Nội dung chính
Lựa chọn dầu dừa
Dầu dừa được sản xuất bằng cách ép cơm dừa tươi hoặc cơm dừa khô, còn được gọi là cùi dừa. Dầu dừa nguyên chất sử dụng cơm dừa tươi, trong khi dầu dừa tinh luyện thường sử dụng cơm dừa khô. Không giống như dầu ô liu, dầu dừa không dùng thuật ngữ “nguyên chất” (virgin) và “tinh khiết” (extra virgin), không có sự khác biệt đối với các sản phẩm được ghi nhãn bằng hai thuật ngữ này.
“Nguyên chất” hoặc “Tinh khiết” (hai thuật ngữ này có thể thay thế cho nhau): Trong phương pháp “khô”, cơm dừa tươi của trái dừa già được sấy nhanh với nhiệt lượng vừa đủ, sau đó sử dụng máy ép để tách dầu. Trong phương pháp “ướt”, sử dụng máy ép cơm dừa tươi để thu dịch sữa dừa và dầu. Sữa dừa được tách khỏi dầu bằng phương pháp lên men, sử dụng enzym hoặc thiết bị ly tâm. Dầu thu được có điểm bốc khói (smoke point) khoảng 350 độ F, có thể được sử dụng để áp chảo hoặc nướng nhưng không thích hợp nếu chế biến ở nhiệt độ quá cao như quá trình chiên ngập dầu. Bạn cũng có thể thấy các thuật ngữ ghi trên nhãn bao bì của dầu dừa như sau:
Ép máy (Expeller-pressed) – Dùng máy ép dầu từ cơm dừa khô, thường sử dụng hơi nước hoặc nhiệt.
Ép lạnh (Cold-pressed) – Không sử dụng nhiệt trong quá trình ép dầu. Nhiệt độ được giữ dưới 120 độ F. Phương pháp này được cho là giúp giữ lại nhiều dưỡng chất hơn.
Tinh luyện (Refined): Cơm dừa khô được ép bằng máy để tách dầu. Sau đó, dầu được gia nhiệt để khử mùi và “tẩy trắng” bằng phương pháp lọc để loại bỏ tạp chất và vi khuẩn còn sót lại. Ngoài ra, có thể sử dụng dung môi hóa học như hexan để trích ly dầu từ cơm dừa khô. Dầu thu được có điểm bốc khói cao hơn, khoảng 400-450 độ F, và không có mùi vị.
Hydro hóa một phần (Partially Hydrogenated): Một lượng nhỏ chất béo không bão hòa trong dầu dừa được hydro hóa hoặc hydro hóa một phần để kéo dài thời hạn sử dụng và giữ dầu ở trạng thái rắn khi nhiệt độ ấm. Quá trình này tạo ra chất béo chuyển hóa (trans fat), là loại chất béo “không tốt” nên tránh.
Bảo quản dầu dừa
Bảo quản dầu dừa ở nơi tối, thoáng mát trong hộp kín hoặc trong tủ lạnh. Thời hạn sử dụng dầu dừa sẽ khác nhau tùy thuộc vào phương pháp chế biến và bảo quản. Dầu dừa tinh luyện thường để được trong vài tháng, trong khi dầu dừa nguyên chất có thể để được 2-3 năm nếu được bảo quản đúng cách, tránh xa nguồn nhiệt và ánh sáng. Các dấu hiệu hư hỏng của dầu dừa bao gồm hiện tượng lên mốc, ngả màu vàng hoặc có mùi vị “khó chịu”.
Lời khuyên khi chế biến món ăn với dầu dừa
Dầu dừa có nhiệt độ nóng chảy ở 78 độ F. Nếu dầu hóa lỏng khi thời tiết ấm, hãy khuấy đều trước khi sử dụng.
Khi sử dụng dầu dừa thay thế cho bơ thực vật, hãy sử dụng ít hơn 25% so với lượng bơ được ghi trong công thức, bởi vì hàm lượng chất béo rắn trong dầu dừa cao hơn. Hãy sử dụng dầu dừa tinh chế nếu bạn không muốn có mùi dừa.
Hãy xào rau với một thìa dầu dừa nguyên chất để tạo nên hương vị mới.
Hãy thêm một thìa dầu dừa nguyên chất vào nước sốt và cà ri để hương vị đậm đà.
Có thể bạn chưa biết
Philippines là quốc gia sản xuất dầu dừa lớn nhất thế giới, kế đến là Indonesia và Ấn Độ. Các quốc gia tiêu thụ dầu dừa nhiều nhất là Philippines, Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Dầu dừa là một chất dưỡng ẩm hiệu quả cho da và tóc. Bạn có thể sử dụng một lượng nhỏ dầu dừa nhẹ nhàng massage trực tiếp vào da. Đối với tóc khô hoặc tóc xoăn, hãy thoa một lượng nhỏ dầu dừa lên thân tóc và ủ trong thời gian mong muốn (từ vài phút đến qua đêm), sau đó gội sạch.
Tài liệu tham khảo
https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/food-features/coconut-oil/