Nội dung chính
Chế phẩm bảo vệ sức khỏe (thuộc nhóm thực phẩm chức năng) là các sản phẩm có chứa một hoặc nhiều thành phần dinh dưỡng được đưa vào nhằm mục đích làm tăng thêm giá trị dinh dưỡng cho chế độ ăn uống.
Một thành phần dinh dưỡng có thể là một hoặc là kết hợp giữa các chất dưới đây:
- Một loại vitamin
- Một khoáng chất
- Một loại thảo mộc hoặc thực vật khác
- Một loại axit amin
- Một chất dinh dưỡng được sử dụng để bổ sung vào chế độ ăn uống bằng cách làm tăng độ hấp thu dinh dưỡng tổng.
- Một loại dịch cô đặc, một chất chuyển hóa, một thành phần cấu tạo hoặc một chất trích ly.
Các chế phẩm bảo vệ sức khỏe có thể được tìm thấy với nhiều hình thức khác nhau như viên nén, viên nang cứng, viên nang mềm, dạng lỏng hoặc dạng bột. Một vài loại chế phẩm bảo vệ sức khỏe có thể giúp chúng ta đảm bảo được chế độ ăn uống đầy đủ với các thành phần dinh dưỡng thiết yếu, một số khác làm giảm nguy cơ bệnh tật.
Độ nguyên chất và tiêu chuẩn hóa
Những thực phẩm chức năng thì không giống với dược phẩm và không có quy định nào về độ nguyên chất hoặc có chứa những thành phần hoặc một lượng hoạt chất nào mà sản phẩm đó có công bố. Kết quả là chế phẩm bảo vệ sức khỏe có thể chứa những chất khác, trong một số trường hợp nó có thể bao gồm các loại thuốc theo toa hoặc không theo toa và thậm chí cả những chất nguy hiểm như là thủy ngân.
Hàm lượng hoạt chất trong một liều dùng của thực phẩm chức năng có thể rất khác nhau, đặc biệt khi nghiền hoặc trích ly cả cây thảo mộc để sản suất viên nang, viên nén hoặc dung dịch. Dó đó, có nguy cơ là người sử dụng nhận ít hoặc nhiều hơn, hoặc thậm chí trong một vài trường hợp là không có bất cứ hoạt chất nào từ chế phẩm bảo vệ sức khỏe. Việc chuẩn hóa yêu cầu mỗi liều dùng sản phẩm chứa một lượng chính xác hoạt chất hoặc thành phần của nó. Tuy nhiên hầu hết những sản phẩm có nguồn gốc từ thảo mộc đều là dạng hỗn hợp của nhiều chất khác nhau và hầu như không biết được rằng thành phần nào có tác dụng mạnh nhất. Do đó, việc xác định một hoặc nhiều thành phần được xem là có hoạt tính và từ đó dẫn đến việc chuẩn hóa là rất khó. Một vài loại thực phẩm chức năng đặc biệt là những sản phẩm được sản xuất ở Châu Âu đã được tiêu chuẩn hóa và có thể có cả hướng dẫn chỉ định tiêu chuẩn hóa trên nhãn.
Nhiều chuyên gia đưa ra những lời khuyên khác nhau về việc làm thế nào để chọn được một sản phẩm nguyên chất và đã được tiêu chuẩn hóa. Hầu hết chuyên gia khuyên rằng nên mua những sản phẩm từ những nhà sản xuất có tiếng, một số khác lại cho rằng nên mua những sản phẩm sản xuất ở Đức bởi vì nước này giám sát việc sản xuất thực phẩm chức năng chặt chẽ hơn Mĩ.
Mặc dù hàm lượng chất bổ sung không được tiêu chuẩn hóa, tuy nhiên phương pháp sản xuất thì lại được chuẩn hóa. Năm 2007, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra phương pháp thực hành sản xuất tốt (Good Manufacturing Practices – GMPs) để chuẩn hóa khâu sản xuất, đóng gói, in nhãn mác và lưu trữ của thực phẩm chức năng. Những tiêu chuẩn GMPs này giúp đảm bảo chất lượng của thực phẩm chức năng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Phản ứng với thuốc
Chất bổ sung có thể tương tác với các loại thuốc theo toa hoặc không theo toa. Một vài phản ứng như làm tăng hoặc giảm tác dụng của thuốc hoặc gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Trước khi dùng những chế phẩm bảo vệ sức khỏe này, chúng ta nên hỏi ý kiến bác sĩ trước để tránh những phản ứng không mong muốn. Một ít nghiên cứu được thiết kế kỹ lưỡng đã được tiến hành để nghiên cứu về tương tác giữa thuốc và chế phẩm bảo vệ sức khỏe, còn lại hầu hết thông tin về các phản ứng này đều có được từ những báo cáo cá nhân rải rác.
Một vài chế phẩm bảo vệ sức khỏe có mặt trên thị trường:
- Thiên ma – Black Cohosh
- Cúc La Mã – Chamomile
- Chondroitin sulfate
- Crôm (Cr)
- Coenzyme Q10
- Nam việt quất – Cranberry
- Creatine
- Dehydroepiandrosterone (DHEA)
- Cây cúc dại – Echinacea
- Cây cúc thơm hoặc cúc thanh nhiệt – Feverfew
- Dầu cá
- Tỏi
- Gừng
- Bạch quả
- Nhân sâm
- Glucosamine
- Cây hải cẩu vàng – Goldenseal
- Trà xanh
- Kava
- Cây cam thảo
- Melatonin
- Hoa kế sữa
- S -Adenosyl- L -Methionine (SAMe)
- Cây cọ lùn
- Cây St. John’s Wort
- Cây nữ lang hoa
- Kẽm (Zn)
Tài liệu tham khảo:
http://www.fda.gov/AboutFDA/Transparency/Basics/ucm195635.htm
http://www.msdmanuals.com/home/special-subjects/medicinal-herbs-and-nutraceuticals/overview-of-medicinal-herbs-and-nutraceuticals