Thứ Tư, 27/11/2024
An toàn thực phẩm Dị ứng thực phẩm Giải đáp các câu hỏi thường gặp về FALCPA

Giải đáp các câu hỏi thường gặp về FALCPA

Bài viết thứ 26 trong 41 bài thuộc ebook Dị ứng thực phẩm
 

Tác giả: Martin Hahn, Esq. và Meg McKnight, Esq.

Martin Hahn và Meg McKnight là hai chuyên gia về luật thực phẩm tại Công ty luật Hogan & Hartson, L.L.P, Washington, DC.

Luật Ghi nhãn Thực phẩm Dị ứng và Bảo vệ Người tiêu dùng của Mỹ (FALCPA) năm 2004 đã được thông qua nhằm đảm bảo rằng các cá nhân, đặc biệt là phụ huynh của các trẻ em bị dị ứng thực phẩm và những người cung cấp thực phẩm cho những trẻ em này, có thể xác định dễ dàng và chính xác thành phần thực phẩm mà có thể gây ra phản ứng dị ứng. FALCPA quy định việc khai báo chất gây dị ứng phải được viết bằng tiếng Anh. Dưới đây là giải đáp cho các câu hỏi thường gặp (FAQ) về FALCPA, thông tin thêm về FAQ có thể được tìm đọc trên trang FDA (tiếng Anh).

FALCPA Luật Ghi nhãn Thực phẩm Dị ứng và Bảo vệ Người tiêu dùng của Mỹ

  1. Những điều chỉnh trong việc ghi nhãn (sản phẩm) sau khi luật FALCPA được thông qua?

FALCPA yêu cầu chất gây dị ứng có trong các sản phẩm thực phẩm phải được khai báo bằng tiếng Anh rõ ràng theo một trong hai cách:

  • Ghi chữ “có chứa”, mà theo sau là tên của nguồn thực phẩm phát sinh chủ yếu các chất gây dị ứng, ngay sau hoặc liền kề với danh sách thành phần, với kích thước chữ không nhỏ hơn so với cỡ chữ của mục danh sách các thành phần (ví dụ, “có chứa sữa và lúa mì”)
  • Liệt kê tên thông dụng hay phổ biển của các chất gây dị ứng trong danh sách các thành phần, theo sau là tên của nguồn thực phẩm phát sinh các chất gây dị ứng được đặt trong ngoặc đơn vuông (ví dụ, “hương liệu tự nhiên [trứng, đậu nành]”).

Tên của chất gây dị ứng chỉ cần xuất hiện một lần trong khai báo thành phần. Ví dụ, một sản phẩm có chứa cả sữa và một thành phần có nguồn gốc từ sữa, như huyết thanh sữa (whey), nên được đặt tên như sau: “sữa, đạm natri casein, huyết thanh sữa” hoặc “hương liệu tự nhiên (sữa), đạm natri casein, huyết thanh sữa.”

Trong trường hợp các loại hạt và hải sản, luật yêu cầu khai báo các loại cụ thể của hạt (ví dụ, quả óc chó, hạnh nhân, hạt điều), cá (ví dụ, cá tuyết, cá ngừ), hay của động vật có vỏ (tôm, tôm hùm).

  1. Thời điểm Luật có hiệu lực?

Luật có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

  1. Luật có qui định hình phạt cụ thể đối với các trường hợp không tuân thủ?

Có. Một công ty sẽ bị xử phạt dân sự hoặc hình sự theo Luật Thực phẩm, Dược phẩm và Mỹ phẩm liên bang nếu một trong các sản phẩm thực phẩm đóng gói của công ty không tuân thủ các yêu cầu về ghi nhãn của FALCPA. Ngoài ra, các sản phẩm thực phẩm có chứa chất gây dị ứng không được khai báo có thể sẽ bị thu hồi.

  1. Tại sao Luật này chỉ áp dụng cho một số chất gây dị ứng nhất định?

Đã có hơn 160 loại thực phẩm được xác định trong các tài liệu khoa học có thể gây dị ứng thực phẩm. Khi soạn thảo cách dùng các thuật ngữ trong FALCPA, Quốc hội đã giới hạn việc yêu cầu ghi nhãn đối với 8 “chất gây dị ứng thực phẩm chính”, tương ứng với 90% các bệnh dị ứng thực phẩm ở Hoa Kỳ. Tám loại thực phẩm hay nhóm thực phẩm này gồm sữa, trứng, cá (ví dụ như cá vược, cá bơn, cá tuyết), động vật giáp xác có vỏ (ví dụ như cua, tôm hùm, tôm), hạt cây (ví dụ như hạnh nhân, quả hồ đào, quả óc chó), lúa mì, hạt đậu phộng và hạt đậu nành hoặc một thành phần có chứa một loại đạm có nguồn gốc từ một trong những thực phẩm này.

Trong khi các chất gây dị ứng khác không phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn của FALCPA, 8 chất gây dị ứng này và các thành phần có nguồn gốc chủ yếu từ 8 chất này phải được khai báo trong báo cáo thành phần nguyên liệu. Điều quan trọng là bạn cần đọc kỹ toàn bộ các thành phần của sản phẩm, bởi nếu bạn bị dị ứng với một chất không thuộc nhóm 8 chất ở trên (như hạt mè hoặc hạt thuốc phiện) thì chất đó không bắt buộc phải liệt kê trong mục “có chứa” xuất hiện trên một số bao bì sản phẩm.

  1. Nếu một nhà sản xuất lựa chọn mục khai báo “có chứa”, tôi có thể cho rằng mục đó chứa tất cả các chất gây dị ứng và chỉ cần để ý tới mục “có chứa” này?

FALCPA yêu cầu các công ty phải sử dụng một trong hai (không phải cả hai) cách, hoặc khai báo “Có chứa” hoặc liệt kê tên tiếng Anh thông dụng (của nguồn thực phẩm gây dị ứng) trong báo cáo thành phần. Bất kể các công ty chọn cách nào, thì đều phải liệt kê tất cả 8 chất gây dị ứng có trong thực phẩm cụ thể. Chúng tôi khuyến cáo những cá nhân bị dị ứng thực phẩm và những người chăm sóc họ xem lại cả hai mục “khai báo thành phần” và “có chứa”.

  1. Làm thế nào tôi có thể biết một sản phẩm đạt các tiêu chuẩn của FALCPA hay không?

Trong giai đoạn chuyển tiếp này, không có cách nào để xác định xem liệu các thực phẩm được dán nhãn theo FALCPA hay không. Bạn có thể trực tiếp liên hệ với một nhà sản xuất để có được thông tin cụ thể về một sản phẩm cụ thể.

  1. FALCPA có áp dụng đối với các công ty địa phương sản xuất các nhãn hàng nội bang?

Luật này áp dụng cho tất cả các sản phẩm thực phẩm theo quy định của FDA và được yêu cầu phải có khai báo thành phần. Trong khi FDA về mặt kỹ thuật chỉ có thẩm quyền đối với các sản phẩm được đưa vào thương mại liên bang, rất khó để hình dung một sản phẩm được sản xuất nội bang sẽ không thuộc quyền tài phán của FDA. Mặc dù có giải thích rộng rãi của FDA về “thương mại liên bang”, có thể các loại thực phẩm sản xuất địa phương không phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về ghi nhãn của FDA, bao gồm FALCPA. Bạn nên đọc kỹ mục khai báo thành phần của tất cả các loại thực phẩm và liên hệ với nhà sản xuất nếu có thắc mắc.

  1. Nếu một sản phẩm mà người bị dị ứng đã sử dụng trong nhiều năm nhưng nay (với các luật dán nhãn mới) được cho là một chất gây dị ứng, bạn chỉ đơn giản dừng cung cấp sản phẩm này cho họ?

Chỉ có bạn và bác sĩ của bạn mới có thể xác định xem bạn nên ăn thực phẩm nào. Tuy nhiên, bạn không nên giả định rằng bạn có thể tiếp tục ăn một món ăn đơn giản chỉ vì nó vẫn an toàn với bạn từ trước tới nay. Công thức tạo sản phẩm thực phẩm có thể đã thay đổi, các nhà sản xuất có thể đã nhận được thông tin mới chỉ ra rằng một chất gây dị ứng chính hiện nay có thể có mặt trong thực phẩm, hoặc các nhà sản xuất có thể khai báo thêm các chất gây dị ứng chính vì FALCPA không có ngoại lệ đối với một chất gây dị ứng chính với hàm lượng nhỏ được cho là không quan trọng. Đúng là không thể phân biệt được trường hợp nào với trường hợp nào. Cách an toàn nhất là tránh tất cả các loại thực phẩm nào có khai báo chứa chất dị ứng chính.

  1. Với cách ghi nhãn thực phẩm mới, làm thế nào để chúng ta biết liệu một chất gây dị ứng đã tồn tại và đã được an toàn, hoặc nếu nó là một thành phần bổ sung mới?

Như đã giải thích ở trên, không có cách nào để biết được thông tin này ngoài việc liên hệ trực tiếp tới các nhà sản xuất.

  1. Chất lecithin đậu nành an toàn với con tôi. Gần đây tôi nhìn thấy một số nhãn liệt kê đậu nành trong bản khai báo các chất gây dị ứng, nhưng lecithin đậu nành là thành phần đậu nành duy nhất trong danh sách của tất cả các thành phần. Tôi có thể hiểu rằng lecithin đậu nành là nguồn gốc của dị ứng, hoặc có thể sản phẩm còn có một thành phần khác của đậu nành không an toàn?

Bạn không thể cho rằng lecithin đậu nành là thành phần đậu nành duy nhất có trong sản phẩm. FALCPA không yêu cầu mỗi thành phần có nguồn gốc từ một chất gây dị ứng chính phải được định rõ bằng một cái tên tiếng Anh thông dụng mà chỉ cần tên tiếng Anh của chất gây dị ứng đó xuất hiện một lần. Trong trường hợp cụ thể trên, thực phẩm đó có thể chỉ chứa lecithin đậu nành là thành phần đậu nành duy nhất hoặc cũng có thể chứa cả một thành phần khác có nguồn gốc từ đậu nành.

  1. Liệu các sản phẩm sản xuất sau tháng 01 năm 2006 sẽ phải ghi nhãn nếu sản phẩm đó được thực hiện trên cùng một dây chuyền như đậu phộng hay các chất gây dị ứng khác, hay loại bỏ sự cần thiết với khai báo “có thể chứa”?

Không. FALCPA không thiết lập các tiêu chuẩn cho khai báo “có thể chứa”, các cách khai báo ghi nhãn khuyến cáo khác, hay giải quyết việc sử dụng chung dây chuyền. Tuy nhiên FALCPA hiện đã yêu cầu FDA trình ra Quốc hội về vấn đề này.

  1. FALCPA sẽ ngăn chặn sự khác biệt giữa danh sách các thành phần và các biểu tượng đạt tiêu chuẩn Kosher? Tôi đã có một hộp bánh quy với một biểu tượng Kosher “D”, nhưng khi tôi gọi cho nhà sản xuất thì họ nói với tôi là không có sữa trong sản phẩm. Tôi nên tin vào cái gì?

Cách ghi nhãn Kosher không thể được sử dụng như một hướng dẫn để xác định liệu một sản phẩm nào đó có chứa sữa hay không.

  1. FALCPA sẽ áp dụng đối với thực phẩm nhập khẩu?

FALCPA áp dụng cho tất cả các loại thực phẩm đóng gói (trừ thịt, thịt gia cầm và một số sản phẩm nhất định từ trứng) được bán tại Hoa Kỳ, cho dù chúng được sản xuất tại Hoa Kỳ hay ở nước ngoài và nhập khẩu vào Hoa Kỳ.

  1. Liệu FALCPA sẽ áp dụng đối với thịt hoặc các đồ uống có cồn?

Không. FALCPA không áp dụng cho việc ghi nhãn sản phẩm được quy định bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), chẳng hạn như thịt và sản phẩm gia cầm, hay các sản phẩm được quy định bởi Cục Thương mại và Thuế Rượu – Thuốc lá (ATTB), chẳng hạn như rượu chưng cất, rượu vang và bia. USDA và ATTB đã chỉ ra sự cần thiết trong việc sửa đổi các quy định của mình để phù hợp với các yêu cầu về ghi nhãn của FALCPA. Cho đến bây giờ, thịt và các sản phẩm gia cầm và đồ uống có cồn sẽ không phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn chất gây dị ứng vào ngày 01 tháng 01 năm 2006.

  1. Sử dụng thuật ngữ “không chứa sữa” (dairy-free) theo FALCPA như thế nào?

FDA có quy định cho việc sử dụng thuật ngữ “không phải sữa” (non-dairy) nhưng lại không có quy định cụ thể cho thuật ngữ “không chứa sữa” (dairy-free). FALCPA không thay đổi các yêu cầu đối với việc sử dụng thuật ngữ “không phải sữa” và thuật ngữ này sẽ tiếp tục xuất hiện trên các sản phẩm có chứa các đạm casein làm nguyên liệu. Các loại đạm casein phải được liệt kê trong khi báo thành phần và được đặt trong ngoặc đơn tròn như “(một chất dẫn xuất từ sữa)”. Tìm hiểu thêm về thuật ngữ “không phải sữa” và “không chứa sữa” tại đây.

  1. Tôi nghe nói sẽ có một quá trình yêu cầu, theo đó, nếu một công ty có thể chứng minh rằng lượng chất gây dị ứng không đủ để tạo ra phản ứng dị ứng thì thành phần này không phải liệt kê trên nhãn.

Luật quy định ba cách để có thể được miễn ghi nhãn một chất gây dị ứng thực phẩm chính:

  • Thứ nhất là, miễn cho tất cả các loại dầu tinh chế cao cấp.
  • Thứ hai là, một thông báo tiền thị trường (trước khi cung cấp ra thị trường) có thể được nộp khi (i) chứng cứ khoa học cho thấy rằng các thành phần thực phẩm không chứa chất đạm gây dị ứng hoặc (ii) FDA đã xác định thông qua quá trình thẩm định phụ gia thực phẩm rằng thành phần đó không gây ra một phản ứng dị ứng có nguy cơ đối với sức khỏe con người.
  • Thứ ba là, một thỉnh cầu có thể nộp lên yêu cầu miễn trừ cho một thành phần có nguồn gốc từ một chất gây dị ứng thực phẩm chính, chứng minh rằng thành phần này không gây ra một phản ứng dị ứng gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
  1. Tại sao một công ty sẽ không muốn ghi nhãn một chất gây dị ứng phổ biến?

Mục đích chính của luật này là cung cấp cho các cá nhân bị dị ứng thực phẩm các thông tin dễ hiểu và chính xác về thành phần của các sản phẩm thực phẩm, nhờ đó họ có thể chọn cho mình những loại thực phẩm không gây ra rủi ro từ các phản ứng dị ứng.

Có những thành phần có nguồn gốc từ chất gây dị ứng chính có thể chứa hàm lượng rất nhỏ các chất đạm gây dị ứng. Khi các chất đạm gây dị ứng ở mức thấp này, người ta tin rằng những người bị dị ứng thực phẩm có thể ăn một cách an toàn thực phẩm đó. Ví dụ, có những nghiên cứu lâm sàng chứng minh rằng những người bị dị ứng thực phẩm có thể dùng các loại dầu tinh chế cao cấp một cách an toàn, dù những loại dầu này có thể chứa một lượng rất nhỏ chất đạm. Quốc hội đã miễn yêu cầu ghi nhãn chất gây dị ứng đối với các loại dầu tinh chế cao cấp này.

Trong trường hợp không được miễn trừ, có thể có một sự gia tăng đáng kể trong việc ghi nhãn chất gây dị ứng. Lạc, đậu nành và lúa mì có thể được khai báo trên nhiều sản phẩm có chứa bột ngũ cốc bởi vì quá trình tiếp xúc chéo diễn ra ở các trang trại. Cũng có thể có một sự gia tăng đáng kể số lượng các bao bì ghi nhãn “đậu nành” từ lecithin đậu nành. Lecithin đậu nành được sử dụng trong các ngành công nghiệp bánh nướng vì nó ngăn các sản phẩm bánh nướng không dính vào chảo, băng chuyền và các bề mặt tiếp xúc thực phẩm khác.

Một công ty có thể muốn tránh ghi nhãn đối với một chất gây dị ứng được sử dụng ở hàm lượng rất thấp bởi vì nó sẽ hạn chế một cách không cần thiết chế độ ăn uống vốn đã rất nghiêm ngặt của người bị dị ứng thực phẩm.

Tài liệu tham khảo

http://www.foodallergy.org/falcpa-faq