Nội dung chính
Thế nào là nguồn cung sữa thấp?
Hầu hết các bà mẹ đều trải qua giai đoạn tự hỏi liệu lượng sữa của mình có đủ hay không, đặc biệt khi họ bắt đầu cho con bú.
Nhiều phụ nữ nghĩ rằng sữa của họ ít nhưng thật ra không phải vậy. Điều này có thể xảy ra khi bạn mất cảm giác căng ở bầu sữa hoặc khi sữa ngừng rỉ khỏi đầu vú. Tuy nhiên đây là những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đã điều chỉnh theo nhu cầu của con bạn. Một em bé ở giai đoạn tăng trưởng bứt phá cần nhiều sữa hơn bình thường và việc bé bú thường xuyên hơn sẽ làm cho ngực bạn bớt căng hơn trước.
Trong hầu hết trường hợp, kể cả bé đang bú nhiều sữa hơn hoặc là nguồn sữa mẹ đang ít đi đều có thể được sửa chữa lại cho đúng. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, nguồn cung sữa thấp có thể khiến bé có nguy cơ suy dinh dưỡng. Vì vậy, việc kiểm tra là hết sức quan trọng.
Nguyên nhân nào làm cho nguồn cung sữa thấp?
Nguồn sữa mẹ có thể tạm thời giảm đi nếu người mẹ không cho con bú thường xuyên vì đang bị đau đầu vú, hoặc bạn thờ ơ với việc cho con bú hoặc kỹ thuật cho bú không đúng. Những loại thuốc chữa bệnh hoặc thuốc ngừa thai có chứa estrogen cũng ảnh hưởng đến khả năng tạo sữa. Đối với một số phụ nữ, những điều kiện thể chất và sinh học như rối loạn hóc môn hoặc phẫu thuật ngực cũng làm nguồn sữa của họ ít đi.
Mặc dù vậy, đối với hầu hết phụ nữ, vấn đề thật sự không nằm ở việc tạo sữa mà ở việc làm thế nào để bé bú được sữa. Họ tạo ra rất nhiều sữa nhưng vì một vài lý do như kỹ thuật cho bú không đúng mà con họ không được cung cấp đủ sữa.
Làm sao biết được con tôi có đủ sữa không?
Sau đây là một vài cách bạn có thể nhận biết:
- Con bạn thường tăng khoảng 1 oz (khoảng 28 g) mỗi ngày trong 3 tháng đầu tiên và sẽ tăng khoảng nửa oz (14 g) từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 (những đứa trẻ mới sinh thường giảm một ít trọng lượng vào những ngày đầu tiên trước khi tăng cân trở lại). Con bạn sẽ trở về cân nặng bình thường sau 10 đến 14 ngày sau khi sinh. Tăng cân là một bằng chứng tốt nhất cho thấy con bạn bú đủ sữa.
- Trong tháng đầu tiên, con bạn đi đại tiện ít nhất 3 lần trong 1 ngày và phân có màu vàng xanh vào ngày thứ 5 sau khi sinh. Sau tháng đầu tiên, tần suất đi đại tiện sẽ ít hơn. Một số em bé thậm chí một hai ngày mới đại tiện.
- Con bạn bú thường xuyên (mỗi hai đến ba giờ) ít nhất 8 lần trong ngày.
- Bạn nghe thấy con bạn nuốt và thỉnh thoảng thấy sữa ở khóe miệng bé.
- Con bạn khỏe khoắn và năng động
- Con bạn làm ướt 7 đến 8 miếng tã vải mỗi ngày, hoặc 5 đến 6 miếng tã loại dùng một lần. Tã dùng một lần thấm hút rất nhanh và khó nhận biết khi bị ướt. Nếu bạn không chắc, hãy so sánh trọng lượng của tã đó với tã khô. Tã ướt sẽ nặng hơn một chút.
(Lưu ý: chỉ yếu tố tã ướt không đủ để khẳng định liệu con bạn có bú đủ sữa không: một em bé thiếu nước vẫn có thể làm ướt tã. Phân và sự tăng cân là những dấu hiệu tốt nhất cho thấy con bạn như thế nào).
Làm cách nào để tăng nguồn cung sữa?
Nếu bạn không tạo ra được nhiều sữa như bạn (và con bạn) mong muốn, hãy thử những cách sau:
- Gặp bác sĩ chuyên gia trong lĩnh vực cho con bú. Họ sẽ xem xét con bạn và cho những lời khuyên để tăng nguồn cung sữa.
- Cho bé bú thường xuyên, việc cho con bú thường xuyên sẽ kích thích cơ thể bạn tạo ra nhiều sữa hơn. Hãy đảm bảo rằng bạn cho bú đều cả hai ngực.
- Tạo tư thế cho bú thoải mái nhất có thể. Bác sĩ có thể tư vấn để bạn có được tư thế cho bú phù hợp.
- Khi con bạn đang bú và nuốt chậm lại, hãy dùng sức ép vào ngực để làm tăng lượng sữa cho bé và làm cạn bầu sữa. Khi dòng sữa dường như đã cạn kiệt thậm chí khi bạn đã tạo sức ép thì bạn hãy đổi bên và lặp lại các thao tác trên. Duy trì việc chuyển đổi qua lại giữa các bên ngực cho đến khi con bạn no và dừng bú.
* Kích thích cơ thể tạo ra nhiều sữa hơn bằng việc thêm công đoạn hút sữa giữa các lần cho con bú. Dự trữ sữa bạn hút được cho bé dùng vào những lần cho bú tiếp theo nếu cần, cho đến khi nguồn sữa của bạn tăng lên.
* Đừng bổ sung vào chế độ ăn của bé bất kì loại thực phẩm rắn nào hoặc sữa công thức trừ khi bạn và bác sĩ quyết định rằng con bạn cần thêm những dưỡng chất bổ sung vì lý do sức khỏe đặc biệt của bé.
* Tránh sử dụng núm vú giả. Thay vào đó hãy khuyến khích bé thấy thoải mái với vú mẹ – việc bé bú sẽ kích thích việc tạo sữa của bạn.
- Một em bé đang buồn ngủ cần được đánh thức và khuyến khích bú nhiều hơn (nhờ vậy kích thích tuyến sữa của bạn tạo ra nhiều sữa hơn). Để giữ cho bé thức và thích thú, hãy cố gắng đổi bên thường xuyên, thay đổi tư thế và thậm chí không mặc đồ cho bé. Một số bà mẹ chơi đùa với chân em bé trong thời gian bé bú để giúp bé thức.
- Những bà mẹ nhận thấy sữa của mình thật sự ít thì có thể cần kiểm tra tuyến giáp. Nội tiết tố ở tuyến giáp thấp được biết là nguyên nhân làm giảm nguồn cung sữa.
- Nếu bạn không chắc là con mình đang bú tốt hoặc vẫn lo ngại về lượng sữa của mình, hãy gọi cho bác sĩ chuyên khoa về việc cho con bú để được hỗ trợ.
Cân nhắc về những loại thảo mộc tốt cho việc tạo sữa (được gọi là galactogogues). Bạn sẽ cần kiểm tra với những nhà nghiên cứu thảo mộc có tiếng hoặc chuyên viên chăm sóc sức khỏe về sự an toàn của một số loại thảo mộc đặc thù trong giai đoạn cho bú. Bạn cũng cần kiểm tra biểu đồ sự tương tác sữa mẹ.
Nếu bạn đã thử những phương thức này nhưng vẫn không hiệu quả; bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn có thể đề nghị uống thuốc để làm tăng lượng sữa và theo dõi chặt chẽ tình trạng, sự tiến triển khi bạn đang điều trị.
Thiếu sữa sẽ ảnh hưởng thế nào đến bé?
Nếu con bạn thường xuyên bị thiếu sữa, bé có thể khó tăng cân và tình trạng này hạn chế sự phát triển trí tuệ và thể chất của bé. Hãy gọi cho bác sĩ và lên lịch kiểm tra ngay nếu con bạn không tăng cân hoặc đang giảm cân nặng. Những kỹ thuật cho bú cải tiến có thể hỗ trợ nhưng một số trường hợp chậm tăng cân còn là biểu hiện của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Tài liệu tham khảo
http://www.babycenter.com/0_low-milk-supply_8487.bc