Nội dung chính
Bài này cung cấp các thông tin về nguyên nhân, các triệu chứng và cách điều trị sốc phản vệ (anaphylaxis). Nếu cần thêm thông tin, mời bạn vui lòng liên hệ bác sĩ chuyên về dị ứng hoặc bác sĩ điều trị của bạn.
Trong quá trình sốc phản vệ, các triệu chứng dị ứng có thể gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận cơ thể khác nhau, đồng thời đe dọa đến hệ hô hấp và tuần hoàn máu. Dị ứng thực phẩm là nguyên nhân chính gây nên sốc phản vệ, mặc dù các tác nhân gây dị ứng khác như côn trùng cắn, dị ứng thuốc, dị ứng với nhựa, mủ,… cũng có thể là nguyên nhân. Hiếm khi nào sốc phản vệ xảy ra chỉ do vận động. Một dạng không phổ biến của sốc phản vệ xảy ra khi bệnh nhân vận động ngay sau khi ăn thực phẩm gây dị ứng. Rất hiếm khi sốc phản vệ xảy ra mà không xác định được tác nhân kích thích.
Mặc dù bất cứ ai dị ứng thực phẩm cũng có khả năng bị sốc phản vệ, nhưng những thực phẩm có nguy cơ gây sốc phản vệ cao nhất là đậu phộng, các loại hạt cây, cá và các loài không xương sống có vỏ. Những người bị hen suyễn khi bị dị ứng thực phẩm sẽ có nguy cơ bị sốc phản vệ cao hơn.
Hiện tại, tránh ăn nghiêm ngặt các thực phẩm dị ứng là cách duy nhất để phòng tránh sốc phản vệ, mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn đang tích cực tìm các biện pháp phòng ngừa.
Epinephrine (adrenaline) là một loại thuốc có tác dụng chữa trị các triệu chứng nặng của sốc phản vệ. Nó được sử dụng dạng liều tiêm và hiện có bán sẵn ở dạng ống tiêm tự động, do đó có thể mang theo để dùng khi cần. Epinephrine là loại thuốc có hiệu quả cao, nhưng phải được sử dụng ngay lập tức khi bị sốc phản vệ để đạt được hiệu quả tốt nhất, nếu chậm trễ có thể dẫn đến tử vong chỉ trong vòng 30 phút. Ngay cả khi đã sử dụng epinephrine và các triệu chứng đã thuyên giảm, bệnh nhân vẫn cần được chuyển đến phòng cấp cứu để được đánh giá tình trạng và tiếp tục điều trị.
Các triệu chứng của sốc phản vệ
Sốc phản vệ thường xuất hiện trong vòng vài phút sau khi người bệnh ăn phải thực phẩm có vấn đề. Ít phổ biến hơn, các triệu chứng có thể xuất hiện sau vài giờ. Khoảng 20% bệnh nhân xuất hiện đợt triệu chứng thứ 2 trong vòng vài giờ hoặc thậm chí là vài ngày sau khi những triệu chứng đầu tiên đã được điều trị dứt. Tình trạng này được gọi là sốc phản vệ pha 2.
Sốc phản vệ có khả năng cao đang xảy ra khi bệnh nhân có những triệu chứng dưới đây, xuất hiện từ vài phút đến vài giờ sau khi ăn phải thức ăn bị dị ứng:
1. Một người có những triệu chứng liên quan đến da, mũi, miệng, hệ tiêu hóa và một trong hai triệu chứng sau:
- Khó thở, hoặc
- Hạ huyết áp (xanh xao, mạch yếu, lo lắng, mất tỉnh táo,…)
2. Một người có tiếp xúc với các chất nghi ngờ gây dị ứng, kèm 2 hoặc nhiều hơn những biểu hiện sau:
- Triệu chứng ở da hoặc môi sưng phồng
- Khó thở
- Hạ huyết áp
- Các triệu chứng về hệ tiêu hóa (nôn mửa, tiêu chảy, chuột rút)
3. Một người có tiếp xúc với các chất dị ứng đã biết trước kèm các biểu hiện sau:
- Giảm huyết áp, mệt mỏi hoặc ngất xỉu
Điều trị sốc phản vệ
Bệnh nhân và người nhà nên biết cách xử lý các phản ứng dị ứng nặng. Khi bác sĩ chỉ định dùng epinephrine, nhiều người cảm thấy lo lắng về việc làm sao để sử dụng kim tiêm tự động đúng cách. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng, hàng ngàn người đã sử dụng thành công thiết bị này và nếu chịu luyện tập, bạn cũng có thể làm được. Hãy đảm bảo rằng bạn đã đọc kỹ hướng dẫn và thực hành với thiết bị được cung cấp bởi các nhà sản xuất. Bạn nên kiểm tra website của nhà sản xuất để xem có video hướng dẫn sử dụng hay không. Bằng cách trang bị đủ các thông tin cần thiết và được luyện tập với các thiết bị thực hành, bạn sẽ được chuẩn bị tốt để có thể sử dụng kim tiêm tự động khi sốc phản vệ xảy ra. Việc chuẩn bị trước cho các trường hợp khẩn cấp sẽ giúp bạn có tâm lý bình tĩnh hơn. Tùy thuộc vào loại kim tiêm tự động (Auvi-Q™, EpiPen® hoặc Adrenaclick®) mà bác sĩ chỉ định, bạn có thể tìm thấy các hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng các dụng cụ này trên mạng.
Nên nhớ rằng epinephrine sẽ hết hạn dùng sau một thời gian nhất định (thông thường khoảng 1 năm), do đó bạn nên kiểm tra hạn dùng của thuốc để mua mới kịp thời. Mặc dù có thể bạn không bao giờ phải dùng đến loại thuốc đó, nhưng cần đảm bảo bạn có sẵn để dùng bất cứ lúc nào.
Ứng phó với sốc phản vệ
Những diễn biến khó lường của tình trạng sốc phản vệ là một trong những khía cạnh khó khăn nhất khi ứng phó với dị ứng thực phẩm. Một người trước đây chỉ phản ứng nhẹ nhưng sau đó có thể gặp một phản ứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng; ngược lại, một người có tiền sử sốc phản vệ có thể chỉ bị một phản ứng nhẹ sau đó. Nếu bạn bị dị ứng với thực phẩm hoặc đã từng bị sốc phản vệ, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên về dị ứng. Bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử và trao đổi với bạn về các biện pháp phòng tránh và điều trị thích hợp cho tình trạng sốc phản vệ và cả các triệu chứng dị ứng nhẹ hơn (Để xem lời khuyên phòng tránh các thức ăn có vấn đề, vui lòng xem Bài Các chất dị ứng). Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị các bệnh khác, bác sĩ sẽ xem xét liệu loại thuốc đó có ảnh hưởng đến tác dụng của epinephrine hay không và thảo luận với bạn về các phương án xử lý.
May mắn là nhờ vào hiệu quả của epinephrine và nhận thức ngày càng cao về mức độ nghiêm trọng của dị ứng thực phẩm, những trường hợp tử vong do sốc phản vệ ít xảy ra. Những đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất là những thiếu niên hoặc người trẻ tuổi mắc bệnh hen suyễn và những người không được sử dụng epinephrine kịp thời. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều trường hợp tử vong có thể tránh được nếu loại thuốc này được sử dụng ngay lập tức. Do đó, phải luôn nhớ rằng sốc phản vệ là một tình trạng cấp cứu y khoa đòi hỏi phải được điều trị ngay lập tức.
Tóm lại, những điều cần lưu ý
Bạn đã học được tất cả những điều cần biết về chất dị ứng . Đọc kỹ thông tin trên nhãn thực phẩm và đừng ngần ngại đặt các câu hỏi trước khi sử dụng thực phẩm khi xa nhà. Sự thận trọng của bạn là phòng tuyến đầu tiên để tránh sốc phản vệ.
- Bạn có thuốc để sử dụng ở bất cứ nơi nào.
- Nói chuyện với bác sĩ của bạn về cách sử dụng thuốc khẩn cấp và khi nào nên sử dụng.
- Đảm bảo đơn thuốc của bạn được cập nhật mới nhất.
- Luôn mang các vật nhận diện y tế (vòng tay, hoặc trang sức khác có ghi tình trạng bệnh lý bản thân).
- Đừng chần chừ sử dụng thuốc epinephrine trong khi chờ đợi xem các triệu chứng có thuyên giảm không! Dùng thuốc khẩn cấp theo đúng hướng dẫn.
- Đến phòng cấp cứu ngay lập tức để được đánh giá tình trạng và điều trị tiếp – ngay cả khi phản ứng sốc phản vệ đã ngừng lại do dùng thuốc.
- Epinephrine không phải là một phương pháp điều trị “hoàn hảo”. Đừng thử nghiệm bằng cách ăn thực phẩm bị dị ứng.
Tài liệu tham khảo:
http://www.foodallergy.org/anaphylaxis