Chủ Nhật, 24/03/2024
Dinh dưỡng Dinh dưỡng hợp lý 9 nguyên nhân thực phẩm chế biến có thể gây hại cho sức khỏe

9 nguyên nhân thực phẩm chế biến có thể gây hại cho sức khỏe

Bài viết thứ 35 trong 50 bài thuộc ebook Cách ăn uống khoa học
 

Nguồn ảnh: http://www.healthandlovepage.com

Thực phẩm chế biến (processed food) có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người, là nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng béo phì và tăng nguy cơ bệnh tật cho con người trên khắp thế giới.

Kết quả một số nghiên cứu cho thấy, khi người dân chấp nhận chế độ ăn “kiểu phương Tây” với đa phần là thực phẩm chế biến sẵn thì sức khỏe của họ có vẻ kém đi. Tình trạng này xảy ra trong nhiều năm gần đây. Điều này cho thấy rằng, sức khỏe kém đi một phần là do chúng ta thay đổi các loại thực phẩm trong khẩu phần ăn.

Dưới đây là 9 nguyên nhân mà thực phẩm đã qua chế biến gây hại cho sức khỏe của bạn.

  1. Thực phẩm chế biến thường có nhiều đường và sirô bắp với hàm lượng fructose cao

Thực phẩm chế biến thường được cho thêm đường hoặc sirô bắp hàm lượng fructose cao. Như chúng ta đã biết, việc lạm dụng đường là rất có hại do đường chứa năng lượng (calo) “rỗng’’ nghĩa là ít giá trị dinh dưỡng nhưng lượng calo lại cao.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy đường còn tác động không tốt tới hệ thống trao đổi chất. Chúng có thể dẫn tới tình trạng đề kháng insulin, tăng triglycerid, tăng lượng cholesterol có hại và lượng mỡ tích tụ trong gan và ổ bụng. Không có gì ngạc nhiên khi sự tiêu thụ quá nhiều đường có liên quan đến những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới, bao gồm đau tim, tiểu đường, béo phì và ung thư.

Hầu hết mọi người đều đang thêm quá nhiều đường vào cà phê hoặc ngũ cốc, hay nói cách khác, họ đang tiêu thụ đường thông qua các thực phẩm chế biến và đồ uống giải khát có đường.

Tóm lại: thực phẩm chế biến  là nguồn cung cấp đường lớn nhất trong chế độ ăn. Đường rất có hại và có thể dẫn tới những vấn đề trầm trọng cho hệ thống trao đổi chất khi bị lạm dụng.

  1. Thực phẩm chế biến dễ gây “kích thích” não bộ và dẫn đến ăn không kiểm soát

Tất cả chúng ta đều muốn được thưởng thức đồ ăn ngon. Đó là bản chất tự nhiên. Quá trình tiến hóa đã cho ta phát triển vị giác giúp định hướng thức ăn tự nhiên.

Khẩu vị của con người hướng tới những thức ăn ngọt, mặn và giàu chất béo vì chúng ta biết rằng những thực phẩm đó chứa nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống.

Trên thực tế, nếu các công ty thực phẩm muốn đạt được thành công và khách hàng mua nhiều sản phẩm của họ thì đồ ăn phải ngon. Chính vì vậy, họ  đầu tư vào việc chế biến thực phẩm càng hấp dẫn càng tốt.

Rất nhiều loại thực phẩm chế biến được thiết kế để có khả năng “thỏa mãn” não bộ tới mức đánh bại được bản năng tự nhiên của chúng ta.

Con người có một hệ thống trao đổi chất phức tạp giúp chúng ta cân bằng năng lượng, duy trì cân nặng hợp lý. Tuy nhiên, có khá nhiều bằng chứng cho thấy giá trị phần thưởng của thực phẩm có thể vượt qua hệ thống bảo vệ và khiến chúng ta ăn nhiều hơn nhu cầu cần thiết tới mức bắt đầu có hại cho sức khỏe. Điều này được biết đến như “giả thuyết thực phẩm hấp dẫn gây béo phì’’.

Sự thật là những loại thực phẩm chế biến kích thích mạnh mẽ đến não bộ, tới mức chúng gây ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của chúng ta, làm chúng ta ăn nhiều hơn, cho đến khi sức khỏe của chúng ta bắt đầu kém đi.

Tóm lại: Thực phẩm “thật” thì rất tốt cho sức khỏe, nhưng những loại thực phẩm được tạo ra để mang lại cảm cực kì thỏa mãn, kích thích cơ chế kiềm hãm tự nhiên của cơ thể chống lại việc tiêu thụ quá nhiều lại KHÔNG tốt.

  1. Thực phẩm chế biến chứa nhiều thành phần nhân tạo

Nếu bạn nhìn vào bảng thành phần của một loại thực phẩm chế biến được đóng gói sẵn, có khả năng rằng bạn không biết về một vài thành phần nào đó. Đó là bởi vì một số thành phần không thực sự là thực phẩm, chúng là những chất được thêm vào bởi những mục đích khác nhau. Ví dụ:

  • Chất bảo quản: Hóa chất ngăn chặn thực phẩm thối rữa.
  • Chất màu: Hóa chất tạo màu sắc bắt mắt cho thực phẩm.
  • Hương vị: Hóa chất tạo hương vị đặc biệt cho thực phẩm.
  • Chất tạo hình: Hóa chất tạo kết cấu đặc biệt cho thực phẩm.

Hãy luôn nhớ rằng, thực phẩm chế biến có thể chứa hàng chục hóa chất mà không hề được liệt kê trên nhãn hàng. Nếu bạn nhìn thấy dòng chữ “hương vị nhân tạo’’ trên bao bì sản phẩm, chúng có thể bao gồm hơn 10 loại hóa chất được pha trộn để tạo ra một loại hương vị đặc biệt, và hầu hết các hóa chất này đều đã được kiểm nghiệm an toàn.

Tóm lại: Hầu hết các thực phẩm đã qua chế biến đều chứa đựng những hóa chất nhân tạo bao gồm hương liệu, chất ổn định, chất tạo màu và chất bảo quản.

  1. Nhiều người thật sự có thể trở nên nghiện thực phẩm ăn vặt (junk food)

Tính “gây thỏa mãn cao” của thực phẩm chế biến có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe một số người. Họ có thể thực sự trở nên nghiện những thực phẩm này và hoàn toàn mất kiểm soát về lượng thức ăn mà họ tiêu thụ.

Đó cũng là nguyên nhân chính lý giải vì sao người ta đơn thuần là không thể ngừng ăn những loại thực phẩm này, bất chấp những nỗ lực để ngừng việc ăn quá mức. Quá trình sinh hóa trong não của họ đã bị tấn công bởi chất dopamine được tiết ra khi họ ăn những thực phẩm này.

Đường và các loại thực phẩm ăn vặt có thể gây ra hưng phấn trong não giống như việc lạm dụng các loại thuốc như cocaine.

Tóm lại: Với nhiều người, thực phẩm ăn vặt có thể tấn công hệ thống sinh hóa của não, dẫn tới chứng nghiện những loại thực phẩm này, đồng thời là nguyên nhân dẫn tới mất khả năng kiểm soát lượng thực phẩm tiêu thụ.

  1. Thực phẩm chế biến thường có hàm lượng carbohydrate tinh chế cao

Có nhiều tranh cãi về lượng carbohydrate trong khẩu phần ăn. Một số cho rằng nguồn cung cấp năng lượng chính nên đến từ tinh bột, trong khi những người khác thì lại không đồng ý. Nhưng có một điều mà hầu hết mọi người đều nhất trí đó là carbohydrate từ thực phẩm toàn phần (whole food) tốt hơn nhiều so với carbohydrate tinh chế.

Nguồn ảnh: http://primalplatoon.com/primal-platoon/basic-primal-training/

*Thực phẩm toàn phần là loại thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến giảm thiểu.

Thực phẩm chế biến thường có lượng carbohydrate cao, nhưng thường là đã qua tinh chế.

Một vấn đề chính là những carbohydrate tinh chế này nhanh chóng bị tiêu hóa, dẫn tới hàm lượng đường và insulin trong máu tăng cao, có thể dẫn tới tình trạng thèm tinh bột sau một vài giờ, khi lượng đường trong máu giảm trở lại. Hiện tượng này được có thể liên quan tới nhiều người đang trong chế độ ăn high-carb.

Không có gì ngạc nhiên khi ăn nhiều carbohydrate tinh chế liên quan tới những tác động sức khỏe tiêu cực và nhiều bệnh mãn tính.

ĐỪNG để bị nhầm bởi những nhãn ghi “ngũ cốc nguyên chất’’ thường được dán nhãn lên thực phẩm đã qua chế biến, bao gồm cả ngũ cốc ăn sáng. Đây thường là ngũ cốc đã được nghiền rất mịn và có tác hại y như những thực phẩm tinh chế khác.

Nếu bạn có dự định ăn tinh bột, hãy ăn loại từ những thành phần nguyên chất chứ không phải từ thực phẩm ăn vặt.

Tóm lại: Tinh bột mà bạn tìm thấy trong thực phẩm chế biến thường là những carbohydrate “đơn giản’’ đã qua tinh chế. Chúng dẫn tới lượng đường và insulin trong máu tăng cao và có những tác động tiêu cực lên sức khỏe.

  1. Hầu hết thực phẩm chế biến đều nghèo dinh dưỡng

Thực phẩm chế biến có rất ít chất dinh dưỡng thiết yếu so với thực phẩm chưa qua chế biến.

Ở một vài trường hợp, vitamin và chất khoáng tổng hợp được thêm vào để bù đắp những gì đã mất trong quá trình chế biến. Tuy nhiên, chất dinh dưỡng tổng hợp KHÔNG phải là một sự thay thế tốt cho nguồn dinh dưỡng tìm thấy trong thực phẩm tự nhiên.

Thực phẩm nguồn thực vật và động vật chứa hàng nghìn chất dinh dưỡng vi lượng.

Càng ăn nhiều thực phẩm chế biến, bạn nhận được càng ít vitamin, chất khoáng, chất chống oxi hóa và các vi chất dinh dưỡng khác.

Tóm lại: Có rất nhiều dinh dưỡng tìm thấy trong thực phẩm tươi sống nhưng không có trong thực phẩm chế biến. Bạn càng dùng nhiều thực phẩm chế biến, bạn nhận được càng ít dưỡng chất.

  1. Thực phẩm chế biến có xu hướng ít chất xơ

Chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan có thể có những lợi ích khác nhau. Một trong số đó là chúng có chức năng như một prebiotic, là thức ăn cho những vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa. Cũng có những bằng chứng cho thấy chất xơ có thể làm chậm lại sự hấp thụ carbonhydrate và giúp chúng ta thấy no hơn với ít năng lượng hơn.

Chất xơ hòa tan đồng thời giúp điều trị nhiều trường hợp táo bón, vốn là một vấn đề phổ biến ngày nay.

Chất xơ được tìm thấy tự nhiên trong thức ăn thường bị mất đi trong quá trình chế biến hoặc bị cố ý loại bỏ. Vì vậy mà phần lớn thực phẩm chế biến có rất ít chất xơ.

Tóm lại: Chất xơ hòa tan, có thể có những lợi ích quan trọng với sức khỏe, nhưng lại có rất ít trong hầu hết thực phẩm chế biến do bị mất trong quá trình chế biến hoặc bị loại bỏ trong quá trình sản xuất.

  1. Thực phẩm chế biến cần ít năng lượng và thời gian để tiêu hóa

Các nhà máy chế biến thực phẩm mong muốn sản phẩm của họ có hạn sử dụng dài. Họ cũng muốn các lô thực phẩm có sự nhất quán và đồ ăn thì dễ ăn. Với cách mà thực phẩm được chế biến, chúng thật sự rất dễ để nhai và nuốt. Đôi khi gần như là tan chảy ngay trong miệng.

Hầu hết chất xơ đã bị loại bỏ và các thành phần được tinh chế, các chất dinh dưỡng bị biến tính không hề giống với những thực phẩm nguyên bản ban đầu.

Một hậu quả của việc này là sẽ tốn ít năng lượng để ăn và tiêu hóa thực phẩm chế biến.

Chúng ta có thể ăn nhiều hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn (nạp nhiều năng lượng) và lại sử dụng ít năng lượng (tiêu tốn ít calo) hơn so với việc ăn các thực phẩm chưa qua chế biến.

Một nghiên cứu trên 17 người đàn ông và phụ nữ khỏe mạnh để so sánh sự khác nhau về tiêu thụ năng lượng sau một bữa ăn thực phẩm chế biến và thực phẩm thuần.

Họ đã ăn một chiếc bánh kẹp với bánh mì ngũ cốc và phô mai cheddar (thực phẩm thuần) hoặc bánh mỳ trắng với phô mai đã qua chế biến (thực phẩm chế biến).

Hóa ra người ta tiêu thụ lượng năng lượng gấp đôi khi tiêu hóa những thực phẩm chưa qua chế biến.

Hiệu ứng nhiệt của thức ăn (TEF) là một công cụ đo lượng năng lượng tiêu tốn của các loại thực phẩm khác nhau sau khi ăn. Chúng chiếm khoảng 10% tổng chi phí năng lượng ở một người bình thường.

Theo nghiên cứu này, những người ăn thực phẩm chế biến sẽ cắt giảm một nửa số TEF, làm giảm đáng kể tổng năng lượng tiêu hao trong ngày.

Tóm lại: Chúng ta chỉ tiêu tốn một nửa năng lượng để tiêu hóa và chuyển hóa các loại thức ăn chế biến so với thực phẩm thuần.

  1. Thực phẩm chế biến thường chứa nhiều chất béo chuyển hóa (trans fat) hoặc dầu thực vật đã qua chế biến

Thực phẩm chế biến thường có nhiều chất béo có hại. Chúng thường chứa các chất béo giá rẻ, dầu từ các loại hạt và thực vật đã tinh chế (như dầu đậu nành) thường đã bị hydro hóa trở thành chất béo chuyển hóa.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng khi ăn nhiều loại dầu này sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ bị các bệnh tim mạch, nguyên nhân tử vong phổ biến nhất ở các nước phương Tây ngày nay.

Nếu chất béo đã bị hydro hóa, mọi chuyện thậm chí còn tệ hơn. Các chất béo đã bị hydro hóa (chuyển hóa) là những chất có hại nhất mà bạn đưa vào cơ thể.

Cách tốt nhất để tránh dầu từ các loại hạt và chất béo chuyển hóa là tránh thực phẩm chế biến. Bạn nên thay thế bằng các loại chất béo như bơ, dầu dừa và dầu olive.

Hãy chỉ ăn thực phẩm thật!

Khi thay thế những thực phẩm thật và truyền thống như bơ, thịt và rau bằng thức ăn vặt tệ hại đã qua chế biến, chúng ta sẽ trở nên béo phì và dễ bệnh tật.

Thực phẩm thật là chìa khóa cho sức khỏe, thực phẩm chế biến thì nên hạn chế.

Tài liệu tham khảo:

http://authoritynutrition.com/9-ways-that-processed-foods-are-killing-people/