Thứ Ba, 01/04/2025
Dinh dưỡng Thành phần dinh dưỡng Vitamin K2: Những điều cần biết

Vitamin K2: Những điều cần biết

Bài viết thứ 8 trong 13 bài thuộc ebook Vitamin và khoáng chất
 

Bài viết của chuyên gia dinh dưỡng Joe Leech, xuất bản tháng 9 năm 2014.

Hầu hết mọi người chưa từng nghe về vitamin K2. Loại vitamin này rất hiếm hoi trong bữa ăn của người phương Tây và không nhận được nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên loại dưỡng chất này lại đóng một vai trò thiết yếu trong nhiều khía cạnh của sức khỏe. Thực tế, vitamin K2 có thể chính là “liên kết còn chưa được biết” giữa chế độ ăn và một số căn bệnh gây tử vong.

Vậy vitamin K là gì?

Vitamin K được phát hiện vào năm 1929 và được xem là một dưỡng chất thiết yếu cho quá trình đông máu. Phát hiện đầu tiên của loại vitamin này được báo cáo trong một tạp chí khoa học của Đức và họ gọi nó là Koagulationsvitamin (vitamin gây đông máu), từ K được viết tắt từ chữ Koagulations.

Vitamin này cũng được khám phá bởi nha sĩ huyền thoại Weston Price, người đã đi khắp thế giới vào đầu thế kỷ 20 để nghiên cứu mối quan hệ giữa chế độ ăn và bệnh tật ở những nhóm dân cư khác nhau. Ông nhận thấy rằng chế độ ăn không bị công nghiệp hóa có nhiều dưỡng chất chưa được định danh và chúng giúp bảo vệ khỏi sâu răng và bệnh mãn tính. Ông gọi những dưỡng chất thần bí này là chất hoạt hóa X, nhưng ngày nay người ta tin rằng đó chính là vitamin K2.

Có hai dạng của vitamin K: K1 (phylloquinone) được tìm thấy trong thực phẩm là thực vật dạng lá, trong khi đó K2 (menaquinone) lại được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm lên men.

Vitamin K2 cũng có thể được chia thành nhiều dạng phụ khác nhau nhưng quan trọng nhất là MK-4 và MK-7.

Tổng kết: Vitamin K được phát hiện là một dưỡng chất liên quan đến bệnh máu đông. Vitamin K có hai dạng: K1 (thực vật) và K2 (thực phẩm từ động vật).

Vitamin K - Những điều cần biết

Tác dụng của vitamin K1 & K2 là gì?

Canxi là một khoáng chất thiết yếu không thể thiếu. Nó không chỉ đơn thuần là vật liệu để tạo nên xương và răng mà còn đóng vai trò then chốt trong tất cả các quá trình sinh học. Chức năng chính của vitamin K là biến tính protein để giúp chúng có khả năng kết nối với canxi. Bằng cách này, nó giúp “hoạt hóa” chức năng kết nối canxi của protein.

Tuy nhiên, vai trò của vitamin K1 và K2 khá khác biệt và nhiều người thấy rằng nên phân loại chúng thành hai loại dưỡng chất tách biệt với nhau. Vitamin K1 chủ yếu được sử dụng bởi gan để hoạt hóa liên kết giữa protein liên quan đến bệnh máu đông và canxi. Trong khi đó vitamin K2 được dùng để kích hoạt những loại protein giúp điều hòa vị trí canxi tích tụ trong cơ thể.

Tổng kết: Chức năng chính của vitamin K là kích hoạt khả năng kết nối canxi của protein. K1 liên quan đến bệnh máu đông còn K2 giúp điều hòa vị trí canxi tích tụ trong cơ thể.

Vitamin K2 có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch

Canxi tích tụ trong động mạch quanh tim sẽ gây nguy cơ cao cho bệnh tim mạch. Vì lý do này, bất kỳ điều gì có thể làm giảm sự tích tụ này sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch. Vì vậy vitamin K2 được cho là có thể hỗ trợ được bệnh này thông qua việc ngăn ngừa vôi hóa ở động mạch.

Trong nghiên cứu Rotterdam, những người dùng nhiều vitamin K2 giảm 52% nguy cơ vôi hóa động mạch và giảm 57% nguy cơ chết vì bệnh tim, trong giai đoạn nghiên cứu từ 7-10 năm. Một nghiên cứu khác tiến hành với 16.057 phụ nữ cho thấy những người dùng nhiều vitamin K2 nhất thì có nguy cơ mắc bệnh tim thấp nhất. Cứ mỗi 10 microgram K2 tiêu thụ mỗi ngày, nguy cơ bệnh tim giảm 9%. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những nghiên cứu trên là những nghiên cứu thông qua quan sát, chúng không thể chứng minh trực tiếp được mối liên kết nguyên nhân-hệ quả giữa vitamin K2 và bệnh tim. Dù vậy, vài thử nghiệm có đối chứng được thực hiện với K1 cho thấy K1 dường như không hiệu quả (nên khả năng càng cao là K2 có hiệu quả).

Chúng ta vẫn đang rất cần một số thử nghiệm lâu dài và có đối chứng về mối liên hệ giữa K2 và bệnh tim. Khả năng rất cao là có một cơ chế sinh học giải thích cho hiệu quả của K2 và mối liên hệ giữa K2 và bệnh tim được tìm thấy trong những nghiên cứu quan sát.

Tầm quan trọng của việc này không phải đang được cường điệu, vì thực tế là bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong phổ biến trên thế giới. Nó đã lấy đi sinh mạng của 14 triệu dân chỉ riêng năm 2012.

Tổng kết: Việc dùng nhiều vitamin K2 có liên hệ mật thiết với khả năng giảm bệnh tim mạch. Vitamin K1 cho thấy ít hữu dụng hơn đối với bệnh này.

Vitamin K2 có thể giúp cải thiện sức khỏe xương và giảm nguy cơ loãng xương

Loãng xương (osteoporosis) là một vấn đề phổ biến ở các quốc gia phương Tây. Nó đặc biệt phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi và làm tăng nguy cơ nứt/gãy xương. Như đã đề cập ở trên, vitamin K2 đóng vai trò trung tâm trong chuyển hóa canxi – khoáng chất chính tìm thấy ở xương. Vitamin K2 kích hoạt hoạt động liên kết canxi của 2 loại protein Matrix gla protein (MGP) và osteocalcin, giúp tạo và duy trì xương.

Thật thú vị là đã có nhiều bằng chứng từ những thử nghiệm có đối chứng cho thấy K2 đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe xương. Một thử nghiệm diễn ra trong 3 năm với 244 phụ nữ mãn kinh cho thấy rằng những ai dùng chất bổ sung vitamin K2 có mức độ giảm mật độ xương theo tuổi tác châm hơn. Những nghiên cứu dài hạn với phụ nữ Nhật  cũng cho thấy những lợi ích tương tự dù họ dùng liều rất cao. Trong số 13 thử nghiệm, chỉ có một thử nghiệm không cho thấy sự cải thiện đáng kể.

Bảy trong số những thử nghiệm này theo dõi tình hình gãy xương và vitamin K2 làm giảm rạn xương sống 60%, giảm rạn xương hông 77% và những rạn xương khác (không phải xương sống) là 81%. Thống nhất với những phát hiện này, người Nhật cũng đã chính thức khuyến cáo việc bổ sung vitamin K để ngăn ngừa và điều trị bệnh loãng xương.

Tuy nhiên một vài nhà nghiên cứu vẫn cảm thấy các kết quả này chưa đủ thuyết phục. Hai nghiên cứu lớn xem xét lại giả thuyết này đã kết luận rằng chưa có đủ bằng chứng để khuyến cáo việc sử dụng vitamin K cho mục đích này chống loãng xương.

Tổng kết: Vitamin K2 đóng vai trò thiết yếu trong chuyển hóa xương và một số nghiên cứu cho rằng vitamin này có thể ngăn ngừa bệnh loãng xương và rạn xương.

Vitamin K2 có thể cải thiện sức khỏe răng

Các nhà nghiên cứu cũng đã cho rằng vitamin K2 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng. Tuy nhiên, không có nghiên cứu trên người nào kiểm tra trực tiếp giả thuyết này. Dựa vào những nghiên cứu trên động vật và vai trò của vitamin K2 trong chuyển hóa xương, việc đưa giả thuyết rằng loại vitamin này cũng ảnh hưởng đến sức khỏe răng là hợp lý.

Một trong những protein ảnh hưởng đến sức khỏe răng là osteocalcin, cũng là protein đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa xương và được hoạt hóa bởi vitamin K2. Osteocalcin tạo nên một cơ chế kích thích sự phát triển ngà răng mới – là những mô được canxi hóa bên dưới men răng của bạn. Vitamin A và D cũng được cho là đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này, chúng hoạt động cộng hưởng với vitamin K2.

Tổng kết: Vitamin K2 được cho là có thể giữ một vai trò quan trọng trong sức khỏe răng nhưng đến nay vẫn chưa có nghiên cứu trên người nào chứng minh điều này.

Vitamin K2 có thể giúp chống lại ung thư

Ung thư là một nguyên nhân gây tử vong phổ biến ở các nước phương Tây. Mặc dù y học hiện đại đã tìm ra nhiều phương pháp điều trị nhưng những ca bệnh ung thư mới vẫn không ngừng gia tăng. Vì vậy việc tìm ra cách ngăn ngừa bệnh một cách hiệu quả là điều tối quan trọng. Một vài nghiên cứu về vitamin K2 và một số căn bệnh ung thư đã được thực hiện. Hai thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy vitamin K2 làm giảm tỉ lệ tái phát của ung thư gan và kéo dài sự sống. Một nghiên cứu khác dựa trên quan sát trên 11.000 người đàn ông cũng cho thấy rằng việc sử dụng vitamin K2 làm giảm 63% nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Vitamin K1 thì không có hiệu quả trong những nghiên cứu này. Hy vọng rằng trong tương lai gần chúng ta sẽ còn có nhiều nghiên cứu tốt hơn về vấn đề này.

Tổng kết: Vitamin K2 giúp tăng cường khả năng sống sót của bênh nhân ung thư gan. Đối với đàn ông, những người dùng nhiều K2 thì giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Thực phẩm giàu vitamin K2

Cơ thể người có thể chuyển hóa một phần vitamin K1 thành K2. Điều này thật sự hữu ích vì hàm lượng K1 trong khẩu phần ăn điển hình cao gấp 10 lần so với K2. Tuy nhiên, bằng chứng hiện nay chỉ ra rằng quá trình chuyển hóa này không hiệu quả lắm vì việc chúng ta dùng trực tiếp vitamin K2 cho thấy nhiều lợi ích hơn hẳn.

Vitamin K2 cũng được sản xuất bởi nhóm vi khuẩn đường ruột có trong ruột già. Có một vài chứng cứ cho thấy những chất kháng sinh phổ rộng có thể góp phần vào tình trạng thiếu hụt vitamin K2.

Thật không may, mức tiêu thụ trung bình của dưỡng chất này là cực kỳ thấp trong khẩu phần ăn hiện đại. Vitamin K2 được tìm thấy chủ yếu trong một số loại thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm lên men mà đa số không ăn nhiều. Những nguồn giàu vitamin từ động vật này gồm sữa giàu chất béo được sản xuất từ bò ăn cỏ, gan và những nội tạng khác cũng như lòng đỏ trứng gà.

Vitamin K tan trong dầu nên những thực phẩm ít béo hoặc không có nguồn gốc động vật sẽ không chứa nhiều vitamin K. Thực phẩm có nguồn gốc động vật chứa nhiều MK-4, trong khi thực phẩm lên men như dưa cải Đức (sauerkraut), đậu nành lên men Nhật Bản (natto) và miso chứa nhiều dạng phụ từ MK5 đến MK14. Nếu bạn không dùng được những thực phẩm kể trên thì việc bổ sung vitamin K2 là cần thiết.

Lợi ích của việc bổ sung K2 có thể được tăng cường hơn nữa khi kết hợp với vitamin D vì hai vitamin này hoạt động cộng hưởng với nhau. Tôi dùng nhiều sữa từ “bò ăn cỏ” và trứng nhưng tôi vẫn dùng chất bổ sung vitamin K2 vào mỗi buổi sáng. Mặc dù cần nghiên cứu sâu hơn nữa, nhưng những nghiên cứu hiện nay cho thấy ảnh hưởng của vitamin K2 đối với sức khỏe là rất hứa hẹn. Nó có thể liên quan đến việc cứu sống rất nhiều người.

Tài liệu tham khảo

http://authoritynutrition.com/vitamin-k2/