Thứ Năm, 25/04/2024
dinh dưỡng cho mẹ và bé Nên tránh loại thực phẩm gì trong giai đoạn khi cho con bú?

Nên tránh loại thực phẩm gì trong giai đoạn khi cho con bú?

 

Một số bà mẹ cho biết họ có thể ăn mọi thứ họ thích. Sự thật thì một số thực phẩm có mùi vị mạnh có thể làm thay đổi hương vị của sữa mẹ và dường như hầu hết các bé đều thích sự đa dạng về hương vị của sữa mẹ. Nhìn chung, các hương vị chính trong khẩu phần ăn của bạn, dù là nước tương hay ớt, đều đã tồn tại trong nước ối trong suốt thai kỳ.

Thai nhi đã nuốt một lượng nhỏ nước ối trước khi ra đời nên khi nếm lại những hương vị đấy trong sữa mẹ cũng đã thấy quen thuộc rồi.

Đôi khi bé sẽ quấy khóc khi bú mẹ hoặc đầy hơi sau khi bạn ăn một loại thực phẩm đặc biệt nào đó. Nếu bạn nhận thấy dấu hiệu trên, bạn nên tránh thực phẩm đó một vài ngày. Để kiểm tra liệu thực phẩm đó có thực sự là nguyên nhân hay không, hãy thử lại một lần nữa để thấy ảnh hưởng của nó.

Các thức ăn nên tránh trong giai đoạn cho con bú

Các bà mẹ tổng kết rằng các em bé hầu hết có phản ứng với các thực phẩm sau:

  • Sôcôla
  • Các loại gia vị (quế, tỏi, cà ri, ớt)
  • Trái cây họ cam quýt và nước ép của chúng như là cam, chanh và bưởi
  • Các loại dâu
  • Quả kiwi
  • Dứa (thơm)
  • Các loại rau “gây đầy hơi” (hành tây, bắp cải, tỏi, súp lơ, bông cải xanh, dưa chuột, ớt chuông
  • Các loại trái cây có tác dụng nhuận tràng, như quả anh đào (cherry) và mận khô (prune)

Bạn có thể uống mỗi ngày 1đến 2 tách cà phê nhưng quá nhiều chất caffeine có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của con bạn hoặc khiến bé khó chịu. Nên nhớ rằng caffeine cũng có trong một số loại nước uống có ga, trà hay một số loại dược phẩm không kê đơn.

Thỉnh thoảng bạn cũng có thể uống một chút đồ uống có cồn nhưng nếu uống nhiều hơn một ly, nồng độ cồn trong máu sẽ tăng đến mức mà cồn có thể đi vào sữa mẹ. Nếu bạn định uống nhiều hơn một ly rượu trong một lần thì hãy đợi 2 tiếng/1 ly trước khi cho con bú lại (hoặc cho bú trước khi uống rượu). Không cần phải hút và đổ sữa đi trừ khi ngực bạn đã căng và chưa đến lúc cho con bú.

Uống bia rượu nhiều hay chỉ vừa phải, hoàn toàn không được khuyến khích trong giai đoạn cho con bú. Trước đây có mẹo dân gian cho rằng bia đen có tác dụng làm tăng tiết sữa nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy điều này không chính xác và trên thực tế, loại đồ uống này còn làm giảm tiết sữa.

Nếu con bạn có các dấu hiệu dị ứng (như xuất hiện chàm bội nhiễm (eczema), cáu gắt, xung huyết hay tiêu chảy) thì có thể nguyên nhân là do tiếp xúc thường xuyên của bé với một số thứ như xà phòng, nấm mốc hoặc bé tự ăn phải loại thực phẩm nào đó. Hoặc có thể là do bé phản ứng với các thực phẩm bạn ăn vào thông qua bú sữa. Thông thường cần phải kiểm tra kĩ để tìm ra chính xác nguyên nhân gây nên sự mẫn cảm trên.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã ăn thứ gì đó gây ra vấn đề cho con mình, thì đó thường là loại thực phẩm bạn đã ăn 2-6 giờ trước khi cho bú. Thủ phạm phổ biến nhất là các sản phẩm từ sữa bò, tiếp theo là đậu nành, lúa mì, trứng, các loại quả hạch hoặc mật ngô.

Bạn nên trao đổi với bác sĩ của bé trước khi định loại bỏ bất kỳ thực phẩm nào ra khỏi khẩu phần ăn của mình. Nếu cần tránh một loại thực phẩm nào đó nhưng lại gây ra sự mất cân bằng dinh dưỡng (ví dụ, loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm từ sữa), bạn nên gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về các thực phẩm thay thế hoặc bổ sung thêm các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng. Bạn nên tiếp tục bổ sung các loại vitamin cho bà bầu (prenatal vitamin) khi bé đang bú mẹ hoàn toàn để bù đắp sự thiếu hụt trong chế độ ăn uống của bạn nếu có.

Lưu ý: Để tìm hiểu thêm, bạn có thể tham khảo biểu đồ về các tương tác sữa mẹ phổ biến.

Tài liệu tham khảo

http://www.babycenter.com/404_are-there-any-foods-to-avoid-while-breastfeeding_8906.bc