Nội dung chính
Nhận thức của người tiêu dùng về ảnh hưởng của chế độ ăn uống đến sức khoẻ, chi phí chăm sóc sức khoẻ ngày càng tăng, sự già hoá dân số ngày càng bùng nổ cũng như ý muốn tự kiểm soát sức khỏe cá nhân đã thúc đẩy những nghiên cứu về lợi ích của thực phẩm đến sức khoẻ trong những năm gần đây.
Một cuộc khảo sát trên toàn quốc của Mỹ năm 1998 trên 1000 người tiêu dùng được chọn ngẫu nhiên, được uỷ quyền bởi Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế (the International Food Information Council – IFIC) ở Washington, cho thấy 95% người Mỹ tin rằng nhiều loại thực phẩm có lợi cho sức khoẻ ngoài các chất dinh dưỡng cơ bản và có thể giúp giảm được nguy cơ bệnh tật, 92% tin rằng những thực phẩm đó có tác dụng nhất định đối với sức khoẻ của họ và 78% có thể chỉ rõ một loại thực phẩm hoặc thành phần cụ thể và công dụng của nó đối với sức khoẻ. Những loại thực phẩm thường được người tiêu dùng đề cập theo thứ tự là bông cải xanh, cam và nước cam, cà rốt, cá và dầu cá, tỏi, rau xanh, sữa và chất xơ.
Những nghiên cứu khoa học gần đây càng ủng hộ quan điểm rằng các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm và các thành phần của nguyên liệu thực phẩm có nhiều khả năng có lợi cho sức khoẻ. Các nhà tiếp thị về thực phẩm và chế phẩm bổ sung (dietary supplement) đang bổ sung thêm những công bố khuyến cáo về sức khỏe (health claims) cũng như những công bố khuyến cáo về cấu trúc/chức năng của thực phẩm trên sản phẩm dựa trên những bằng chứng khoa học của chúng.
Tuy nhiên trên thị trường hiện nay có một số nhầm lẫn về sự khác biệt giữa các loại thực phẩm khác nhau có lợi cho sức khỏe cũng như về sự khác biệt rõ ràng giữa thực phẩm bổ sung và thực phẩm. Các định nghĩa sau đây sẽ giúp làm rõ các vấn đề đó.
Chế phẩm bổ sung (dietary supplements)
Chế phẩm bổ sung được định nghĩa là bất kỳ sản phẩm nào (trừ thuốc lá) được dùng để bổ sung vào chế độ ăn uống và có chứa một hoặc nhiều chất sau đây: vitamin, khoáng chất, thảo dược hoặc thực vật khác; axit amin hoặc chất chuyển hóa amin; chất trích ly; hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của các chất đã nêu. Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA, chế phẩm bổ sung có thể được bán trên thị trường dưới dạng thực phẩm nếu nó không “được xem” như là một thực phẩm thông thường và có in nhãn rõ ràng là chế phẩm bổ sung dinh dưỡng. Những công bố khuyến cáo về sức khỏe hoặc cấu trúc/chức năng của chế phẩm bổ sung được phê chuẩn bởi FDA với các chứng minh khoa học đầy đủ. Tìm hiểu thêm về Rủi ro và tác dụng phụ của thực phẩm bổ sung.
Thực phẩm có bổ sung thêm chất dinh dưỡng (fortified food)
Là những loại thực phẩm được làm giàu vitamin và khoáng chất, thường với hàm lượng có thể lên đến 100% lượng tiêu thụ khuyến nghị (dietary reference intake, DRI) của Viện Hàn lâm quốc gia Hoa Kỳ cho chất dinh dưỡng đó. Thông thường, các loại thực phẩm này được quy định bởi luật về hàm lượng bổ sung để thay thế các chất dinh dưỡng bị mất trong quá trình chế biến, như khi thêm vitamin B cho nhiều mặt hàng bánh nướng. Ngũ cốc ăn sáng được xem là một loại thực phẩm đã được bổ sung dinh dưỡng từ những năm 1940.
Thực phẩm chức năng (functional foods)
Theo định nghĩa thông thường được chấp nhận thì thực phẩm chức năng là “bất kỳ thực phẩm hoặc thành phần thực phẩm nào ngoài các chất dinh dưỡng truyền thống có sẵntr có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe.” Đây là một định nghĩa “lắt léo” bởi vì thuật ngữ “chất dinh dưỡng truyền thống” chỉ bao gồm các vitamin và khoáng chất. Nguyên nhân là do chúng được xem là thiết yếu cho chế độ ăn uống hoặc cho việc chữa những bệnh thiếu dinh dưỡng cổ điển, ví dụ như vitamin C chữa bệnh sco-bút (scurvy, bệnh thiếu hụt vitamin C), một loại bệnh cổ điển nên không phải là thực phẩm chức năng. Do đó, hàm lượng vitamin D trong cá mòi dù làm giảm bệnh còi xương cũng không phải là một ví dụ về thực phẩm chức năng, trong khi đậu nành có chứa protein đậu nành làm giảm bệnh tim mạch lại là một ví dụ của thực phẩm chức năng, bởi vì protein đậu nành không được coi là thiết yếu. Một số ví dụ khác cho thực phẩm chức năng khác bao gồm nho đỏ, nước ép nam việt quất (có chứa oligomeric proanthocyanidin, chất chống oxi hóa tự nhiên) và cám yến mạch (có chứa chất xơ), tất cả đều có lợi cho sức khỏe nhờ vào các hợp chất “không phải chất dinh dưỡng” được phân loại theo tiêu chuẩn của thuật ngữ.
Những thực phẩm “siêu bổ sung dinh dưỡng” (thực phẩm có bổ sung hơn 100 % lượng tiêu thụ khuyến nghị DRI) và/hoặc thực phẩm có bổ sung thực vật hoặc chất bổ sung khác – cũng rơi vào danh mục thực phẩm chức năng. Hai ví dụ cho loại thứ hai là nước cam có bổ sung echinacea (Echinacea angustifolia hoặc E. purpurea, loại thực vật tương tự hoa cúc) và sốt salad có bổ sung axit béo không bão hòa omega-3. Thực phẩm chức năng có thể đi kèm những công bố khuyến cáo về sức khỏe hay cấu trúc/chức năng nếu có đầy đủ bằng chứng khoa học chứng minh cho những khuyến cáo đó.
Thực phẩm phòng chữa bệnh (medical food)
Thực phẩm phòng chữa bệnh là thực phẩm được xây dựng công thức để ăn hoặc được quy định nội bộ dưới sự giám sát của bác sĩ. Các sản phẩm thực phẩm này được sử dụng cho việc quản lý chế độ ăn uống đặc biệt của một loại bệnh nào đó hoặc những tình trạng cần có yêu cầu dinh dưỡng đặc biệt được đưa ra bởi giám định y khoa. Thực phẩm phòng chữa bệnh có thể được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường, béo phì hoặc bệnh tim mạch và có thể kèm theo những công bố khuyến cáo về sức khỏe cụ thể, nhưng được nghiêm ngặt quản lý, chỉ được bán thông qua bác sĩ chứ không phải thông qua các cửa hàng bán lẻ thông thường.
Dinh dưỡng dược (Nutraceuticals)
Dinh dưỡng dược và thực phẩm chức năng thường được xem như giống nhau trên các phương tiện truyền thông và tài liệu tham khảo. Thực chất, thuật ngữ “dinh dưỡng dược” được đặt ra bởi Stephen DeFelice, người sáng lập của Quỹ Sáng tạo trong Y học (Foundation for Innovation) ở Cranford, nó bao gồm toàn bộ các thực phẩm kể trên – các chất bổ sung, những chế phẩm bổ sung chất dinh dưỡng không phải tự nhiên như nước cam có bổ sung canxi, thực phẩm chức năng và thực phẩm phòng chữa bệnh. Như vậy, dinh dưỡng dược được định nghĩa một cách chính xác hơn là những thực phẩm có lợi cho sức khỏe, bao gồm cả việc ngăn ngừa và điều trị bệnh. Trong lịch sử, FDA đã từng định nghĩa bất kỳ loại thực phẩm cụ thể nào được sử dụng để phòng ngừa hoặc điều trị các bệnh là thuốc. DeFelice đã góp phần cải tiến điều Luật giáo dục và nghiên cứu dinh dưỡng dược (NREA) tháng 10 năm 1999 tại Mỹ, quy định hợp pháp cho dinh dưỡng dược như là một phạm trù riêng, do đó cho phép dinh dưỡng dược có thể có những công bố khuyến cáo về ngăn ngừa và chữa bệnh mà trước đây chỉ cho phép đối với thuốc.
Khảo sát của IFIC (The International Food Information Council, hội đồng thông tin thực phẩm quốc tế) năm 1998 cho thấy rằng phần lớn (69%) người tiêu dùng thích dùng thuật ngữ “thực phẩm chức năng” hơn là thuật ngữ “thực phẩm tối ưu” (60%) hoặc “dinh dưỡng dược” (30%).
Các vấn đề pháp lý và nhận thức
Tùy thuộc vào cách ghi nhãn, thực phẩm chức năng có thể được quy định là thực phẩm hoặc chế phẩm bổ sung. Thực phẩm chức năng có thể có những công bố khuyến cáo về sức khỏe, mà thường phải được FDA phê duyệt trước, hoặc những công bố khuyến cáo về cấu trúc/chức năng, tùy thuộc vào các quy định gần đây nhất của FDA dựa theo Luật Giáo dục và Sức khỏe Chế phẩm Bổ sung (Dietary Supplement Health and Education Act, DSHEA) năm 1994. FDA kiểm soát có phần lỏng lẻo loại thực phẩm phòng chữa bệnh trong phạm vi phân loại thực phẩm này.
Những công bố khuyến cáo về sức khoẻ (health claims) mô tả mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và bệnh tật và chỉ có 11 công bố được FDA chấp nhận. Ví dụ: “chế độ ăn có lợi cho sức khỏe với đầy đủ axit folic có thể làm giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh hoặc hở xương sống ở bào thai của phụ nữ mang thai.” Những công bố khuyến cáo về sức khỏe thường được phê duyệt dựa trên khái niệm gọi là “đồng thuận đáng kể về mặt khoa học” (significant scientific agreement), thuật ngữ mà FDA chỉ mới định nghĩa gần đây trong một tài liệu hướng dẫn, đó là sự đồng ý giữa nhiều chuyên gia khoa học có trình độ rằng mối quan hệ giữa chất (dinh dưỡng) và bệnh tồn tại dựa trên những bằng chứng khoa học vững chắc. Mức độ tin cậy của chứng cứ phải đủ mạnh để nó sẽ không thể bị đảo ngược bởi nghiên cứu khác sâu hơn. Nếu sử dụng một công bố khuyến cáo về sức khỏe mà không được FDA phê duyệt có thể làm cho thực phẩm chức năng đó trở thành một loại thuốc (theo FDA). (Lời của người hiệu đính: Khi đó nó sẽ phải tuân theo những quy định của sản phẩm thuốc).
Những công bố khuyến cáo về cấu trúc/chức năng (structure/function claims) là những công bố về cải thiện sức khỏe hoặc lợi ích dinh dưỡng được cho phép in trên nhãn của chế phẩm bổ sung. Những công bố đó không được phép đề cập đến tình trạng bệnh tật mà chỉ mô tả sự hỗ trợ hoặc duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Ví dụ: “Cây nam việt quất hỗ trợ sức khỏe của đường tiết niệu”.
Các hiệp hội khoa học, như Viện Kỹ thuật Thực phẩm (IFT), có trụ sở tại Chicago và Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ (ADA) tại Washington, củng cố cho các công bố về lợi ích tiềm năng của thực phẩm chức năng dựa trên các tiêu chí khoa học.
Tuy nhiên, một tổ chức người tiêu dùng nổi tiếng, Trung tâm Khoa học vì Quyền lợi Cộng đồng (CSPI) tại Washington, vừa đưa ra một báo cáo chỉ trích các loại thực phẩm chức năng. Bản báo cáo này được thực hiện do sự ra đời ngày càng nhiều các loại thực phẩm chức năng trên thị trường có nhiều chất béo, calo và natri. CSPI lưu ý rằng “nếu chính phủ không đòi hỏi thành phần chức năng phải được chứng minh có hiệu quả (và an toàn) trước khi chúng được bổ sung vào nguồn cung cấp thực phẩm, nếu các công bố không bị bắt buộc phải được chứng minh đầy đủ, nếu thành phần chức năng chỉ đơn giản là thêm vào các loại thực phẩm hàm lượng giàu chất béo, cholesterol, natri hoặc đường, vậy thì thực phẩm chức năng “mập mờ” đó chung quy chỉ là “thủ đoạn lừa bịp” của thế kỷ 21.”
Ngoài ra, phản ứng của người tiêu dùng đã bị xáo trộn trước những giới thiệu mới về thực phẩm chức năng. Ví dụ, một dòng thực phẩm đông lạnh được thiết kế để đáp ứng các khuyến cáo về chế độ ăn uống của Hiệp hội Tim mạch Washington, DC Mỹ (AHA) và ADA cũng như dòng sản phẩm có chứa chất xơ psyllium (Plantago psyllium) để giảm cholesterol đã được quảng bá và đã trở thành một thất bại đắt giá. Sự thất bại được quy cho sự giới thiệu sản phẩm quá rộng rãi, thường vượt ra ngoài tầm lợi thế về thị trường cạnh tranh, doanh số bán hàng và phân phối của các công ty tương ứng. Các sản phẩm cải tiến khác, chẳng hạn như nước cam có bổ sung vitamin C và E, nước sốt giàu vitamin E và các đồ uống có bổ sung các thành phần dinh dưỡng chữa bệnh, đã đạt nhiều thành công thương mại hơn. Các công ty thực phẩm và dược phẩm lớn vẫn quyết tâm với tiềm năng của thực phẩm chức năng và đang tiếp tục theo đuổi các nghiên cứu lâm sàng để chứng minh hiệu quả của các sản phẩm chức năng này.
Nguồn
http://www.chiro.org/nutrition/FULL/Functional_Foods.shtml