Thứ Bảy, 19/04/2025
Những vấn đề được quan tâm Kiến thức tổng hợp Kỳ 7 – Tá dược nhôm dùng trong vaccine

Kỳ 7 – Tá dược nhôm dùng trong vaccine

Bài viết thứ 8 trong 14 bài thuộc ebook Cuộc tranh luận về vaccine
 

Bài viết tổng hợp tài liệu từ cuộc tranh luận về độ an toàn của nhôm trong vaccine được đăng trong Nhóm facebook: Vaccine nên hay không?

Hợp chất nhôm dùng làm tá dược trong vaccine

Có một số loại muối nhôm không tan được dùng làm tá dược (adjuvant) trong vaccine và thường được gọi chung là “alum”, nhưng thật ra thuật ngữ alum là tên gọi của hợp chất nhôm kali sulphate KAl(SO4)2.1 Hợp chất alum này ban đầu được Alexander Glenny dùng để tạo đồng kết tủa với độc tố của vi khuẩn bạch hầu trong lúc điều chế vaccine bạch hầu. Tuy nhiên, do khó đảm bảo chất lượng đồng nhất trong sản xuất alum, kỹ thuật kết tủa dùng alum đã hoàn toàn được thay thế bằng phương pháp hấp phụ lên bề mặt của nhôm hydroxide (AH)/nhôm oxyhydroxide (alhydrogel) và nhôm phosphate (AP)/nhôm hydroxyphosphate (adju-phos gel) trong vaccine thương mại. Một số loại muối nhôm khác như nhôm clorua, nhôm silicat, cesium alum (CA), hoặc Imjet alum (IA) đôi khi được dùng thay thế AH và AP trong các nghiên cứu về tá dược nhôm. Điều này hoàn toàn không hợp lý về mặt khoa học vì bản chất và cấu trúc của các loại muối nhôm này khác với AH và AP.

Vai trò của tá dược nhôm trong vaccine

Vai trò của tá dược nhôm được chứng minh bởi Alexander T. Glenny cùng cộng sự vào năm 1930. Kết quả cho thấy khả năng sản sinh kháng thể tăng 1000 lần khi hợp chất nhôm alum được cho vào vaccine toxoid (độc tố bị bất hoạt).2 Gần đây hơn, việc cho tá dược vào vaccine được cho là có thể kích thích phản ứng miễn dịch ở những cá nhân có hệ thống miễn dịch yếu (như là người lớn tuổi) và giúp làm giảm hàm lượng kháng nguyên cần tiêm cho cộng đồng trong những cơn dịch lớn.

Glenny cho rằng muối nhôm hiệu quả bởi vì nó giúp kháng nguyên có thể được giữ lâu trong cơ thể và giúp kháng nguyên có thể được giải phóng dần từ những hạt muối không tan. Điều này giúp quá trình kích thích hệ miễn được hiệu quả và kéo dài, hiệu ứng này được gọi là “depot”. Đây cũng là cơ chế chính của tá dược nhôm được chấp thuận trong nhiều thập kỷ qua.3, 4

Nhôm tích lũy như thế nào trong cơ thể?

Khi nhôm được tiêu thụ thông qua đường miệng, khoảng 95% lượng nhôm sẽ liên kết với transferrin và albumin trong tĩnh mạch và sau đó được bài tiết qua đường thận. Ở cơ thể khỏe mạnh, chỉ khoảng 0,3% nhôm từ đường miệng được hấp thụ qua đường tiêu hóa và thận có thể giúp bài tiết nhôm hiệu quả khỏi cơ thể. Chỉ khi hàng rào tiêu hóa bị bỏ qua, chẳng hạn như trong trường hợp tiêm vào đường tĩnh mạch hoặc khi chức nặng thận bị suy yếu nghiêm trọng, thì nhôm có thể sẽ tích lũy đáng kể trong cơ thể. Chẳng hạn như khi nhôm được tiêm vào đường tĩnh mạch, 40% còn tích lũy ở người trưởng thành và lên đến 75% ở trẻ mới sinh.5

Nếu tiêu thụ một lượng lớn nhôm vượt quá khả năng bài tiết của cơ thể thì lượng dư sẽ tích lũy trong các mô khác nhau.

Cũng như những kim loại (khoáng chất) đa hóa trị khác, nhôm có thể tích lũy lâu dài trong xương. Thời gian bán hủy của nhôm trong xương có thể kéo dài rất nhiều năm. Khác với xương, thời gian bán hủy của nhôm trong các mô mềm khác như là gan thường rất ngắn (< 2 ngày), cho thấy nhôm tích lũy rất thấp trong mô mềm. Phần lớn nhôm được bài tiết nhanh chóng qua đường nước tiểu, và tốc độ có khác biệt một ít giữa trẻ sơ sinh và người lớn. Mặc dù nhôm cũng tích lũy trong não theo thời gian như xương, nồng độ nhôm trong não thấp hơn các mô khác. Tổng hàm lượng nhôm trong não và hệ thần kinh trung ương ở bất kỳ thời điểm nào cũng chỉ chiếm khoảng 1% tổng lượng nhôm trong cơ thể.6

Năm 1997, các nhà nghiên cứu của trường đại học Purdue (Hoa Kỳ) thực hiện nghiệm cứu việc tiêm tá dược nhôm hydroxide (AH) và nhôm phosphate (AP) thông qua tiêm vào cơ bắp (giống vaccine) trên 6 con thỏ và phân tích hàm lượng nhôm trong máu và nước tiểu trong 28 ngày.7 Kết quả cho thấy nhôm có trong những mẫu máu sau 1 h tiêm. AP được hấp thụ nhiều hơn AH. Sự phân bố của nhôm trong mô theo thứ tự là: thận > lá lách > gan > tim > bạch huyết > não. Sự phân bố của nhôm ở các mô cũng theo thứ tự trên khi nhôm được tiêu thụ vào cơ thể bằng những con đường khác nhau. Nồng độ nhôm ở não sau 28 ngày thấp hơn 1 mcg/kg. Ngoài, ra, kết quả cho thấy phần trăm nhôm bị hấp thụ sau 28 ngày là 17% cho AH và 51% cho AP.

Kết luận: Cơ thể chúng ta có thể bài tiết nhôm. Lượng nhôm hấp thụ và tích lũy trong cơ thể tùy thuộc vào cách thức tiêu thụ. Đối với tiêm vào cơ bắp (vaccine), hàm lượng hấp thụ là 17% cho AH và 51% cho AP (nghiên cứu trên thỏ, có trọng lượng tương tự trẻ sơ sinh). Lượng nhôm tích lũy phân bố trong cơ thể theo thứ tự thận > lá lách > gan > tim > bạch huyết > não. Tổng hàm lượng nhôm trong não và hệ thần kinh trung ương ở bất kỳ thời điểm nào cũng chỉ chiếm khoảng 1% tổng lượng nhôm trong cơ thể.

Đánh giá độ an toàn của nhôm trong vaccine

Độc tính của nhôm phụ thuộc lớn vào cách thức và tổng thời gian phơi nhiễm. Đối với cách tiêm đơn lẻ từng mũi, thỉnh thoảng có thể xảy ra sự kích thích ở dùng da bị tiêm. Khi bị tiêm nhôm trong một thời gian dài dẫn tới sự quá tải nhôm trong cơ thể, chuột có thể bị nhiễm độc thần kinh.

Tuy nhiên, lượng nhôm trong nghiên cứu này quá cao so với tổng lượng nhôm tối đa trẻ sơ sinh được tiêm từ vắc xin (0,85 mg/kg trọng lượng cơ thể cho một lần tiêm), lịch tiêm quá nhiều (tiêm 3 lần/tuần trong 6 tháng), loại nhôm sử dụng (dạng nhôm gluconate hòa tan), và con đường phơi nhiễm (trong bụng) không tương đương với cách mà trẻ sơ sinh được tiêm vaccine. Không có bằng chứng cho thấy nhôm gây độc thần kinh ở người được tiêm vaccine chứa nhôm theo cách tiêm đơn lẻ và chia thành các giai đoạn.8

Để đánh giá dược động học của nhôm khi trẻ bị phơi nhiễm nhôm từ nguồn thức ăn và tiêm vaccine, Mitkus cùng cộng sự đã phân tích và tính toán tổng hàm lượng nhôm được tiêu thụ, đánh giá mức độ hấp thụ nhôm của cơ thể và so sánh với hàm lượng nguy cơ tối thiếu MRL (là ngưỡng an toàn) được đưa ra bởi Cơ quan Đăng ký Bệnh và Độc tố (ATSDR) của Hoa Kỳ.6

Các nhà nghiên cứu đã dùng lịch tiêm vaccine được khuyến cáo cho trẻ 0-6 tuổi và loại vaccine được phê chuẩn bởi FDA, để tính toán hàm lượng nhôm tối đa mà trẻ có thể nhận trong 1 năm đầu đời như Bảng 1 bên dưới. Nghiên cứu cũng xét tới nguồn nhôm từ đường miệng bao gồm: trẻ 0-6 tháng: 0,03 mg (sữa mẹ) và 0,15 mg (sữa công thức); trẻ > 6 tháng: 0,7 mg (sữa mẹ hoặc sữa công thức). Lượng nhôm từ đường miệng sẽ được hiệu chỉnh có tính đến khả năng hấp thụ thấp của nhôm từ đường tiêu hóa ở trẻ là 0,78%.

Bảng 1. Lượng nhôm tối đa đưa vào cơ thể trẻ trong 1 năm đầu đời thông qua tiêm chủng. Dựa vào lịch tiêm chủng năm 2011.

Vaccine Lịch tiêm sau khi sinh (tháng) Lượng nhôm (mg)
Hep B 0 0,25
DTaP + HepB + IPV + Hib + PCV 2 1,2
DTaP + HepB + IPV + Hib + PCV 4 1,2
DTaP + HepB + IPV + PCV 6 0,975
Hib + PCV + HepA 12 0,6

Để tính toán lượng nhôm còn lại trong cơ thể, số liệu được lấy từ nghiên cứu của Priest trên một người trưởng thành tình nguyện được tiêm nhôm vào tĩnh mạch. Thời gian bán hủy của nhôm là 1,4 ngày (trong các mô mềm khác), 4 ngày (máu và thận) và 1727 ngày (xương).9

Cơ thể trẻ nhỏ được cho là không thể bài tiết nhôm nhanh như là người lớn. Do đó, các nhà nghiên cứu tính toán thêm vào hệ số tốc độ bài tiết ở trẻ, căn cứ vào tốc độ bài tiết creatinine được nghiên cứu trên 122 trẻ em trong 13 năm đầu đời. (Lưu ý: Khả năng bài tiết creatinine được xem là chỉ tiêu thích hợp để đánh giá chức năng của thận).10

Để tính toán lượng nhôm an toàn cho trẻ, nghiên cứu sử dụng số liệu MRL của ATSDR là 1 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Lượng nhôm an toàn cho trẻ bằng MRL nhân với trọng lượng trẻ sơ sinh, có tính đến sự tăng cân nhanh của trẻ sau sinh dựa trên dữ liệu trọng lượng trẻ từ 0-60 tháng tuổi ở Hoa Kỳ năm 2007-2008.

Hình 1 cho thấy lượng nhôm trẻ giữ lại trong cơ thể so với ngưỡng an toàn (hai đường phía trên) nếu giả sử toàn bộ nhôm từ vaccine đều được hấp thụ vào cơ thể ngay lập tức. Đồ thị của ngưỡng an toàn được xây dựng với giả định trẻ tiêu thụ lượng MRL (1mg/kg/ngày) liên tục hàng ngày trong 400 ngày. Đường màu xanh là ngưỡng an toàn dành cho trẻ có trọng lượng cơ thể trung bình so với các trẻ cùng độ tuổi (50% percentile), đường màu đỏ là ngưỡng an toàn dành cho trẻ có trọng lượng cơ thể thấp (5% percentile – chỉ có 5% trẻ cùng độ tuổi nhẹ cân hơn, 95% trẻ còn lại nặng cân hơn). Lưu ý là hàm lượng nhôm trong cơ thể trẻ sau khi sinh lớn hơn 0 do trẻ đã tiếp xúc với nhôm từ khi còn trong bụng mẹ.

Theo tính toán này, nếu giả sử toàn bộ nhôm từ vaccine đều được hấp thụ vào cơ thể thì lượng nhôm có thể vượt quá mức cho phép trong nhất thời, tuy nhiên sau đó hàm lượng này nhanh chóng giảm xuống thấp hơn ngưỡng cho phép nhờ vào quá trình bài tiết nhanh của cơ thể.

Lượng nhôm trẻ giữ lại trong cơ thể so với ngưỡng an toàn với giả định toàn bộ nhôm đều được hấp thụ vào cơ thể ngay lập tức

Hình 1. Lượng nhôm trẻ giữ lại trong cơ thể so với ngưỡng an toàn với giả định toàn bộ nhôm đều được hấp thụ vào cơ thể ngay lập tức

Như đã nói, kết quả này dựa trên thí nghiệm được thực hiện ở người được tiêm bằng đường tĩnh mạch và hợp chất nhôm sử dụng là nhôm citrate hòa tan. Đối với vaccine, đường tiêm là qua cơ, hợp chất nhôm sử dụng là dạng không tan (như là phosphate hoặc hydroxide), cơ tại vị trí tiêm được xem là nơi tích lũy nhôm tạm thời trước khi được hấp thụ và phân bố vào cơ thể. Theo thời gian, những hạt nhôm không tan này sẽ bị hòa tan bởi ion citrate trong dịch kẽ của cơ. Sau khi hòa tan, động học hấp thụ và phân bố của nhôm sẽ gần giống như động học được mô tả trong nghiên cứu ở trên. Tuy nhiên, quy trình hấp thụ từ vị trí tiêm trong cơ bắp đi vào đường máu không diễn ra tức thời giống như trường hợp được tiêm vào tĩnh mạch như giả thuyết được sử dụng trong hình trên.

Do đó, nghiên cứu tiếp tục phân tích chi tiết hơn, sử dụng số liệu của Flarend trên thỏ rằng 17% AH và 51% AP được hấp thụ vào cơ thể trong vòng 28 ngày sau khi tiêm vào cơ bắp. Đồng thời nghiên cứu cũng giả định rằng lượng nhôm còn lại sẽ được hấp thụ dần trong 28 ngày sau đó đối với AH và 137 ngày đối với AP. Kết quả (Hình 2) cho thấy hàm lượng nhôm cơ thể nhận từ vaccine (cho AP và AH) luôn luôn thấp hơn nhiều so với ngưỡng an toàn.

Lượng nhôm trẻ giữ lại trong cơ thể so với ngưỡng an toàn có xét đến lượng hấp thụ thực tế của cơ thể (17% AH - trái - và 51% AP - phải) Lượng nhôm trẻ giữ lại trong cơ thể so với ngưỡng an toàn có xét đến lượng hấp thụ thực tế của cơ thể (17% AH - trái - và 51% AP - phải)

Hình 2. Lượng nhôm trẻ giữ lại trong cơ thể so với ngưỡng an toàn có xét đến lượng hấp thụ thực tế của cơ thể (17% AH – trái – và 51% AP – phải)

Mặc dù nghiên cứu dựa trên những kết quả mới nhất có thể, nhưng tác giả cũng có đề cập đến “tính bất định” (uncertainty) của nghiên cứu. Thứ nhất là việc tính toán sự tích lũy nhôm dựa trên nghiên cứu được thực hiện chỉ với 1 người lớn, mặc dù quá trình theo dõi lên đến 12 năm. Nghiên cứu trên khỉ sơ sinh có lẽ sẽ cho cho kết quả chính xác hơn. Tuy nhiên, do hiện không có chứng cứ cho thấy hàm lượng nhôm hiện tại gây hại nên loại nghiên cứu này sẽ có độ ưu tiên thấp. Thứ 2, kết quả về mức độ hấp thụ AP và AH được lấy từ nghiên cứu trên thỏ, cỡ mẫu nghiên cứu thấp, chỉ có 2 con cho mỗi tá dược. Điều lý tưởng là nên có thí nghiệm với cỡ mẫu lớn hơn để kiểm chứng lại. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu vẫn cho thấy hấp thụ nhôm, ít nhất là ở thỏ, không xảy ra tức thời và cũng không kết thúc sau 1 tháng khi tiêm vào cơ bắp. Các tác giả cho rằng điều này hợp lý về mặt sinh học. Thứ 3, nghiên cứu sử dụng hàm lượng nhôm tối đa (cả tiêm chích lẫn ăn uống). Do đó hàm lượng thực tế cho phần đa số cộng đồng sẽ thấp hơn và do đó tính an toán của nhôm có thể sẽ cao hơn.

Đánh giá chức năng thận của trẻ mới sinh so với người lớn

Tốc độ bài tiết của thận ở trẻ mới sinh là 40 ml/phút/1,73 m2 và tăng lên 66 ml/phút/1,73 m2 sau 2 tuần tuổi, 100-125 ml/phút/1,73 m2 lúc khoảng 2 tuổi, mức độ này tương đương với tốc độ bài tiết ở người trưởng thành.11

Lưu ý là chức năng thận ở trẻ sinh non yếu hơn rất nhiều so với trẻ sinh đủ tháng. Chẳng hạn như tốc độ dòng huyết tương qua thận (effective renal plasma flow) ở trẻ sinh non là 20 ml/phút/1,73 m2, so với 45 ml/phút/1,73 m2 ở thai nhi lúc 35 tuần (còn trong bụng mẹ) và 83 ml/phút/1,73 m2 ở trẻ sinh đủ tháng.

Các nguồn khác chứa nhôm

Nhôm là một kim loại phổ biến trong môi trường, nhôm không có chức năng dinh dưỡng đối với con người. Tuy nhiên, do tính phong phú của nó, nhôm thường có mặt ngẫu nhiên trong nước hoặc thức ăn, bao gồm cả sữa mẹ và sữa công thức cho trẻ.12 Chẳng hạn, sữa mẹ chứa khoảng 40 μg/L, sữa công thức chứa khoảng 225 μg/L. Nhôm cũng được cho vào thực phẩm như là phụ gia nhũ hóa hoặc phụ gia làm bánh. Do vậy bánh mì được làm với bột làm bánh chứa nhôm có thể chứa tới 15 mg nhôm/miếng và phó mát của Mỹ có thể chứa tới 50 mg nhôm/miếng.13

Tác dụng phụ có thể gây ra bởi nhôm trong vaccine

Tiêm vaccine nói chung và vaccine chứa nhôm nói riêng đều có thể gây ra một số tác dụng phụ loại nhẹ và tạm thời. Một số nghiên cứu cho thấy vaccine DTP có chứa nhôm có thể gây đỏ hơn và cứng hơn ở vùng da bị tiêm của trẻ nhỏ so với các loại vaccine khác, tuy nhiên nó ít gây ra các phản ứng phụ hơn. Các phản ứng này có thể xảy ra trong vòng 24 giờ bao gồm phản ứng da cục bộ, khóc, sốt, nôn mửa, nhức đầu và phát ban.14

Không có bằng chứng cho thấy nhôm trong vaccine gây ra bất kỳ bệnh tật nào nghiêm trọng hay kéo dài.

Những trường hợp nghiêm trọng liên quan tới nhôm chủ yếu được báo cáo khi dùng ở liều cao hoặc ở bệnh nhân có bệnh sẵn. Chẳng hạn như bệnh nhân suy thận phơi nhiễm nhôm từ dung dịch chạy thận trước khi hệ thống được tinh sạch. Ngoài ra, có những báo cáo về bệnh “yếu cơ và đau cơ cùng với sốt” (macrophagic myofasciitis) 3 năm sau khi tiêm vaccine có chứa nhôm. Tuy nhiên, bệnh này chủ yếu thấy ở những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Đối với những bệnh nhân sử dụng thuốc chống axit trong dạ dày kinh niên, nhôm có thể kết hợp với hợp chất phốtpho trong ruột và ngăn chặn nó hấp thụ vào xương, dẫn tới gãy xương. Có một số báo cáo cho rằng một số bệnh thần kinh như bệnh Alzheimer có thể bị gây ra bởi sự tích lũy nhôm trong não. Tuy nhiên, những nghiên cứu này lại không tìm thấy hàm lượng nhôm bị tăng lên ở bệnh nhân bị bệnh Alzheimer.

Do đó, có thể kết luận những trường hợp nghiêm trọng gây ra bởi nhôm chỉ xảy ra khi bệnh nhân đã có sẵn một số bệnh nghiêm trọng hoặc dùng ở liều rất lớn.

Liệu nhôm có vượt qua hàng rào máu não?

Các nhà nghiên cứu từ Pháp đánh giá sự vận chuyển nhôm từ vị trí tiêm cơ bắp đến não thông qua nghiên cứu trên chuột sử dụng hạt nano chứa nhôm (cùng kích thước với cấu trúc nhôm trong vaccine). Hàm lượng nhôm được tiêm cho chuột được tính toán dựa trên hàm lượng nhôm trong vaccine được tiêm cho người trưởng thành, nhân thêm hệ số bất định là 12. Kết quả cho thấy hàng rào máu não có cơ chế kháng cự nhôm tốt, tỉ lệ nhôm được tìm thấy trong não là cực kỳ thấp, (chỉ 1:107).14

Tuy nhiên, điều cần lưu ý sự vận chuyển nhôm tới não có thể tăng đáng kể nếu hàng rào máu não “chưa trưởng thành” hoặc là hàm lượng CLL2 trong mô quá mức bình thường.14 (CCL2 là một hợp chất được sản sinh ra tại vị trí mô bị tổn thương hoặc nhiễm khuẩn để “dụ” các tế bào miễn dịch đến chống bệnh).

Câu hỏi đặt ra là liệu hàng rào máu não ở trẻ sơ sinh đã trưởng thành chưa?

Việc cho là hàng rào máu não ở trẻ sơ sinh là “chưa trưởng thành” đã được nhiều người tin trong suốt gần 100 năm qua như một huyền thoại. Niềm tin này cho rằng ở phôi thai, thai nhi và thậm chí là ở trẻ mới sinh hoặc lớn hơn, hàng rào máu não là chưa tồn tại (absent), rò rĩ (leaky) hoặc chưa trưởng thành (immature). Những người theo niềm tin này đánh đồng khái niệm “chưa trưởng thành” và “rò rĩ”. Não đang phát triển tức là chưa đạt đến giai đoạn giống như người lớn đã trưởng thành và do đó có thể được gọi là “chưa trưởng thành”. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là hàng rào não nhất thiết phải bị “rò rĩ”. Câu hỏi chính nên đặt ra là “Chức năng của chúng như thế nào tại một mức tuổi nhất định?” Và “Niềm tin đó còn nên được tiếp tục hay không khi mà có nhiều bằng chứng thí nghiệm đã cho thấy điều ngược lại trong nhiều thập kỷ qua?”. Theo như Dobbing năm 1961 thì “Chẳng có bằng chứng nào thỏa mãn đủ để củng cố niềm tin đó cả.”

Mới đây, hai bài phân tích của các nhà khoa học từ nhiều quốc gia (Úc, Thụy Sĩ, Đức, Đan Mạch Áo, Bồ Đào Nha và Hoa Kỳ) đã phân tích những điểm sai của các nghiên cứu đưa ra niềm tin này.15, 16

Niềm tin này bắt nguồn từ kết luận của một nghiên cứu thực hiện bởi Behnsen năm 1926. Trong nghiên cứu này, họ tiêm chất màu trypan blue vào chuột mới sinh và chuột trưởng thành và ghi nhận mức độ nhuộm màu ở các cơ quan. Kết quả cho thấy não chuột mới sinh bị nhuộm nhiều hơn. Tuy nhiên, hàm lượng chất màu được tiêm vào quá lớn (1%) và điều này ảnh hưởng đến hàng rào máu não của chuột (hoặc những loài vật nhạy cảm) “chưa trưởng thành” là một điều tất nhiên.

Từ nửa sau của thế kỷ 20, chất màu nhuộm không còn được dùng trong nghiên cứu về độ thẩm thấu (permeability) của hàng rào máu não ở động vật chưa trưởng thành nữa. Tuy nhiên, đối với người trưởng thành thì chất màu nhuộm, đặc biệt là Evans blue vẫn được dùng trong nghiên cứu đánh giá tính nguyên vẹn (integrity) của hàng rào máu não. Đó là do những nghiên cứu được công bố sau năm 1950 cho thấy chất màu (thường là trypan blue) không có đi vào não đang phát triển của trẻ nhỏ dù ở độ tuổi nào đi nữa (kể cả thai nhi và trẻ mới sinh).

Những bằng chứng mới hơn cho thấy nhiều cơ chế rào cản ở người trưởng thành, bao gồm các liên kết chặt giữa tế bào và tế bào (tight juction) trong não của phôi thai (5-8 tuần) và một số kênh vận chuyển, thậm chí còn hoạt động hiệu quả hơn trong quá trình đang phát triển so với ở người trưởng thành. Ngoài ra, còn có một số cơ chế rào cản phức tạp có trong phôi mà không có ở người trưởng thành, chẳng hạn như những kênh đặc biệt để vận chuyển protein huyết tương ra vào hàng rào máu-dịch CSF. Hay nói cách khác, hàng rào máu não “chưa trưởng thành” không có nghĩa là “rò rỉ”. Tuy nhiên, các mạch máu não đang phát triển thì dễ bị tổn thương hơn so với người lớn, dẫn tới tính nhạy cảm của não đang phát triển đối với các loại thuốc, độc tố và các bệnh tật, dễ gây ra tổn thương não và các bệnh về thần kinh. Cần có nhiều bằng chứng hơn về vấn đề này.

Cơ quan chức năng từ các nước nói gì về độ an toàn của nhôm?

Một số bài tổng quan tài liệu tường thuật của Shaw và cộng sự đem lại những lo ngại về việc liệu nhôm có gây ra các biến chứng và ngộ độc thần kinh hay không.16-18

Tuy nhiên, cần lưu ý đây là loại tổng quan tài liệu (narrative review), chỉ mang tính chất định tính (mối tương quan) chứ không mang tính chất định lượng (hàm lượng nhôm gây ra bệnh). Ngoài ra, loại tổng quan tường thuật có thể chứa đựng định kiến của người thực hiện thông qua việc chọn lựa những bài nghiên cứu một cách phiến diện. Do đó, loại nghiên cứu này có thể không đem lại độ tin cậy cao. Tác giả của các bài báo trên, Shaw, có những bài nghiên cứu bị Hội đồng Tư vấn Toàn cầu về An toàn Vaccine (Global Advisory Committee on Vaccine Safety – GACVS) – một cơ quan tư vấn khoa học của WHO, đánh giá là đưa ra giả thuyết sai lầm và không đáng tin cậy (xem thêm phần bên dưới). Bạn có thể tham khảo thêm bài viết về Độ tin cậy của các loại hình nghiên cứu y học.

Trong các loại hình nghiên cứu, nghiên cứu tổng quan hệ thống (systematic review) là loại nghiên cứu có độ tin cậy cao nhất, nó tổng hợp tất cả các bài nghiên cứu có liên quan về cùng chủ đề và dùng phương pháp phân tích gộp để phân tích thống kê.

Một bài tổng quan hệ thống đăng trên The Lancet đánh giá độ an toàn của vaccine DTP chứa nhôm (tiêm riêng lẻ hoặc kết hợp với các mũi khác có chứa nhôm ở các nồng độ khác nhau) ở trẻ bằng cách tổng hợp từ 127 bài báo cáo về vaccine, sau đó chọn lọc những bài thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên/bán ngẫu nhiên và những bài nghiên cứu thuần tập so sánh có cung cấp thông tin đầy đủ về hàm lượng nhôm (định lượng), thành phần vaccine và dữ liệu về đo lường độ an toàn.19

Kết quả cho thấy không có bằng chứng chứng tỏ muối nhôm trong vaccine gây ra bất kỳ loại bệnh nghiêm trọng hoặc kéo dài nào, mặc dù các phản ửng mẫn cảm có thể xảy ra tạm thời và nhẹ ở vùng bị tiêm.

GACVS đã tuyên bố trong bài báo cáo của họ tháng 6/2012 rằng không có bằng chứng khoa học cho thấy vaccine chứa nhôm gây ra bất kỳ nguy hại nào, kể cả chứng tự kỷ. Ngoài ra, GACVS cũng chỉ ra có nhiều giả thuyết sai lầm trong hai bài nghiên cứu của Shaw và cộng sự cho thấy mối quan hệ giữa nhôm với bệnh thần kinh. Lập luận trong 2 bài nghiên cứu này dựa trên so sánh sinh thái (ecological study) về hàm lượng nhôm trong vaccine và mức độ bệnh tự kỷ ở một số nước. Nói chung, nghiên cứu sinh thái không thể dùng để đánh giá một liên hệ ngẫu nhiên, bởi vì nghiên cứu này không cho biết mối liên hệ trực tiếp giữa việc phơi nhiễm nhôm và kết quả tự kỷ ở từng cá thể mà chỉ đưa ra giả định về mối liên hệ giữa hai số liệu thống kê. Nói đơn giản hơn là số lượng trẻ bị tự kỷ trong nghiên cứu có thể bao gồm cả trẻ không tiêm chủng, và do đó không thể kết luận tiêm chủng là nguyên nhân gây tăng tỉ lệ tự kỷ. Ngoài ra, còn những vấn đề khác về mặt lập luận của nghiên cứu cho thấy kết quả của nghiên cứu này cần được xem xét lại.20 Tuy nhiên, GACVS vẫn khuyến khích nên tiếp tục những thử nghiệm lâm sàng và nghiên cứu dịch tễ để đánh giá những bằng chứng về độ an toàn của nhôm hiện có.

Giới hạn hàm lượng nhôm trong vaccine (tiêm vào cơ bắp) so với giới hạn khi tiêm vào tĩnh mạch

Tiêm vào cơ bắp: Hàm lượng nhôm cho phép (quy định bởi FDA) là không quá 0,85-1,25 mg/mũi tiêm (Lưu ý là hiện nay chỉ có một số loại vaccine dùng nhôm làm tá dược). Ví dụ, hàm lượng nhôm trong mũi vaccine HBV là 0,25 mg, tức là khoảng 20-30% liều cho phép của một mũi.21

Bảng 2. Hàm lượng nhôm trong một số loại vaccine, số liệu năm 2003.22

Tá dược Vaccine Tên thương mại Công ty Hàm lượng cho 1 liều
Nhôm hydroxide DTaP Infanrix GlaxoSmithKline ≤0,625 mg
Hep A Havrix (pediatric) GlaxoSmithKline 0,25 mg
Vaqta (pediatric) Merck and Co 0,225 mg
Hep B Engerix GlaxoSmithKline 0,25 mg
Hib PedVax Hib Merck and Co 0,225 mg
Hep A-hep B Twinrix GlaxoSmithKline 0,45 mg*
DTaP-IPV-hep B Pediarix GlaxoSmithKline ≤0,85 mg*
Nhôm phosphate Tiếp hợp Pneumococcal Prevnar Wyeth 0,125 mg
Td (adult) None Massachusetts Department of Public Health 0,45 mg
DTaP Daptacel Aventis Pasteur 0,33 mg
Nhôm sulfate DTaP Tripedia Aventis Pasteur ≤0,17 mg
Td (adult) N.A Aventis Pasteur 0,28 mg
Hib-hep B Comvax Merck and Co 0,225 mg
Hep B Recombivax HB Merck and Co 0,5 mg

* Chứa cả hydroxide và nhôm phosphate.

Hấp thu qua đường tĩnh mạch: Liều lượng nhôm cho phép là 4-5 mcg/kg trọng lượng cơ thể/ngày.23

Tài liệu tham khảo

  1. Ghimire, T.R., The mechanisms of action of vaccines containing aluminum adjuvants: an in vitro vs in vivo paradigm. Springerplus, 2015. 4: p. 181.
  2. New Developments in Vaccine Research — Unveiling the Secret of Vaccine Adjuvants. tại: http://www.discoverymedicine.com/Mike-De-Veer/2011/09/15/new-developments-in-vaccine-research-unveiling-the-secret-of-vaccine-adjuvants/.
  3. Marrack, P., A.S. McKee, and M.W. Munks, Towards an understanding of the adjuvant action of aluminium. Nat Rev Immunol, 2009. 9(4): p. 287-93.
  4. Egli, A., et al., Vaccine adjuvants–understanding molecular mechanisms to improve vaccines. Swiss Med Wkly, 2014. 144: p. w13940.
  5. Aluminum Toxicity. tại: http://emedicine.medscape.com/article/165315-overview?pa=pc6Hvv1XM3s2VlZDwR1VScdRLsfNU4epuZ9OtlZGHACnj474%2BnFCa%2FMJLGbeS6nQgvkXF0x7jX6tBMM%2BeDGsSlaycSibeA0Q%2FJsWK%2BpGHzs%3D#a4.
  6. Mitkus, R.J., et al., Updated aluminum pharmacokinetics following infant exposures through diet and vaccination. Vaccine, 2011. 29(51): p. 9538-43.
  7. Flarend, R.E., et al., In vivo absorption of aluminium-containing vaccine adjuvants using 26Al. Vaccine, 1997. 15(12-13): p. 1314-8.
  8. Miu, A.C., et al., A behavioral and histological study of the effects of long-term exposure of adult rats to aluminum. International Journal of Neuroscience, 2003. 113(9): p. 1197-1211.
  9. Priest, N.D., The biological behaviour and bioavailability of aluminium in man, with special reference to studies employing aluminium-26 as a tracer: review and study update. J Environ Monit, 2004. 6(5): p. 375-403.
  10. Schwartz, G.J., L.G. Feld, and D.J. Langford, A simple estimate of glomerular filtration rate in full-term infants during the first year of life. J Pediatr, 1984. 104(6): p. 849-54.
  11. Sulemanji, M. and K. Vakili, Neonatal renal physiology. Semin Pediatr Surg, 2013. 22(4): p. 195-8.
  12. Chuchu, N., et al., The aluminium content of infant formulas remains too high. BMC Pediatr, 2013. 13: p. 162.
  13. Demystifying vaccine ingredients – Aluminum. 2015; tại: http://www.harpocratesspeaks.com/2015/02/demystifying-vaccine-ingredients-aluminum.html.
  14. Fernandez, S., Aluminum in Vaccines: Addressing Parents’ Concerns. Pediatr Ann, 2016. 45(7): p. e231-3.
  15. Saunders, N.R., et al., The rights and wrongs of blood-brain barrier permeability studies: a walk through 100 years of history. Front Neurosci, 2014. 8: p. 404.
  16. Saunders, N.R., S.A. Liddelow, and K.M. Dziegielewska, Barrier mechanisms in the developing brain. Front Pharmacol, 2012. 3: p. 46.
  17. Shaw, C.A. and M.S. Petrik, Aluminum hydroxide injections lead to motor deficits and motor neuron degeneration. J Inorg Biochem, 2009. 103(11): p. 1555-62.
  18. Shaw, C.A., et al., Aluminum-induced entropy in biological systems: implications for neurological disease. J Toxicol, 2014. 2014: p. 491316.
  19. Jefferson, T., M. Rudin, and C. Di Pietrantonj, Adverse events after immunisation with aluminium-containing DTP vaccines: systematic review of the evidence. Lancet Infect Dis, 2004. 4(2): p. 84-90.
  20. WHO, Aluminium adjuvants.
  21. FDA. Study Reports Aluminum in Vaccines Poses Extremely Low Risk to Infants. tại: https://www.fda.gov/BiologicsBloodVaccines/ScienceResearch/ucm284520.htm.
  22. Addressing Parents’ Concerns: Do Vaccines Contain Harmful Preservatives, Adjuvants, Additives, or Residuals? ; tại: http://pediatrics.aappublications.org/content/112/6/1394.full#T5.
  23. FDA. CFR – Code of Federal Regulations Title 21. tại: https://www.accessdata.fda.gov/scripts/cdrh/cfdocs/cfcfr/CFRSearch.cfm?fr=201.323.