Nội dung chính
- 1 Làm thế nào để tôi chọn được thực phẩm tốt nhất cho bé?
- 2 Tôi có nên cho bé ăn thực phẩm hữu cơ hay không?
- 3 Tôi có thể tự mình làm thức ăn cho con thay vì mua không?
- 4 Thức ăn của bé có thể để được bao lâu sau khi mở nắp?
- 5 Có ổn không khi làm nóng thức ăn của trẻ em bằng lò vi sóng?
- 6 Tài liệu tham khảo
Làm thế nào để tôi chọn được thực phẩm tốt nhất cho bé?
Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều loại thức ăn cho bé trên kệ siêu thị – từ rau củ và trái cây đơn giản cho tới những bữa tối hỗn hợp ngon mắt – vì vậy không có gì ngạc nhiên nếu bạn đang tự hỏi nên lựa chọn món nào.
Nhiều hũ thức ăn trẻ em được dán nhãn theo giai đoạn phát triển của bé, với giai đoạn 1 cho trẻ sơ sinh mới bắt đầu ăn dặm và giai đoạn 2 và 3 cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi có nhiều kinh nghiệm (đối với ăn dặm) hơn. Nếu em bé của bạn chỉ mới bắt đầu tập ăn, hãy sử dụng loại có dán nhãn giai đoạn 1, đó là loại thực phẩm ở dạng xay nhuyễn hoặc dạng đặc. Thực phẩm cho giai đoạn 2 có kết cấu đặc hơn và thực phẩm cho giai đoạn 3 có chứa các khối thức ăn nhỏ trong đó.
Hãy nhớ kiểm tra ngày hết hạn trên nhãn để đảm bảo rằng các mối hàn chân không vẫn còn nguyên vẹn: Phần giữa của nắp nên hơi thụt vào (do lực hút chân không). Khi bạn mở nắp lọ, hãy lắng nghe xem có tiếng nổ bốp nhẹ và xem phần giữa của nắp có bật lên không. (Bạn cũng nên lau sạch lọ trước khi mở nắp lọ.)
Về thành phần của thức ăn, bạn không phải lo lắng nhiều về muối bởi vì muối không còn được thêm vào hầu hết thực phẩm trẻ em thương mại. Nhưng hãy tránh xa những thực phẩm có bổ sung đường và tinh bột thực phẩm biến tính, đó là những thành phần có “calo rỗng”.
Hãy chọn mua loại thực phẩm trẻ em đơn giản có một thành phần – chứ không phải là sự kết hợp – cho đến khi bạn biết bé của bạn có chịu được từng thành phần hay không. Ví dụ, thử cho ăn đậu Hà Lan trước khi kết hợp đậu Hà Lan và khoai tây.
Tôi có nên cho bé ăn thực phẩm hữu cơ hay không?
Nhiều bậc cha mẹ thích thực phẩm hữu cơ cho bé hơn, mặc dù chi phí cao hơn, vì họ muốn thức ăn của con họ không chứa thuốc trừ sâu và hóa chất khác. Nhưng một số cha mẹ khác tin tưởng rằng các sản phẩm thương mại đủ đáp ứng các yêu cầu tối thiểu do Cơ quan Bảo vệ Môi trường đưa ra cho sự an toàn của trẻ. Đây là một vấn đề bạn sẽ phải tự quyết định dựa trên niềm tin và ngân sách của gia đình.
Đừng tiết kiệm không ăn trái cây và rau củ để làm giảm sự tiếp xúc của bé với thuốc trừ sâu. Bạn có thể xem xét mua sản phẩm hữu cơ cho các loại trái cây và rau củ thường có hàm lượng thuốc trừ sâu cao (nếu trồng theo cách thông thường) như là cần tây, đào, dâu tây, táo, quả việt quất, quả xuân đào, ớt chuông, rau bina (rau chân vịt, cải bó xôi), quả anh đào, rau cải xanh/cải xoăn, khoai tây và nho nhập khẩu.
Tôi có thể tự mình làm thức ăn cho con thay vì mua không?
Có thể. Bạn có thể làm tất cả hoặc một phần thức ăn cho bé bằng cách nghiền nhừ hoặc xay trái cây, rau củ, ngũ cốc và các loại thực phẩm khác với một ít sữa mẹ, sữa công thức hoặc nước đến độ đặc mong muốn. Cách này dễ dàng và rẻ hơn so với việc mua thức ăn trẻ em làm sẵn.
Bạn có thể xay nhuyễn những thức ăn còn lại của gia đình. Đơn giản chỉ cần chọn các loại thực phẩm thích hợp cho em bé của bạn và xay nhuyễn chúng trước khi thêm bất cứ gia vị gì.
Một bộ máy xay sinh tố (blender), máy xay thực phẩm (food processor) hay máy ép nghiền (food mill) đều có thể giúp bạn. Đối với các loại trái cây mềm và thực phẩm được nấu chín, bạn thậm chí còn có thể nghiền chúng với một cái nĩa hoặc ép chúng qua đồ chứa có lỗ.
Bạn cũng sẽ cần hộp trữ thức ăn hoặc các khay nước đá để đông lạnh hoặc làm lạnh thức ăn thừa. Để biết thêm chi tiết, hãy đọc bài viết đầy đủ của chúng tôi về cách tự chế biến thức ăn trẻ em.
Thức ăn của bé có thể để được bao lâu sau khi mở nắp?
Bạn có thể tìm thấy nhiều câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này, nhưng nói chung, thức ăn trẻ em có chứa thịt gia cầm, cá, thịt, hoặc trứng thường vẫn còn tươi mới nếu giữ trong tủ lạnh trong vòng 24 giờ, và những thực phẩm chỉ có trái cây và rau quả thì có thể để được hai ngày. Nhãn dán trên hũ đôi khi cũng chứa các khuyến cáo cho thời gian bảo quản sau khi mở nắp.
Bạn có thể đông lạnh thực phẩm cho bé trong một hoặc hai tháng (sáu tháng đối với các loại trái cây và rau củ), nhưng đông lạnh có thể làm thay đổi kết cấu thực phẩm. Hãy nhớ rằng các chất lỏng có xu hướng nở to trong tủ đá, có khả năng làm nứt hũ hoặc làm các hũ bật nắp, vì vậy hãy đặt thức ăn của bé trong một hộp chứa sạch và chừa một khoảng trống phía trên miệng hộp.
Nếu bạn lưu trữ thức ăn bé còn sót lại trong tủ lạnh, hãy chắc chắn rằng khi cho bé ăn bạn đã không nhúng thìa của bé vào phần thức ăn này, nếu không bạn sẽ đưa vi khuẩn vào thức ăn và chúng sẽ phát triển. Thay vì cho muỗng vào hũ trong khi cho bé ăn, bạn nên múc một lượng nhỏ thức ăn vào bát và cho bé ăn từ đó. Nếu bạn cần nhiều hơn, hãy sử dụng một cái muỗng sạch để lấy ra thêm.
Khi cho ăn xong, hãy bỏ bất cứ thứ gì còn lại trong bát. Nếu thức ăn vẫn còn trong hũ thì đậy nắp hũ lại và bảo quản trong tủ lạnh.
Có ổn không khi làm nóng thức ăn của trẻ em bằng lò vi sóng?
Bạn có thể, nhưng bạn cần phải cẩn thận. Thực phẩm làm nóng trong lò vi sóng có thể nhanh chóng trở nên quá nóng và thường chứa các “điểm nóng” đánh lừa bạn (tức là không nóng đồng đều). Làm nóng bằng bếp lò có thể là cách an toàn hơn.
Một phương pháp làm nóng tốt là đặt các hũ thức ăn trẻ em trong một bát nước nóng. (Bạn có thể làm nóng nước trong lò vi sóng hoặc chỉ sử dụng nước nóng từ vòi nước nóng trong nhà.) Để hũ trong bát trong vài phút, nó sẽ ấm lên đồng đều.
Nếu bạn làm nóng thức ăn trẻ em trong lò vi sóng, hãy múc nó ra khỏi hũ và cho vào một dĩa an toàn với lò vi sóng, đậy lại bằng nắp chịu được lò vi sóng (đừng dùng màng bao thức ăn), rồi gia nhiệt chỉ trong vài giây. Khuấy đều và để yên trong một phút. Kiểm tra nhiệt độ trước khi cho bé ăn. Thức ăn nên được để nguội đến nhiệt độ phòng, không nóng hơn. Nhiều bé không hề kén thức ăn không được hâm nóng (nên chỉ cần múc thức ăn ra bát rồi cho bé ăn, nhớ đừng cho bé ăn trực tiếp từ trong hũ.)
Tài liệu tham khảo
http://www.babycenter.com/0_baby-food-basics_9194.bc?showAll=true