Thứ Năm, 21/11/2024
An toàn thực phẩm Dị ứng thực phẩm Kiểm soát và điều trị dị ứng

Kiểm soát và điều trị dị ứng

Bài viết thứ 36 trong 41 bài thuộc ebook Dị ứng thực phẩm
 

kiem soat va ngan ngua di ung

Hiện nay, cách duy nhất để phòng ngừa dị ứng thực phẩm là tránh các thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng.

Một khi được chẩn đoán bị dị ứng với một loại thức ăn, bạn nên thảo luận với bác sĩ về cách điều trị dị ứng. Bạn nên nhờ bác sĩ lập cho bạn Kế hoạch cấp cứu khi bị sốc phản vệ và bị dị ứng thực phẩm để bạn và người thân biết xử lý khi bị dị ứng.

Các triệu chứng dị ứng từ nhẹ đến vừa phải (ví dụ ngứa, hắt hơi, phát ban và nổi mề đay) thường điều trị bằng thuốc kháng histamine và thuốc steroid dạng viên uống hoặc típ kem thoa.

Với các bệnh nhân có triệu chứng nặng hơn như sốc phản vệ (anaphylaxis), bệnh nhân phải dùng thuốc epinephrine. Epinephrine là thuốc duy nhất làm thuyên giảm các triệu chứng của sốc phản vệ, thuốc được điều chế có sẵn trong bộ tiêm tự động (chẳng hạn: Auvi-Q™, EpiPen® hoặc Adrenaclick®). Nếu được chỉ định, bạn nên sử dụng epinephrine ngay khi có dấu hiệu dị ứng đầu tiên và gọi cấp cứu. Gọi xe cứu thương và báo cho nhân viên cấp cứu là người bệnh vừa được tiêm epinephrine vì có phản ứng sốc phản vệ do ăn phải thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng. Bệnh nhân phải vào phòng cấp cứu để điều trị thêm, ngay cả khi các triệu chứng dị ứng thuyên giảm sau khi tiêm epinephrine.

Epinephrine là một loại thuốc an toàn, có tác dụng điều trị sốc phản vệ tốt hơn các loại thuốc khác. Cần cẩn trọng khi dùng cho bệnh nhân cao tuổi hoặc bệnh nhân có vấn đề tim mạch. Tuy nhiên, những bệnh nhân này vẫn có thể dùng epinephrine để điều trị khi bị sốc phản vệ. Sau khi tiêm epinephrine, nên đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu để theo dõi và kiểm soát phản ứng dị ứng, chứ không phải vì thuốc epinephrine không an toàn.

Sau khi dùng epinephrine, một số loại thuốc khác cũng có thể dùng để kiểm soát phản ứng dị ứng:

Steroid (ví dụ như cortisone), thường dùng trong phòng cấp cứu, giúp giảm viêm sau phản ứng sốc phản vệ. Mặc dù steroid không có tác động nhanh để xử lý tình huống khẩn cấp, nó có thể giúp ngăn ngừa tái phát sau khi phản ứng ban đầu được xử lý.

Thuốc kháng histamine (antihistamine), hay còn gọi là thuốc kháng H1, được chỉ định để giảm các triệu chứng dị ứng nhẹ, nhưng nó không thể kiểm soát các phản ứng dị ứng nặng. Các loại thuốc thuộc nhóm này bao gồm diphendydramine (Benadryl®) và Cetirizine (Zyrtec®). Thuốc kháng histamine không thể dùng để thay thế cho epinephrine.

Thuốc hen suyễn (asthma medication), thuốc có tác dụng làm giãn phế quản tạm thời (gọi là thuốc dạng hít “sơ cứu”), như là albuterol (Alupent®, Proventil®, Ventolin®). Thuốc làm giảm các triệu chứng khó thở sau khi tiêm epinephrien, đặc biệt có tác dụng với bệnh nhân hen suyễn. Tuy nhiên, các bệnh nhân không nên phụ thuộc vào loại thuốc này trong việc điều trị các vấn đề liên quan đến hô hấp có thể xảy ra trong quá trình sốc phản vệ, thay vào đó là phải sử dụng epinephrine.

Luôn cẩn trọng – Luôn an toàn

Kế hoạch điều trị dị ứng thực phẩm hiệu quả bao gồm những bước sau:

  • Tránh tất cả các thực phẩm nghi ngờ gây dị ứng.
  • Thảo luận với bác sĩ để xây dựng Kế hoạch cấp cứu khi bị dị ứng thực phẩm và sốc phản vệ.
  • Luôn đeo thẻ nhận dạng y tế khẩn cấp (emergency medical identification) (ví dụ như thẻ được gắn trên vòng đeo tay hoặc các đồ trang sức khác).
  • Luôn mang theo thuốc bên cạnh.
  • Dùng thuốc ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của dị ứng.
  • Đến ngay phòng cấp cứu gần nhất khi bạn gặp phải triệu chứng dị ứng nặng.

Tài liệu tham khảo:

 http: //www.foodallergy.org/treating-an-allergic-reaction.