Thứ Hai, 25/11/2024

Nhân sâm

Bài viết thứ 25 trong 38 bài thuộc ebook Thực phẩm bổ sung chế độ ăn
 

nhan-sam-tuoi

Nhân sâm có nguồn gốc từ hai giống thực vật khác nhau: nhân sâm Mỹ và nhân sâm châu Á. Nhân sâm Mỹ nhẹ hơn so với nhân sâm châu Á. Nhân sâm sẵn có ở nhiều dạng khác nhau như dạng củ còn tươi hoặc đã được sấy khô, nhân sâm dạng chất trích ly, viên nang, viên nén, mỹ phẩm, nước giải khát và trà. Thành phần hoạt tính của nhân sâm là panaxosides đối với nhân sâm Mỹ và ginsenosides đối với nhân sâm châu Á.

Nhân sâm có nguồn gốc từ Siberia không phải là nhân sâm và nó chứa các thành phần hoạt tính khác với nhân sâm thật sự nhưng chúng có tác dụng chống căng thẳng tương tự như nhân sâm Mỹ và nhân sâm châu Á.

Re-nhan-sam

Các sản phẩm nhân sâm có chất lượng rất khác nhau do thành phần hoạt tính không có hoặc có rất ít. Trong rất ít trường hợp, một số sản phẩm nhân sâm từ châu Á đã cố ý trộn với củ khoai ma, loại củ gây triệu chứng ói, hoặc trộn với thuốc phenylbutazone hoặc aminopyrine, những loại thuốc này đã không còn được bán tại Mỹ nữa do những tác dụng phụ nguy hiểm.

Công bố khuyến cáo y học

Người sử dụng nhân sâm hầu hết nhằm tăng cường chức năng sinh lý và não bộ cũng như tăng năng lượng và sức đề kháng đối với những ảnh hưởng xấu do căng thẳng và lão hóa. Nhiều người sử dụng nhân sâm để tăng khả năng tình dục, bao gồm điều trị rối loạn cương. Nhân sâm được xem là có khả năng làm giảm lượng đường trong máu và tăng hàm lượng lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) – loại cholesterol tốt cho sức khỏe. Nhân sâm cũng làm tăng hàm lượng hemoglobin và protein trong máu.

Đánh giá tác dụng của nhân sâm không dễ vì việc đo lường sự tăng năng lượng và các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống là rất khó. Trong một nghiên cứu nhỏ ở người bệnh tiểu đường, nhân sâm có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu và dựa theo một báo cáo mang tính chủ quan, nhân sâm giúp cải thiện năng lượng và cảm xúc. Trong một nghiên cứu lớn với thời gian ngắn cho thấy nhân sâm cải thiện chất lượng cuộc sống, dựa theo một báo cáo mang tính chủ quan.

Tác dụng phụ có thể xảy ra

Nhân sâm được ghi nhận về tính an toàn khá tốt. Tuy nhiên, một vài tác giả đề nghị giới hạn sử dụng nhân sâm trong 3 tháng bởi vì có thể hình thành những tác dụng phụ. Những tác dụng phụ thường gặp nhất là trạng thái lo lắng và dễ bị kích thích, những tác dụng này thường giảm sau vài ngày so với ngày đầu tiên sử dụng. Khả năng tập trung có thể giảm và lượng đường trong máu cũng có thể giảm đến mức thấp bất thường (do hạ đường huyết).

Những tác dụng phụ khác có thể bao gồm nhức đầu, dị ứng, các vấn đề về tiêu hóa và giấc ngủ, đau ngực và chu kỳ kinh nguyệt không đều. Bởi vì nhân sâm có tác dụng tương tự như estrogen, phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai hoặc cho con bú không nên sử dụng nhân sâm, trẻ em cũng không nên sử dụng. Thỉnh thoảng, một số báo cáo cho thấy các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như triệu chứng hen suyễn, huyết áp tăng, tim đập nhanh và phụ nữ sau khi mãn kinh có triệu chứng tiểu ra máu. Với nhiều người, nhân sâm có vị khó chịu.

Nhân sâm có thể tương tác với các loại thuốc chống đông máu, aspirin (thuốc giảm đau), thuốc chống viêm không chứa steroid, corticosteroids, digoxin, trị liệu estrogen, chất ức chế sự ô xy hóa monoamine (MAOIs, thuốc sử dụng điều trị chứng trầm cảm) và các loại thuốc làm giảm lượng đường huyết (các loại thuốc chữa bệnh tiểu đường).

Tài liệu tham khảo:

http://www.msdmanuals.com/home/special-subjects/medicinal-herbs-and-nutraceuticals/ginseng