Thứ Năm, 21/11/2024
Dinh dưỡng Dinh dưỡng cho mẹ và bé Lựa chọn sữa công thức như thế nào?

Lựa chọn sữa công thức như thế nào?

 

 

Lựa chọn sữa công thức như thế nào
(Nguồn ảnh: www.abc.net.au)

1. Tôi đang cho con bú bình. Sữa công thức nào là tốt nhất?

Thật dễ dàng để cảm thấy choáng ngợp trong vô số các loại sữa công thức. Lựa chọn dinh dưỡng phù hợp cho bé của bạn là một quyết định khá quan trọng và có rất nhiều lựa chọn.

Khi mua một loại sữa công thức, hãy xem xét các thành phần của nó, các loại protein và carbohydrate nó sử dụng cũng như các thành phần khác. Cuối cùng, bạn sẽ chọn loại sữa công thức tốt nhất cho em bé của bạn và phù hợp với gia đình bạn.

2. Sữa công thức gồm những loại nào?

Sữa công thức có ba loại cơ bản: sữa uống liền được, sữa dạng lỏng đặc và sữa bột.

Sữa uống liền chắc chắn là thuận tiện nhất – không cần pha trộn hoặc đo hàm lượng yêu cầu, chỉ cần mở ra và dùng ngay. Đó là loại sữa công thức mà các bệnh viện thường sử dụng cho trẻ mới sinh. Sữa này có độ an toàn vệ sinh cao và đặc biệt hữu ích khi bạn không biết liệu nguồn nước bạn đang sử dụng có an toàn hay không.

Sự tiện lợi của sữa công thức uống liền đi kèm với giá cả đắt – sữa công thức uống liền có chi phí cao hơn khoảng 20% mỗi ounce (28 gram) so với sữa bột. Các bình chứa cũng mất nhiều không gian lưu trữ trong tủ của bạn và nhiều không gian hơn trong các bãi chôn lấp, trừ khi bạn có thể tái chế bình chứa.

Khi mở ra, sữa công thức uống liền có thời hạn sử dụng ngắn – nó phải được sử dụng trong vòng 48 giờ. Ngoài ra, bởi vì nó thường có màu đậm hơn so với sữa bột, nhiều bà mẹ phàn nàn rằng nó có nhiều khả năng gây nhuộm màu quần áo.

Sữa nước đặc cần trộn một lượng nước tương đương với lượng sữa (mặc dù phải luôn luôn đọc hướng dẫn cụ thể trên thùng cẩn thận). So với sữa công thức uống liền, sữa nước đặc ít đắt tiền hơn và mất ít không gian lưu trữ hơn. So với sữa bột, sữa nước đặc dễ chuẩn bị hơn nhưng đắt tiền hơn.

Sữa bột là kinh tế nhất và là lựa chọn thân thiện với môi trường nhất. Nó chiếm ít không gian vận tải, phòng chứa thức ăn của bạn và thùng rác của bạn. Sữa bột mất nhiều thời gian để chuẩn bị hơn so với các loại sữa công thức khác và bạn phải làm theo các hướng dẫn một cách chính xác, nhưng nó có hạn sử dụng là một tháng sau khi mở hộp. Tương tự với sữa công thức dạng lỏng đặc, bạn có thể pha sữa chỉ đúng lượng vừa đủ bất cứ khi nào bạn cần – nhiều hay ít như mức mà bạn muốn – điều này rất thuận tiện đặc biệt là nếu bạn cho con bú bằng sữa mẹ và chỉ thỉnh thoảng muốn cho em bé bú thêm sữa công thức. Lưu ý: Bạn có thể quan tâm đến hóa chất bisphenol A (BPA) có mặt trong lớp tráng của lon sữa. Sữa nước đóng lon có chứa một lượng nhỏ BPA. Sữa bột đóng lon được coi là một lựa chọn an toàn hơn vì nó thường chứa ít BPA hơn. Tìm hiểu thêm về BPA.

3. Các loại sữa công thức khác nhau?

Có một loại sữa công thức phù hợp cho mọi nhu cầu của bé. Nhưng tốt nhất chỉ nên sử dụng một loại và không nên thay đổi, ngay cả khi lúc đầu bé có vẻ như là không tiêu hóa tốt được loại sữa đó. Các vấn đề thường gặp như phun ra, đầy hơi và đau bụng thường không liên quan đến chế độ ăn uống của bé. Hầu hết những vấn đề này là do đường tiêu hóa của bé vẫn đang phát triển – chứ không phải là do những gì mà bé ăn. Vì vậy, cố gắng sử dụng một loại sữa công thức cụ thể trong ít nhất hai tuần. Sau đó, nếu em bé của bạn vẫn còn gặp vấn đề, hãy nói với bác sĩ của bé về việc chuyển sang dùng sữa khác.

Sữa công thức dựa trên sữa bò: Hầu hết các loại sữa công thức hiện nay có sữa bò là thành phần chính. Các protein của sữa đã được thay đổi đáng kể để dễ tiêu hóa hơn. (Em bé của bạn sẽ không thể tiêu hóa sữa bò thông thường được cho đến khi sau một tuổi). Đa số các bé uống sữa công thức hoặc có bổ sung sữa công thức đều ổn với loại sữa công thức này, vì nó có sự cân bằng hợp lý về protein, carbohydrate và chất béo, và đó là tất cả những gì cần thiết.

Sữa công thức không chứa lactose: Trường hợp không dung nạp lactose hoặc không có khả năng tiêu hóa lactose – một loại đường tự nhiên được tìm thấy trong sữa – là hiếm gặp. Nếu em bé của bạn không dung nạp lactose, bác sĩ sẽ đề nghị một loại sữa công thức có đường lactose được thay thế bằng một loại đường khác, chẳng hạn như xi-rô bắp.

Sữa công thức từ đậu nành: Những công thức này được tạo thành từ một loại protein thực vật, giống như các protein trong sữa bò, protein này cũng được thay đổi để em bé tiêu hóa dễ dàng hơn. Nếu bạn là một người ăn chay trường, hoặc nếu em bé của bạn có vấn đề trong việc tiêu hóa protein đã biến đổi của sữa bò, các bác sĩ có thể đề nghị một loại sữa công thức từ đậu nành. Ngoài ra, các bác sĩ thường khuyến nghị loại sữa công thức này cho trẻ sơ sinh có bệnh chảy máu trực tràng nhẹ, thường là dấu hiệu cho phản ứng dị ứng với protein sữa bò. Nếu em bé của bạn không dung nạp lactose, sữa công thức từ đậu nành có thể là một lựa chọn tốt để thay thế cho sữa công thức từ sữa bò bởi vì các carbohydrate trong đậu nành là sucrose hoặc glucose, chứ không phải lactose. Bạn có thể muốn nói chuyện với bác sĩ của bé về việc thử sử dụng sữa công thức từ đậu nành nếu em bé của bạn bị đau bụng. Vẫn chưa có đủ bằng chứng để đi đến kết luận sau cùng, và hầu hết trẻ em bị đau bụng có thể cải thiện tình trạng mà không cần có sự thay đổi trong chế độ ăn của chúng, nhưng một số nghiên cứu cho thấy đáng để thử. Hãy nhớ rằng khoảng một nửa số trẻ sơ sinh bị dị ứng với sữa bò cũng bị dị ứng với đậu nành – vì vậy nếu đó là lý do mà bạn đang xem xét chuyển sang sữa công thức từ đậu nành, hãy tính tới việc có lẽ bé cũng không chịu được loại sữa này.

Sữa công thức thủy phân hoàn toàn: Trong loại sữa này, các protein được cắt thành các phần nhỏ hơn để cho bé tiêu hóa dễ dàng hơn so với các phân tử protein có kích thước lớn. Bé có thể cần sữa công thức thủy phân nếu bé có dấu hiệu bị nhiều loại dị ứng hoặc khó hấp thụ các chất dinh dưỡng (một vấn đề phổ biến đối với trẻ sinh non). Các bác sĩ cũng có thể đề nghị thử sử dụng sữa công thức thủy phân nếu bé có bệnh về da chẳng hạn như chàm.

Sữa công thức dành cho trẻ sinh non và sinh thiếu cân: Sữa công thức này thường chứa nhiều calo và protein hơn, cũng như chứa một loại chất béo dễ hấp thụ hơn được gọi là triglyceride chuỗi trung bình. Hàm lượng chất béo này trong các loại sữa công thức là khác nhau tùy theo thương hiệu. Bác sĩ của bé sẽ giúp bạn chọn một loại sữa thích hợp có thể giúp bé lấy lại trọng lượng cơ thể hợp lý.

Sữa bổ sung cho sữa mẹ: Sản phẩm này được sử dụng để bổ sung dinh dưỡng cho những bé bú sữa mẹ có nhu cầu đặc biệt. Một số được thiết kế để pha trộn với sữa mẹ và một số được dùng để cho bé bú xen kẽ với sữa mẹ.

Sữa công thức chuyển hóa: Nếu em bé mắc một bệnh nào đó mà đòi hỏi dinh dưỡng rất đặc biệt, bé có thể cần một trong những loại sữa có công thức đặc biệt.

Sữa công thức khác: Nhiều loại sữa công thức mới được tung ra thị trường mọi lúc và được tiếp thị đến các bà mẹ để giúp bé tiêu hóa tốt hơn, giảm các vấn đề như đau bụng hoặc trào ngược axit. Loại sữa công thức này có tỷ lệ protein tương tự như sữa mẹ và thay đổi chút ít trong thành phần so với sữa công thức thông thường – nhưng một số chuyên gia nói rằng chúng có thể chẳng tốt hơn chút nào cả. “Nói chung, sữa công thức đặc biệt thường sẽ đắt hơn đáng kể và không có sự khác biệt đáng kể về các giá trị dinh dưỡng cốt lõi” – KT Park, một chuyên gia tiêu hóa của khoa nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng Lucille Packard của Stanford nói. “Trẻ phải trải qua sự thích ứng rất lớn trong đường tiêu hóa của chúng trong sáu tháng đầu tiên trong đời, điều đó là bình thường. Rất ít trường hợp bé phải cần các loại sữa công thức đắt tiền hơn”. Nếu bạn nghĩ rằng con của bạn có thể tốt hơn từ một loại sữa công thức đặc biệt nào đó, hãy hỏi bác sĩ của bé trước khi bạn thử sử dụng.

4. Sữa công thức khác nhau ở chỗ nào?

Có sáu thành phần chính trong sữa công thức: carbohydrate, protein, chất béo, vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác. Điều làm cho sữa công thức của thương hiệu này khác với sữa công thức của thương hiệu khác là thành phần carbohydrate và protein cụ thể mà thương hiệu đó sử dụng, cũng như bất kỳ thành phần bổ sung nào mà nó sử dụng. Ví dụ, casein và whey là hai loại protein sữa bò được tìm thấy với tỷ lệ khác nhau trong các thương hiệu khác nhau của loại sữa công thức dựa trên sữa bò. Rất dễ bị rối bởi tất cả các thành phần được liệt kê trên nhãn thành phần của sản phẩm. Dưới đây, chúng tôi hướng dẫn bạn thông qua nhiều loại thành phần khác nhau và so sánh chúng với những thành phần được tìm thấy trong sữa mẹ.

Carbohydrate: Lactose là carbohydrate chính trong cả sữa mẹ và sữa công thức dựa trên sữa bò. Maltodextrin từ bắp đôi khi cũng được sử dụng như một nguồn carbohydrate phụ trong sữa công thức. Các loại sữa công thức không chứa lactose, sữa công thức từ đậu nành và sữa công thức đặc biệt có chứa một hoặc nhiều loại carbohydrate sau: sucrose, maltodextrin từ bắp, tinh bột bắp biến đổi hoặc xi-rô bắp dạng rắn.

Protein: Sữa mẹ chứa khoảng 60% whey và 40% casein. Hầu hết các loại sữa công thức có hàm lượng protein tương tự. Các loại sữa khác có thể chứa 100% whey. Sữa công thức từ đậu nành có chứa protein isolate từ đậu nành. Một số thương hiệu sử dụng protein đậu nành thủy phân một phần để dễ tiêu hóa hơn. Đôi khi các protein trong các loại sữa công thức được thủy phân một phần hoặc được cắt ngắn mạch. Các loại sữa công thức thủy phân một phần không phải là không gây dị ứng – đừng sử dụng loại sữa này nếu em bé của bạn bị dị ứng protein, hoặc thậm chí nếu bạn nghi ngờ bé có thể bị dị ứng. Tuy nhiên, so với sữa công thức tiêu chuẩn từ sữa bò, sữa công thức thủy phân một phần đã được chứng minh trong các nghiên cứu là có thể làm giảm viêm da dị ứng. Sữa công thức thủy phân hoàn toàn có chứa các protein được bẻ gãy hoàn toàn thành các khối cơ bản (axit amin), do đó cho phép bé hấp thụ được dễ dàng. Các loại sữa công thức này được coi là hầu như không gây dị ứng và được sử dụng cho những bé bị dị ứng protein.

Chất béo: Sữa mẹ có chứa một sự pha trộn giữa chất béo không bão hòa đơn, không bão hòa đa và chất béo bão hòa. Sữa công thức sử dụng nhiều loại dầu khác nhau để bắt chước chất béo trong sữa mẹ. Chúng bao gồm dầu đậu nành, dầu dừa, dầu cọ hoặc dầu olein từ cọ, dầu hướng dương có hàm lượng oleic cao. Mặc dù dầu cọ và dầu olein từ cọ được sử dụng rộng rãi, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những chất béo này có thể làm giảm sự hấp thu của chất béo và canxi. Điều này có nghĩa là bé sẽ không hấp thụ nhiều chất béo và canxi từ sữa công thức chứa dầu này như là trường hợp bé hấp thụ từ những loại sữa công thức khác không chứa dầu này. Các triglyceride chuỗi trung bình dễ tiêu hóa và dễ hấp thụ hơn. Chúng được sử dụng trong các loại sữa công thức đặc biệt cho trẻ sinh non và trẻ sơ sinh có các vấn đề về tiêu hóa hoặc hấp thụ chất dinh dưỡng. FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) đã phê chuẩn việc bổ sung hai loại axit béo chuỗi dài vào sữa công thức: DHA (axit docosahexaenoic) và ARA (axit arachidonic), và bây giờ chúng đã trở thành thành phần tiêu chuẩn trong sữa công thức. Cả hai chất này được tìm thấy trong sữa mẹ khi chế độ ăn uống của người mẹ đầy đủ và cả hai đều quan trọng đối với sự phát triển của não và mắt. Trẻ nhận được DHA và ARA từ mẹ trong 3 tháng thai kỳ thứ ba, nhưng quá trình này bị cắt ngắn nếu bé bị sinh non. Tất cả các bé cần một nguồn cung cấp ổn định của cả hai chất này trong suốt năm đầu tiên của chúng. Nhiều nghiên cứu củng cố ủng hộ cho việc bổ sung sữa công thức với DHA và ARA. Một trong số đó là một báo cáo được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, báo cáo cho thấy những bé sinh đủ tháng được cho bú sữa công thức có bổ sung DHA và ARA có thị lực tốt hơn đáng kể hơn so với những bé không nhận được hai chất này. Và một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Nhi khoa chỉ ra rằng DHA và ARA tăng cường sự tăng trưởng cả về nhận thức và thể chất ở trẻ sinh non. Chưa có nghiên cứu dài hạn nào khẳng định sự an toàn của hai chất này mặc dù cũng không có bằng chứng nào cho thấy rằng chúng có hại cho trẻ sơ sinh. Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (The American Academy of Pediatrics – AAP) không nghiêng về việc đánh giá xem liệu các axit béo này có nên được bổ sung vào sữa công thức hay không, nhưng tổ chức này có chỉ ra rằng các axit béo này được tin là quan trọng cho sự phát triển của não và mắt.

Vitamin và khoáng chất: Hầu hết các chữ trên nhãn thành phần là mô tả các thành phần vitamin và khoáng chất. Những từ này có thể gây khó hình dung – chẳng hạn như ferrous sulfate là sắt, natri ascorbate là vitamin C và canxi pantothenate là vitamin B5. AAP khuyến cáo rằng tất cả các em bé khỏe mạnh không bú sữa mẹ hoàn toàn nên dùng loại sữa công thức có tăng cường chất sắt cho đến khi chúng được một tuổi. Điều quan trọng là trẻ sơ sinh phải nhận được lượng sắt tối thiểu được đề nghị (0,27 mg hàng ngày cho trẻ 0-6 tháng; 11 mg hàng ngày cho trẻ 7-12 tháng) để phòng ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Sắt rất quan trọng để giúp cho máu tuần hoàn oxy, là chất mà tất cả các tế bào của cơ thể đều cần để hoạt động bình thường. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhận được đủ chất sắt trong năm đầu tiên của bé rất quan trọng cho sự phát triển của não bộ. Hàm lượng sắt dự trữ của bé được thiết lập trong ba tháng thai kỳ thứ ba, vì vậy trẻ sinh non cần được hỗ trợ thêm từ nguồn bên ngoài để nhận được nhiều chất sắt. Hầu hết các loại sữa công thức có chứa ít nhất là 4 mg sắt mỗi lít, mặc dù các loại sữa công thức có hàm lượng “sắt thấp” cũng được bày bán trong siêu thị. Những loại sữa công thức đó được xây dựng từ nhiều năm trước vì có những quan niệm sai lầm rằng chất sắt có thể gây ra táo bón. AAP mong muốn các loại sữa công thức có chứa ít sắt phải được ngừng sản xuất hoặc có dán nhãn là dinh dưỡng không đầy đủ.

Các thành phần khác: Dưới đây là các thành phần mà các thương hiệu khác nhau đã tinh chỉnh công thức của họ để làm cho chúng khác với các thương hiệu khác.

Nucleotide: Đây là những khối cơ bản của DNA và RNA, thành phần tự nhiên có trong sữa mẹ. Chúng có một số chức năng và có thể hỗ trợ trong sự phát triển của hệ thống miễn dịch. Các nhãn hiệu sữa công thức khác nhau có hàm lượng các nucleotide bổ sung khác nhau.

Tinh bột gạo: Tinh bột gạo được bổ sung vào loại sữa công thức “chống trào ngược”. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên chọn loại công thức này để giảm bớt hiện tượng trào ngược axit của bé.

Chất xơ: Chất xơ đậu nành được bổ sung vào sữa công thức từ đậu nành để điều trị tạm thời bệnh tiêu chảy. Loại sữa công thức duy nhất có chứa chất xơ là Similac dành cho bệnh tiêu chảy, được chứng minh lâm sàng có thể làm giảm thời gian tiêu chảy.

Amino axit: axit amin như taurine, methionine và carnitine được thêm vào sữa công thức từ đậu nành, và đôi khi là sữa công thức từ sữa bò, để phù hợp với các axit amin trong sữa mẹ.

5. Sữa công thức của các nhà sản xuất không có thương hiệu thì có đầy đủ dinh dưỡng không?

Sữa công thức của các nhà sản xuất nhỏ cũng phải đáp ứng các yêu cầu của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho các chất dinh dưỡng có trong sữa công thức, vì vậy trong nhiều trường hợp, sự khác biệt duy nhất giữa các loại sữa công thức từ các công ty nhỏ và các công ty có thương hiệu chỉ là giá cả. Tuy nhiên, cho dù bạn đang mua sữa công thức của nhà sản xuất nào, hãy dành chút thời gian đọc nhãn mác trước khi bạn quyết định mua loại sữa công thức đó. Các thành phần cụ thể có thể thay đổi từ thương hiệu này đến thương hiệu khác và điều này có thể tạo nên một sự khác biệt cho em bé của bạn.

6. Tôi có thể tự pha chế sữa công thức không?

Bạn có thể, nhưng thật khó có thể bao gồm tất cả các thành phần ở một hàm lượng phù hợp cho cơ thể của bé. Công thức tự chế có thể dẫn đến sự thất bại trong sự tăng cân, gây suy dinh dưỡng thậm chí là tử vong. Các bác sĩ không khuyên bạn làm điều đó.

7. Có nên bổ sung ngũ cốc hay sữa vào sữa công thức không?

Không bao giờ thêm bất kỳ thành phần nào – bao gồm vitamin, ngũ cốc, các axit béo, dầu ô liu, sữa bò hoặc bất cứ thành phần nào khác – vào sữa công thức của bé, trừ khi bác sĩ khuyên thêm vào. Sữa công thức là một chất được xây dựng một cách cẩn thận với hàm lượng chính xác của hàng tá các chất dinh dưỡng. Thêm bất cứ thành phần nào khác vào sữa công thức có thể có thể gây nguy hại cho sức khỏe của bé. Ví dụ dầu ô liu có thể dẫn đến tổn thương phổi vĩnh viễn và thậm chí là tử vong do nguy cơ hít phải dầu vào phổi khi bé ợ sữa. Bởi vì sữa bò rất khó tiêu hóa đối với bé, không bao giờ trộn sữa bò với sữa công thức hoặc cho bé uống trực tiếp sữa bò cho đến khi bé được ít nhất 1 tuổi. Và thêm sữa mẹ vào sữa công thức là một sự lãng phí sữa mẹ nếu bé không uống hết cả bình.

8. Nếu tôi vẫn không chắc chắn?

Nếu bạn đã quyết định cho bé dùng sữa công thức và bạn vẫn bối rối bởi nhiều lựa chọn có sẵn, hoặc bạn đang xem xét chuyển đổi giữa các loại sữa công thức, hãy nói chuyện với bác sĩ của bé. Bác sĩ sẽ xem xét sức khỏe, tuổi và nhu cầu dinh dưỡng của bé và cho một lời khuyên thích hợp. Bác sĩ cũng có thể theo dõi phản ứng của bé và điều tra bất kỳ triệu chứng nào. Đừng cố gắng tự chẩn đoán dị ứng hoặc sự nhạy cảm của bé theo cảm tính của riêng bạn. Bạn có thể bỏ lỡ không phát hiện được một tình trạng bệnh nghiêm trọng hoặc làm bé không nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng.

Tài liệu tham khảo

http://www.babycenter.com/0_how-to-buy-baby-formula_1334669.bc?showAll=true