Thứ Năm, 21/11/2024
Dinh dưỡng Bình sữa và lon sữa của bé bằng nhựa có an toàn không?

Bình sữa và lon sữa của bé bằng nhựa có an toàn không?

 
Bình sữa và lon sữa của bé bằng nhựa có an toàn không?
(Nguồn ảnh: blog.ecoetsy.com)

Những lo ngại về BPA trong lon sữa và bình sữa trẻ em bằng nhựa

Bisphenol A (hay BPA) là một hóa chất, được sử dụng trong các sản phẩm nhựa polycarbonate và các túi nhựa thực phẩm làm từ nhựa epoxy trong nhiều thập kỷ nhằm làm cứng sản phẩm nhựa, bảo vệ thực phẩm khỏi vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài thực phẩm và chống gỉ. Trong nhiều năm qua, các loại hộp nhựa như bình sữa, ly tách và lớp tráng của lon sữa có chứa BPA. Trong khi có rất ít dữ liệu khoa học về ảnh hưởng của BPA đối với con người, nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng BPA không an toàn.

Ngày nay hầu hết, nếu không phải tất cả, bình sữa trẻ em bằng nhựa được bán ở Mỹ không còn chứa BPA. Đó là vì trong năm 2009, sáu nhà sản xuất lớn về bình sữa trẻ em và bình ti – đại diện cho hơn 90 phần trăm thị trường của Mỹ – ngừng sản xuất các sản phẩm của họ với BPA. Và trong năm 2012, cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm BPA trong sản xuất của tất cả các bình sữa trẻ em và bình ti.

Mặc dù Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết việc tiếp xúc với BPA của con người đã giảm đáng kể trong những năm gần đây, các tổ chức sức khỏe và môi trường mà đang làm việc để loại bỏ BPA ra khỏi các sản phẩm tiêu dùng nói là còn nhiều việc cần phải làm. Một điều là, một loạt các sản phẩm vẫn được sản xuất có chứa BPA. Ví dụ, lớp tráng của lon sữa nước chứa một lượng nhỏ BPA, mà các chuyên gia y tế cho biết có thể có hại cho trẻ.

Trong khi Chính phủ Mỹ vẫn chưa đưa ra một lập trường chống lại việc sử dụng các hộp sữa này, cơ quan FDA hiện đang làm việc với nhà sản xuất để đưa ra các giải pháp thay thế an toàn hơn.

BPA xâm nhập vào thức ăn của bé như thế nào?

Vấn đề phát sinh khi hóa chất bị rò rỉ từ bình hoặc hộp đi vào chất lỏng hoặc thực phẩm tiếp xúc với nhựa. Nếu bé uống sữa từ một trong những bình này – hoặc tiêu thụ sữa đóng gói từ một trong những hộp đó – có thể là bé cũng đã tiếp xúc một liều lượng BPA.

Lượng hóa chất rò rỉ ra phụ thuộc vào loại chai hộp, nhiệt độ sử dụng để tiệt trùng sữa sau khi hộp được đóng kín, và bản chất của thực phẩm (ví dụ, nó có chứa dầu hay không, hoặc chứa bao nhiêu muối). Mặc dù chính phủ Mỹ và các ngành công nghiệp hóa học khẳng định rằng các sản phẩm là an toàn và mức độ BPA được tìm thấy ở người là rất thấp; một số chuyên gia, nhà khoa học và các chuyên gia môi trường y tế không đồng ý điều đó.

Theo Nhóm Công tác Môi trường (EWG) của Mỹ, các nghiên cứu cho thấy những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe của BPA nhiều hơn so với các nghiên cứu không chỉ ra ảnh hưởng có hại ở mức 9:1. Ngoài ra, hàng chục tổ chức sức khỏe môi trường quốc gia và các bang tại Mỹ và Canada có kêu gọi tạm hoãn việc sử dụng BPA trong các hộp đựng thực phẩm và nước giải khát. Nhiều người tin rằng các bằng chứng hiện nay đủ mạnh cho các bậc cha mẹ phải xem xét thực hiện các bước để giảm sự tiếp xúc của trẻ với BPA khi có thể.

BPA gây hại như thế nào?

Hệ thống nội tiết của cơ thể bạn được tạo thành từ các tuyến sản sinh hoóc môn để điều tiết sự tăng trưởng, sự trao đổi chất và phát triển sinh dục. Khi tiêu thụ, BPA bắt chước hoóc môn estrogen và sẽ phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ thống nội tiết.

Nghiên cứu động vật cho thấy rằng lượng thấp của BPA ảnh hưởng đến các hoóc môn kiểm soát sự phát triển của não, hệ sinh sản và hệ thống miễn dịch. Ở chuột thí nghiệm, tiếp xúc với BPA có liên quan đến nguy cơ gia tăng của một số bệnh ung thư, giảm số lượng tinh trùng, làm giảm khả năng sinh sản và gây hiếu động. Tiếp xúc với BPA cũng liên quan đến bệnh béo phì, tiểu đường và dậy thì sớm.

Viện Y tế Quốc gia và Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ đã quy tụ các chuyên gia xem xét 700 nghiên cứu về BPA đã được công bố. Họ tìm thấy rằng mức độ BPA ở người là cao hơn so với mức độ gây tác động bất lợi trong các nghiên cứu động vật.

Những hóa chất khác có trong nhựa thì sao?

Các chuyên gia môi trường và sức khỏe đồng ý rằng BPA không phải là hóa chất duy nhất đáng lo ngại. Một mẩu nhựa có thể chứa 5 đến 30 hóa chất, và một món đồ nhựa với nhiều bộ phận, như một bình sữa em bé, có thể chứa hơn một trăm. Thậm chí một tấm bọc nhựa mỏng cũng có thể rò rỉ hóa chất vào thức ăn của bạn khi bị nung nóng trong lò vi sóng.

Một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên tạp chí khoa học về Sức khỏe Môi trường của Mỹ (Environmental Health Perspectives) cho thấy rằng gần như tất cả trong số 500 sản phẩm nhựa được thử nghiệm – bao gồm cả những sản phẩm có nhãn không chứa BPA – đều rò rỉ hóa chất độc hại. Trong một số trường hợp, nhựa không chứa BPA giải phóng nhiều hóa chất nhiều hơn so với nhựa chứa BPA.

“Hộp đựng thực phẩm và bao bì bằng nhựa chứa hàng chục các thành phần – nhiều số trong chúng có tác dụng như estrogen,” Sonya Lunder, một nhà phân tích nghiên cứu thâm niên của Nhóm Công tác Môi trường nói. “BPA là một trong những phụ gia mạnh nhất. Do đó các bậc cha mẹ nên tránh nhựa polycarbonate gây rò rỉ BPA và nên cẩn thận với tất cả các hộp đựng thức ăn bằng nhựa.”

Lunder nói rằng vì nhựa khi gia nhiệt sẽ làm rò rỉ các hợp chất estrogen, cần phải giữ tất cả đồ nhựa khỏi lò nướng hoặc lò vi sóng. Nếu bạn chuẩn bị thức ăn cho trẻ bằng nước đun sôi, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ để nguội nước trước khi đổ vào bình sữa hoặc bình ti (dù sao thì bạn cũng phải thực hiện điều này để không vô tình gây phỏng miệng cho con bạn).

BPA có trong các sản phẩm khác không?

Có, BPA có mặt trong nhiều mặt hàng nhựa khác, chẳng hạn như đồ chơi, chất bịt kín răng, hộp đựng thức ăn bằng nhựa và chai nước. Và nó không chỉ có trong lon sữa bột, mà nó có trong hầu hết các lon thực phẩm – giống như trong lon đậu bạn sử dụng cho món ớt đêm qua và lon cà chua đóng hộp bạn sử dụng để làm nước sốt spaghetti.

BPA cũng được tìm thấy trong thiết bị điện tử, đĩa CD và DVD, mắt kính, thiết bị y tế, các lớp phủ của biên lai thu tiền, và các mặt hàng khác, nhưng các nhà khoa học tin rằng những mối quan tâm chính hiện nay là sự tiếp xúc thông qua đường miệng.

Tôi có thể bảo vệ con tôi như thế nào?

“Trong khi tất cả chúng ta và bọn trẻ thường xuyên tiếp xúc với lượng thấp của vô số hóa chất, trong đó có BPA, có một số biện pháp chúng ta có thể làm để ít nhất có thể tránh được một số,” Shanna Swan, giáo sư sản khoa và phụ khoa tại trường Đại học Y Rochester ở New York nói. “Một nguyên tắc chung tốt là tránh tiếp xúc không cần thiết với các hóa chất trong thực phẩm và nước uống của bạn và lựa chọn các giải pháp ít tiếp xúc hơn khi có thể.”

Nếu bạn lo ngại về việc tiếp xúc của bé với BPA và các hóa chất khác, thì chai hoặc bình sữa của bé là mối quan tâm hàng đầu. Dưới đây là một số điều cụ thể bạn có thể làm mà không gây tổn hại và có thể giúp ích cho bạn:

  • Cho bé bú sữa mẹ. Phương pháp này sẽ tránh các hóa chất có trong cả chai và lớp tráng bình sữa.
  • Nếu bạn cho bé bú bình, hãy sử dụng loại bình sữa trẻ em bằng thủy tinh hoặc loại bình làm từ nhựa không chứa BPA thay vì bình polycarbonate. Hãy tìm bình có dán nhãn “BPA-free” (không chứa BPA) hoặc mua bình làm bằng polypropylene hoặc polyethylene, thường mờ đục hoặc có màu hơn là trong suốt.
  • Loại bỏ các bình sữa và bình ti bị đục vẩn, trầy xước hoặc nứt. Bình bị mòn có thể rỉ ra các chất hóa học dễ dàng hơn.
  • Không đặt bình sữa hoặc bình ti trong lò vi sóng. Nghiên cứu cho thấy rằng nhiệt độ cao có thể gây thẩm thấu tất cả các hóa chất nhiều hơn. Để hâm nóng bình sữa hoặc cốc, đặt nó trong một nồi nước nóng hoặc rửa dưới vòi nước nóng.
  • Cẩn thận làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất để chuẩn bị và làm nóng sữa. Sữa cần được giữ ấm vừa phải, không đun sôi. (Ngoài việc gây thẩm thấu nhiều hơn, sữa nóng có thể làm phỏng miệng bé và khiến các chất dinh dưỡng trong sữa bị phá vỡ.)
  • Sử dụng sữa bột thay vì sữa nước. Trong khi cả hai lon sữa nước và sữa bột đều có chứa BPA, lon sữa bột là một lựa chọn an toàn hơn. Nhóm Công tác Môi trường (EWG) đã tính toán rằng các em bé sử dụng sữa bột hoàn nguyên có thể nhận vào ít BPA hơn 8 đến 20 lần so với những em bé uống sữa nước từ lon kim loại.
  • Nếu bạn mua sữa nước, hãy chọn loại cô đặc thay vì sữa pha sẵn để sử dụng. Pha loãng sản phẩm bằng nước trước khi cho em bé uống cũng làm giảm hàm lượng BPA bé nhận vào.

Tôi có thể bảo vệ gia đình tôi như thế nào?

Dưới đây là một số bước bạn có thể làm để giảm tiếp xúc của các thành viên trong gia đình với BPA và các hóa chất khác:

  • Không đặt bát đĩa hoặc hộp nhựa trong lò vi sóng hay máy rửa chén, và không rửa chúng với chất tẩy rửa mạnh. Nhiệt độ cao và chất tẩy rửa có thể làm hỏng nhựa, sẽ làm cho nó rò rỉ hóa chất nhiều hơn.
  • Dùng khăn giấy hoặc đĩa sành thay vì màng bọc nhựa để đậy thức ăn bạn làm nóng trong lò vi sóng.
  • Khi mua đồ nhựa, kiểm tra đáy của hộp. Tránh những nhãn có chứa số 7 vì chúng có thể chứa BPA. (Những nhãn chứa số 3 có thể chứa phthalate, vì vậy bạn sẽ muốn tránh con số này luôn.) Và hãy nhớ rằng mặc dù chai hộp có mã số 1, 2, 4, 5 hoặc 6 có thể không chứa BPA hay phthalate, nhưng các hóa chất được sử dụng trong các sản phẩm nhựa này chưa được nghiên cứu đủ để xác định tính an toàn của chúng.
  • Ăn thực phẩm từ nhiều nguồn khác nhau, nhờ đó bạn không cần phụ thuộc vào thực phẩm đóng hộp. (Hầu hết hàng hóa đóng hộp có lớp tráng BPA.)

Các biện pháp đang được thực hiện?

Quốc hội Mỹ hiện đang đánh giá liệu BPA có gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh hay không và liệu có cần quy định cho nó gây không. Bang Minnesota và Connecticut cấm bán các sản phẩm BPA cho trẻ em, cũng như một số thành phố và quận khác. Và bang California đã thông qua luật cấm BPA trong tất cả các bình sữa và cốc dành cho em bé, một động thái được ủng hộ bởi các bác sĩ, các tổ chức môi trường và các nhóm y tế cộng đồng.

Trong khi đó, các nhà sản xuất đang cung cấp bình và hộp sữa không chứa BPA, và một số nhà bán lẻ lớn như là Wal-Mart và Toys-R-Us, đã tự nguyện rút các sản phẩm được làm bằng BPA ra khỏi các kệ hàng của họ.

“Hãy để lãnh đạo của bạn biết rằng bạn muốn được biết về BPA và các chất phụ gia khác trong các sản phẩm mà bạn và gia đình của bạn sử dụng,” Swan nói. “Thực phẩm, hộp đựng thực phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân phải được dán nhãn về vấn đề này.”

Các bậc cha mẹ có thể nói với chính phủ về việc họ muốn có nhiều kiểm tra và quy định chặt chẽ hơn cho các hóa chất gây hại, cũng như các nhãn cho phép bạn xác định các thành phần nguy hại và cho phép bạn đưa ra quyết định mua hàng với đầy đủ thông tin. Và hãy kêu gọi nghiên cứu về những giải pháp thay thế cho lon tráng BPA.

 Tài liệu tham khảo

http://www.babycenter.com/0_are-plastic-baby-bottles-and-formula-cans-safe_14387.bc?showAll=true