Thứ Năm, 21/11/2024
An toàn thực phẩm Dị ứng thực phẩm Các xét nghiệm chưa được chứng minh khoa học

Các xét nghiệm chưa được chứng minh khoa học

Bài viết thứ 11 trong 41 bài thuộc ebook Dị ứng thực phẩm
 

CÁC XÉT NGHIỆM CHƯA ĐƯỢC CHỨNG MINH KHOA HỌC

Tác giả: Thạc sĩ Philippe Bégin, Đại học Montreal

Một số bác sĩ và chuyên gia sức khỏe đôi khi vẫn khuyên các bệnh nhân bị dị ứng nên làm các xét nghiệm chưa được chứng minh khoa học. Tại Mỹ, các tài liệu hướng dẫn về chẩn đoán và quản lý thực phẩm gây dị ứng (The Guidelines for the Dianosis and Management of Food Allergy in the United States) được Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm ở Mỹ (the National Institute of Allergy and Infectious Diseases – NIAID) xuất bản. Các tài liệu này liệt kê các phương pháp xét nghiệm KHÔNG ĐƯỢC KHUYẾN NGHỊ dùng trong chẩn đoán dị ứng thực phẩm.

Đây là nguồn tài liệu hướng dẫn đáng tin cậy, được phát triển bởi một nhóm chuyên gia dị ứng thực phẩm chuyên nghiệp cùng với 34 tổ chức, cơ quan liên bang và những nhóm ủng hộ bệnh nhân với nhiệm vụ cung cấp những tư vấn lâm sàng cũng như luôn cập nhật mới nhất để giúp cho việc chăm sóc bệnh nhân dị ứng thực phẩm.

Xin lưu ý rằng danh sách chỉ liệt kê một số xét nghiệm mà NIAID và các chuyên gia cho rằng chưa được chứng minh và thử nghiệm. Nếu có thắc mắc, bạn nên nhờ chuyên gia tư vấn thêm.

Bên cạnh việc tốn phí xét nghiệm, các phương pháp này còn mang lại những rủi ro sau: Đầu tiên, nó có thể đưa đến chẩn đoán sai đi kèm với những âu lo và chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt vô ích. Tệ hơn, các xét nghiệm sai khiến người bệnh hiểu nhầm họ không bị dị ứng thực phẩm và tiếp tục dùng thực phẩm đó, điều này có thể dẫn đến tử vong cho bệnh nhân.

Ứng dụng Kinesiology (thử nghiệm cơ)

  • Nguyên lý: Người bệnh sẽ cầm thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng ở một cánh tay. Cánh tay còn lại sẽ duỗi thẳng và giơ ngang vai. Người kiểm tra sẽ đo “độ mạnh” bằng cách tác động một lực lên cánh tay đang duỗi thẳng. Nếu cánh tay được kiểm tra “yếu hơn” thì loại thực phẩm bệnh nhân cầm có khả năng gây dị ứng cho họ.
  • Những gì bạn sẽ nghe (giải thích sai lầm): Cơ bắp khá “nhạy cảm” với bất cứ thứ gì có hại cho nó. Một chất gây dị ứng thực phẩm sẽ làm “cơ yếu hơn” khi bạn tiếp xúc với nó. Phương pháp châm cứu hoặc bấm huyệt được sử dụng để “chữa bệnh” dị ứng thực phẩm.
  • Tại sao phương pháp này không đáng tin? Thứ nhất, phương pháp này chưa có tài liệu chứng minh rõ ràng. Thứ hai, việc kết luận các cơ bắp “bị yếu” có thể do người kiểm tra suy đoán hoặc mất tập trung. Lấy ví dụ một nghiên cứu được thực hiện với bệnh nhân bị dị ứng nọc độc của ong bắp cày. Bốn chuyên gia làm xét nghiệm không thể phân biệt giữa nọc độc ong và nước khi sử dụng thử nghiệm cơ trên bệnh nhân.

Xét nghiệm độc tế bào (cytotoxicity testing)

  • Xét nghiệm này là gì? Các tế bào máu trắng được lấy từ một mẫu máu. Các tế bào này được đặt trên bản kính có chứa các mẫu khô của các loại thực phẩm nghi ngờ dị ứng. Các bản kính được quan sát dưới kính hiển vi. Sự biến dạng ở tế bào cho thấy cơ thể dị ứng với loại thực phẩm này.
  • Những gì bạn sẽ nghe (giải thích sai lầm): Người xét nghiệm kết luận rằng việc tế bào bị thay đổi hình dạng đồng nghĩa là thực phẩm đó gây hại cho tế bào. Ví dụ, tế bào T không còn hình dạng chữ T như bình thường, hoặc nhầm lẫn hình dạng của tiểu cầu trong máu là những “vi khuẩn” trong thực phẩm dị ứng và khuyên người bệnh nên tránh những thực phẩm đó hoặc phải điều trị bằng thuốc dạng giọt đặc hiệu.
  • Tại sao phương pháp này không đáng tin cậy? Sự thay đổi của tế bào khi tiếp xúc với chất dị ứng thực tế không quan sát được dưới kính hiển vi. Nếu muốn thấy rõ sự thay đổi của tế bào cần những máy móc tiên tiến hơn dùng trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu. Vì vậy, kết quả báo cáo về thực nghiệm này không đáng tin cậy.

Thử  nghiệm xung điện bề mặt (electrodermal test) hoặc thử nghiệm VEGA 

  • Thử nghiệm này là gì? Phương pháp này sử dụng một điện kế (dụng cụ đo dòng điện) để đo sức đề kháng của cơ thể (body’s resistance) khi tiếp xúc với một chất gây dị ứng thực phẩm. Bệnh nhân được yêu cầu cầm một ống kim loại chứa thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng, và tay còn lại được gắn các điện cực để đo dòng điện.
  • Những gì bạn sẽ nghe (giải thích sai lầm): Người xét nghiệm giải thích rằng các tín hiệu điện từ đặc trưng (electromagnetic signature) từ thực phẩm dị ứng can thiệp vào dòng điện được đo. Nếu dòng điện bị giảm (điện trở tăng) đồng nghĩa với thực phẩm đó gây dị ứng.
  • Tại sao phương pháp này không đáng tin cậy? Không có cơ sở khoa học cho những tuyên bố này. Chỉ số trên điện kế bị ảnh hưởng một phần do diện tích tiếp xúc của điện kế với tay và áp lực khi thao tác của kĩ thuật viên.

Kỹ thuật loại bỏ dị ứng Nambrudipad (NAET) hoặc cách loại bỏ dị ứng tự nhiên (NEAT)

  • Xét nghiệm này là gì? NAET là một phương pháp điều trị dựa trên châm cứu mà thường kết hợp với xét nghiệm xung điện bề mặt và thử nghiệm cơ (đã đề cập ở trên). Phương pháp này được Devi Nambrudipad, một nhà châm cứu từ California, phát minh dựa trên ý tưởng dùng phương pháp châm cứu để “làm bớt nhạy” chất gây dị ứng.
  • Những gì bạn sẽ nghe (giải thích sai lầm): Nambrudipad tuyên bố rằng 95% các loại bệnh gây ra bởi một số loại dị ứng. Chất gây dị ứng rất đa dạng và mơ hồ. Lý thuyết NAET cho rằng nguyên nhân gây ra dị ứng là năng lượng bị nghẽn cục bộ và phương pháp châm cứu có thể loại bỏ dị ứng vì nó làm thông các năng lượng bị nghẽn này.

Devi Nambrudipad nói rằng cô đã nhận được bằng thạc sĩ từ Đại học Khoa học Y Tế Antigua (UHSA) năm 2002. Tuy nhiên, Hội đồng Y khoa California không công nhận bằng cấp của trường UHSA từ năm 1995, do đó không cấp giấy phép hoạt động cho Nambrudipad.

  • Tại sao phương pháp này không đáng tin cậy? Phương pháp không nằm trong danh sách hướng dẫn NIAID do những tuyên bố thiếu cơ sở. Lý thuyết NAET “trái” với các khái niệm về giải phẫu học, sinh lý học, bệnh lý học, vật lý  và dị ứng được công nhận bởi khoa học.

“Khám phá” của Nambrudipad bằng cách kiểm tra dị ứng bằng cách đo cơ bắp là vô căn cứ. Chẩn đoán sai này có thể dẫn đến khuyến nghị tránh những thực thẩm không gây dị ứng, làm bệnh nhân thiếu hụt dinh dưỡng, gây suy dinh dưỡng ở trẻ em và gây rối loạn ăn uống.

Bác sĩ  Stephen Barret, người sáng lập tổ chức Quackwatch, đã bác bỏ những tuyên bố sai lầm của NAET.

Xét nghiệm tổng lượng IgG và Ig4

  • Xét nghiệm này là gì? Xét nghiệm kháng thể IgG trong máu. IgG là một kháng thể được tạo ra bởi cơ thể để chống lại chất gây dị ứng thực phẩm.
  • Những gì bạn sẽ nghe (giải thích sai lầm): Kháng thể IgG có liên quan tới bệnh viêm nhiễm và bệnh tự miễn dịch. Vì vậy, việc tránh các loại thực phẩm gây dị ứng có thể chữa khỏi bệnh như bệnh đái tháo đường, trầm cảm, béo phì, bệnh rối loạn giảm chú ý và bệnh Crohn.
  • Tại sao phương pháp này không đáng tin cậy? Không giống như kháng thể IgE chịu trách nhiệm đối với dị ứng, kháng thể IgG tìm thấy trong cả người dị ứng và không dị ứng. IgG là kháng thể bình thường được thực hiện bởi cơ thể để chống nhiễm trùng. Việc tạo ra các kháng thể IgG được cho là một phản ứng bình thường của cơ thể khi ăn uống. Ví dụ, các kháng thể IgG tìm thấy trong quá trình nghiên cứu về miễn dịch thực phẩm.

Phân tích tóc

  • Xét nghiệm này là gì? Xét nghiệm này kiểm tra hàm lượng chất khoáng trong tóc.
  • Những gì bạn sẽ nghe (giải thích sai lầm): Nếu bạn ăn thực phẩm có hại, nó sẽ ảnh hưởng đến lượng khoáng chất của tóc.
  • Tại sao phương pháp này không đáng tin cậy? Tóc mọc chậm (ít hơn 1,2 cm mỗi tháng), do đó dù tóc mọc sát da đầu cũng đã vài tuần tuổi. Vì vậy, không thể dùng phương pháp xét nghiệm tóc để suy ra tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân. Ngoài ra, không có cơ sở nào cho mối liên hệ giữa tóc và chất gây dị ứng thực phẩm.

Kiểm tra mạch của bệnh nhân (pulse testing)

  • Phương pháp này là gì? Kiểm tra mạch của bệnh nhân sau khi họ ăn một loại thực phẩm.
  • Những gì bạn sẽ nghe (giải thích sai lầm): Kiểm tra này được dựa trên ý tưởng rằng, nếu bị dị ứng với một loại thức ăn nào đó, mạch đập sẽ tăng sau khi ăn thực phẩm đó.
  • Tại sao phương pháp này không đáng tin cậy? Phương pháp này không có cơ sở khoa học. Việc mạch đập nhanh rất có thể do sự hồi hộp của người bệnh trong quá trình kiểm tra.

Những xét nghiệm khác chưa được chứng minh khoa học và không đạt chuẩn NIAID bao gồm:

  • Tế bào basophil giải phóng/kích hoạt histamine
  •  Kích thích lymphocyte (lymphocyte stimulation)
  •  Kiểm tra nhiệt trên mặt (facial thermography)
  • Phân tích dịch dạ dày (gastric juice analysis)
  •  Kích thích nội soi gây dị ứng (endoscopic allergen provocation)
  •  Kích thích trung hòa (provocation neutralization)
  • Các thử nghiệm giải phóng chất trung gian (mediator release assay)

Danh sách các phương pháp trên đều không đạt tiêu chuẩn để chẩn đoán dị ứng thực phẩm. Bạn muốn xem danh sách đầy đủ, vui lòng tham khảo các hướng dẫn. Nếu bạn có thắc mắc hoặc câu hỏi về bất kỳ phương pháp chẩn đoán, xin mời liên hệ với Học viện Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ (American Academy of Allergy, Asthma& Immunology – AAAAI).

Xem thêm Bài Chẩn đoán và xét nghiệm bệnh dị ứng thực phẩm.

Tài liệu tham khảo

http://www.foodallergy.org/diagnosis-testing/unproven-testing