Thứ Năm, 21/11/2024

Dị ứng lúa mì

Bài viết thứ 15 trong 41 bài thuộc ebook Dị ứng thực phẩm
 

Dị ứng lúa mì thường gặp nhất ở trẻ em và thường tự khỏi khi trẻ lên 3 tuổi. Triệu chứng của dị ứng lúa mì có thể từ nhẹ như nổi mề đay, đến nặng như sốc phản vệ. Bệnh nhân dị ứng lúa mì nên được xử trí bằng epinephrine, sử dụng bút tiêm epinephrine tự động (chẳng hạn như bút tiêm của hãng EpiPen®, Auvi-Q ™ hoặc Adrenaclick®). Để ngăn ngừa phản ứng dị ứng, cần tránh sử dụng lúa mì và các sản phẩm từ lúa mì. Ngoài ra, luôn đọc bảng thành phần sản phẩm để xác định thành phần lúa mì nếu có.

Dị ứng lúa mì

Những người bị dị ứng với lúa mì thường có thể ăn được các loại ngũ cốc khác. Tuy nhiên, khoảng 20% trẻ em bị dị ứng với lúa mì cũng bị dị ứng với các loại ngũ cốc khác. Vì vậy, người bị dị ứng lúa mì cũng cần được kiểm tra để đảm bảo an toàn với các loại ngũ cốc khác, đặc biệt các loại ngũ cốc cùng họ với lúa mì.

Tại Mỹ và một số nước phương Tây, dị ứng lúa mì gây khó khăn cho việc ăn uống hàng ngày, vì lúa mì là sản phẩm ngũ cốc chủ yếu. Tại Việt Nam, bệnh nhân dị ứng lúa mì có thể sử dụng các loại bột thay thế như bột gạo, bột bắp, bột khoai mì. Khi sử dụng các loại bột này để thay thế bột mì trong làm bánh, có thể phối trộn các loại bột theo tỷ lệ thích hợp để bánh có cấu trúc gần giống với bánh làm từ bột mì.

Sự khác biệt giữa dị ứng lúa mì và bệnh Celiac hay chứng không dung nạp gluten

Cần phân biệt “dị ứng lúa mì” với chứng “không dung nạp gluten” (hay còn gọi là bệnh Celiac).

Dị ứng lúa mì là phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch với một loại protein có trong lúa mì. Khi loại protein đó được tiêu hóa có thể gây ra phản ứng dị ứng bao gồm một loạt các triệu chứng từ các triệu chứng nhẹ (phát ban, nổi mề đay, ngứa, sưng,…) đến triệu chứng nặng (khó thở, thở khò khè, mất ý thức,…). Dị ứng thực phẩm nói chung và dị ứng lúa mì nói riêng, có thể gây tử vong.

Bệnh Celiac (còn được gọi là celiac sprue) là bệnh lý gây ảnh hưởng đến ruột non do phản ứng miễn dịch bất thường với gluten. Bệnh Celiac thường được các bác sĩ chuyên khoa về ruột và dạ dày chẩn đoán. Đó là một bệnh lý đường tiêu hóa có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm suy dinh dưỡng và tổn hại đường ruột nếu không được điều trị. Người mắc bệnh Celiac phải tránh gluten, một loại protein hiện diện trong lúa mì, lúa mạch đen, lúa mạch và đôi khi trong yến mạch.

Tìm hiểu thêm về bệnh Celiac ở bài viết Các tình trạng rối loạn liên quan đến dị ứng.

Phòng tránh sản phẩm chứa lúa mì

Luật ghi nhãn các thực phẩm có chứa chất gây dị ứng và bảo vệ người tiêu dùng (FALCPA) yêu cầu tất cả các loại thực phẩm đóng gói được bày bán ở Mỹ có chứa thành phần lúa mì phải ghi chữ “wheat” (lúa mì) trên nhãn.

Người tiêu dùng nên đọc nhãn sản phẩm thực phẩm cẩn thận trước khi mua hoặc trước khi sử dụng. Cũng cần lưu ý, nhà sản xuất có thể thay đổi thành phần sản phẩm mà không báo trước, vì vậy cần kiểm tra thành phần sản phẩm trước mỗi lần mua. Nếu có thắc mắc, hãy gọi cho nhà sản xuất.

Tại Việt Nam và nhiều nước khác, cho đến nay, việc sử dụng thông tin khuyến cáo (như “có thể chứa”) trên các loại thực phẩm đóng gói là tự nguyện và chưa có hướng dẫn cụ thể nào cho việc sử dụng các sản phẩm này. Tuy nhiên, tại Mỹ, FDA đã bắt đầu phát triển một chiến lược lâu dài để giúp nhà sản xuất sử dụng các khuyến cáo này một cách rõ ràng và nhất quán, để những người tiêu dùng bị dị ứng thực phẩm và người chăm sóc họ có thể nắm bắt được thông tin về khả năng có mặt của tám chất gây dị ứng chính.

Đọc thêm về Nhãn thực phẩm.

Tránh các loại thực phẩm có chứa lúa mì hoặc chứa bất kỳ các thành phần nào dưới đây:

  • Vụn bánh mì
  • Bulgur
  • Chất trích từ ngũ cốc (cereal extract)
  • Club wheat
  • Couscous
  • Cracker meal
  • Lúa mì cứng
  • Eikorn
  • Emmer
  • Farina
  • Bột mì – flour (all purpose, bread, cake, durum, enriched, graham, high gluten, high protein, instant, pastry, self-rising, soft wheat, steel ground, stone ground, whole wheat)
  • Protein lúa mì thủy phân (hydrolyzed wheat protein)
  • Kamut®
  • Bột matzoh (cũng được viết là matzo, matzah, hoặc matza)
  • Mì ống
  • Bột seitan
  • Bột semolina
  • Lúa mì spenta
  • Mầm lúa mì
  • Tiểu hắc mạch
  • Bột mì căn (vital wheat gluten)
  • Lúa mì (cám, lúa mì cứng, mầm, gluten, cỏ, mạch nha, tinh bột)
  • Cám lúa mì thủy phân (wheat bran hydrolysate)
  • Dầu mầm lúa mì (wheat germ oil)
  • Cỏ lúa mì
  • Wheat protein isolate
  • Whole wheat berries

Đôi khi lúa mì cũng có mặt trong các loại thực phẩm dưới đây:

  • Glucose syrup
  • Chả surimi
  • Nước tương đậu nành
  • Tinh bột (tinh bột hồ hóa, tinh bột biến tính, tinh bột thực phẩm biến tính, tinh bột thực vật)

Một số sản phẩm chứa lúa mì ít được lưu ý *

Đọc bảng thành phần một cách cẩn thận, ngay cả khi bạn không nghĩ là sản phẩm đó có chứa lúa mì. Lúa mì có thể có mặt trong một số loại kem, nước sốt marinara, bột nặn, khoai tây chiên, bánh gạo, chả gà tây và xúc xích.

Lúa mì cũng có thể có trong bột bánh nướng, sản phẩm nướng, bánh bột chiên, bia, thực phẩm tẩm bột, ngũ cốc ăn sáng, kẹo, bánh quy giòn, thịt chế biến, nước xốt trộn salad, nước xốt, súp, nước tương đậu nành và chả cá surimi.

  • Một số loại thịt giả cua có chứa lúa mì.

* Lưu ý: Danh sách này liệt kê những loại thực phẩm mà bạn có thể không ngờ tới là có chứa lúa mì. Danh sách này không hàm ý rằng lúa mì luôn có mặt trong những loại thực phẩm này; mà nhằm nhắc nhở bạn luôn đọc nhãn sản phẩm và thắc mắc về các thành phần trước khi ăn một loại thức ăn mà bạn không tự tay làm.

Luôn ghi nhớ những điều sau:

  • Ở Việt Nam và một số nước Châu Á, nhiều thực phẩm chay có chứa lúa mì, đặc biệt các sản phẩm giả thịt, giả cá hoặc giả tôm.
  • Nhiều vòng hoa phong cách truyền thống của phương Tây được trang trí bằng các sản phẩm lúa mì.
  • Kiều mạch không cùng họ với lúa mì.

Tài liệu tham khảo:

http://www.foodallergy.org/allergens/wheat-allergy