Thứ Năm, 21/11/2024
An toàn thực phẩm An toàn thực phẩm tại nhà 4 nguyên tắc vàng để đảm bảo an toàn thực phẩm

4 nguyên tắc vàng để đảm bảo an toàn thực phẩm

Bài viết thứ 1 trong 17 bài thuộc ebook An toàn thực phẩm tại nhà
 

Vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập vào thực phẩm mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm cần tuân thủ 4 nguyên tắc vàng sau đây.

A

Nguyên tắc 1. Rửa tay và các bề mặt tiếp xúc thường xuyên trong nhà bếp

Tầm quan trọng

Vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại ở nhiều nơi xung quanh nhà bếp của bạn, bao gồm cả bàn tay, đồ dùng và dụng cụ chế biến. Nếu bạn không thường xuyên rửa tay, đồ dùng và các bề mặt tiếp xúc đúng cách, vi khuẩn có thể nhiễm vào thực phẩm mà bạn chuẩn bị cho bữa ăn gia đình.

Làm theo các hướng dẫn quan trọng sau đây để bảo đảm an toàn thực phẩm cho gia đình bạn.

Rửa tay đúng cách trong 20 giây với xà phòng, dưới vòi nước chảy. Vì rửa tay đúng cách có thể ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn gây bệnh.

 Rửa tay như thế nào?

  • Làm ướt tay bằng nước ấm hoặc nước lạnh dưới vòi nước đang chảy và thoa xà phòng.
  • Xoa tay với nhau để tạo bọt xà phòng và chà kỹ. Hãy đảm bảo rằng bạn có chà cả lưng bàn tay, kẽ tay và dưới móng tay. Vi khuẩn cũng có thể ẩn náu ở đây.
  • Tiếp tục chà xát tay trong ít nhất 20 giây. Có cần đồng hồ đo thời gian không? Uhm chỉ bằng thời gian cho bạn hát bài “Chúc mừng sinh nhật” hai lần.
  • Rửa tay thật kỹ dưới vòi nước chảy.
  • Lau khô tay bằng khăn sạch hay sử dụng máy sấy khô tay.

Nên rửa tay khi nào?

  • Trước khi ăn.
  • Trước khi, trong khi và sau khi chuẩn bị và chế biến thức ăn.
  • Trước và sau khi điều trị vết cắt hoặc vết thương.
  • Trước và sau khi chăm sóc người bệnh.
  • Sau khi chế biến trứng sống, hoặc thịt sống, gia cầm sống, hải sản, hoặc dịch tiết từ các sản phẩm trên.
  • Sau khi hỉ mũi, ho, hay hắt hơi.
  • Sau khi chạm vào động vật hoặc chất thải của chúng.
  • Sau khi chạm vào thùng rác.
  • Sau khi sử dụng nhà vệ sinh.

Rửa các bề mặt tiếp xúc và đồ dùng sau mỗi lần sử dụng.

2Vi khuẩn có thể lây lan khắp nhà bếp và có thể bám lên thớt, đồ dùng và mặt bàn bếp. Để ngăn chặn điều này cần phải:

  1. Dùng khăn giấy hoặc vải sạch để lau bề mặt bếp. Giặt giẻ lau thường xuyên ở chế độ giặt nóng của máy giặt.
  2. Rửa thớt, đĩa, đồ dùng và mặt bếp bằng nước ấm, xà phòng sau khi chuẩn bị từng phần thực phẩm và trước khi tiến hành bước tiếp theo.
  3. Để tăng cường phòng ngừa, bạn có thể sử dụng giải pháp: dùng 1 thìa chất tẩy chlorine dạng lỏng không mùi pha trong 1 gallon (khoảng 4 lít) nước để khử trùng các bề mặt và đồ dùng trong nhà bếp.

 

Rửa trái cây và rau củ nhưng không rửa thịt, gia cầm hay trứng.

3

Bạn có biết rằng, ngay cả khi bạn định gọt vỏ trái cây và rau củ – điều quan trọng là phải rửa chúng trước bởi vì vi khuẩn có thể lây lan từ bên ngoài vào bên trong khi bạn cắt hay gọt vỏ.

Dưới đây là hướng dẫn làm thế nào để rửa các sản phẩm trên một cách hiệu quả:

  1. Cắt bỏ tất cả vùng bị hư hại hoặc dập nhẹ.
  2. Rửa sạch rau quả dưới vòi nước chảy. Không sử dụng xà phòng, bột giặt, chất tẩy rửa, hoặc các loại nước rửa thương mại.
  3. Sử dụng các bàn chải cọ rửa – dùng cho cái loại dưa (dưa hấu, dưa lưới, dưa gang,…) hay dưa leo.
  4. Lau khô sản phẩm bằng khăn giấy hoặc khăn vải sạch.
  5. Có một tin tốt là hiện nay có các loại sản phẩm đóng gói được đánh dấu “đã rửa” và sản phẩm này an toàn khi sử dụng mà không cần phải rửa

Tại sao không rửa thịt, gia cầm, trứng?

Rửa thịt sống và thịt gia cầm có thể làm vi khuẩn lây lan, bởi vì các loại dịch của chúng có thể tiết ra và làm ô nhiễm bồn rửa và bàn bếp của bạn.

Tất cả trứng thương mại đã được rửa sạch trước khi bán. Bất kỳ việc xử lý thêm nào, chẳng hạn như rửa, có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo, đặc biệt khi vỏ bị nứt.

 

Nguyên tắc 2. Tách riêng các loại thực phẩm để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm chéo

Tầm quan trọng

Ngay cả sau khi bạn đã rửa tay và các bề mặt tiếp xúc thật sạch, thịt sống, gia cầm sống, hải sản và trứng vẫn có thể lây lan vi khuẩn gây bệnh sang các loại thực phẩm ăn liền (chẳng hạn như rau tươi hoặc thức ăn đã chế biến) – trừ phi bạn lưu giữ chúng riêng biệt.

Nhưng những loại thực phẩm nào cần được lưu giữ riêng biệt, và cách làm như thế nào?

Hãy làm theo các hướng dẫn quan trọng sau đây để bảo đảm an toàn thực phẩm cho gia đình bạn.

Sử dụng thớt và đĩa riêng cho các loại thịt sống, thịt gia cầm, hải sản và trứng.

4Để các loại thực phẩm ăn liền trên bề mặt có chứa các loại thịt sống, thịt gia cầm, hải sản hoặc trứng có thể gây lây lan vi khuẩn và làm cho bạn mắc bệnh. Cần ngăn ngừa nhiễm chéo theo các cách đơn giản sau:

  • Sử dụng thớt cắt riêng cho rau quả tươi và thớt cắt riêng cho thịt sống, thịt gia cầm và hải sản.
  • Sử dụng các đĩa và vật chứa riêng cho thực phẩm sống và chín.
  • Trước khi sử dụng lại, rửa kỹ các đĩa, đồ dùng, và thớt đã sử dụng để chứa thịt sống, gia cầm, hải sản, hoặc trứng.
  • Khi thớt đã quá mòn hoặc trở nên khó làm sạch, hãy xem xét thay thế thớt mới.

Xếp đặt thịt, gia cầm, hải sản và trứng riêng biệt tách khỏi các loại thực phẩm khác trong giỏ hàng bạn mua từ chợ/ cửa hàng bán lẻ/ siêu thị.

Hãy chắc chắn rằng bạn không làm nhiễm thực phẩm trong giỏ hàng mua từ chợ/ cửa hàng bán lẻ/ siêu thị bằng cách:

5

  • Tách riêng thịt sống, gia cầm, hải sản và trứng ra khỏi các loại thực phẩm khác trong giỏ hàng của bạn.
  • Tại quầy thanh toán, đặt thịt sống, gia cầm và thủy sản trong các túi nhựa để giữ cho các dịch tiết của chúng khỏi chảy ra và lây sang các loại thực phẩm khác.

Lưu giữ thịt, gia cầm, hải sản và trứng riêng biệt tách khỏi các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh.

6Vi khuẩn có thể lây lan bên trong tủ lạnh nhà bạn nếu dịch tiết từ thịt sống, gia cầm, hải sản và trứng nhỏ lên các loại thực phẩm ăn liền. Cần ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm chéo này theo cách đơn giản sau:

  • Đặt thịt sống, gia cầm và hải sản trong vật chứa hoặc túi nhựa kín để ngăn chặn các loại dịch tiết nhỏ lên hoặc chảy ra lây nhiễm vào các loại thực phẩm khác. Nếu bạn không có kế hoạch sử dụng những nguyên liệu này trong vòng một vài ngày, hãy lưu giữ chúng trong ngăn đông lạnh.
  • Giữ trứng trong hộp chứa của nhà sản xuất và lưu trữ chúng trong ngăn chính của tủ lạnh, không nên đặt trứng trên ngăn cánh cửa tủ lạnh.

 

Nguyên tắc 3. Nấu đến nhiệt độ đủ làm chín thực phẩm

Tầm quan trọng

Bạn có biết rằng các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm có thể nhân lên nhanh nhất trong “vùng nhiệt độ nguy hiểm” giữa 40˚F (4,4oC) và 140˚F (60oC)?

Và trong khi nhiều người nghĩ rằng họ có thể biết được khi nào thực phẩm đã “chín” chỉ đơn giản bằng cách kiểm tra màu sắc và kết cấu của chúng, thì trên thực tế, bạn cần phải chắc chắn rằng món ăn an toàn bằng cách làm theo các bước quan trọng nhưng đơn giản sau:

Làm theo các hướng dẫn quan trọng sau đây để bảo đảm an toàn thực phẩm cho gia đình bạn.

Sử dụng nhiệt kế thực phẩm

7Thực phẩm nấu chín chỉ an toàn sau khi nó được đun nóng đến nhiệt độ đủ cao để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Màu sắc và kết cấu sẽ không nói cho bạn biết liệu thực phẩm của bạn đã “chín” hay chưa. Thay vào đó, hãy sử dụng nhiệt kế thực phẩm để chắc chắn.

Giữ nóng thức ăn sau khi nấu ở 140˚F (60oC) hoặc cao hơn

8

Vi khuẩn thực sự có khả năng tăng trưởng nhanh chóng khi thức ăn nguội dần sau khi nấu. Nhưng bạn có thể giữ cho thực phẩm trên ngưỡng nhiệt độ an toàn 60oC (140˚F) bằng cách sử dụng nguồn nhiệt như lò điện, khay ấm, hoặc nồi nấu chậm.

Nồi nấu chậm và an toàn thực phẩm (USDA) : Nồi nấu chậm là một cách an toàn và hiệu quả để nấu ăn – nếu bạn làm theo các quy tắc an toàn theo hướng dẫn sử dụng.

 

 

 

Nấu thực phẩm chín kỹ bằng lò vi sóng ở nhiệt độ 74oC (165˚F)

9Để chắc chắn vi khuẩn có hại trong các loại thực phẩm bị tiêu diệt, điều quan trọng là làm nóng thực phẩm trong lò vi sóng ở 74oC (165˚F) hoặc cao hơn. Dưới đây là cách thực hiện:

  • Khi bạn hâm thực phẩm bằng lò vi sóng, hãy khuấy thức ăn trong quá trình gia nhiệt.
  • Nếu thực phẩm có ghi “Hãy chờ trong x phút sau khi nấu” trên nhãn, hãy đừng tiết kiệm thời gian chờ. Để thực phẩm chờ trong vài phút sẽ giúp thức ăn được nấu chín hoàn toàn hơn, do các phần lạnh hơn trong thức ăn sẽ hấp thụ nhiệt từ các phần nóng hơn. Một hoặc hai phút chờ thêm đó có thể là sự khác biệt giữa một bữa ăn ngon hay bị ngộ độc thực phẩm.
  • Sau khi chờ đợi một vài phút, kiểm tra thực phẩm với nhiệt kế thực phẩm để chắc chắn rằng nhiệt độ đạt 74oC (165˚F) hoặc cao hơn.

 

Nguyên tắc 4. Làm lạnh thực phẩm nhanh và đúng cách

Tầm quan trọng

Bạn có biết rằng vi khuẩn gây bệnh có thể phát triển trong các loại thực phẩm dễ hư hỏng trong vòng hai giờ, trừ khi bạn làm lạnh chúng? (Và nếu nhiệt độ là 32oC (90 oF) hoặc cao hơn trong mùa hè, thời gian đó giảm xuống còn một giờ!)

Nhưng bằng cách làm lạnh thực phẩm kịp thời và đúng cách, bạn có thể giúp giữ cho gia đình của bạn an toàn khỏi bị ngộ độc thực phẩm.

Làm theo các hướng dẫn quan trọng sau đây để bảo đảm an toàn thực phẩm cho gia đình bạn.

10

Làm lạnh các thực phẩm dễ hư hỏng trong vòng hai giờ

Nhiệt độ lạnh làm chậm sự tăng trưởng của vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, làm lạnh thực phẩm nhanh và đúng cách là điều rất quan trọng. Dưới đây là cách thực hiện:

  • Sắp xếp tủ lạnh của bạn một cách cẩn thận và ngăn nắp. Để làm lạnh thực phẩm đúng cách (và làm chậm quá trình phát triển của vi khuẩn), không khí lạnh phải được đối lưu trong tủ lạnh. Do đó, điều quan trọng là không để quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh.
  • Nhiệt độ tủ lạnh nên được giữ trong khoảng từ 0oC (32˚F) đến 4,4oC (40˚F). Bạn có thể kiểm tra xem tủ lạnh đã đủ lạnh hay chưa bằng nhiệt kế gia dụng.
  • Cho thực phẩm dễ hỏng vào tủ lạnh hoặc tủ đông trong vòng hai giờ. Trong những tháng mùa hè, hãy giảm thời gian này xuống còn một giờ.
  • Nên nhớ phải lưu trữ thức ăn thừa vào tủ lạnh trong vòng hai giờ. Bằng cách phân chia thức ăn thừa vào các hộp chứa thực phẩm sạch, bạn sẽ làm lạnh thức ăn nhanh hơn.

Lạnh đông

Bạn có thể đông lạnh gần như bất kỳ thực phẩm nào. Điều đó không có nghĩa là các thức ăn đông lạnh vẫn còn tốt để ăn hoặc an toàn.

  • Đông lạnh không tiêu diệt được vi khuẩn có hại, nhưng nó giữ cho thực phẩm an toàn cho đến khi bạn nấu nó.
  • Nhiệt độ tủ đông của bạn phải ở -18oC (0oF) hoặc thấp hơn. Bạn có thể kiểm tra xem tủ đông đã đủ lạnh hay chưa bằng một nhiệt kế gia dụng.

11Không bao giờ rã đông hoặc ướp thực phẩm trên quầy bàn bếp.

Nhiều người ngạc nhiên với hướng dẫn này. Tuy nhiên, do vi khuẩn có thể nhân lên nhanh chóng ở nhiệt độ phòng, rã đông hoặc ướp thực phẩm trên quầy bàn bếp là một trong những điều không an toàn nhất bạn có thể gây ra khi chuẩn bị thức ăn cho gia đình bạn.

Để rã đông thực phẩm một cách an toàn, hãy làm theo các cách sau:

  • Rã đông trong tủ lạnh: Đây là cách an toàn nhất để rã đông thịt, gia cầm và thủy sản. Đơn giản chỉ cần lấy thức ăn ra khỏi tủ đông và cho vào ngăn mát của tủ lạnh, nên nhớ đặt chúng trên đĩa hoặc khay để các dịch tiết không bị chảy ra ngoài. Thông thường, bạn có thể sử dụng được thực phẩm rã đông bằng cách này vào ngày hôm sau.
  • Rã đông bằng nước lạnh: Để rã đông nhanh hơn, bạn có thể đặt các gói đông lạnh trong một túi nhựa kín, không cho nước ngấm vào và nhấn chìm nó trong nước lạnh. Bạn hãy thay nước mỗi 30 phút. Lưu ý: Nếu bạn rã đông theo cách này, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ nấu chúng ngay lập tức.
  • Rã đông bằng lò vi sóng: Rã đông nhanh cũng có thể được thực hiện bằng lò vi sóng. Đơn giản chỉ cần làm theo hướng dẫn trong sách hướng dẫn từ nhà sản xuất. Cũng giống như rã đông trong nước lạnh, thực phẩm rã đông bằng lò vi sóng phải được nấu ngay lập tức.
  • Nấu mà không rã đông: Nếu bạn không có đủ thời gian để rã đông thực phẩm, chỉ cần nhớ, thực phẩm vẫn an toàn khi được nấu từ trạng thái đông cứng, nhưng thời gian bạn nấu ăn sẽ lâu hơn khoảng 50% thời gian cho thịt hoặc gia cầm đã rã đông hoàn toàn.

Để ướp thực phẩm một cách an toàn, luôn luôn ướp trong tủ lạnh.

Cần biết khi nào nên bỏ thức ăn để đảm bảo an toàn thực phẩm cho gia đình bạn.

Bạn không thể chỉ bằng cách nhìn hoặc ngửi là có thể biết liệu rằng vi khuẩn có hại đã bắt đầu tăng trưởng trong thức ăn thừa hoặc các loại thực phẩm trữ lạnh hay chưa.

Hãy đảm bảo rằng bạn đã bỏ thức ăn trước khi vi khuẩn có hại phát triển, bằng cách kiểm tra Biểu đồ thời gian bảo quản để đảm bảo an toàn thực phẩm cho gia đình bạn.

Tài liệu tham khảo

 http://www.foodsafety.gov/keep/basics/index.html