Thứ Năm, 03/04/2025
Thực phẩm chức năng (TPCN) Thực phẩm bổ sung chế độ ăn Lời khuyên cho người dùng chế phẩm bổ sung dinh dưỡng

Lời khuyên cho người dùng chế phẩm bổ sung dinh dưỡng

Bài viết thứ 9 trong 38 bài thuộc ebook Thực phẩm bổ sung chế độ ăn
 

Lời khuyên cho người dùng chế phẩm bổ sung dinh dưỡng

Đánh giá thông tin và đưa ra quyết định chính xác

Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), cũng như các chuyên gia về sức khoẻ và các tổ chức của họ, nhận được rất nhiều câu hỏi từ khách hàng mỗi năm cho việc tìm kiếm những thông tin liên quan đến sức khoẻ, đặc biệt là về chế phẩm bổ sung dinh dưỡng. Hiển nhiên rằng người sử dụng chế phẩm bổ sung như thảo dược, vitamin, khoáng chất hoặc các chất khác thường muốn biết thêm về các sản phẩm họ chọn để có thể đưa ra quyết định chính xác. Sự lựa chọn dùng thực phẩm bổ sung sẽ là quyết định khôn ngoan khi nó mang đến các lợi ích cho sức khoẻ. Tuy nhiên, trong những trường hợp nhất định, các sản phẩm này có thể không cần thiết cho sức khỏe hoặc thậm chí nó có thể tạo ra những rủi ro không mong muốn.

Với sự phong phú và tính chất trái ngược nhau của thông tin hiện có về chế phẩm bổ sung dinh dưỡng, bạn có thể cần sự giúp đỡ để chọn lọc các thông tin đáng tin cậy từ các vấn đề còn nghi ngờ. Hi vọng rằng các lời khuyên và các nguồn tin dưới đây sẽ giúp bạn trở thành người sử dụng chế phẩm bổ sung dinh dưỡng thông minh. Các nguyên tắc cơ bản này tương tự như những nguyên tắc một người tiêu dùng có thể sử dụng cho bất kỳ sản phẩm nào khác.

  • Những điểm cơ bản cần xem xét
  • Lời khuyên về việc tìm kiếm thông tin trên Web về chế phẩm bổ sung dinh dưỡng
  • Những mẹo khác và những điều cần làm

Những điều cơ bản cần xem xét

  • Cần phải nghĩ về toàn bộ chế độ ăn của chúng ta?

Tất nhiên là có. Chế phẩm bổ sung dinh dưỡng được dùng để bổ sung trong thực đơn ăn uống của một số người, không phải thay cho sự cân đối của các loại thực phẩm khác nhau cần thiết cho một chế độ ăn uống khoẻ mạnh. Trong khi bạn cần đủ chất dinh dưỡng thì việc dư thừa chất dinh dưỡng quá mức cũng gây nên các vấn đề. Bạn có thể tìm các thông tin về chức năng và lợi ích của vitamin và khoáng chất, cũng như giới hạn an toàn của các chất dinh dưỡng tại các trang mạng của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.

  • Có nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc tư vấn viên dinh dưỡng trước khi sử dụng chế phẩm bổ sung?

Lời khuyên cho người dùng chế phẩm bổ sung dinh dưỡng_1

Đó là một ý kiến hay, đặc biệt đối với số đông người dân. Chế phẩm bổ sung dinh dưỡng không phải là không có rủi ro trong một số trường hợp. Nếu bạn đang mang thai, cho con bú, hoặc đang bị bệnh mãn tính, như là tiểu đường, cao huyết áp, hoặc các bệnh tim mạch, phải chắc rằng bạn đã tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi mua bất kì chế phẩm bổ sung nào. Trong khi vitamin và khoáng chất là những chất bổ sung được sử dụng rộng rãi và phổ biến được xem như an toàn cho cả trẻ em, nhưng bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi cho bọn trẻ sử dụng bất kì loại chế phẩm bổ sung nào. Nếu bạn dự định sử dụng chế phẩm bổ sung dinh dưỡng để thay thế cho thuốc uống hoặc kết hợp với bất kì loại thuốc nào cũng cần tham khảo ý của các chuyên gia tư vấn về chăm sóc sức khoẻ trước. Nhiều chế phẩm bổ sung chứa các hoạt chất có tác dụng sinh học mạnh và không đảm bảo phù hợp cho tất cả người dùng. Nếu cơ thể bạn đang gặp vấn đề về sức khoẻ, bạn có thể gặp rủi ro khi sử dụng các chế phẩm này.

  • Một vài chế phẩm bổ sung có thể tương tác với các loại thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Kết hợp các chất bổ sung với nhau hoặc sử dụng chung với các loại thuốc (kê toa hoặc không kê toa) có thể gây ra tác dụng phụ trong một số trường hợp nhất định, một vài trường hợp có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Hãy lưu ý với các tư vấn viên về sức khỏe của bạn về các chế phẩm này, liệu rằng có nên sử dụng riêng biệt hay kết hợp. Ví dụ: Coumadin – thuốc chống đông máu (một loại thuốc kê toa), ginkgo biloba – cao chế từ lá bạch quả (một loại chất thảo dược), aspirin – thuốc giảm đau (một loại thuốc không kê toa) và vitamin E đều có thể làm loãng máu, và sử dụng bất kì loại sản phẩm nào cùng với nhau cũng có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết nội. Kết hợp hoa St. John’s Wort (chế phẩm bổ sung giúp điều trị chứng trầm cảm) với thuốc điều trị HIV sẽ làm giảm đáng kể tác dụng của chúng. St. John’s Wort cũng có thể làm giảm tác dụng các loại thuốc chỉ định điều trị bệnh tim, trầm cảm, động kinh, một số bệnh ung thư hoặc thuốc tránh thai.

  • Một số chế phẩm bổ sung có thể gây ra các tác dụng không mong muốn trong việc phẫu thuật

Điều quan trọng là bạn cần phải báo với bác sĩ của mình về việc bạn đang dùng vitamin, khoáng chất, thảo dược hay bất kì chất bổ sung nào, đặc biệt trước khi trải qua phẫu thuật chủ động. Bạn có thể được yêu cầu ngưng sử dụng những sản phẩm này ít nhất hai đến ba tuần trước khi tiến hành phẫu thuật để tránh các nguy cơ tương tác giữa các loại chế phẩm bổ sung và thuốc với nhau gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc phẫu thuật – điển hình như làm thay đổi nhịp tim, huyết áp và tăng nguy cơ chảy máu.

  • Tác dụng phụ từ việc sử dụng các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng sẽ được gửi tới MedWatch (Chương trình Thông tin An toàn của FDA tại Hoa Kỳ):

Bạn hay tư vấn viên chăm sóc sức khoẻ của bạn hay bất kì ai đều có thể trực tiếp liên hệ đến FDA về bất kỳ biến cố bất lợi nghiêm trọng hoặc chứng bệnh nào mà bạn tin rằng nó có liên quan đến việc sử dụng bất cứ loại chế phẩm bổ sung dinh dưỡng nào, bằng cách gọi cho FDA qua số điện thoại 1-800-FDA-1088, số fax 1-800-FDA-0178 hoặc gửi báo cáo trực tuyển. FDA rất sẵn lòng muốn biết liệu có sản phẩm nào gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn, thậm chí khi bạn không chắc rằng sản phẩm đó có gây hại hay không, hay thậm chí bạn không đến khám bác sĩ hay phòng mạch. Ngoài việc liên hệ với FDA trực tuyến hoặc bằng điện thoại, bạn có thể sử dụng mẫu MedWatch có sẵn của trang mạng FDA.

  • Ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc đảm bảo an toàn và hiệu quả của chế phẩm bổ sung dinh dưỡng?

Theo luật, nhà sản xuất chế phẩm bổ sung dinh dưỡng sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo độ an toàn về sản phẩm của họ trước khi tung ra thị trường. Họ cũng phải chịu trách nhiệm cho việc thông tin công bố trên nhãn sản phẩm phải chính xác và đúng sự thật. Những sản phẩm bổ sung dinh dưỡng không được xét duyệt bởi chính phủ trước khi tung ra thị trường, nhưng FDA có trách nhiệm đưa ra các hành động chống lại bất cứ sản phẩm bổ sung dinh dưỡng nào không đảm bảo an toàn trên thị trường. Nếu FDA có thể chứng minh rằng tuyên bố trên sản phẩm bổ sung dinh dưỡng đang bán trên thị trường là sai và gây hiểu nhầm, Cục có thể đưa ra hành động chống lại các sản phẩm tuyên bố sai sự thật đó.

Mẹo tìm kiếm thông tin trên các trang mạng về chế phẩm bổ sung dinh dưỡng.

Lời khuyên cho người dùng chế phẩm bổ sung dinh dưỡng_2

Khi tìm kiếm trên các trang mạng, hãy thử sử dụng các trang mạng có uy tín hơn là tìm kiếm một cách mù quáng bằng các công cụ tìm kiếm. Tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:

  • Ai điều hành trang mạng này?

Trang mạng này có được điều hành bởi Chính phủ, một trường Đại học, Hiệp hội Y tế hoặc Hiệp hội liên quan đến sức khoẻ có uy tín hay không (ví dụ như Hiệp hội Y học Hoa Kỳ, Hiệp hội Bệnh tiểu đường Hoa Kỳ, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, Viện Sức khỏe Quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, hoặc Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ)? Những thông tin được viết hoặc xét duyệt bởi các chuyên gia về sức khoẻ có năng lực, các chuyên gia trong lĩnh vực, học viện, chính phủ hoặc cộng đồng y tế hay không?

  • Mục đích của trang mạng này là gì?

Có phải mục đích khách quan của trang mạng là để giáo dục công chúng, hay chỉ để bán sản phẩm hay không? Hãy cẩn thận với những học giả hoặc tổ chức mà mối quan tâm chính của họ là các sản phẩm được quảng cáo trực tiếp hay qua trang mạng mà họ đã liên kết. Các trang web thương mại nên phân biệt rõ ràng các thông tin khoa học từ việc quảng cáo. Hầu hết các trang mạng phi lợi nhuận và của chính phủ thì không chứa trang quảng cáo và việc truy cập vào trang mạng và tài liệu thường được miễn phí.

  • Nguồn của thông tin là gì và có tài liệu tham khảo nào không?

Các nghiên cứu có được xét duyệt bởi các chuyên gia khoa học uy tín và xuất bản trong các tạp chí khoa học danh tiếng ngang hàng, như New England Journal of Medicine hay không? Liệu có những thông tin đưa ra rằng “Một vài nghiên cứu cho thấy…” hoặc nó có dẫn chứng liệt kê nguồn của nghiên cứu đó để bạn có thể kiểm tra tính xác thực của thông tin hay không? Ví dụ, một nghiên cứu có thể được tìm thấy trong cơ sở dữ liệu tài liệu trích dẫn của các Thư viện Y khoa Quốc gia (PubMed) hay không?

  • Thông tin hiện tại là gì?

Kiểm tra ngày tài liệu đó được đăng hoặc cập nhật mới. Những nghiên cứu mới hoặc các phát hiện khác thường không được nhắc đến trong các tài liệu cũ, ví dụ như tác dụng phụ hoặc tương tác lẫn nhau giữa các sản phẩm hoặc bằng chứng mới mà có thể bác bỏ nhận định trước đó. Lý tưởng nhất, nên cập nhật từ các trang web về sức khỏe và y tế thường xuyên.

  • Độ tin cậy của internet hoặc các email mời gọi như thế nào?

Internet một mặt chứa nguồn thông tin phong phú về sức khoẻ, nhưng mặt khác nó cũng là một phương tiện để lan truyền các thuyết, tin vịt và tin đồn dễ dàng về những điều được cho là tin tức mới, các nghiên cứu khoa hoc, sản phẩm mới hoặc các phát hiện mới. Để tránh trở thành con mồi của các tin vịt như vậy, hãy đặt nghi vấn và xem kỹ ngôn ngữ được nhấn mạnh với CHỮ VIẾT HOA và nhiều dấu chấm than!!!! Hãy thận trọng với các cụm từ như: “Đây không phải là tin đồn” hay “Hãy chia sẻ cho mọi người cùng bạn biết”.

Các mẹo khác và những điều cần làm

  • Tự hỏi chính mình: Nghe có vẻ quá tốt để trở thành sự thật không?

Những công bố cho sản phẩm có quá phóng đại hay thiếu thực tế không? Có các kết luận đơn giản một cách thái quá được rút ra từ các nghiên cứu phức tạp để bán sản phẩm không? Các trang mạng có thể vừa là nguồn tin chính xác và đáng tin cậy nhưng nó cũng có thể là nguồn tin không rõ ràng, sai lệch. Học cách phân biệt sự cường điệu hoá nguồn tin từ các bằng chứng khoa học. Những từ ngữ sáo rỗng đó thì lại nghe có vẻ thuyết phục. Ngoài ra, hãy đặt nghi vấn về các thông tin được loan truyền từ những người không được đào tạo chính quy về dinh dưỡng hoặc chỉ là ý kiến cá nhân của họ (Ví dụ như từ nhân viên cửa hàng, bạn bè, hoặc phòng chat trực tuyến và các bảng tin) về lợi ích đáng kinh ngạc hoặc kết quả thu được từ việc sử dụng một sản phẩm. Hãy hỏi những người được đào tạo và có kiến thức về dinh dưỡng hoặc dược phẩm.

  • Hãy nghĩ kỹ về việc theo đuổi các đề tài mới nhất.

Lời khuyên về sức khoẻ được khái quát dựa trên nghiên cứu trên cơ thể, không phải là nghiên cứu đơn thuần. Hãy cảnh giác với kết quả công bố “sửa chữa nhanh chóng” mà khởi nguồn từ các nghiên cứu trước đây và trên các niềm tin khoa học. Hãy nhớ rằng khoa học không phải được tiến hành bằng những cú đột phá ngoạn mục, mà bằng các bước nhỏ, chậm rãi tạo nên sự thống nhất. Hơn nữa, những mẫu tin tức về các nghiên cứu khoa học mới nhất, đặc biệt trên TV hay radio thường quá ngắn gọn để bao hàm tất cả thông tin chi tiết quan trọng mà bạn có thể áp dụng hay đưa ra quyết định chính xác.

  • Kiểm tra những giả định sau:
    • Giả thuyết nghi vấn số 1:

“Khi một sản phẩm không có lợi cho tôi thì cũng sẽ không gây hại”

Không thể khẳng định rằng điều này luôn đúng. Khi tiêu thụ một lượng đủ lớn, trong thời gian đủ dài, hoặc kết hợp với những chất khác, tất cả các chất hoá học có thể trở thành chất độc, kể cả chất dinh dưỡng, các thành phần từ thực vật và các thành phần mang hoạt tính sinh học khác.

  • Giả thuyết nghi vấn số 2

“Khi có cụm từ “tự nhiên”, có nghĩa là sản phẩm lành mạnh và an toàn.”

Người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn nếu họ cho rằng thuật ngữ này đảm bảo tốt cho sức khoẻ, hoặc những chất giống thực phẩm này có thể có tác dụng nhẹ hơn và an toàn hơn sử dụng thuốc. Thuật ngữ “tự nhiên” trên nhãn không được định nghĩa và đôi khi sử dụng một cách mơ hồ để ám chỉ những lợi ích vô căn cứ hoặc an toàn. Ví dụ, nhiều sản phẩm giảm cân công bố rằng “tự nhiên” hay “thảo dược” nhưng không nhất thiết phải an toàn. Thành phần của chúng tương tác với thuốc hoặc nguy hiểm cho người dùng trong một số trường hợp nhất định.

  • Giả thuyết nghi vấn số 3

“Một sản phẩm là an toàn khi không có thông tin cảnh báo trên nhãn sản phẩm.”

Nhà sản xuất chế phẩm bổ sung dinh dưỡng có thể không nhất thiết phải ghi các cảnh báo về tác dụng phụ có thể xảy ra trên nhãn sản phẩm. Nếu người dùng muốn biết về độ an toàn của chế phẩm bổ sung dinh dưỡng cụ thể nào đó, họ nên liên hệ trực tiếp với nhà sản xuất nhãn hàng đó. Trách nhiệm của nhà sản xuất là đưa ra chế phẩm bổ sung dinh dưỡng được sản xuất, phân phối an toàn và đưa ra bằng chứng chứng minh tuyên bố trên là đúng sự thật và không gây hiểu lầm.

  • Giả thuyết nghi vấn số 4

“Thu hồi một sản phẩm có hại đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm có hại như vậy sẽ được ngay lập tức và hoàn toàn bị loại bỏ khỏi thị trường.”

Thu hồi một sản phẩm bổ sung dinh dưỡng là tự nguyện và trong khi nhiều nhà sản xuất làm hết sức mình, việc thu hồi thì không nhất thiết phải loại bỏ tất cả các sản phẩm có hại trên thị trường.

  • Liên hệ với nhà sản xuất để biết thêm thông tin về những sản phẩm cụ thể mà bạn muốn mua.

Bạn không thể nói rằng liệu sản phẩm bạn mua có đáp ứng các tiêu chuẩn giống như bạn đã đọc được về nó hay không, hãy kiểm tra với nhà sản xuất hoặc nhà phân phối chúng. Hãy hỏi xin nói chuyện với người có thể trả lời câu hỏi của bạn bao gồm:

  1. Thông tin nào mà doanh nghiệp dùng để chứng minh về việc công bố sản phẩm? Hãy biết rằng đôi khi các công ty cung cấp cái gọi là “bằng chứng” cho các công bố của họ bằng cách trích dẫn các báo cáo không căn cứ từ các khách hàng hài lòng, hoặc đồ thị và bảng xếp hạng “nội bộ” có thể bị nhầm lẫn với nghiên cứu thị trường có các bằng chứng khoa học.
  2. Công ty có thông tin chia sẻ về các thử nghiệm đã tiến hành để đảm bảo an toàn hoặc hiệu quả của các thành phần trong sản phẩm không?
  3. Công ty có hệ thống quản lý chất lượng để xác định các sản phẩm thực sự chứa đúng những gì đã nêu trên nhãn và hoàn toàn không gây nhiễm độc không?
  4. Công ty có nhận được bất kì báo cáo về các biến cố bất lợi từ người dùng sản phẩm hay không?

Tài liệu tham khảo

http://www.fda.gov/Food/DietarySupplements/UsingDietarySupplements/ucm110567.htm