Thứ Hai, 25/09/2023
dinh dưỡng cho mẹ và bé Hút sữa mẹ: Một cái nhìn tổng quan

Hút sữa mẹ: Một cái nhìn tổng quan

 

1. Tại sao tôi cần hút sữa của mình?

Lý do phổ biến nhất là nhằm thu nhận sữa mẹ để con bạn có thể uống sữa này khi bạn không thể ở bên cạnh bé và để duy trì nguồn sữa trong trường hợp bạn vẫn ở bên cạnh bé. Điều này quan trọng nếu bạn đã đi làm lại nhưng vẫn muốn tiếp tục cho con bú sữa mẹ.

Để làm tốt điều này, một ý hay là hãy tập luyện việc hút sữa một vài tuần trước khi bạn thật sự cần phải dựa vào nguồn sữa hút ra này để cho bé bú. Chỉ cần chắc chắn rằng bé đã có thói quen bú mẹ trực tiếp tốt trước khi bạn cho bé bú bình.

Hút sữa cũng giúp bạn không cần phải luôn túc trực mỗi lần cho bé bú khi bạn đang ở nhà. Chồng bạn (hoặc người trợ giúp khác) có thể cho bé bú sữa mẹ từ bình, giúp bạn có thêm những giấc ngủ không bị gián đoạn hoặc nghỉ ngơi sau khi đã chăm sóc em bé. (Hãy để cho người cha chăm lo việc cho bé bú, điều đó cũng giúp gắn kết tình cha con!)

Một số lý do khác mà bạn cũng nên sử dụng máy hút sữa:

•      Kích thích sản sinh sữa và tăng nguồn cung cấp sữa

•      Thu nhận sữa mẹ để nuôi bé sinh thiếu tháng hoặc những bé không thể ngậm chặt núm vú được.

•      Để giảm đau và giảm áp lực của bộ ngực đang căng sữa –  tuy nhiên cần lưu ý là hút quá nhiều khi bạn đang căng sữa có thể làm vấn đề tệ hơn

•      Để giữ cho nguồn sữa của bạn vẫn tiết ra ổn định trong trường hợp chuyên gia chăm sóc sức khỏe tư vấn là bạn nên tạm ngừng cho bé bú vì bạn đang dùng loại thuốc có thể gây hại cho bé (điều này ít xảy ra), hoặc nếu bạn nhập viện một thời gian ngắn và không thể cho con bú cả ngày.

Phần lớn phụ nữ vắt sữa bằng cách dùng máy hút sử dụng điện hoặc máy hút bằng tay. Một số phụ nữ thích vắt sữa bằng tay hơn, nhưng hầu hết phụ nữ thấy rằng sử dụng máy hút sữa thì nhanh và dễ dàng hơn.

Mặc dù bạn có thể cảm thấy lạ lẫm khi lần đầu dùng máy hút sữa, nhưng thường sẽ không mất nhiều thời gian để việc này trở nên quen thuộc, nhanh chóng và dễ dàng.

2. Làm thế nào để hút sữa nhanh chóng và dễ dàng?

Để sử dụng máy hút sữa điện tử, bạn đặt phễu chụp của máy lên núm vú, bật máy lên và để cho sữa được hút vào bình bằng bơm nối với phễu.

Thiết bị hút sữa bằng tay cũng sử dụng phễu chụp, nhưng bạn chiết sữa ra bằng cách điều khiển một cơ cấu nén hoặc kéo pít tông bằng tay chứ không phải bằng động cơ máy.

Thường sẽ mất 10- 15 phút để hút sữa cả hai vú bằng máy hút sữa điện tử loại tốt và lên đến 45 phút với máy hút bằng tay.

Máy hút sữa loại tốt sẽ bắt chước hành động mút của em bé và không gây đau. Hãy chắc chắn là bạn sử dụng loại phễu chụp vừa với kích cỡ núm vú và đặt ở đúng vị trí khi hút sữa, nhờ đó bạn sẽ không bị tức ngực hoặc bị kích ứng vùng da.

Cũng nên cân nhắc việc mua một chiếc áo ngực chuyên dụng để giữ máy hút và nhờ đó bạn không cần phải giữ phễu chụp trên ngực mình. (khi đó, bạn sẽ rảnh tay để cầm sách, tạp chí, sử dụng điện thoại, nhờ vậy bạn có thể đọc sách hoặc làm việc trong khi đang hút sữa.) Một số bà mẹ có thể tự tạo loại áo này bằng cách gắn thêm những dây cao su vào móc áo ngực thông thường hoặc cắt thêm vài lỗ trên chiếc áo ngực thể thao cũ.

Hãy nhớ rằng để nguồn sữa tiết ra dễ dàng và ổn định, bạn cần phải bình tĩnh và thoải mái.

Ban đầu bạn sẽ cảm thấy có lực kéo từ máy hút tự động. Khởi động ở mức hút thấp nhất và sau đó tăng dần tốc độ một khi bạn đã cảm thấy ổn. Nó sẽ không gây đau nhưng có thể làm bạn có cảm giác hơi lạ. Nhớ rửa sạch từng phần của máy hút cẩn thận sau mỗi lần sử dụng.

3. Tôi nên sử dụng loại máy hút sữa nào?

Việc lựa chọn máy hút sữa phù hợp với bạn phụ thuộc vào mức độ thường xuyên bạn định sử dụng nó và lượng thời gian bạn có thể dành cho việc hút sữa. Nếu bạn làm việc toàn thời gian và phải sắp xếp thời gian để hút sữa trong một ngày làm việc bận rộn, bạn sẽ muốn sử dụng máy hút tự động hoàn toàn, nhờ đó bạn có thể hút sữa cả hai bên vú một cách nhanh chóng cùng lúc. Nhưng nếu thỉnh thoảng bạn chỉ cần hút một vài oz (1 oz tương đương khoảng 30 ml), một máy hút bằng tay rẻ tiền có thể làm tốt việc đó.

4. Khi nào tôi nên vắt sữa bằng tay và làm điều đó như thế nào?

Nếu bạn chỉ thỉnh thoảng vắt sữa, tức là ít khi cho con bú bình – bạn có thể vắt sữa bằng tay, mặc dù có thể cần tập luyện đôi chút để làm quen với việc đó.

Dùng tay vắt một ít sữa có thể giúp làm dịu vú bị căng và giảm tắc sữa. Và nếu núm vú bạn bị đau và bị rạn, bạn có thể nặn một chút sữa mẹ sau mỗi lần cho con bú để xoa lên đó và làm dịu cơn đau.

Tuy nhiên, nhiều phụ nữ thấy rằng vắt sữa bằng tay tốn nhiều thời gian, vì vậy cách này thường không khả thi nếu bạn cần vắt một lượng lớn sữa thường xuyên.

Để biết cách vắt sữa bằng tay, tốt nhất là nên có một người nào đó làm mẫu cho bạn, tuy nhiên chúng tôi cũng liệt kê dưới đây quy trình từng bước một:

•      Rửa sạch tay trước khi bắt đầu.

•      Xoa bóp ngực một chút hoặc đặt một chiếc khăn ấm lên ngực trước khi nặn sữa.

•      Ngồi thẳng và ngả người về phía trước – trọng lực sẽ hỗ trợ bạn!

•      Đặt ngón tay cái và ngón trỏ vào một bên vú, khoảng một inch (1 inch tương đương 2,54 cm) phía dưới quầng vú, tạo bàn tay thành hình chữ C.

•      Ấn các ngón tay vào thành ngực một cách nhẹ nhàng cùng lúc. (Bạn cần bóp vùng dưới quầng vú, chứ không phải là bóp núm vú.) Di chuyển tay đều chứ không phải kéo hay giật. Bạn cần thử nghiệm một chút để tìm ra vị trí thích hợp – khi đó, sữa sẽ phun ra.

•      Xoay các ngón tay của bạn xung quanh quầng vú (chẳng hạn như bắt đầu từ phía trên và dưới rồi di chuyển sang các bên) để tiếp tục vắt sữa. Lúc đầu, có thể bạn chỉ vắt được vài giọt sữa. Không sao cả, bạn sẽ vắt được nhiều hơn thông qua luyện tập nhiều lần.

•      Thu sữa vào bình chứa sạch có miệng rộng.

5. Lưu trữ sữa mẹ như thế nào?

Bạn có thể lưu trữ sữa mẹ trong trong chai cho bú hoặc bình chứa bằng nhựa hoặc thủy tinh. Đóng chặt nắp để giữ sạch sữa. (Nhiều máy hút đi kèm với bình đựng sữa.)

Bạn cũng có thể sử dụng túi nhựa chuyên dụng để trữ sữa. Chỉ đổ đầy ba phần tư túi nếu giữ lạnh đông trong tủ đá vì có sự giãn nở thêm sau khi lạnh đông.

Để thuận tiện, lưu trữ sữa với lượng mà bạn thường cho bé bú (Nếu em bé của bạn thường dùng 3 oz (khoảng 90 ml) thì lưu trữ sữa thành từng phần 3 oz.)

Nhớ ghi ngày, tháng trên chai hoặc túi trước khi đặt vào trong tủ lạnh hoặc tủ đông để biết bạn đã hút sữa đó khi nào. (Khi lấy sữa ra sử dụng, bạn nên lấy bình sữa đã trữ lâu nhất ra trước.) Không nên kết hợp sữa tươi mới vắt xong với sữa đông lạnh (chẳng hạn như đổ thêm sữa mới vắt vào một bình sữa lạnh đông).

Bạn có thể ngạc nhiên khi thấy sữa mẹ trông như thế nào. Việc nhìn thấy chất béo tách ra và nổi lên trên bề mặt là bình thường và đôi khi sữa có màu hơi xanh, đặc biệt là sữa mới vắt ra. (Màu sữa của bạn cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống hoặc thuốc uống.) Đừng lắc sữa. Thay vào đó, hãy xoay nhẹ bình sữa để trộn đều chất béo lại vào sữa.

Sữa không nên có vị hoặc mùi chua, tuy nhiên sau khi rã đông sữa, đôi khi sữa có mùi xà phòng nhẹ do sự thay đổi của chất béo. Điều này hoàn toàn bình thường.

Quá trình lạnh đông phá hủy một số các kháng thể trong sữa, do đó đừng lạnh đông sữa trừ phi bạn phải làm vậy. Tuy vậy sữa mẹ lạnh đông vẫn tốt hơn cho sức khỏe của bé và giúp bé kháng bệnh tốt hơn sữa công thức.

6. Có thể lưu trữ sữa mẹ trong bao lâu?

Có nhiều ý kiến ​​khác nhau về thời gian mà sữa mẹ vẫn còn tốt một khi đã ra khỏi cơ thể.

•      Sữa mẹ tươi: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Hoa Kỳ (CDC) cho biết sữa mẹ mới vắt ra có thể được giữ ở nhiệt độ phòng từ 6 đến 8 tiếng, tuy nhiên tốt nhất vẫn là nên giữ lạnh ngay lập tức. Dùng sữa tươi giữ lạnh này trong vòng năm ngày. (Lưu trữ sữa ở phần trong cùng của ngăn lạnh.)

•      Sữa mẹ lạnh đông: Trong ngăn đá của tủ lạnh (5 F hay -15 độ C), sữa lạnh đông có thể giữ được trong hai tuần. Nếu có ngăn đá với cửa mở tách biệt (0 F hay -18 độ C), sữa có thể được trữ trong 3 đến 6 tháng. Và trong tủ đông sâu (-4 F hay -20 độ C), sữa có thể trữ trong 6 đến 12 tháng.

(Sử dụng các con số thấp hơn – 3 tháng và 6 tháng – cho chất lượng sữa tốt nhất. Vào tháng cuối, sữa vẫn an toàn, nhưng chất lượng sẽ giảm đi đôi chút.)

Một khi bạn đã rã đông sữa lạnh đông, bạn có thể giữ nó trong tủ lạnh cho đến 24 giờ. Nếu để ở nhiệt độ phòng, sử dụng sữa trong vòng một giờ. (Nếu không sử dụng sữa này trong thời gian đó, bạn phải bỏ nó đi, vì không thể lạnh đông trở lại.) Nếu bạn cần phải vận chuyển sữa, giữ lạnh cho đến khi dùng.

Một số chuyên gia y tế khuyên bạn nên bỏ hết phần sữa nào còn lại trong bình sau khi bé bú, mặc dù một số khác nói rằng bạn có thể dùng tiếp chai sữa đã uống một phần miễn là bạn làm lạnh nó ngay và sử dụng trong vòng 4 tiếng.

7. Làm thế nào để rã đông sữa?

Để rã đông sữa đông lạnh, hãy giữ túi hoặc chai sữa trong nước ấm cho đến khi sữa về lại nhiệt độ bình thường, hoặc để sữa rã đông trong tủ lạnh qua đêm. Không nên sử dụng lò vi sóng để rã đông hoặc hâm nóng sữa, vì nó làm mất các dưỡng chất trong sữa mẹ và có thể phát sinh các điểm nóng cục bộ.

8. Tôi có thể làm gì nếu gặp vấn đề khi hút sữa?

Đối với nhiều phụ nữ, điều khó khăn nhất trong việc hút sữa là tìm được thời gian cố định phù hợp trong ngày làm việc hoặc tìm được một không gian riêng tư thoải mái. Tuy nhiên nói chung là việc hút sữa không phải dễ dàng đối với tất cả mọi người. Dưới đây là một số lý do mà bạn có thể gặp khó khăn trong việc lấy được nhiều sữa và một vài lời khuyên:

•      Có thể là do bạn đã hút sữa quá sớm. Bạn sẽ không có được nhiều sữa nếu mới đây bạn hoặc con bạn đã hút kiệt sữa. Đừng quá căng thẳng về thời điểm chính xác tối ưu để hút sữa, nhưng hãy ghi chú lại trong trường hợp bạn đang gặp vấn đề.

•      Có thể bạn cần thay đổi các thiết lập trên máy hút sữa. Có thể khó lấy đủ sữa nếu lực hút quá thấp hoặc tốc độ quay quá nhanh. Trong một số trường hợp, máy hút sữa của bạn có thể không cung cấp được kiểu hút phù hợp mặc dù bạn có điều chỉnh thế nào đi nữa. Các máy hút tiên tiến nhất hiện nay đi kèm với một thẻ cài đặt tái lập trình mà bạn có thể gửi lại cho nhà sản xuất để điều chỉnh.

•      Có thể là do máy hút sữa bạn đang dùng không được tốt cho lắm. Một số phụ nữ gặp khó khăn để lấy đủ sữa nếu họ đang sử dụng một máy hút bằng tay hoặc điện tử mà không làm việc tốt lắm (sau khoảng một năm sử dụng pin có thể mòn, hết pin). Bạn thường sẽ có được kết quả tốt nhất từ những máy hút kép điện tử có chất lượng cao.

•      Có thể là do bạn đang sử dụng phễu chụp nhỏ hơn núm vú của bạn. Đây là một vấn đề phổ biến bởi vì hầu hết các máy hút sữa đi kèm với phễu chụp được thiết kế cho phụ nữ có núm vú nhỏ. Nếu phễu chụp quá nhỏ và núm vú phình lên khi bạn bắt đầu hút, bạn sẽ không thể lấy được nhiều sữa. Ngày nay, nhiều công ty chế tạo ra những phễu chụp với những kích thước lớn hơn. Hãy chắc rằng bạn đang sử dụng loại có kích thước phù hợp với mình.

.•      Có thể là do bạn không tiết sữa ra nhiều lắm. Có nhiều lý do, bao gồm việc cho bú không đủ thường xuyên và không duy trì lượng nước thích hợp bằng cách uống nhiều nước. Một số loại thuốc, như thuốc làm thông mũi hoặc estrogen cũng có thể ức chế nguồn sữa.

•      Có thể là do bạn đang gặp vấn đề với việc xuống sữa. Cố gắng thư giãn và thoải mái trong khi hút sữa. (Một số phụ nữ thích nhìn hình em bé của họ, nhắm mắt lại và nghĩ về em bé, hoặc thậm chí nghe đoạn ghi âm tiếng nói thủ thỉ hay tiếng ríu rít của bé.) Bạn cũng có thể thử nhẹ nhàng xoa bóp ngực của bạn hoặc sử dụng gạc ấm đặt trên ngực trước khi hút.

Nếu bạn vẫn đang gặp vấn đề và cảm thấy chán nản, hãy gọi điện cho những nhà tư vấn về việc cho con bú. Hoặc trò chuyện với những bà mẹ có kinh nghiệm trong việc hút sữa. Họ có thể cung cấp cho bạn nguồn động lực to lớn.

Tài liệu tham khảo

http://www.babycenter.com/0_pumping-breast-milk-an-overview_8791.bc