Thứ Tư, 27/11/2024
Dinh dưỡng Thành phần dinh dưỡng Dành cho chuyên gia: Vitamin E và sức khỏe

Dành cho chuyên gia: Vitamin E và sức khỏe

Bài viết thứ 5 trong 13 bài thuộc ebook Vitamin và khoáng chất
 

Vitamin E và sức khỏe

Mở đầu: Vitamin E và khả năng phòng ngừa bệnh

Trong cơ thể, vitamin E đóng vai trò là một chất chống oxy hóa làm nhiệm vụ quét dọn các electron tự do còn được gọi là “các gốc tự do” có thể phá hủy tế bào. Các chất chống oxy hóa ( bao gồm vitamin E) được con người biết đến vào những năm 1980 khi các nhà khoa học bắt đầu hiểu rằng sự tổn thương gây bởi các gốc tự do có liên quan đến giai đoạn đầu của tình trạng tắc động mạch trong chứng xơ vữa động mạch, và cũng có thể góp phần gây ra ung thư, mất thị lực và một loạt các bệnh mãn tính khác. Các nghiên cứu sau đó cũng mập mờ về triển vọng sử dụng vitamin E liều cao để phòng ngừa các bệnh mãn tính.

Vitamin E và bệnh tim

Trong một thời gian ngắn, Vitamin E ở dạng chế phẩm bổ sung đã được xem như một cách đơn giản để phòng ngừa bệnh tim. Những nghiên cứu quan sát có nhiều triển vọng bao gồm Nghiên cứu Sức khoẻ Y tá (Nurses’ Health Study) và Nghiên cứu Theo dõi Sức khỏe Chuyên gia (Health Professional Follow-Up Study), đã báo cáo rằng nguy cơ bệnh tim mạch vành ở những người sử dụng chế phẩm bổ sung vitamin E  (chứa 400 IU hoặc nhiều hơn) trong vòng ít nhất 2 năm đã giảm 20% đến 40%.

Kết quả của hàng loạt cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên đã khiến các nhà khoa học không còn mấy tin tưởng vào khả năng của vitamin E trong việc ngăn ngừa chứng đau tim hoặc ngăn ngừa tử vong do bệnh tim giữa những người bị bệnh tim hoặc người có nguy cơ mắc bệnh tim cao. Trong Cuộc thử nghiệm phòng ngừa GISSI (GISSI Prevention Trial), mặc dù các kết quả vẫn còn rất hỗn độn nhưng hầu hết đều không đưa ra hiệu quả phòng ngừa nào sau hơn 3 năm áp dụng phương pháp chữa trị bằng vitamin E cho 11,000 người mắc chứng đau tim. Kết quả từ nghiên cứu Đánh giá Ngăn ngừa Hậu quả của bệnh tim (Heart Outcomes Prevention Evaluation – HOPE) cũng không đưa ra một kết quả khả quan nào trong 4 năm sử dụng chế phẩm bổ sung vitamin E dành cho hơn 9,500 đàn ông và phụ nữ – những người được chuẩn đoán mắc bệnh tim hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim cao. Thực ra khi các cuộc thử nghiệm của HOPE được mở rộng thêm 4 năm nữa, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người tình nguyện làm thử nghiệm dùng vitamin E đã có nguy cơ bị bệnh tim cao hơn bình thường. Dựa vào những nghiên cứu như trên, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã đi đến kết luận rằng “các dữ liệu khoa học không chứng tỏ được công dụng của các chế phẩm bổ sung vitamin có tính chống oxi hóa (như vitamin E) trọng việc làm giảm nguy cơ của bệnh tim mạch vành”.

Có thể đối với những người đã mắc sẵn bệnh tim hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao, việc sử dụng các loại thuốc như aspirin, beta blocker và chất ức chế ACE đã làm mờ đi tác dụng của vitamin E và vitamin E có thể chỉ có hiệu quả đối với những người khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên các cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên trên diện rộng về việc dùng vitamin E đối với những người phụ nữ và đàn ông khỏe mạnh lại cho ra những kết quả phức tạp.

Trong Nghiên cứu Sức khoẻ Phụ nữ (Women’s Health Study) đối với 40,000 phụ nữ trong vòng 10 năm, vitamin E bổ sung được sử dụng với lượng 600 IU mỗi ngày đã không cho thấy khả năng giảm đáng kể nguy cơ “hội chứng tim” (đau tim, đột quỵ, chết vì bệnh tim). Tuy vậy, người ta vẫn tìm thấy một vài tia sáng đáng hi vọng trong kết quả thu được: Khi các hội chứng tim đó được phân tích tách biệt thì sự bổ sung vitamin E lại có mối liên quan với 24% nguy cơ thấp hơn của chứng đột tử tim mạch. Và đối với những người phụ nữ ở độ tuổi 65 hoặc lớn hơn, việc bổ sung vitamin E đã giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh tim xuống còn 26%. Một phân tích sau đó đã cho thấy rằng những phụ nữ sử dụng vitamin E bổ sung cũng có ít nguy cơ gia tăng chứng tắt nghẽn mạch máu ở chân và phổi, còn những người phụ nữ có nguy cơ mắc chứng này cao lại nhận được lợi ích đáng kể từ việc sử dụng viatmin E bổ sung này.

Tuy nhiên các cuộc thử nghiệm ngừa bệnh tim ở những người khỏe mạnh không mang lại nhiều triển vọng. Thử nghiệm SU.VI.MAX đã phát hiện ra rằng 7 năm sử dụng vitamin E với liều lượng thấp (như là một phần của liều lượng chống oxy hoá hàng ngày) đã giảm nguy cơ mắc ung thư và nguy cơ tử vong từ các nguyên nhân khác ở đàn ông nhưng đối với phụ nữ lại không có lợi ích đáng kể nào, các chất bổ sung không mang đến hiệu quả bảo vệ chống lại bệnh tim ở cả đàn ông và phụ nữ. Những kết quả không mấy khả quan như vậy cũng có ở Physicians’ health Study II. Đó là một cuộc thử nghiệm kéo dài 8 năm với sự tham gia của gần 15,000 đàn ông trung niên và đa phần trong đó là những người không mắc bệnh tim tại thời điểm bắt đầu thử nghiệm. Các nhà nghiên cứu thấy rằng việc sử dụng vitamin E bổ sung với liều lượng 400 IU cách một ngày một lần, dùng riêng hoặc dùng kèm với vitamin C, không mang lại hiệu quả trong việc bảo vệ cơ thể trước các chứng đau tim, đột quỵ hoặc đột tử tim mạch.

Những bằng chứng gần đây cho thấy vitamin E có thể chỉ có ích đối với một số phân nhóm nhất định trong thành phần dân cư. Lấy một thử nghiệm dùng vitamin E liều cao ở Israel làm ví dụ, thí nghiệm này đã cho thấy chứng bệnh vành tim giảm đáng kể ở những người mắc chứng tiểu đường loại 2 (họ có khuynh hướng di truyền bị mất cân bằng oxy hóa cao hơn). Vì vậy chúng ta vẫn chưa có một kết luận chắc chắn về vitamin E và khả năng phòng chống bệnh tim.

Vitamin E và ung thư

Câu chuyện về vitamin E và khả năng phòng ngừa ung thư dường như không khả quan hơn câu chuyện vitamin E và bệnh tim. Khi xem xét một cách tổng thể thì các nghiên cứu trực quan không tìm thấy vitamin E trong thức ăn hoặc các thành phần bổ sung dinh dưỡng có khả năng chống ung thư nói chung hoặc các bệnh ung thư cụ thể. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu như vậy và các thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy rằng vitamin E bổ sung có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở những người hút thuốc lá.

Các nhà điều tra nghiên cứu đã từng hi vọng rằng Thử nghiệm Selenium và Vitamin E ngăn ngừa ung thư (Selenium and Vitamin E Cancer Prevention Trial – SELECT) sẽ đưa ra câu trả lời xác thực hơn về vitamin E và chứng ung thư tuyến tiền liệt. SELECT đã chọn 18,000 người đàn ông và họ được giao sử dụng 1 trong bốn chế độ thuốc sau: vitamin E và selenium, vitamin E và 1 viên selenium giả dược, selenium và 1 viên vitamin E giả dược hoặc 2 viên giả dược. Họ được theo dõi trong vòng 7 năm đến 12 năm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã rút ngắn thời gian tiến hành lại còn một nửa, vào năm 2008 khi các phân tích ban đầu chỉ ra rằng vitamin E không có khả năng chống ung thư hoặc ung thư tuyến tiền liệt. Mặc dù các cuộc thử nghiệm đã kết thúc nhưng các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục theo dõi những người đàn ông đã tham gia thử nghiệm. Năm 2011, họ báo cáo rằng những người được sử dụng vitamin E có khả năng bị ung thư tuyến tiền liệt cao hơn 17%, nhưng lại không có sự tăng đáng kể nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở những người dùng vitamin E và selenium.

Mặc dù những kết quả này gây ra không ít lo ngại nhưng hai cuộc thí nghiệm khác về vitamin E và ung thư tuyến tiền liệt lại cho kết quả khác nhau. Thí nghiệm Alpha Tocopherol Beta Carotene đối với gần 30,000 người đàn ông Hà Lan nghiện hút thuốc lá trong vòng khoảng 6 năm. Kết quả cho thấy những người đàn ông sử dụng vitamin E bổ sung hằng ngày đã giảm được 32% nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt và 41% nguy cơ tử vong do chứng ung thư này so với nhưng người đàn ông sử dụng giả dược. Khả năng bảo vệ của vitamin E được phát huy cao độ nhất khi dùng cho những người đàn ông mắc bệnh ung thư đã được phát hiện. Trong khi đó, cuộc thử nghiệm trên diện rộng và được tiến hành trong một thời gian dài của Physicians’ Health Study II đã phát hiện ra rằng vitamin E bổ sung không có hiệu quả đối với nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt hoặc bất kì các loại ung thư khác.

Tại sao kết quả nghiên cứu của SELECT về vitamin E và ung thư tuyến tiền liệt lại hoàn toàn khác so với các kết quả nghiên cứu trước đó? Các nghiên cứu trước đó về vitamin E và ung thư tuyến tiền liệt đã phát hiện ra hiệu quả tích cực đối với những người đàn ông nghiện hút thuốc cũng như đàn ông mắc các chứng ung thư nghiêm trọng. Tuy nhiên trong thử nghiệm của SELECT, chưa tới 10% trong số đó là đàn ông nghiện hút và hầu hết chứng ung thư của họ đều được phát hiện ở giai đoạn đầu bằng xét nghiệm máu PSA (prostate specific antigen). Ở giai đoạn đầu, ung thư tuyến tiền liệt được chuẩn đoán bằng xét nghiệm PSA sẽ không dẫn tới ung thư giai đoạn cao. Còn có các bằng chứng khác về các quá trình khác nhau có thể phát sinh ở giai đoạn đầu và giai đoạn sau của ung thư tuyến tiền liệt. Bên cạnh đó, một cuộc thí nghiệm diện rộng về thuốc phòng ung thư tuyến tiền liệt đã tìm thấy các tác dụng đối lập với nhau ở giai đoạn đầu và giai đoạn cao của chứng ung thư này.

Hãy nhớ rằng ung thư tuyến tiền liệt phát triển khá chậm và bất kì nghiên cứu nào tìm hiểu về sự phòng ngừa chứng ung thư này cũng cần phải theo dõi người được thử nghiệm trong một thời gian dài. Dừng các thí nghiệm của SELECT ở giai đoạn sớm sẽ không thể biết rằng vitamin E có thể giúp chống ung thư tuyến tiền liệt ở một số người đàn ông nếu họ tiếp tục làm thử nghiệm trong thời gian dài hơn. Có rất ít thí nghiệm của SELECT về ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn cao, điều này làm hạn chế hơn việc giải thích các kết quả phát hiện được.

Vitamin E bổ sung có thể gây hại không?

Các báo cáo từ nghiên cứu về tác hại của việc sử dụng vitamin E liều cao đang đặt ra một câu hỏi mà các nhà nghiên cứu đã và đang tranh luận trong các năm qua: Vitamin E liều cao có khả năng gia tăng nguy cơ đột tử không? Các nhà nghiên cứu cố gắng trả lời câu hỏi này bằng cách kết hợp các kết quả của nhiều nghiên cứu với nhau. Trong một phân tích sau, tác giả đã tổng hợp và phân tích lại dữ liệu từ 19 cuộc thử nghiệm lâm sàng trên vitamin E, bao gồm nghiên cứu của GISSI và HOPE, và họ đã phát hiện thấy tỉ lệ tử vong cao hơn ở các thử nghiệm có bệnh nhân dùng hơn 400 IU mỗi ngày. Trong khi phân tích theo sau này được phổ biến rộng khi nó được công bố thì vẫn có các hạn chế đối với các kết luận rút ra từ đó. Một số phát hiện được dựa trên các nghiên cứu nhỏ lẻ và trong một vài thử nghiệm này, vitamin E được kết hợp với beta-carotene liều cao, chính là nguyên nhân liên quan đến tử vong cao. Hơn nữa nhiều cuộc thử nghiệm dùng vitamin E liều lượng cao được đề cập trong kết quả phân tích đã được tiến hành ở người bị bệnh kinh niên như bệnh tim hoặc bệnh Alzheimer. Ngoài ra, các phân tích theo sau khác cũng đưa ra nhiều kết luận khác nhau về vấn đề này. Do đó, các phát hiện này không đủ rõ ràng và tin tưởng để áp dụng cho người khoẻ mạnh. Ví dụ, Physicians’ Health Study II đã không tìm thấy bất kì sự khác biệt nào về tỉ lệ tử vong giữa những người tham gia cuộc thử nghiệm sử dụng vitamin E và những người sử dụng giả dược.

Vitamin E và các bệnh kinh niên khác

Các nhà nghiên cứu đã khám phá khả năng chống các bệnh kinh niên của vitamin E bổ sung và một lần nữa các phát hiện lại rất mơ hồ.

Các bệnh thị lực liên quan đến tuổi tác

Một cuộc thử nghiệm kéo dài 6 năm đã thấy rằng vitamin E kết hợp với vitamin C, beta carotene và kẽm đã thể hiện khả năng hạn chế sự phát triển của bệnh thoái hóa điểm vàng do lão hóa AMD (age-related macular degeneration), không phải bệnh đục thủy tinh thể ở những người có nguy cơ mắc bệnh cao. Tuy nhiên, vitamin E khi được sử dụng riêng biệt lại không có hiệu quả trong việc chống bệnh thoái hóa điểm vàng do lão hóa hay bệnh đục thủy tinh thể.

Chức năng nhận thức và chứng thoái hóa thần kinh

Các nhà khoa học, những người quyết tìm cho ra nguyên nhân của bệnh Alzheimer, Parkinson và một số bệnh khác thuộc não bộ và hệ thần kinh, đang tập trung vào nghiên cứu vai trò của sự phá hủy các gốc tự do trong các giai đoạn phát triển của những bệnh này. Nhưng tới bây giờ có quá ít bằng chứng chứng minh rằng vitamin E có thể chống lại các chứng bệnh này hoặc vitamin E có thể mang lại một số lợi ích nhất định đối với những người mắc các chứng bệnh nêu trên.

  • Chứng mất trí: Một vài nghiên cứu có triển vọng đưa ra giả thuyết rằng vitamin E bổ sung, đặc biệt là khi kết hợp với vitamin C, có thể có liên quan tới sự cải thiện nhỏ về chức năng nhận thức hoặc làm giảm nguy cơ bệnh Alzheimervà một số dạng khác của chứng mất trí nhớ. Trong khi đó, các nghiên cứu khác lại thất bại trong việc tìm ra những lợi ích như trên. Một cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên được kiểm soát trong vòng 3 năm ở những người bị suy giảm nhận thức mức độ nhẹ – tiền thân của bệnh Alzheimer – đã phát hiện ra rằng việc dùng 2,000 IU vitamin E hằng ngày không thể làm chậm sự phát triển của bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, có một điều cần nhớ rằng sự phát triển từ chứng suy giảm nhận thức mức độ nhẹ tới bệnh Alzheimer có thể kéo dài hàng nhiều năm và nghiên cứu này chỉ diễn ra trong một thời gian khá ngắn vì vậy nghiên cứu này không thể đi đến một kết luận chắc chắn về vitamin E và chứng mất trí nhớ.
  • Bệnh Parkinson: Một vài nghiên cứu có triển vọng đưa ra giả thuyết rằng việc tiêu thụ vitamin E nhiều hơn trong chế độ ăn (không phải từ vitamin E bổ sung liều cao) có liên quan với khả năng giảm nguy cơ bệnh Parkinson. Ở những người đã mắc bệnh Parkinson thì việc dùng vitamin E liều cao không thể làm chậm tiến trình bệnh. Tại sao lại có sự khác biệt giữa vitamin E trong thức ăn với vitamin E bổ sung? Câu trả lời có thể là những thực phẩm giàu vitamin E, chẳng hạn như quả hạch hoặc quả đậu, chứa các chất dinh dưỡng khác có khả năng chống bệnh Parkinson. Tuy nhiên, vấn đề này cần được nghiên cứu nhiều hơn.
  • Bệnh xơ cứng cột bên teo cơ (ALS – Amyotrophic Lateral Sclerosis): Một nghiên cứu trên diện rộng đã theo dõi gần 1 triệu người trong vòng 16 năm và đã phát hiện ra rằng những người sử dụng vitamin E bổ sung điều độ có nguy cơ chết vì bệnh xơ cứng cột bên teo cơ thấp hơn những người không bao giờ sử dụng vitamin E bổ sung. Gần đây, một phân tích tổng hợp trên các nghiên cứu kép áp dụng trên 1 triệu người tham gia thử nghiệm đã cho kết quả những người sử dụng vitamin E bổ sung càng lâu thì nguy cơ mắc bệnh xơ cứng cột bên teo cơ càng ít thấp. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng về vitamin E bổ sung ở những người đã mắc chứng xơ cứng cột bên teo cơ nhìn chung lại không đưa ra bất kì lợi ích nào. Đây có thể là một trường hợp mà vitamin E có khả năng giúp phòng bệnh hơn là chữa bệnh, tuy nhiên vấn đề này vẫn cần được nghiên cứu nhiều hơn cho một lời giải đáp thỏa đáng.

Tài liệu tham khảo

http://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/vitamin-e/