Dầu cá có thể được chiết xuất trực tiếp hoặc cô đặc và làm thành dạng viên con nhộng. Có các hoạt chất là axit béo omega-3 (axit eicosapentaenoic [EPA] và axit docosahexanenoic [DHA]). Chế độ ăn của phương Tây thường thiếu các axit béo omega-3.
Công bố khuyến cáo y học
Dầu cá được dùng để phòng chống và điều trị các bệnh về tim mạch (như xơ vữa động mạch). Nhiều bằng chứng khoa học đáng tin cậy đã chỉ ra rằng các axit béo trong dầu cá có thể làm giảm nguy cơ đau tim và tử vong do nhịp tim bất thường ở những người mắc bệnh động mạch vành và đang uống các loại thuốc truyền thống. Những axit béo này cũng đồng thời làm giảm hàm lượng triglyceride và giảm huyết áp nhẹ. Dầu cá giúp ngăn ngừa độc tính lên thận do thuốc chống ung thư và ức chế miễn dịch (cyclosporine) gây ra. Bổ sung dầu cá cũng giúp điều trị bệnh thấp khớp. Tuy nhiên, bằng chứng khoa học về các ích lợi trên vẫn còn chưa được thuyết phục. Đối với trẻ sơ sinh, lượng axit béo omega 3 phải đủ để giúp phát triển các tế bào não. Vì vậy, các bà mẹ đang cho con bú cần phải hấp thu đủ lượng axit béo omega-3.
Tác dụng phụ có thể xảy ra
Vị tanh của cá có thể gây ợ hơi, nổi mụn, buồn nôn và tiêu chảy. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng dùng quá nhiều dầu cá có thể gây chảy máu, nhưng một số nghiên cứu khác lại không chứng minh được mối liên hệ này. Mặc dù một vài loài cá chứa hàm lượng thủy ngân vượt mức cho phép, tuy nhiên các phương pháp kiểm tra trong phòng thí nghiệm lại không phát hiện lượng thủy ngân vượt ngưỡng cho phép trong các viên dầu cá bổ sung. Ngay cả như vậy, dựa trên các tác dụng phụ đã được ghi nhận, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên dùng các chế phẩm bổ sung axit béo omega-3 chiết xuất từ cá và nên hạn chế ăn một vài loại cá do nguy cơ tiềm ẩn bị nhiễm thủy ngân.
Tài liệu tham khảo
http://www.msdmanuals.com/home/special-subjects/medicinal-herbs-and-nutraceuticals/fish-oil