Nội dung chính
Bridget Swinney (chuyên gia dinh dưỡng)
Trong hầu hết các trường hợp, nguồn sữa mẹ hoặc sữa bột đủ cung cấp cho trẻ những dưỡng chất thiết yếu trong 4 tới 6 tháng đầu đời. Nhưng vitamin D là một ngoại lệ. Vitamin D được khuyên dùng như một chất bổ sung cho trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc trẻ uống ít hơn 32 ounce (khoảng 950 ml) sữa bột một ngày.
Sau 4 tới 6 tháng đầu, chế độ ăn của trẻ sẽ dần thay đổi từ thức ăn hoàn toàn lỏng đến thức ăn ngày càng đặc hơn. Lúc này, bác sĩ sẽ quyết định có nên cho trẻ dùng các chế phẩm bổ sung vitamin hay không.
Nếu trẻ có khẩu phần ăn đa dạng thì thường không cần dùng vitamin bổ sung. Tuy nhiên, trẻ cần được xem xét sử dụng các chế phẩm bổ sung vitamin trong các trường hợp sau đây: Trẻ sinh non, nhẹ cân, hoặc trẻ có tiền sử nhẹ cân so với tuổi thai; Trẻ thường xuyên uống một lượng sữa (sữa bột hoặc sữa mẹ) ít hơn so với những trẻ cùng tuổi mà không được bù vào bằng những nguồn thức ăn khác; Trẻ mắc các bệnh mãn tính làm ảnh hưởng đến khả năng ăn uống. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu trẻ có các vấn đề về sức khỏe.
Tình trạng sức khỏe của người mẹ cũng ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Những phụ nữ đã từng làm phẫu thuật nối tắt dạ dày (gastric bypass surgery) để giảm cân hay người phải uống thuốc để trị bệnh hàng ngày có thể hấp thụ được ít chất dinh dưỡng hơn người bình thường. Điều này làm giảm hàm lượng dinh dưỡng trong sữa mẹ.
Nếu người mẹ đang theo chế độ ăn thuần chay (vegan) thì nên nói rõ với bác sĩ. Những bà mẹ ăn thuần chay và cả em bé có thể cần được bổ sung vitamin B12, sắt, kẽm, canxi và axit béo omega-3 thông qua chế độ ăn, hoặc dùng các chế phẩm bố sung vitamin và khoáng chất khác.
Tuy nhiên, ngay cả khi chế độ ăn không hoàn hảo, sữa mẹ vẫn chứa đủ các dưỡng chất mà trẻ cần (Tham khảo bài Nhu cầu dinh dưỡng của bà mẹ đang cho con bú). Điều đó có nghĩa là nguồn dưỡng chất dự trữ của người mẹ có thể bị tổn hại nếu chế độ ăn không đáp ứng đủ. Vì vậy, người mẹ nên lưu ý đến việc sử dụng chế phẩm bổ sung đa vitamin khi đang cho con bú. Thực tế là trong lần đầu gặp bác sĩ sau khi sinh, người mẹ sẽ được bác sĩ khuyên tiếp tục uống chế phẩm bổ sung đa vitamin như trong thời kỳ mang thai.
Một khi trẻ bắt đầu được cho ăn thức ăn đặc, trẻ có thể tiếp nhận thêm nhiều vitamin và khoáng chất hơn bạn nghĩ, đặc biệt là khi trẻ ăn các loại thực phẩm tăng cường (fortified food), là loại thực phẩm thường được tăng cường thêm vitamin A, kẽm và axit folic (hay folate, vitamin B9). Hãy kiểm tra thành phần của loại thực phẩm bé đang dùng. Một nghiên cứu bởi Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ (American Dietetic Association, ADA) đã chỉ ra rằng các chế phẩm bổ sung (supplement) có lợi cho những trẻ sơ sinh gặp vấn đề về kém hấp thụ. Đối với một số trẻ khác thì việc cung cấp các chế phẩm bổ sung là không cần thiết.
Không giống như các loại thuốc và thực phẩm thông thường khác, các chế phẩm vitamin bổ sung không cần chứng nhận của Hiệp hội Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration, FDA) trước khi được bán ra thị trường. Do đó, chất lượng và liều dùng mỗi loại có thể thay đổi theo từng hãng sản xuất. (Xem thêm hướng dẫn về cách mua chế phẩm bổ sung).
Dưới đây là một số chất bổ sung mà bác sĩ có thể khuyên dùng:
Sắt
Sữa mẹ và sữa bột đều chứa sắt nhưng từ khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc thì nhu cầu sắt tăng lên rất nhiều (từ 0,27 mg/ngày trong 6 tháng đầu đến 11 mg/ngày trong 7 đến 12 tháng tiếp theo). Do đó, thức ăn là một nguồn cung cấp sắt quan trọng cho trẻ lúc này. Những thực phẩm giàu sắt có thể kể đến như thịt xay, ngũ cốc có bổ sung sắt, các loại đậu nghiền như đậu lăng, đậu tây, đậu lima, đậu đen và đậu pinto.
Ngoài ra, nếu trẻ không ăn được những thức ăn giàu sắt thì bác sĩ có thể khuyên dùng một loại chế phẩm sắt bổ sung nào đó. Trẻ sinh non thường có lượng sắt dự trữ ít và thường cần dùng thêm một chế phẩm sắt bổ sung.
Vitamin D
Chỉ có một lượng nhỏ vitamin D được chuyển hóa trong sữa mẹ nên sữa mẹ thường không cung cấp đủ vitamin cho trẻ. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics, AAP) khuyến cáo đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn cần bổ sung 400 IU vitamin D mỗi ngày, bắt đầu từ một vài ngày sau khi trẻ chào đời. Với trẻ uống sữa bột hoàn toàn hoặc trẻ uống sữa bột xen lẫn với sữa mẹ nhưng lượng tổng cộng ít hơn 32 ounce sữa bột mỗi ngày (khoảng 950 ml) thì cũng cần lượng bổ sung 400 IU vitamin D mỗi ngày.
Vitamin D cũng có thể được tổng hợp trong cơ thể khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, lý tưởng là trẻ không nên tắm nắng trong 6 tháng đầu đời và vì thế trẻ cũng sẽ không nhận đủ lượng vitamin D, ngay cả khi bạn sống ở những khu vực nhiều nắng. Da của trẻ sơ sinh rất mỏng và nhạy cảm nên việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ làm tăng khả năng dẫn đến ung thư da và nhăn da về sau, dù da trẻ không hề có dấu hiệu bị cháy nắng. Kem chống nắng giúp bảo vệ da trẻ dưới ánh nắng mặt trời nhưng đồng thời cũng ngăn cản các tia sáng giúp cơ thể sản sinh ra vitamin D.
Vitamin B12
Vitamin B12 là một vitamin thiết yếu cần cho sự phát triển của hệ thống thần kinh và giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Vitamin B12 thường được tìm thấy ở cá, thịt, gia cầm, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa. Nếu bà mẹ đang cho con bú mà không ăn được nhiều đạm từ động vật thì cần bổ sung thêm vitamin B12, có thể từ các chế phẩm bổ sung vitamin hoặc các loại thực phẩm có tăng cường vitamin B12 để đảm bảo chế độ dinh dưỡng của trẻ chứa đủ lượng vitamin cần thiết.
DHA, nguồn omega-3 quan trọng
DHA là axit béo omega-3 rất quan trọng cho não bộ và sự phát triển thị lực của trẻ sơ sinh. Hàm lượng DHA trong sữa mẹ tương ứng với lượng DHA và axit béo trong chế độ ăn của người mẹ. (Sữa bột thường đã được bổ sung một lượng DHA cần thiết.)
Xem thêm thông tin về có nên cho bé dùng omega-3 và chế phẩm bổ sung omega-3 hay không, cũng như làm thế nào để nhận được nguồn axit béo quan trọng này trong chế độ ăn.
Các chế phẩm bổ sung DHA thường không được khuyên dùng cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, những bà mẹ đang cho con bú mà không có chế độ ăn giàu DHA hoặc những người ăn chay cần phải lưu ý đến việc sử dụng các chế phẩm bổ sung DHA. Những bà mẹ ăn chay và em bé sinh ra thường có nồng độ DHA trong máu thấp hơn những người ăn thịt.
Lời người hiệu đính
- Các thuật ngữ:
– Supplement: Chế phẩm bổ sung (vitamin, khoáng chất), không phải thực phẩm.
– Fortified food: Thực phẩm tăng cường (là thực phẩm hoặc sản phẩm thực phẩm được bổ sung thêm các chất dinh dưỡng)
Đọc thêm bài Thực phẩm chức năng và Dinh dưỡng dược để hiểu sâu hơn về các thuật ngữ thực phẩm.
- Về quan điểm cho trẻ sơ sinh tắm nắng: Ở các nước Âu Mĩ, việc tắm nắng cho trẻ sơ sinh hầu như không được khuyến khích như ở Việt Nam. Lý do đưa ra là da trẻ rất mỏng manh, các tia sáng tìm thấy trong ánh nắng mặt trời có thể gây ung thư và lão hóa da. Ở Việt Nam ngày xưa khi các chế phẩm bổ sung vitamin còn chưa phổ biến thì đây là một giải pháp hiệu quả. Ngày nay quan điểm này có lẽ cần được thay đổi.
Tài liệu tham khảo
http://www.babycenter.com/404_does-my-baby-need-to-take-vitamins_9154.bc