Nội dung chính
Bữa trưa tự làm và mang đến trường học hay văn phòng là lựa chọn của rất nhiều người. Tuy nhiên, một bữa trưa mang theo từ nhà chỉ có thể an toàn khi được xử lý, nấu chín và bảo quản đúng cách. Thực phẩm dễ hư hỏng cần được giữ lạnh trong quá trình di chuyển khi bạn đi học hoặc đi làm bằng xe buýt, đi bộ, xe đạp, xe hơi hoặc tàu điện ngầm. Sau khi đến trường hoặc nơi làm việc, phải tiếp tục giữ lạnh những thực phẩm này đến giờ ăn trưa.
Vi khuẩn có hại sinh trưởng nhanh chóng trong “vùng nguy hiểm” – vùng nhiệt độ từ 4,4 oC đến 60 oC (40 oF đến 140 oF). Vì vậy, sẽ không an toàn nếu bạn vận chuyển thực phẩm dễ hư hỏng mà không dùng nước đá để làm lạnh. Dưới đây là một số lời khuyên về cách sơ chế và chế biến thực phẩm để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm từ “hộp cơm trưa” bạn mang theo hàng ngày.
Lựa chọn thực phẩm an toàn
Những loại thực phẩm dễ hư hỏng cần bảo quản lạnh gồm thịt đỏ, thịt gia cầm và trứng. Sau khi mua, hãy vận chuyển thực phẩm dễ hư hỏng về nhà càng nhanh càng tốt nếu không có sẵn nước đá để làm lạnh, và hãy bảo quản lạnh ngay khi về đến nhà. Không để chúng ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ, nếu nhiệt độ phòng trên 32,2 oC (90 oF) thì không nên để quá 1 giờ.
Các bữa ăn đóng gói sẵn đôi khi có thể dùng cho bữa trưa mang theo. Tuy nhiên bữa ăn này thường gồm các thực phẩm dễ hỏng như thịt, phô mai và trái cây cắt sẵn nên cần được giữ lạnh mặc dù chúng có thể đã có chứa chất bảo quản.
Luôn sạch sẽ
Trước khi chuẩn bị bữa ăn, hãy rửa tay bằng xà phòng và nước ấm ít nhất 20 giây. Làm sạch thớt, chén đĩa, đồ dùng và mặt bàn bằng xà phòng và nước ấm sau khi chuẩn bị một món ăn và trước khi chuyển sang món tiếp theo. Có thể tự pha dung dịch sát trùng (một muỗng canh nước tẩy clo vào 3,8 L nước) để khử trùng các bề mặt và đồ dùng trong nhà bếp. Không cho các vật nuôi đến gần quầy bếp.
Tránh nhiễm chéo
Vi khuẩn có hại có thể lây lan khắp nhà bếp và nhiễm lên thớt, đồ dùng và mặt bàn. Khi sử dụng thớt để cắt thực phẩm ăn liền như bánh mì, rau xà lách và cà chua, hãy rửa sạch thớt nếu đã dùng để cắt thịt sống trước đó. Tốt nhất nên sử dụng một thớt riêng để cắt đồ tươi sống ăn liền và một thớt khác để cắt các loại thịt, cá tươi.
Đóng gói bữa ăn trưa
Bạn chỉ nên mang vừa đủ lượng thực phẩm dễ hư hỏng cho bữa trưa. Loại bỏ tất cả thực phẩm thừa và bao bì, túi giấy đã sử dụng ngay sau khi ăn trưa. Nếu không phải là các hộp thực phẩm tái sử dụng thì không dùng lại các bao bì này vì có thể sẽ làm hư hỏng thực phẩm và gây ngộ độc thực phẩm.
Bạn có thể chuẩn bị bữa ăn vào tối hôm trước nhưng nên gói/đóng hộp chúng ngay trước khi rời khỏi nhà. Làm đông lạnh bánh mì giúp giữ lạnh lâu hơn. Tuy nhiên, để có món bánh mì kẹp ngon, chỉ đông lạnh phần bánh mì chứa trứng hoặc các loại thịt, sau đó cho sốt mayonnaise, xà lách và cà chua vào trước khi bạn rời khỏi nhà.
Tốt nhất hãy sử dụng hộp hoặc túi đựng cách nhiệt để giữ lạnh thực phẩm. Gói thực phẩm dễ hư hỏng cùng hai nguồn làm lạnh (ở trên và ở dưới) để có thể giữ lạnh chúng khi di chuyển.
Giữ LẠNH cho thực phẩm lạnh
Hãy giữ lạnh các thực phẩm đã nấu chín và chuẩn bị sẵn trước đó như gà tây, dăm bông, thịt gà, salad hoặc mì ống trong tủ lạnh (đảm bảo nhiệt độ dưới 4,4 oC) đến khi rời khỏi nhà.
Nếu mang hộp cơm trưa đi xa, bạn cần ít nhất hai nguồn lạnh để giữ thực phẩm an toàn. Bạn có thể sử dụng hai gói gel đông lạnh hoặc một gói gel đông lạnh kết hợp với một hộp nước trái cây đông lạnh hay chai nước đông lạnh. Khi cho thức ăn trưa vào túi giữ nhiệt, hãy đặt hai nguồn lạnh này ở trên và dưới những món ăn dễ hỏng để giữ lạnh chúng. Hãy cất bữa trưa của bạn vào tủ lạnh ngay khi tới cơ quan hoặc trường học.
Một số thực phẩm vẫn an toàn mà không cần bảo quản lạnh gồm các loại trái cây và rau củ nguyên quả, phô mai cứng, thịt và cá đóng hộp, khoai tây chiên, bánh mì, bánh quy, bơ đậu phộng, mù tạt và các loại dưa muối chua.
Giữ NÓNG cho thực phẩm nóng
Sử dụng hộp cách nhiệt để giữ nóng các món ăn nóng như súp và món hầm. Tráng hộp cách nhiệt bằng nước sôi trong vài giây rồi cho thực phẩm nóng vào. Đậy kín hộp cách nhiệt đến giờ ăn trưa để giữ thức ăn luôn nóng hơn 60oC.
Sử dụng lò vi sóng để nấu hoặc hâm nóng bữa trưa
Hãy đậy thực phẩm khi hâm nóng bằng lò vi sóng để giữ ẩm, đảm bảo an toàn và thực phẩm được hâm nóng đồng đều. Hãy hâm nóng thực phẩm đến nhiệt độ thấp nhất là 74 oC . Nên dùng nhiệt kế thực phẩm để đo nhiệt độ nhằm đảm bảo thực phẩm đạt được nhiệt độ an toàn trước khi ăn. Nếu bạn dùng các bữa ăn đóng gói sẵn dạng đông lạnh cho bữa trưa, hãy dùng lò vi sóng để nấu chín thực phẩm theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm.
Tài liệu tham khảo
https://www.fsis.usda.gov/food-safety/safe-food-handling-and-preparation/food-safety-basics/keeping-bag-lunches-safe