Nội dung chính
Khi em bé của bạn phát triển, bé sẽ háo hức lấy thức ăn từ đĩa của bạn – và bạn sẽ có mong muốn đưa các món đa dạng vào chế độ ăn uống của bé. Nhưng không phải tất cả các loại thực phẩm đều an toàn cho con của bạn. Một số thực phẩm gây mắc nghẹn nguy hiểm, và một số thì không tốt cho hệ tiêu hóa vẫn đang phát triển của bé.
Thực phẩm cần tránh từ lúc mới sinh đến 4-6 tháng tuổi
- Tất cả các thực phẩm và đồ uống ngoại trừ sữa mẹ hoặc sữa công thức: AAP (Viện Hàm lâm Nhi khoa Hoa Kỳ) khuyến cáo chỉ cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức cho 4-6 tháng đầu tiên.
Thực phẩm cần tránh từ 4-12 tháng tuổi
- Mật ong: Mật ong có thể chứa các bào tử của vi khuẩn Clostridium botulinum gây ngộ độc. Đường ruột của người lớn có thể ngăn chặn sự sinh sôi của các bào tử này, nhưng ở các bé sơ sinh bào tử này có thể phát triển và sản sinh độc tố đe dọa tính mạng.
- Sữa đậu nành và sữa bò: Hãy chỉ sử dụng sữa mẹ hoặc sữa công thức cho đến sinh nhật đầu tiên của bé. Tại sao? Vì bé không thể tiêu hóa các protein trong sữa đậu nành và sữa bò trong năm đầu tiên. Các loại sữa này cũng không có tất cả các chất dinh dưỡng bé cần và chúng chứa các khoáng chất ở hàm lượng cao có thể gây tổn hại thận của bé.
Các thức ăn có nguy cơ gây nghẹt thở cần thận trọng
- Khối lớn: Một miếng thức ăn với kích thước lớn hơn hạt đậu Hà Lan có thể bị kẹt trong cổ họng của trẻ. Các loại rau củ như cà rốt, cần tây, đậu que cần được băm nhỏ hoặc nấu chín và cắt nhỏ. Cắt trái cây như nho, cà chua bi, và dưa thành từng miếng có kích thước tối đa bằng hạt đậu Hà Lan trước khi cho bé ăn. Cắt thịt và pho mát thành những mảnh rất nhỏ hoặc băm vụn.
- Thức ăn nhỏ và cứng: Kẹo cứng, thuốc ho, các loại hạt cây (nut), bỏng ngô là những mối nguy hiểm có tiềm năng gây nghẹn. Hạt giống (seed) có thể quá nhỏ để bị gây nghẹt thở nhưng có thể bị kẹt trong đường thở của trẻ và gây nhiễm trùng.
- Thức ăn mềm và dính: Thức ăn mềm như kẹo dẻo, thạch hay kẹo cao su có thể bị kẹt trong cổ họng của trẻ.
- Bơ đậu phộng: Cấu trúc dính của bơ đậu phộng và các loại bơ từ hạt khác có thể làm cho trẻ khó nuốt một cách an toàn.
Các biện pháp phòng ngừa mắc nghẹn khác
- Tránh để con bạn ăn trong xe hơi vì khó giám sát trẻ ăn trong khi lái xe.
- Nếu bạn đang sử dụng một loại thuốc mọc răng cho bé, hãy quan sát bé cẩn thận bởi vì thuốc có thể làm tê cổ họng và gây trở ngại cho việc nuốt.
Thực phẩm cần tránh từ 12 đến 36 tháng tuổi
Xem lời khuyên về An toàn thực phẩm cho trẻ sơ sinh và trẻ chập chững tập đi.
Những tin mới nhất về trẻ em và dị ứng
Các bác sĩ từng khuyên rằng nên chờ tới khi bé được 1 tuổi hoặc hơn trước khi cho bé ăn những thực phẩm rắn là những chất gây dị ứng phổ biến, đặc biệt là với những trẻ có nguy cơ bị dị ứng. Nhưng Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyên khác đi bởi vì các nghiên cứu cho thấy rằng sự chậm trễ tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng này có thể không giúp ngăn cản phát sinh dị ứng.
Tuy nhiên, vẫn là một ý tưởng khôn ngoan khi bạn cho bé ăn món ăn mới từ từ, chờ đợi vài ngày sau mỗi món mới để đảm bảo bé không có phản ứng xấu với nó. Và nếu bạn tin rằng em bé của bạn có thể bị dị ứng thực phẩm – ví dụ, nếu dị ứng từng xảy ra trong gia đình bạn hoặc em bé của bạn có bệnh chàm từ vừa tới nặng – hãy kiểm tra với bác sĩ của bé để xác định chiến lược tốt nhất cho việc cho ăn thức ăn gây dị ứng như trứng, sữa, đậu phộng, lúa mì, đậu nành, các loại hạt cây, cá và động vật có vỏ.
Tìm hiểu thêm về Dị ứng thực phẩm ở trẻ sơ sinh.
Tài liệu tham khảo
http://www.babycenter.com/0_foods-that-can-be-unsafe-for-your-baby_9195.bc
Biên dịch: Hồ Như Quỳnh
Hiệu đính: TS. Lê Ngọc Liễu