Nội dung chính
Mặc dù chỉ 8 loại thực phẩm (sữa, trứng, đậu phộng, các loại hạt cây, cá, động vật không xương sống có vỏ, lúa mì và đậu nành) đã chiếm gần 90% nguyên nhân gây dị ứng do thực phẩm, một người vẫn có thể dị ứng với hầu như bất cứ loại thực phẩm nào, ví dụ như:
- Ngô (bắp)
- Gelatin
- Thịt (bò, gà, cừu, heo)
- Các loại hạt (vừng, hướng dương và phổ biến nhất trong nhóm này là anh túc)
- Các loại gia vị (thì là, rau mùi/ngò, tỏi, cải cay/mù tạt…)
Những nguyên nhân gây dị ứng nặng thường gặp khác bao gồm:
- Thuốc
- Nhựa cao su
- Côn trùng đốt
Phản ứng dị ứng với rau và trái cây tươi, ví dụ như táo, cà rốt, đào, mận, cà chua và chuối thường được chẩn đoán là hội chứng dị ứng đường miệng.
Dị ứng thực phẩm ít gặp
Dị ứng ngô
Dị ứng với ngô thường hiếm gặp và do vậy chỉ có một số ít ca bệnh được báo cáo trong tài liệu y khoa. Tuy nhiên những báo cáo đã chỉ ra rằng các phản ứng dị ứng do ngô có thể rất nặng. Phản ứng có thể xảy ra đối với cả ngô tươi và ngô đã nấu. Những người dị ứng với ngô nên tìm các thông tin hướng dẫn riêng cho mình từ các chuyên gia về dị ứng.
Dị ứng thịt
Dị ứng với thịt như thịt bò, gà, cừu hay thịt heo cũng rất hiếm gặp. Một người bị dị ứng với một loại thịt không cần thiết phải kiêng cữ các loại thịt khác. Làm nóng hoặc nấu chín thịt có thể làm giảm tính gây dị ứng của thực phẩm.
Vậy liệu một người bị dị ứng với sữa có nên kiêng thịt bò hay không? Không có lời khuyên dành cho những người bị dị ứng sữa nên tránh ăn thịt bò, phần lớn trong số họ có thể sử dụng thịt bò an toàn. Tuy nhiên có một nghiên cứu chỉ ra rằng gần 8% trong số 62 trẻ bị dị ứng sữa được khảo sát cũng có phản ứng dị ứng với thịt bò. Nghiên cứu này cũng gợi ý rằng thịt bò được nấu kỹ có lẽ ít gây dị ứng với những người bị dị ứng sữa.
Tương tự, những người bị dị ứng với trứng cũng được khuyên không nên kiêng thịt gà và ngược lại.
Một vài người bị dị ứng với thịt động vật có vú sẽ xuất hiện những triệu chứng dị ứng sau 3-6 giờ ăn thịt bò, thịt heo hoặc thịt cừu. Loại dị ứng này được cho là do dị ứng với một loại đường trong thịt gọi là “alpha-gal”.
Dị ứng gelatin
Gelatin là một protein được hình thành khi da hoặc mô liên kết bị đun sôi. Mặc dù hiếm song những phản ứng dị ứng do gelatin cũng đã được biết đến.
Nhiều loại vaccine chứa gelatin từ da heo (“porcine gelatin”) như là chất ổn định. Dị ứng với gelatin là nguyên nhân thường gặp trong những trường hợp dị ứng vaccine. Những người đã từng có triệu chứng dị ứng sau khi ăn gelatin nên thảo luận với nhân viên y tế trước khi chích ngừa. Nếu đã từng dị ứng nặng với gelatin thì nên tránh những loại vaccine có chứa gelatin.
Dị ứng các loại hạt
Phản ứng dị ứng với các loại hạt có thể rất nghiêm trọng. Vừng, hạt hướng dương và hạt anh túc đã được biết rằng có thể gây sốc phản vệ.
Con số ước tính tỉ lệ mắc tình trạng dị ứng với hạt vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên trong một nghiên cứu công bố năm 2010, các nhà nghiên cứu tại trường Y khoa New York’s Mount Sinai kết luận rằng khoảng 0,1% dân số có thể bị dị ứng với vừng, dựa trên một khảo sát trên toàn nước Mỹ mà ban đầu tập trung vào dị ứng với đậu phộng và các loại hạt cây.
Các loại hạt thường được sử dụng trong sản xuất bánh mì và bánh ngọt, và các chiết xuất của vài loại hạt cũng được tìm thấy trong các sản phẩm chăm sóc tóc.
Một vài loại dầu từ hạt được tinh chế, trong quá trình này protein được loại bỏ ra khỏi dầu. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại dầu từ hạt đều được tinh chế, vì vậy những người dị ứng với hạt nên cẩn thận khi ăn những thức ăn chế biến với dầu từ hạt.
Dị ứng gia vị
Dị ứng với các loại gia vị như rau mùi, tỏi và mù tạt thường hiếm và thường ở mức độ trung bình, tuy nhiên cũng có vài trường hợp dị ứng nặng với gia vị đã được báo cáo. Một vài gia vị có phản ứng chéo với ngải cứu và phấn cây bạch dương, vì vậy những bệnh nhân nhạy cảm với những tác nhân trong không khí này có nguy cơ cao sẽ dị ứng với gia vị.
Những tác nhân dị ứng thường gặp khác
Không may là thực phẩm không phải là tác nhân duy nhất có thể gây sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng rất nặng và có thể đe dọa tính mạng. Dưới đây chúng tôi đề cập đến những nguyên nhân thường gây dị ứng nặng bao gồm thuốc, mủ cao su và côn trùng đốt.
Thuốc
Sốc phản vệ với thuốc điển hình thường xảy ra trong vòng 1 giờ sau khi dùng thuốc, nhưng cũng có thể xảy ra sau vài giờ. Có khoảng 1% dân số (ở Mỹ) có nguy cơ dị ứng với thuốc.
Theo tài liệu từ Học viện về Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch của Mỹ, “Khả năng tiến triển phản ứng dị ứng có thể tăng nếu loại thuốc đó được dùng thường xuyên, bôi ngoài da hoặc qua đường tiêm hơn là qua đường uống. Khuynh hướng di truyền của hệ thống miễn dịch đối với khả năng bị dị ứng có thể cũng quan trọng. Tuy nhiên, trái với quan niệm dân gian thông thường, tiền sử gia đình có dị ứng với một loại thuốc nào đó không có nghĩa rằng bệnh nhân đó có nguy cơ cao dị ứng với cùng loại thuốc.”
Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng 90% bệnh nhân có tiền sử dị ứng với penicillin sẽ có thể dung nạp được thuốc. Những bệnh nhân cần sử dụng penicillin sẽ trải qua một quy trình gây tê dưới sự giám sát của bác sĩ nhằm thay đổi phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với kháng sinh. Nếu bạn dị ứng với bất cứ loại thuốc kháng sinh nào, bạn sẽ dễ bị dị ứng với những loại thuốc khác hơn những người không bị dị ứng thuốc.
Nếu bạn có những dấu hiệu dị ứng sau khi dùng thuốc, hãy thông báo với bác sĩ của bạn. Nếu dấu hiệu nặng, hoặc giống như sốc phản vệ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Mủ cao su (latex)
Dị ứng mủ cao su thường được chẩn đoán ở những người có tiếp xúc với mủ cao su thường xuyên, ví dụ như nhân viên chăm sóc y tế, người làm trong ngành công nghiệp cao su hay trẻ em bị dị tật nứt đốt sống và những bệnh lý bẩm sinh khác cần phẫu thuật nhiều.
Ước tính có khoảng 1% dân số Mỹ có dị ứng với mủ cao su, nhưng con số cao hơn nhiều – khoảng 10 đến 17% – ở nhóm người làm việc trong ngành nghề chăm sóc sức khỏe.
Vài người dị ứng với mủ cao su cũng sẽ có phản ứng với một vài thực phẩm có phản ứng chéo với mủ cao su, như chuối, kiwi, bơ, hạt dẻ Châu Âu và ít gặp hơn là khoai tây, cà chua, cherry, đào, mận và những trái cây khác. Phản ứng chéo này xảy ra giữa protein có trong mủ cao su (dạng mủ cao su hay nhựa) với protein trong các loại thực vật khác.
Côn trùng đốt
Người dân Mỹ thường hay bị các loài côn trùng như ong mật, ong nghệ, ong vàng, ong bắp cày, ong vò vẽ và kiến lửa đốt nhiều nhất. Những triệu chứng của phản ứng sốc phản vệ do côn trùng thường xảy ra ngay sau khi bị đốt vài phút.
Phản ứng do côn trùng đốt có thể thay đổi từ nhẹ và khu trú tại chỗ đến nặng và đe dọa tính mạng. Những phản ứng tại chỗ bao gồm sưng tấy một vùng rộng hơn vết đốt (ví dụ cả cánh tay có thể bị sưng lên sau khi bị đốt ở bàn tay). Phản ứng này có thể bao gồm ói và sốt nhẹ. Vết côn trùng đốt gây ra khoảng 50 ca tử vong mỗi năm tại Mỹ.
Trong một vài trường hợp, dị ứng do côn trùng đốt có thể được điều trị với liệu pháp miễn dịch, một quy trình mà trong đó bác sĩ sẽ sử dụng nọc độc với liều tăng dần trong một thời gian để kích thích hệ miễn dịch của người bệnh.
Để giảm thiểu nguy cơ bị côn trùng đốt, tránh mặc quần áo màu sáng, có mùi thơm, nước hoa và tất nhiên tránh đi chân không, luôn cảnh giác khi nấu ăn ngoài trời, tránh những khu vực nhiều côn trùng và luôn có sẵn thuốc diệt côn trùng trong tay khi làm việc ngoài trời.
Tài liệu tham khảo
http://www.foodallergy.org/allergens/other-allergens