rượu mùi, rượu vang và bia) hoặc quá độ (từ bốn ly trở lên trong mỗi lần uống) làm tăng đáng kể nguy cơ em bé của bạn sẽ bị mắc hội chứng FAS. Ngay cả các em bé có mẹ uống ít cũng có thể mắc hội chứng này. Trẻ tiếp xúc với rượu trước khi sinh – ngay cả khi chúng không có đầy đủ các biểu hiện của FAS – vẫn có thể được sinh ra với một số các dị tật bẩm sinh hoặc sau đó có một số vấn đề về tâm thần, thể chất, hoặc hành vi.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ, sự tiếp xúc của rượu với bào thai là một trong những nguyên nhân chính dẫn các dị tật bẩm sinh và các vấn đề về phát triển thể chất có thể phòng ngừa được ở đất nước này. Hơn 10% phụ nữ Hoa Kỳ uống rượu trong thời gian mang thai, và khoảng 1 trong 50 phụ nữ mang thai chè chén say sưa. Con của tất cả những phụ nữ này có nguy cơ bị những ảnh hưởng liên quan đến rượu.

Bia và rượu vang “không cồn” thì sao?

Thuật ngữ “không cồn” (nonalcoholic) có thể gây hiểu lầm khi nói đến bia và rượu không cồn. Trong thực tế, tất cả các loại bia không cồn và nhiều loại rượu vang không cồn đều chứa một tỉ lệ cồn nhỏ, thường dưới 0,5%.

Đồ uống có nhãn “không cồn” (nonalcoholic) có thể chứa một lượng nhỏ cồn, trong khi nhãn “không chứa cồn” (alcohol-free) thì không thể. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số đồ uống có chứa lượng cồn cao hơn so với tuyên bố trên nhãn của họ – thậm chí là đối với nhãn “không chứa cồn”.

Dù sẽ ít ai nói rằng một chút cồn trong một ly bia “không cồn” cũng đủ gây hại cho em bé của bạn, tuy nhiên cũng cần lưu ý đến lượng cồn có thể có, đặc biệt là nếu bạn uống thường xuyên hoặc với số lượng lớn. Vì vậy, trước khi bạn uống, nên đọc nhãn cẩn thận và nhớ rằng nhãn “không cồn”  không có nghĩa là hoàn toàn không có chất cồn nào.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi uống một vài ly trước khi tôi biết tôi đã có thai?

Nếu bạn đã uống một hoặc hai lần trước khi mang thai, đừng hoảng sợ. Nó khó có khả năng làm hại em bé của bạn. Điều quan trọng nhất là bạn cần tập trung tối đa vào sức khỏe từ nay về sau, bao gồm cả việc từ bỏ rượu trong suốt thời gian còn lại của thai kỳ.

Tài liệu tham khảo

 http://www.babycenter.com/0_drinking-alcohol-during-pregnancy_3542.bc?showAll=true