Nội dung chính
- 1 Khi nào tôi nên cho bé bắt đầu ăn dặm?
- 2 Làm sao tôi biết được khi nào bé đã sẵn sàng ăn dặm?
- 3 Tôi nên cho bé ăn dặm như thế nào?
- 4 Làm sao tôi có thể biết bé đã no?
- 5 Tôi có vẫn cần phải cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức không?
- 6 Tôi phải cho bé làm quen với mỗi loại thực phẩm mới như thế nào?
- 7 Tôi nên cho bé ăn dặm mấy lần một ngày?
- 8 Tôi cần dụng cụ gì để cho bé ăn dặm?
- 9 Tôi cần những gì để làm thức ăn tại nhà cho trẻ?
- 10 Tôi nên cho bé ăn dặm ở đâu?
- 11 Làm thế nào tôi có thể giúp bé phát triển thói quen ăn uống lành mạnh?
- 12 Tài liệu tham khảo
Khi nào tôi nên cho bé bắt đầu ăn dặm?
Bạn có thể cho bé ăn dặm bất cứ lúc nào từ 4 đến 6 tháng tuổi nếu em bé của bạn đã sẵn sàng. Cho đến lúc đó, sữa mẹ hoặc sữa công thức là đủ để cung cấp tất cả các calo và nhu cầu dinh dưỡng cho bé. Hệ thống tiêu hóa của bé chỉ đơn giản là chưa sẵn sàng cho thực phẩm rắn và bé cũng chưa có khả năng nuốt thức ăn cho đến khi bé được khoảng 4 tháng.
Tuy nhiên, đây vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Viện hàm lâm Nhi khoa Hoa kỳ (The American Academy of Pediatrics) khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh phải được bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất sáu tháng – dù cho cha mẹ nhận thấy rằng một số trẻ háo hức và sẵn sàng ăn dặm sớm hơn.
Làm sao tôi biết được khi nào bé đã sẵn sàng ăn dặm?
Em bé của bạn sẽ cho bạn biết những dấu hiệu rõ ràng khi bé đã sẵn sàng ăn dặm. Các dấu hiệu để nhận biết bao gồm:
- Tự kiểm soát được đầu của bé: Em bé của bạn có thể giữ cho đầu của mình ổn định, ở vị trí thẳng đứng.
- Không còn phản xạ đẩy thức ăn ra khỏi miệng (extrusion reflex): Để có thể ăn được thực phẩm rắn, bé cần phải ngừng phản xạ dùng lưỡi đẩy thức ăn ra khỏi miệng.
- Ngồi tốt khi được hỗ trợ: Ngay cả nếu bé không hoàn toàn sẵn sàng cho việc ngồi trên một chiếc ghế cao (dành cho trẻ tập ăn), em bé của bạn cần có thể ngồi thẳng để nuốt thức ăn tốt.
- Chuyển động nhai: Miệng và lưỡi của bé phát triển đồng bộ với hệ thống tiêu hóa. Để bắt đầu ăn dặm, bé phải có khả năng chuyển thức ăn vào trong miệng và nuốt. Khi bé đã học nuốt được một cách hiệu quả, bạn có thể nhận thấy bé ít chảy nước dãi hơn – mặc dù nếu bé đang mọc răng, bạn vẫn có thể nhìn thấy rất nhiều nước dãi.
- Tăng cân đáng kể: Hầu hết các bé đã sẵn sàng ăn dặm khi bé đã tăng gấp đôi trọng lượng khi mới sinh, hoặc cân nặng khoảng 15 pound (6,8 kg) và ít nhất 4 tháng tuổi.
- Tăng sự thèm ăn: Bé có vẻ đói – ngay cả khi đã bú sữa mẹ hoặc sữa công thức tám đến mười lần mỗi ngày.
- Có sự tò mò về những gì bạn đang ăn: Em bé của bạn bắt đầu để mắt tới bát cơm của bạn hoặc với lấy thức ăn của bạn khi bạn đang ăn.
Tôi nên cho bé ăn dặm như thế nào?
Đối với hầu hết trẻ sơ sinh, bạn có thể bắt đầu với bất kỳ thức ăn rắn xay nhuyễn nào. Mặc dù cách truyền thống thường là để bé bắt đầu với thực phẩm rắn chứa chỉ một loại ngũ cốc, không có bằng chứng y tế nào cho thấy rằng ăn thức ăn rắn theo một thứ tự cụ thể sẽ có lợi cho bé. Thực phẩm tốt để bắt đầu cho bé ăn dặm bao gồm khoai lang, bí, táo, chuối, đào và lê được xay nhuyễn.
Đầu tiên, hãy cho bé bú sữa mẹ hoặc bú bình. Sau đó, cho bé một hoặc hai muỗng cà phê thức ăn rắn xay nhuyễn. Nếu bạn quyết định bắt đầu với ngũ cốc, trộn ngũ cốc với sữa công thức hoặc sữa mẹ đủ để tạo thành dạng bán lỏng. Sử dụng một cái muỗng nhựa có phần đầu muỗng mềm để cho bé ăn, để tránh gây thương tổn cho nướu răng của bé. Bắt đầu chỉ với một lượng nhỏ thức ăn trên đầu muỗng.
Nếu em bé của bạn dường như không thích ăn hết thìa, hãy để cho bé ngửi và nếm thức ăn hoặc chờ cho đến khi bé lại ý muốn ăn một cái gì đó. Đừng cho ngũ cốc vào bình sữa của bé, nếu không bé sẽ không thể kết nối được việc thực phẩm đó cần được ăn khi ngồi thẳng và ăn từ thìa.
Bắt đầu với việc cho ăn một lần một ngày, bất cứ khi nào thuận tiện cho bạn và em bé của bạn, nhưng tránh lúc bé có vẻ mệt mỏi và cáu kỉnh. Em bé của bạn có thể không ăn nhiều trong lần đầu, nhưng hãy cho bé thời gian để quen với nó. Một số trẻ cần thời gian để luyện tập việc giữ thức ăn trong miệng và nuốt.
Một khi bé đã quen với chế độ ăn uống mới của mình, bé sẽ sẵn sàng cho một vài thìa thức ăn mỗi ngày. Nếu bé ăn ngũ cốc, hãy tăng dần độ đặc lên bằng cách thêm nước ít hơn. Khi lượng ăn của bé tăng lên, hãy tăng thêm một cử ăn khác.
Làm sao tôi có thể biết bé đã no?
Sự thèm ăn của bé sẽ thay đổi từ lần ăn này tới lần ăn khác, do đó, việc tính toán chính xác lượng bé ăn không phải là một cách đáng tin cậy để biết bé đã no chưa. Hãy tìm những dấu hiệu cho thấy bé có lẽ đã no:
- Bé ngả lưng vào ghế.
- Bé quay đầu ra khỏi thực phẩm.
- Bắt đầu chơi với thìa muỗng.
- Từ chối mở miệng cho muỗng tiếp theo. (Đôi khi bé sẽ ngậm miệng bởi vì bé vẫn chưa kết thúc với muỗng đầu tiên, vì vậy hãy chắc chắn để bé có đủ thời gian nuốt.)
Tôi có vẫn cần phải cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức không?
Có, em bé của bạn sẽ cần sữa mẹ hoặc sữa công thức cho đến khi bé được một năm tuổi. Cả hai đều cung cấp vitamin quan trọng, sắt và protein ở dạng dễ tiêu hóa. Thực phẩm rắn không thể thay thế tất cả các chất dinh dưỡng mà sữa mẹ hoặc sữa công thức cung cấp trong năm đầu đời. Hãy tìm hiểu cần bao nhiêu sữa mẹ hoặc sữa công thức cho trẻ sau khi trẻ đã bắt đầu ăn dặm.
Tôi phải cho bé làm quen với mỗi loại thực phẩm mới như thế nào?
Cho bé ăn các thực phẩm rắn khác một cách từ từ, mỗi lần một loại, đợi ít nhất là ba ngày sau mỗi thực phẩm mới. Bằng cách này bạn sẽ có sự cảnh báo nếu em bé của bạn bị dị ứng với một trong số chúng (những dấu hiệu của dị ứng có thể bao gồm tiêu chảy, nôn mửa, sưng mặt, thở khò khè, hoặc phát ban). Nếu gia đình bạn có tiền sử bị dị ứng, hoặc em bé của bạn bị dị ứng trong quá trình này, hãy đợi một tuần trước khi cho bé ăn thức ăn mới.
Nói chuyện với bác sĩ của bé về loại thực phẩm ăn dặm và khi nào thì nên bắt đầu cho ăn dặm. Để an toàn, các bác sĩ có thể khuyên bạn nên hoãn lại việc cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu nành, sữa, trứng, lúa mì, cá và các loại hạt cây (quả hạch).
Mặc dù nên cho bé làm quen với việc ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau, sẽ mất thời gian để bé quen với mỗi hương vị và cấu trúc mới. Mỗi bé sẽ có sở thích ăn uống riêng biệt, nhưng việc chuyển đổi thường như thế này:
- Thức ăn xay nhuyễn hoặc bán lỏng
- Thức ăn lọc hoặc nghiền
- Thức ăn ăn bằng tay ở dạng miếng nhỏ
Nếu em bé của bạn đang chuyển sang tập ăn món ăn khác sau khi đã quen với ngũ cốc, hãy thêm một vài thìa rau củ hoặc trái cây trong cùng một bữa ăn với ngũ cốc. Ở gian đoạn này tất cả các thực phẩm phải rất nhão, bé sẽ ép chặt thức ăn từ đầu miệng và nuốt chúng.
Nếu bạn đang cho bé ăn từ các hũ thực phẩm trẻ em bán sẵn, hãy múc một ít vào đĩa và cho bé ăn từ đó. Nếu bạn nhúng thìa ăn của bé vào hũ, bạn sẽ không thể bảo quản phần thức ăn còn thừa, bởi vì như vậy bạn sẽ đưa vi khuẩn từ miệng của bé vào trong hũ. Ngoài ra, hãy bỏ bất cứ hũ thức ăn cho trẻ nào trong vòng một hoặc hai ngày sau khi mở chúng.
Một số phụ huynh có thể bảo bạn nên bắt đầu với rau củ thay vì các loại trái cây để bé không phát sinh cảm giác thèm ngọt. Nhưng em bé được sinh ra đã có sẵn sở thích với đồ ngọt, vì vậy bạn không phải lo lắng về việc cho bé ăn dặm theo bất kỳ thứ tự cụ thể nào. Ngoài ra, đừng loại bỏ bất kỳ thực phẩm nào ra khỏi thực đơn của bé đơn giản chỉ vì bạn không thích nó. Và tránh xa các loại thực phẩm có thể khiến bé bị nghẹn
Đừng thúc ép nếu bé ngoảnh mặt với một loại thực phẩm nào đó . Hãy thử lại nó trong tuần sau hoặc lâu hơn. Bé có thể không bao giờ thích khoai lang, hoặc bé có thể thay đổi suy nghĩ của bé nhiều lần và cuối cùng yêu thích chúng.
Đừng ngạc nhiên nếu phân của bé thay đổi màu sắc và mùi khi bạn thêm các thực phẩm rắn vào chế độ ăn uống của bé. Nếu bé vẫn bú sữa mẹ hoàn toàn cho đến thời điểm này, có thể bạn sẽ nhận thấy một mùi nồng từ phân của bé (vốn trước đó là có mùi ngọt) ngay sau khi bé bắt đầu ăn dặm thậm chí chỉ với một lượng rất nhỏ thực phẩm rắn.
Điều này là bình thường. Nếu phân của bé dường như quá chắc (gạo ngũ cốc, chuối và nước sốt táo có thể góp phần gây táo bón), hãy chuyển sang loại rau quả khác và bột yến mạch hoặc lúa mạch ngũ cốc.
Vào khoảng thời gian này, bạn cũng có thể cho bé làm quen với nước, nó có thể giúp kiểm soát vấn đề táo bón (mặc dù bé vẫn sẽ nhận được tất cả lượng nước bé cần từ sữa mẹ hoặc sữa công thức). Bạn có thể cho uống 2-4 ounce (60-120 ml) nước mỗi ngày trong một bình ti.
Tôi nên cho bé ăn dặm mấy lần một ngày?
Thời gian đầu, bé sẽ ăn thức ăn rắn chỉ một lần một ngày. Tới khoảng 6-7 tháng tuổi, hai bữa một ngày là bình thường. Khoảng 8 tháng tuổi, bé nên ăn dặm ba lần một ngày. Chế độ ăn uống một ngày tiêu biểu của bé 8 tháng tuổi có thể là sự kết hợp của:
- Sữa mẹ hoặc sữa công thức tăng cường chất sắt
- Ngũ cốc tăng cường chất sắt
- Rau củ màu vàng, màu cam và màu xanh
- Hoa quả
- Một lượng nhỏ protein như thịt gia cầm, đậu lăng, đậu hũ, thịt
Có những loại thực phẩm nhất định mà bạn chưa nên cho bé ăn. Mật ong, là một ví dụ, có thể gây ngộ độc ở trẻ dưới một tuổi. Và trẻ sơ sinh nên gắn với sữa mẹ hoặc sữa công thức và tránh sữa bò hoặc sữa đậu nành cho đến sau sinh nhật đầu tiên của bé.
Tôi cần dụng cụ gì để cho bé ăn dặm?
- Một chiếc ghế cao là rất hữu ích, thìa nhựa để bảo vệ nướu răng nhạy cảm của bé, yếm ăn, bát và đĩa nhựa.
- Một tấm thảm trải trên sàn nhà có thể giúp làm giảm việc bừa bộn đến mức tối thiểu.
- Bạn cũng có thể muốn cho bé dùng bình ti (bình tập uống) ngay sau khi bạn bắt đầu cho bé ăn dặm.
Tôi cần những gì để làm thức ăn tại nhà cho trẻ?
Nếu bạn đang tự chuẩn bị thức ăn cho bé, bạn sẽ cần những thứ sau đây:
- Một dụng cụ để xay nhuyễn thức ăn, chẳng hạn như một máy xay sinh tố, máy chế biến thực phẩm hoặc máy nghiền thực phẩm trẻ em.
- Hộp chứa lưu trữ để cất trong tủ lạnh và tủ lạnh đông các phần thức ăn dư thừa. (Một số cha mẹ sử dụng khay đá hoặc các thiết bị tương tự được sản xuất chỉ dành cho thức ăn của bé để lưu trữ và đông lạnh các phần thức ăn riêng lẻ.)
Tôi nên cho bé ăn dặm ở đâu?
Bạn sẽ muốn một vị trí vững chắc, ổn định, thoải mái cho bé ngồi, ở độ cao thuận tiện cho bạn. Lúc bắt đầu, bạn có thể dùng ghế nhúng (ghế gật gù) hoạt hoặc thậm chí là ghế ngồi ô tô của bé. (Chỉ cần chắc chắn rằng bé ngồi đủ thẳng để nuốt tốt.)
Tuy nhiên, một khi bé đã có thể ngồi dậy một mình, một chiếc ghế cao đặt ở bàn ăn là lựa chọn tốt nhất. Bé sẽ có thể tham gia vào các bữa ăn của gia đình, và bạn sẽ có thể ăn bữa ăn của riêng bạn và cho bé ăn cùng một lúc. Cũng dễ dọn dẹp hơn sau khi bé làm rơi thức ăn.
Làm thế nào tôi có thể giúp bé phát triển thói quen ăn uống lành mạnh?
Đừng nghĩ rằng bạn phải dùng đến các loại thực phẩm dành cho trẻ em nhạt nhẽo và nhàm chán. Thay vào đó, hãy cho trẻ sự lựa chọn đa dạng và thử thách.
Hãy làm thức ăn cho trẻ của riêng bạn – hoặc nếu bạn đang mua thực phẩm chế biến sẵn, hãy kiểm tra nhãn. Các thành phần trên nhãn càng ít thì càng tốt hơn.
Tìm hiểu về các nguyên tắc mới trong việc cho bé ăn và các nguyên tắc cũ vẫn còn được áp dụng.
Tài liệu tham khảo
http://www.babycenter.com/0_introducing-solids_113.bc