Thứ Ba, 26/11/2024
An toàn thực phẩm Dị ứng thực phẩm Thử nghiệm ăn thử thực phẩm

Thử nghiệm ăn thử thực phẩm

Bài viết thứ 6 trong 41 bài thuộc ebook Dị ứng thực phẩm
 

Đôi khi, ngay cả sau khi đã thực hiện thử nghiệm lẩy da (skin prick test) và xét nghiệm máu, bác sĩ chuyên khoa dị ứng cũng không thể đưa ra chẩn đoán chính xác. Trong trường hợp này, bạn có thể được yêu cầu thực hiện thử nghiệm ăn thử thực phẩm (oral food challenge – OFC), một xét nghiệm chẩn đoán có độ chính xác cao với dị ứng thực phẩm. Bởi vì thử nghiệm này có khả năng gây ra phản ứng nghiêm trọng nên chỉ được thực hiện khi có bác sĩ chuyên khoa dị ứng có kinh nghiệm tại một cơ sở y tế có đủ các loại thuốc và thiết bị phù hợp. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thử nghiệm ăn thử thực phẩm rất an toàn khi được thực hiện theo cách này, và cộng đồng y tế đã phát triển các nguyên tắc và tiêu chuẩn toàn diện cho những thử nghiệm này. Thật vậy, hàng ngàn thử nghiệm thực phẩm trực tiếp đã được thực hiện trên toàn thế giới với độ an toàn tuyệt đối.

Thử nghiệm ăn thử thực phẩm

Trong quá trình thử nghiệm ăn thử thực phẩm, bác sĩ chuyên khoa dị ứng cho bạn ăn loại thực phẩm nghi ngờ dị ứng với liều lượng xác định, bắt đầu với một lượng rất ít mà dường như không thể gây ra triệu chứng dị ứng. Sau mỗi liều lượng, bác sĩ sẽ quan sát trong một khoảng thời gian xem có bất kỳ dấu hiệu phản ứng nào không. Nếu như không có triệu chứng gì, bạn sẽ ăn dần dần với liều lượng ngày càng nhiều hơn. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu phản ứng nào, bác sĩ sẽ dừng ngay việc thử nghiệm. Với cách thử nghiệm này, hầu hết các phản ứng đều nhẹ, chẳng hạn như da ửng đỏ hoặc phát ban, các phản ứng nặng thường ít xảy ra. Nếu cần thiết, bạn sẽ được cho thuốc, thường là các thuốc kháng histamin, để làm giảm các triệu chứng.

Nếu bạn không có triệu chứng gì thì nguy cơ dị ứng thức ăn có thể được loại trừ. Nếu thử nghiệm xác định rằng bạn bị dị ứng thức ăn, bác sĩ chuyên khoa dị ứng sẽ trao đổi với bạn về phương pháp tránh thực phẩm gây dị ứng và kê toa thuốc phù hợp.

Trong một số trường hợp, thử nghiệm này được dùng cho những người đã được chẩn đoán. Bác sĩ chuyên khoa dị ứng có thể yêu cầu thử nghiệm để xem bệnh nhân đã hết bị dị ứng thực phẩm chưa. Trong các thử nghiệm lâm sàng, ăn thử thực phẩm giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu được những người tham gia phản ứng tốt thế nào với phương pháp điều trị đang được nghiên cứu.

Có ba loại thử nghiệm ăn thử thực phẩm:

Thử nghiệm mù kép, kiểm soát giả dược (double-blind, placebo-controlled food challenge – DBPCFC)

Thử nghiệm này được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán dị ứng thực phẩm. Bệnh nhân tiếp nhận liều lượng tăng dần các chất nghi ngờ gây dị ứng thực phẩm hoặc giả dược – placebo (một chất vô hại). Vì chất gây dị ứng và giả dược trông giống nhau, nên bạn cũng như bác sĩ đều không biết bạn đang nhận loại nào – giống như thuật ngữ “mù kép”. Ví dụ, nếu bạn đang được thử nghiệm dị ứng sữa, bạn có thể ăn một miếng bánh hamburger có chứa sữa bột, hoặc một miếng bánh giống hamburger mà không có sữa trong đó. Quá trình này đảm bảo tính khách quan cho các kết quả thử nghiệm. Mối lo lắng của bệnh nhân hay định kiến của bác sĩ chuyên khoa dị ứng cũng đều không gây ảnh hưởng đến kết quả.

Thử nghiệm thực phẩm mù đơn (single-blind food challenge)

Trong thử nghiệm này, bác sĩ chuyên khoa dị ứng biết bạn có đang tiếp nhận chất dị ứng hay không, còn bạn thì không biết.

Thử nghiệm thực phẩm mở (open-food challenge)

Cả bạn và bác sĩ đều biết bạn có đang tiếp nhận chất gây dị ứng hay không. Đây là loại thử nghiệm thường được thực hiện khi sự căng thẳng của bệnh nhân hầu như không ảnh hưởng đến kết quả.

Các phương pháp thử nghiệm đã được chứng minh khác:

Xét nghiệm máu

Thử nghiệm lẩy da

Chế độ ăn uống loại trừ

Tài liệu tham khảo:

http://www.foodallergy.org/diagnosis-and-testing/oral-food-challenge