Thứ Năm, 21/11/2024

Dị ứng thực phẩm

 

Trẻ có thể bị dị ứng thực phẩm không?

Có thể, mặc dù một loại dị ứng thực phẩm nghi ngờ thường hóa ra lại là một cái gì đó khác.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) năm 2011, dựa vào Cuộc khảo sát Phỏng vấn Nghiên cứu Sức khỏe Quốc gia (National Health Interview Survey), 4,6% trẻ em dưới 18 tuổi bị dị ứng thực phẩm, tăng từ 3,5% trong năm 2000.

Bằng sự hiểu biết về chứng dị ứng biểu hiện như thế nào, bạn có thể nhận ra các dấu hiệu ban đầu trong trường hợp con bạn bị dị ứng. Hiểu biết này cũng rất quan trọng để biết bạn nên làm gì nếu con bạn có phản ứng dị ứng.

Điều gì xảy ra nếu trẻ có phản ứng dị ứng với một loại thực phẩm?

Nếu trẻ bị dị ứng với một loại thực phẩm, cơ thể trẻ sẽ xem thực phẩm đó như một kẻ xâm lược và bắt đầu một cuộc tấn công bằng hệ miễn dịch.

Đôi khi cơ thể sẽ tạo ra một loại kháng thể gọi là IgE, là một loại protein có thể phát hiện ra thực phẩm đã gây dị ứng. Nếu trẻ ăn thực phẩm đó một lần nữa, kháng thể này sẽ thông báo cho hệ miễn dịch của trẻ giải phóng ra các chất như histamine để chống lại “kẻ xâm lược”.

Những chất này gây ra các triệu chứng dị ứng, có thể nhẹ hoặc nặng.

Các triệu chứng – như nổi mề đay, sưng tấy hoặc khó thở – thường xuất hiện trong vòng vài phút đến hai giờ sau khi ăn một loại thực phẩm cụ thể. Nếu trẻ có phản ứng dị ứng nặng, nó có thể đe dọa đến tính mạng.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các triệu chứng dị ứng thực phẩm – chẳng hạn như chàm (eczema) hoặc các vấn đề tiêu hóa như nôn mửa hoặc tiêu chảy – là các triệu chứng mãn tính hoặc diễn ra liên tục. (Eczema là các vùng da nổi ban khô xuất hiện trên khuôn mặt, cánh tay, hoặc chân của trẻ, nhưng thường không  có ở vùng tã lót của trẻ.)

Trẻ có thể bị dị ứng với một loại thực phẩm thậm chí khi trẻ đã từng ăn thực phẩm đó trước đây mà không hề có vấn đề gì. Vì vậy, những trẻ mà có di truyền xu hướng bị dị ứng với trứng mặc dù có thể không có phản ứng dị ứng ở lần đầu tiên khi trẻ ăn trứng – nhưng những lần sau lại xuất hiện các triệu chứng dị ứng.

Hãy nhớ rằng sự tiếp xúc lần đầu tiên của trẻ với thành phần gây dị ứng có thể là khi thành phần đó được kết hợp với một số thành phần khác – chẳng hạn như trứng, sữa hoặc quả hạch xay nhuyễn trong bánh quy.

Những loại thực phẩm nào có thể khiến trẻ bị dị ứng?

Trẻ có thể bị dị ứng với bất kỳ loại thực phẩm nào, nhưng tám loại thực phẩm sau thường chiếm 90% các trường hợp dị ứng thực phẩm ở Mỹ: trứng, sữa, đậu phộng, lúa mì, đậu nành, các loại hạt cây (như quả óc chó, quả hạch Brazil và hạt điều), cá (như cá ngừ, cá hồi và cá tuyết) và hải sản có vỏ (như tôm hùm, tôm và cua).

di ung thuc pham

Nguồn ảnh: http://www.deansilvermd.com/food-allergies/

Tôi nên làm gì nếu tôi nghĩ trẻ có phản ứng dị ứng với một loại thực phẩm?

Nếu trẻ dường như bị khó thở, bị sưng mặt hoặc môi, hay nôn mửa hoặc tiêu chảy nghiêm trọng sau khi ăn, hãy gọi 911 (ở Mỹ) hoặc số điện thoại cấp cứu ở địa phương của bạn ngay lập tức.

Bạn không nên xem nhẹ các phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Đường hô hấp của trẻ có thể bị bít lại trong vòng vài phút, vì thế lúc này bạn không nên gọi bác sĩ để cho lời khuyên hay tự lái xe đưa trẻ đến phòng cấp cứu. Bạn cần sự giúp đỡ của người làm công tác sơ cứu càng sớm càng tốt.

Nếu trẻ liên tục có các triệu chứng trên trong vòng hai giờ sau khi ăn một loại thực phẩm nào đó, hãy nói chuyện với bác sĩ. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa dị ứng nhi khoa để làm xét nghiệm cho trẻ.

Bác sĩ chuyên khoa dị ứng có thể cho bạn biết loại thực phẩm nào đã gây ra dị ứng và liệu các triệu chứng này là do bị dị ứng hay do chứng không dung nạp thực phẩm.

Một khi trẻ có phản ứng dị ứng với một loại thực phẩm, bạn nên có sự chuẩn bị trong trường hợp nó xảy ra một lần nữa. Thậm chí nếu phản ứng lần đầu của trẻ là nhẹ, phản ứng lần tiếp theo có thể nặng. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn kế hoạch hành động, kể cả hướng dẫn cách kiểm soát phản ứng dị ứng.

Bác sĩ có thể khuyên bạn nên luôn mang theo dụng cụ tiêm tự động epinephrine, loại mà bác sĩ đã kê đơn và hướng dẫn cho bạn cách sử dụng trong trường hợp trẻ có phản ứng dị ứng. Dụng cụ này trông giống như những cây kim thần kỳ và là bộ quản lý tự động đúng liều lượng epinephrine để ngừng phản ứng dị ứng.

Bộ tiêm tự động thường được chỉ định lần đầu cho trẻ nhỏ, nhưng nếu trẻ sơ sinh đã có phản ứng dị ứng với một loại thức ăn, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng cho bé ngay độ tuổi này.

Hãy chắc chắn rằng những người chăm sóc trẻ – người giữ trẻ, người thân, những người làm việc trong nhà trẻ – biết về việc dị ứng của con bạn và những gì bé không nên ăn. Hãy chỉ ra những loại thực phẩm có thể chứa thành phần gây dị ứng và yêu cầu người giữ trẻ kiểm tra lại các thành phần này. Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng người giữ trẻ biết chính xác những gì nên làm nếu con bạn có phản ứng dị ứng.

Dị ứng có di truyền không?

Trẻ có thể bị di truyền chứng dị ứng nhưng không nhất thiết là một loại dị ứng cụ thể.

Ví dụ, nếu bố hoặc mẹ bị dị ứng sốt cỏ khô (hay fever), dị ứng với vật nuôi, hoặc dị ứng thực phẩm, trẻ có thể có xác suất 50% bị một số loại dị ứng, mặc dù có thể không giống như bố mẹ. Xác suất lên đến 75% khi cả bố lẫn mẹ đều bị dị ứng.

Trẻ em có hết bị dị ứng thực phẩm khi lớn lên?

Nhiều trẻ hết bị dị ứng với đậu nành và lúa mì khi trẻ đến tuổi đi học. Và khoảng 20% trẻ hết bị dị ứng với đậu phộng khi lớn lên. Dị ứng với đậu phộng, các loại hạt cây, cá và hải sản có vỏ có nhiều khả năng là suốt đời hơn so với dị ứng với các loại thực phẩm khác.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng ngày nay chứng dị ứng sữa và trứng có thể mất nhiều thời gian hơn mới hết, một nghiên cứu cho thấy chưa đến một nửa số trẻ em có thể hết bị dị ứng sữa hoặc trứng ở độ tuổi từ 8 đến 10 tuổi.

Tuy nhiên Scott Sicherer, giáo sư Nhi khoa tại Viện Dị ứng Thực phẩm Jaffle tại trường Y khoa Mount Sinai ở New York và là tác giả của quyển sách Tìm hiểu và Kiểm soát Dị ứng Thực phẩm ở Trẻ em, chỉ ra rằng những nghiên cứu mới này là từ một trung tâm tham khảo về dị ứng thực phẩm và có lẽ đại diện cho trường hợp trẻ bị dị ứng nghiêm trọng hơn.

Chứng không dung nạp thực phẩm là gì và nó khác với dị ứng thực phẩm như thế nào?

Khoảng 20% dân số Mỹ có là các phản ứng xấu với thực phẩm, nhưng hầu hết những phản ứng đó không phải là dị ứng tự nhiên. Loại phản ứng thực phẩm bất lợi phổ biến nhất là chứng không dung nạp thực phẩm.

Chứng không dung nạp thực phẩm không liên quan đến hệ miễn dịch. Nếu trẻ bị chứng không dung nạp thực phẩm, trẻ có thể có vấn đề trong tiêu hóa một loại thực phẩm nào đó. Bạn có thể nhận thấy rằng mỗi khi trẻ ăn hoặc uống thực phẩm đó trẻ sẽ cảm thấy khó chịu với các triệu chứng tiêu hóa như đầy hơi hoặc tiêu chảy.

Chứng không dung nạp thực phẩm phổ biến nhất là chứng không dung nạp lactose. Những người bị chứng không dung nạp lactose thiếu enzyme cần thiết để tiêu hóa đường có trong sữa bò và các sản phẩm từ sữa khác. Dù sao thì trẻ dưới 1 tuổi cũng không nên uống sữa bò, nhưng đường lactose còn có thể có mặt trong các thực phẩm khác mà trẻ ăn vào, bao gồm sữa công thức.

Tôi nên làm gì nếu tôi nghĩ con tôi có thể bị dị ứng thực phẩm?

Hãy nói chuyện với bác sĩ. Bác sĩ có thể gợi ý một quyển sổ nhật ký thực phẩm để giúp xác định nguyên nhân hoặc thay đổi sữa công thức cho trẻ sơ sinh, và bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa dị ứng hoặc bác sĩ chuyên khoa dạ dày – ruột nhi khoa.

Bác sĩ chuyên khoa dị ứng sẽ đặt câu hỏi chi tiết về các triệu chứng của trẻ. Bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm dị ứng trên da hoặc xét nghiệm máu để xác định xem liệu các triệu chứng này được tạo ra bởi phản ứng miễn dịch hay không.

Nếu xét nghiệm trên da tạo ra một đốm đỏ sưng tấy hoặc xét nghiệm máu cho thấy rằng trẻ có kháng thể IgE với thực phẩm đó, thì trẻ có nguy cơ là bị dị ứng với loại thực phẩm đó. Nếu xét nghiệm là âm tính, các triệu chứng của trẻ ít có khả năng là do dị ứng thực phẩm, mặc dù các triệu chứng này có thể được tạo ra bởi chứng không dung nạp thực phẩm.

Vào thời điểm đó, bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa dạ dày – ruột để xác định nguyên nhân của chứng không dung nạp thực phẩm hoặc để dò xét các giải thích khác đối với các triệu chứng của trẻ.

Tôi có thể làm gì để ngăn ngừa hoặc trì hoãn chứng dị ứng thực phẩm cho bé?

Đây là một câu hỏi khó. Trong thời gian qua, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã từng đề nghị nên trì hoãn việc cho trẻ em ăn một số loại thực phẩm mà có khả năng gây dị ứng cho trẻ nếu bố mẹ của trẻ bị dị ứng. Nhưng trong thực tế – và nghiên cứu gần đây – cho thấy rằng đó không phải là hành động tốt nhất.

Trong một báo cáo lâm sàng được công bố vào tháng 1 năm 2008, AAP cho biết chưa có bằng chứng chắc chắn chỉ ra rằng trì hoãn việc cho trẻ ăn các loại thực phẩm gây dị ứng có thể giúp trẻ không bị dị ứng về sau. Nếu bạn nghĩ rằng có khả năng lớn là con bạn bị dị ứng thực phẩm, hãy nói chuyện với bác sĩ để có giải giáp tốt nhất.

Một điều mà hầu hết các chuyên gia thống nhất đó là việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp trẻ chống lại dị ứng ở một chừng mực nào đó. Hãy cân nhắc việc nuôi con bằng sữa mẹ càng lâu càng tốt, đặc biệt nếu gia đình bạn có tiền sử bị dị ứng.

Và khi nói đến việc cho trẻ ăn dặm, hãy cho trẻ ăn các thực phẩm mới từ từ. Mỗi một lần chỉ nên cho trẻ ăn một loại thực phẩm mới, chờ một vài ngày để xem trẻ có bất thường gì với thực phẩm đó không trước khi cho trẻ ăn thực phẩm mới khác. Bằng cách đó bạn có thể biết được loại thực phẩm nào gây dị ứng cho con bạn (nếu có).

Dị ứng thực phẩm có thể điều trị được không?

Chưa có thuốc điều trị hoặc ngăn ngừa các phản ứng dị ứng với thực phẩm, và chích ngừa dị ứng sốt cỏ khô không có tác dụng cho dị ứng thực phẩm. Chìa khoá để ngăn ngừa phản ứng dị ứng là tránh xa tuyệt đối các loại thực phẩm gây dị ứng.

Tránh một loại thực phẩm cụ thể nào đó khó hơn nhiều so với bạn tưởng tượng. Thực phẩm đó có thể xuất hiện ở những sản phẩm mà không ai nghĩ đến, và thậm chí một lượng rất nhỏ cũng có thể đủ để kích hoạt phản ứng nghiêm trọng. Hầu hết những người mà có phản ứng nghiêm trọng là khi họ ăn một loại thực phẩm mà họ nghĩ là an toàn.

Bạn nên đọc kỹ nhãn thực phẩm, nắm được thành phần nào cần tránh, và hỏi kỹ các thành phần trong các món ăn ở nhà hàng hoặc thực phẩm ở nhà bạn bè.

Luật Ghi nhãn Thực phẩm và Bảo vệ Người tiêu dùng của Mỹ (FALCPA) có hiệu lực vào ngày 01 tháng 01 năm 2006 và rất hữu ích. Luật này yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm phải liệt kê những chất gây dị ứng thực phẩm hàng đầu trên nhãn sản phẩm, bao gồm: trứng, sữa, lúa mì, đậu nành, đậu phộng, các loại hạt cây, cá và động vật không xương sống có vỏ (cua, tôm và tôm hùm nhưng không phải động vật thân mềm như trai, sò hoặc mực). Các loại hạt cây, cá và hải sản có vỏ phải được nêu tên cụ thể.

Tất cả các chất gây dị ứng phải được liệt kê bằng ngôn ngữ dễ hiểu. Ví dụ, nhãn phải ghi là “trứng” thay vì “albumin” hoặc “trứng” trong dấu ngoặc đơn ngay sau “albumin.”

Những trang web của các tổ chức như là Mạng lưới Dị ứng Thực phẩm (Food Allergy Network) cũng có thể giúp bạn xác định và tránh xa các mối nguy tiềm ẩn. Nếu bạn không chắc chắn về các thành phần của một sản phẩm nào đó, hãy liên hệ với nhà sản xuất.

Protein gây dị ứng có thể được truyền vào sữa mẹ. Vì vậy, bạn có thể phải nên từ bỏ một thực phẩm gây tổn hại nào đó nếu con bạn bị dị ứng với thực phẩm đó và bạn đang cho con bú bằng sữa mẹ.

Và nếu bạn đang nuôi bé bằng sữa công thức và bé có vẻ bị dị ứng với sữa bò, bạn nên thay đổi sữa công thức. Một số bé bị dị ứng với sữa bò cũng bị dị ứng với đậu nành, vì thế điều quan trọng là nên thảo luận tình hình với bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào.

Nếu trẻ được chẩn đoán bị dị ứng thực phẩm, bạn nên tìm hiểu tất cả những gì bạn có thể liên quan đến nó – bao gồm loại thực phẩm nào cần tránh, cách đọc nhãn thực phẩm, và cách nhận ra các dấu hiệu ban đầu của phản ứng dị ứng.

Tài liệu tham khảo

http://www.babycenter.com/0_food-allergies_12409.bc