Nội dung chính
Cá vây (finned fish) có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng (như sốc phản vệ) (anaphylaxis). Do đó bệnh nhân có dị ứng cá nên luôn có sẵn bộ tiêm epinephrine tự động (epinephrine auto-injector) (chẳng hạn: EpiPen®, Auvi-Q ™ hoặc Adrenaclick). Bệnh dị ứng này thường kéo dài cả đời. Khoảng 40% số người dị ứng với cá có biểu hiện dị ứng lần đầu tiên là lúc trưởng thành. Để ngăn ngừa dị ứng nếu bạn biết mình bị dị ứng với cá, bạn nên tránh tuyệt đối cá và các thực phẩm làm từ cá. Nhớ đọc kĩ nhãn thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm để tránh các thực phẩm làm từ cá.
Cá hồi (salmon), cá ngừ (tuna) và cá bơn (halibut) là 3 loại phổ biến thuộc họ cá vây gây dị ứng. Hơn một nửa trong tổng số người từng dị ứng với một loại cá sẽ dị ứng với các loại cá khác, do đó bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên tránh tất cả các loại cá. Nhưng nếu bạn bị dị ứng với một loại cá cụ thể nào đó mà vẫn muốn ăn các loại cá khác, thì bạn nên gặp bác sĩ để kiểm tra phản ứng dị ứng với từng loại cá cụ thể.
Cá vây không có chung họ với động vật không xương có vỏ (shellfish) (như tôm, cua, ốc) nên bệnh nhân dị ứng cá vây không cần phải kiêng động vật có vỏ.
Tránh cá vây
Ở Mỹ, Luật Liên Bang về Bảo vệ người tiêu dùng và cách dán nhãn thực phẩm dị ứng (FALCPA) quy định tất cả các sản phẩm thực phẩm đóng gói ở Mỹ làm từ cá phải dán nhãn đặc biệt.
Bạn nên đọc kĩ thành phần ghi trên nhãn trước khi mua và tiêu thụ bất kỳ sản phẩm nào. Vì thành phần trong các thực phẩm đóng gói có thể thay đổi mà không báo trước, do đó bạn nên kiểm tra lại thành phần mỗi khi mua sản phẩm. Nếu có thắc mắc, bạn có thể hỏi nhà sản xuất.
Tính đến thời điểm này, việc dùng nhãn khuyến cáo (như “có thể chứa”) trên các loại thực phẩm đóng gói mang tính tự nguyện và chưa có hướng dẫn rõ ràng cho việc sử dùng loại nhãn này. Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration – FDA) đã bắt đầu phát triển một chiến lược dài hạn giúp các nhà sản xuất kê khai thành phần trên nhãn rõ ràng và nhất quán, để những người bị dị ứng thực phẩm và người chăm sóc bệnh nhân dị ứng biết thông tin về 8 loại thực phẩm có tiềm năng gây dị ứng.
Người ta ước tính rằng có trên 20.000 loài cá. Những loại cá phổ biến có tên trong danh sách sau có nguy cơ gây dị ứng cao như:
- Cá cơm (anchovy)
- Bộ cá vược (bass)
- Cá da trơn (catfish)
- Cá tuyết ( cod fish)
- Cá bơn (flounder)
- Cá mú (grouper)
- Cá tuyết haddock
- Cá hake
- Cá bơn (halibut)
- Cá trích (herring)
- Cá nục heo (mahi mahi)
- Cá vược (perch)
- Cá măng (pike)
- Cá tuyết (pollock)
- Cá hồi (salmon)
- Cá tuyết (scrod)
- Cá kiếm (swordfish)
- Cá bơn (sole)
- Cá hồng (snapper)
- Cá rô phi (tilapia)
- Cá hồi (trout)
- Cá ngừ (tuna)
Một số thực phẩm từ cá ít người biết *
- Món salad Caesar (món salad nổi tiếng của Ý)
- Sốt Worcestershire (Worcestershire sauce)
- Súp hải sản Bouillabaisse
- Thanh giả cá (artificial fish) hoặc động vật không xương có vỏ (shellfish) (như món cá xay nhuyễn surimi)
- Bánh thịt xay (meatloaf)
- Sốt để nướng thịt (barbecue sauce)
- Caponata, món cà tím đặc biệt ở Sicilian
*Lưu ý: Danh sách trên chỉ nhấn mạnh một số sản phẩm/thức ăn có thể chứa cá mà người tiêu dùng thường ít để ý đến (như là: trên nhãn thực phẩm của một sản phẩm cụ thể, trong một bữa ăn ở nhà hàng, trong việc sáng tạo món ăn). Danh sách thực phẩm kể trên không phải lúc nào cũng sẽ chứa cá, nó chỉ nhằm khuyến cáo người tiêu dùng nên đọc nhãn thực phẩm và hỏi kĩ thành phần trước khi dùng những sản phẩm này.
Cần lưu ý những điều sau
- Protein trong cá có thể thoát ra ở dạng hơi trong quá trình nấu nướng và gây dị ứng, do đó người bị dị ứng nên tránh xa khu vực nhà bếp.
- Nếu bạn có bị dị ứng hải sản nên tránh đến nhà hàng hải sản. Vì thậm chí nếu bạn gọi món không có hải sản, món ăn có thể đã bị tương tác chéo (cross-contact) với cá.
- Các món ăn tại nhà hàng dân tộc (như ở Trung Quốc, Châu Phi, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam) được xếp vào loại có nguy cơ cao gây ra dị ứng với cá, vì phần lớn món ăn có cá và các thực phẩm từ cá dẫn đến nguy cơ tương tác chéo (cross-contact) của các thành phần trong thức ăn thậm chí với các món không có cá.
- Tránh các loại thực phẩm như thanh cá (fish stick) và cá cơm (anchovy). Một số bệnh nhân thường hiểu nhầm là loại thực phẩm này không phải cá tươi nên không gây dị ứng.
- Nhiều người bị dị ứng nhiều hơn một loại cá hoặc động vật không xương có vỏ. Do đó bạn nên đi kiểm tra để xác định chính xác loại thực phẩm nào gây dị ứng.
- Các protein trong thịt cá là nguyên nhân chính gây ra các phản ứng dị ứng. Tuy nhiên, gelatin từ xương và da cá cũng có thể gây dị ứng. Mặc dù dầu cá không chứa các protein từ cá, nhưng có thể bị nhiễm một ít phân tử nhỏ protein từ quá trình chiết xuất, do đó bệnh nhân cũng nên tránh dầu cá.
- Carrageenan, một loại rêu từ Ai-len (Irish moss), không phải là cá. Nó là một loại tảo biển màu đỏ được sử dụng trong thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm từ sữa, dùng làm chất nhũ hóa, chất ổn định và tạo đặc trong thực phẩm. Do đó nó an toàn khi dùng cho bệnh nhân dị ứng với cá.
- Dị ứng với iôt (iodine) hay dị ứng với chất liệu phim X-quang (radiocontrast material) (được sử dụng trong việc chụp X- quang) không có liên quan đến dị ứng cá. Do đó nếu bị dị ứng cá, bạn không cần lo lắng về các phản ứng dị ứng chéo với iôt hay chất liệu phim X-quang.
Tài liệu tham khảo
http: //www.foodallergy.org/allergens/fish-allergy