Nội dung chính
Ở Mỹ trong năm 2012, đã có khoảng 180 vụ thu hồi sản phẩm thực phẩm do chất gây dị ứng không được khai báo trên nhãn. Trong đó, một số vụ thu hồi được khởi xướng bởi các nhà sản xuất hoặc do thanh tra của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) hoặc Sở Nông nghiệp Mỹ (USDA) và một số vụ thu hồi khác là do khiếu nại của người tiêu dùng.
FARE (Food Allergy Research & Education, Trung tâm Nghiên cứu và giáo dục về dị ứng thực phẩm) thường xuyên nhận được những câu hỏi từ các thành viên cộng đồng về sản phẩm và nhãn sản phẩm. Điều quan trọng phải lưu ý là FARE không phải là một cơ quan chức năng về mặt pháp lý. FARE là một tổ chức vận động bệnh nhân, nhằm truyền tải thông tin về việc thu hồi sản phẩm từ FDA và các nhà sản xuất, và để kết nối người tiêu dùng với FDA, giúp người tiêu dùng báo cáo các vấn đề có thể phát sinh.
Dưới đây là hướng dẫn làm thế nào để xử lý với một vài tình huống liên quan đến các vấn đề về thực phẩm đóng gói.
Nếu bạn tin rằng một sản phẩm bị sai nhãn hoặc bị nhiễm:
Ví dụ: Bạn mở một túi bánh có nhãn ghi là “Bánh Chip sô-cô-la”, nhưng bên trong lại là bánh bơ đậu phộng.
- Giữ bao bì và chụp hình sản phẩm.
- Hãy gọi cho nhà sản xuất và báo cáo tình hình. Họ có thể sẽ hỏi bạn số UPC (mã vạch của sản phẩm), vị trí nơi bạn đã mua sản phẩm và có thể yêu cầu bạn gửi cho họ sản phẩm đó để họ có thể tiến hành kiểm tra.
- Gọi Trung tâm khiếu nại tiêu dùng FDA trong khu vực của bạn, hoặc báo cáo trực tuyến tại Tổng đài báo cáo an toàn của FDA.
Nếu bạn bị dị ứng từ một sản phẩm mà bạn nghĩ là an toàn:
Ví dụ: Bạn đọc nhãn bao bì của sản phẩm và không thấy có chất gây dị ứng cho bạn được liệt kê. Bạn ăn sản phẩm và bị dị ứng.
- Đầu tiên và trước hết, hãy tìm sự chăm sóc y tế thích hợp.
- Lưu ý rằng có thể chỉ là do bạn đã phát hiện ra bạn bị một loại dị ứng mới. Nếu bạn nghi ngờ đây là trường hợp trên, hãy liên lạc với bác sĩ của bạn để kiểm tra.
- Không vứt đi sản phẩm này, bao bì của nó, hoặc bất kỳ sản phẩm tương tự mà có thể đã được mua cùng lúc, vì nó rất quan trọng cho việc điều tra; giữ các phần ăn thừa vào hộp đựng thích hợp và đông lạnh nó nếu nó không thuộc loại sản phẩm có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng (self-stable food).
- Hãy gọi cho nhà sản xuất và báo cáo tình hình. Họ có thể sẽ hỏi bạn số UPC, vị trí nơi bạn đã mua sản phẩm và có thể yêu cầu bạn gửi cho họ sản phẩm của bạn để họ có thể tiến hành kiểm tra.
- Gọi Trung tâm khiếu nại tiêu dùng của FDA trong khu vực của bạn, hoặc báo cáo trực tuyến tại Tổng đài báo cáo an toàn của FDA.
- Nếu nhà sản xuất không trả lời đơn khiếu nại của bạn và bạn muốn làm kiểm tra độc lập cho sản phẩm, bạn có thể liên hệ với Phòng thí nghiệm dịch vụ FARRP tại Đại học Nebraska. Tuy nhiên, có thể tốn phí cho việc kiểm tra.
Ghi nhãn cảnh báo đã thay đổi trên một sản phẩm
Ví dụ: Bạn thường xuyên mua một sản phẩm mà không thấy có ghi nhãn cảnh báo, sau đó bạn nhận thấy rằng trên nhãn bỗng dưng có một cảnh báo mới nêu rằng “có thể chứa sữa”.
- Bạn cần biết rằng các loại nhãn cảnh báo này mang tính tự nguyện và không có quy định về mặt pháp lý.
- Hãy gọi cho nhà sản xuất để tìm hiểu về những thay đổi gần đây trong quy trình sản xuất và ghi nhãn, để bạn có thể đưa ra quyết định đúng đắn về sản phẩm.
- Quy trình sản xuất có thể đã thay đổi và đó là nguyên nhân họ ghi thêm nhãn cảnh báo.
- Nếu bạn muốn nộp đơn khiếu nại, hãy gửi văn bản cho nhà sản xuất. Nghe trực tiếp từ bạn về việc những thay đổi này ảnh hưởng như thế nào đến quyết định mua hàng của bạn sẽ đảm bảo họ có thêm thông tin về sự ưu tiên của người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm, giúp họ có những quyết định đúng đắn trong tương lai.
FARE đánh giá cao khi người tiêu dùng thông báo các vấn đề về ghi nhãn sản phẩm, và luôn sẵn sàng trả lời câu hỏi về pháp luật ghi nhãn hiện hành hoặc cách đọc nhãn. Bạn có thể liên hệ với FARE tại atcontactfare@foodallergy.org hoặc liên hệ 800-929-4040.
Tài liệu tham khảo
http://www.foodallergy.org/food-labels/mislabeling