Nội dung chính
- 1 Một vài số liệu thống kê về vaccine và dịch bệnh liên quan
- 2 Ví dụ về sự hình thành và lịch sử phát triển của đại dịch
- 3 Những vụ bùng phát gần đây của các loại bệnh dịch có thể được phòng trừ bởi vaccine (vaccine-preventable disease)
- 4 Ví dụ về ảnh hưởng của cách tiêm chủng và thời gian tiêm chủng đến hiệu quả miễn dịch
- 5 Tài liệu tham khảo
Một vài số liệu thống kê về vaccine và dịch bệnh liên quan
Với lịch sử phát triển vài thập kỷ của vaccine thì việc liệt kê tất cả các số liệu liên quan để giúp mọi người có cái nhìn đúng về vaccine là việc bất khả thi. Do đó, người viết sẽ giới thiệu chọn lọc một vài số liệu thống kê để giúp bạn đọc hiểu hơn về mối nguy của các dịch bệnh, vai trò của cộng đồng trong việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh cũng như nhìn nhận cả mặt tích cực và hạn chế của vaccine. Dù không có số liệu cụ thể ở Việt Nam nhưng khác với các yếu tố kinh tế, xã hội khác cần được đặt vào hoàn cảnh địa phương cụ thể, mối nguy của các loại dịch bệnh không giới hạn ở một quốc gia hay lãnh thổ nào cả, nhất là với tình hình du lịch phát triển như hiện nay. Mặc dù một vài loại vaccine có hiệu quả chưa cao (như quai bị) do có lẽ các chủng virus ở các vùng là khác nhau (nhưng vaccine quai bị vẫn có hiệu quả trung bình 88% khi tiêm đủ hai mũi MMR), hầu hết các loại vaccine đều có hiệu quả bảo vệ cao và gần tương đương nhau khi áp dụng ở các nước khác nhau. Do đó, người viết vẫn cảm thấy các số liệu thống kê tại Mỹ và các nước khác là hữu ích cho bạn đọc. Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể tham khảo số liệu về bệnh dịch và tiêm chủng tại website của Bộ Y tế, ví dụ như thông tin về bệnh sởi, và thành quả của chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Ví dụ về sự hình thành và lịch sử phát triển của đại dịch
Virus Zika thường có các triệu chứng như sốt, phát ban, đau đầu, đau khớp, đau cơ, đỏ mắt. Một số người mắc bệnh không có biểu hiện bệnh. Thông thường, biểu hiện bệnh nhẹ và sẽ khỏi trong vòng vài ngày đến một tuần. Do vậy, một số người bệnh không cần nhập viện hoặc thậm chí không biết mình đã mắc bệnh và vô tình truyền bệnh cho người khác, nguy hiểm nhất là phụ nữ mang thai. Phụ nữ có thai khi mắc bệnh sẽ sinh con đầu nhỏ hoặc bị các rối loạn khác về não.1
Năm 1977 những bệnh nhân đầu tiên ở châu Á được phát hiện ở Indonesia.2 Sự bùng nổ đầu tiên của Zika là năm 2007 ở Yap, Gabon và Nam Thái Bình Dương, cụ thể là Zika được ước tính ảnh hưởng 73% dân số của Yap (lúc đó là 7391 người). Sau đó, đến năm 2013, Zika bùng nổ ở French Polynesian, ảnh hưởng 28.000 người, chiếm 11% tổng dân số của Yap. Cuối năm 2014, Brazil phát hiện những ca bệnh đầu tiên và đến đầu năm 2015, những ca bệnh đã được phát hiện trên khắp đất nước Brazil. Tháng 1/2016, Bộ Y tế Brazil ước tính có khoảng 497.593 cho đến 1.482.701 trường hợp nhiễm Zika từ lúc dịch Zika bắt đầu (tức là chỉ trong hơn 1 năm). Đại dịch này đã gây nên nhiều mối lo ngại cho các Tổ chức Y tế Quốc gia Brazil và quốc tế, tuy nhiên, nó chỉ thật sự gây báo động ở mức độ quốc tế, buộc WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng vài tháng sau khi ca đầu tiên được phát hiện, đó là khi số ca viêm não của trẻ sơ sinh tăng đột ngột. Từ lúc bùng nổ đại dịch đến ngày 13/2/2016, có hơn 5.200 ca viêm não ở trẻ sơ sinh đã được báo cáo đến Bộ Y tế Brazil. Từ đó đến 3/2017, bệnh Zika đã lan ra 84 nước trên thế giới, trong đó có 4 nước Đông Nam Á (có Việt Nam).
Kết luận: Đại dịch có thể bùng phát bất kỳ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu (một ví dụ khác bên cạnh Zika là đại dịch SARS năm 2003 làm 8.098 người mắc bệnh trên toàn cầu, trong đó có 774 người tử vong)3. Mức độ du lịch ngày càng cao hiện nay tạo điều kiện cho sự phát tán của dịch bệnh, đáng nguy nhất là thông qua những người không có biểu hiện bệnh. Sau khi được phát tán, bệnh sẽ gây hại cho những đối tượng nhạy cảm với bệnh và gây hậu quả nghiêm trọng.
Những vụ bùng phát gần đây của các loại bệnh dịch có thể được phòng trừ bởi vaccine (vaccine-preventable disease)
- Bệnh sởi (measles):
Sởi là một trong những bệnh có tính truyền nhiễm cao nhất, với 90% khả năng lây bệnh cho những người nhạy cảm chung quanh thông qua thở, ho, nhảy mũi. Đối với một số người, bệnh sởi chỉ gây ra sốt, ho, chảy nước mũi và phát ban, nhưng gần 30% trường hợp lại có thể có biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, hoặc thậm chí tử vong. Tỉ lệ gây tử vong của bệnh sởi là 1/1.000, so với bệnh đậu mùa là 1/65.000. Việc triển khai tiêm chủng ở trẻ em và tiêm chủng mở rộng ở những vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp đã cải thiện 75% số ca tử vong do sởi trên toàn thế giới (2000: 544.000 trường hợp tử vong, 2013: 146.000 trường hợp).4
Năm 2000, Mỹ tuyên bố đã loại trừ hẳn bệnh sởi nhờ chương trình tiêm chủng quốc gia. Trong giai đoạn 2000-2007, trung bình có 63 ca sởi được báo cáo hàng năm, phát hiện ở những người đi du lịch đến vùng có dịch hoặc nhập cư vào Mỹ.5
Tháng 3 năm 2013, một thanh niên 17 tuổi không tiêm chủng từ New York đi du lịch ở Luân Đôn và mắc bệnh sởi. Khi người này trở về nhà, có tổng cộng 58 trường hợp nhiễm sởi được phát hiện ở hai cộng đồng người Do Thái với tỉ lệ tiêm chủng thấp. Không có trường hợp sởi nào được phát hiện ở những người đã tiêm chủng, nhưng có đến 21% trường hợp xảy ra ở trẻ sơ sinh còn quá nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng MMR (sởi/quai bị/rubella).
Năm 2014, có 667 ca bệnh sởi phát hiện ở 27 tiểu bang của Mỹ. Các ca bệnh này bắt nguồn từ một người sinh sống ở California vừa đi du lịch trở về. Hầu hết các ca bệnh là những người không tiêm chủng đi du lịch đến vùng có dịch. Đây là con số bệnh sởi cao nhất từ năm 2000. Vùng phát dịch lớn nhất ở ở khu Amish không tiêm chủng ở Ohio, chiếm đến 383 trường hợp.4
- Bệnh ho gà (pertussis):
Đây là bệnh có độ truyền nhiễm rất cao thông qua đường hô hấp. Bệnh gây ra bởi vi khuẩn B. pertussis tiết chất độc gây tổn hại cổ họng và phổi.6 Triệu chứng giống như cúm thông thường trong tuần đầu tiên, nhưng sau đó tình trạng ho sẽ tệ hơn và gây những cơn ho kéo dài từ 30 giây đến 2 phút. Ảnh hưởng của bệnh là rất khác nhau tùy vào đối tượng bệnh. Nếu được phát hiện sớm và điều trị nhanh thì đa phần bệnh mau khỏi, nhưng nếu phát hiện chậm thì bệnh sẽ kéo dài vài tuần, có khi đến 3 tháng dù đã được điều trị bằng kháng sinh.
Bệnh ho gà đặc biệt gây hậu quả nghiêm trọng hơn ở trẻ sơ sinh (<12 tháng tuổi). Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ liều, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Ước tính 50% trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ho gà phải nhập viện, trong đó 67% bị ngưng thở, 23% mắc bệnh viêm phổi, 1,6% sẽ bị động kinh, 1,6% chết, và 0,4% sẽ bị thiếu oxy hoặc bị bệnh não do độc tố gây ra. Biếng ăn, mất nước, mất ngủ, viêm tai giữa và tiểu không tự chủ có thể xảy ra. Ngoài ra, các biến chứng nghiêm trọng hơn có thể bao gồm tăng huyết áp phổi, tràn khí màng phổi, sa trực tràng và tụ huyết dưới da.4
Sau khi chương trình tiêm vaccine ho gà ở Mỹ được áp dụng từ những năm 1940 đến năm 1970, số ca tử vong trung bình hàng năm đã giảm gần 98% (từ khoảng 200.000/năm xuống <5.000/năm). Tuy nhiên, từ những năm 1980 đến nay, số ca bệnh ho gà được báo cáo hàng năm đã gia tăng, với nhiều vụ bùng phát liên quan đến một số lượng lớn trẻ em chưa được tiêm chủng. Năm 2012, đã có 48.277 trường hợp ho gà ở Mỹ, chưa kể đến những trường hợp chưa được báo cáo và ghi nhận.
* Một trong các lý do số lượng trẻ tiêm chủng vaccine ho gà giảm là do vaccine ho gà thế hệ đầu chứa vi khuẩn B. pertussis. Trong quá trình nuôi cấy sản xuất, vi khuẩn này sản sinh độc tố và độc tố này chưa được loại bỏ khỏi sản phẩm vaccine, do đó gây nên tác dụng phụ. Từ những năm 1980, vaccine ho gà đã được dần chuyển từ nguyên bào vi khuẩn sang dạng vô bào, tức là chỉ chứa một hay nhiều thành phần gây miễn dịch của vi khuẩn.7 Các thành phần này được tinh chế và kiểm nghiệm độc tố cho từng lô sản xuất. Tuy nhiên, các nhà sản xuất khác nhau vẫn chưa thống nhất về thành phần này, nên hiệu quả vaccine của các nhà sản xuất khác nhau có thể khác nhau.
- Bệnh quai bị (mumps):
Dù quai bị ít khi gây ra tử vong nhưng có thể dẫn đến những biến chứng như viêm màng não, viêm não, điếc, viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng (giảm chức năng sinh sản), viêm tụy và viêm cơ tiêm.4
Trong những năm qua, những trận bùng phát quai bị (outbreak) xảy ra rải rác ở một số nước như Mỹ, Canada, Việt Nam và Úc, và dịch quai bị (epidemic) ở các nước như Mỹ, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Macedonia, Ả Rập, Ai Cập, Serbia, Hà Lan, Colombia và Guam. Các yếu tố có thể liên quan đến các dịch trên bao gồm: chẩn đoán nhầm, hiệu quả của vaccine đối với bệnh quai bị còn hạn chế, mức độ tiêm chủng thấp, và có khả năng bao gồm cả sự khác biệt giữa các chủng virus quai bị ở vùng dịch và chủng có trong vaccine.4
Cần lưu ý là dù những người có tiêm chủng quai bị vẫn bị mắc bệnh trong các trận dịch, nhưng tỉ lệ mắc bệnh của họ thấp hơn nhiều so với những người không tiêm chủng. Ước tính hiệu quả bảo vệ hiện tại khi tiêm đủ hai mũi vaccine MMR cho bệnh quai bị là 88% (dao động trong khoảng 66%-95%)4
Kết luận: Hiệu quả bảo vệ của vaccine đa số là rất cao (>95%), nhưng thường không đạt 100%. Một số loại vaccine có hiệu quả bảo vệ chưa cao như quai bị (88%) và vẫn đang được nghiên cứu cải tiến từng ngày. Những người tiêm chủng vẫn có thể mắc bệnh nhưng tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn nhiều so với những người không tiêm chủng. Trong một cộng đồng có tỉ lệ tiêm chủng thấp, khi có dịch bệnh xảy ra, thì những người chưa có hệ miễn dịch hoặc có hệ miễn dịch kém (trẻ em không tiêm chủng do lựa chọn của cha mẹ, do tôn giáo, do thể trạng sức khỏe hoặc còn quá bé, người già, người bệnh…) sẽ là những đối tượng bị tấn công dễ dàng nhất và họ sẽ đóng vai trò phát tán bệnh tạo dây chuyền lây lan. Trong 1 cộng đồng có tỉ lệ tiêm chủng cao thì 1 người bệnh khó có thể lây cho những người xung quanh đã tiêm chủng. Những người không tiêm chủng (cả người lớn lẫn trẻ em) có khả năng mắc bệnh cao hơn khi du lịch đến vùng có dịch. Một số ít loại dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề ở người lớn hơn là so với trẻ nhỏ.
Ví dụ về ảnh hưởng của cách tiêm chủng và thời gian tiêm chủng đến hiệu quả miễn dịch
Tiêu chảy cấp do virus Rota
Virus Rota là một loại siêu vi gây tiêu chảy, chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tiêu chảy có thể nặng và dẫn đến mất nước. Nôn mửa và sốt cũng phổ biến ở trẻ sơ sinh bị nhiễm virus Rota.
Trước khi có vaccine, hầu như tất cả trẻ em ở Mỹ đã có ít nhất một lần nhiễm virus Rota trong 5 năm đầu đời.8 Những trường hợp nặng nhất xảy ra ở trẻ 3-35 tháng tuổi. Cụ thể là trước khi có vaccine, tại Mỹ hàng năm có:
- Hơn 400.000 trẻ nhỏ đã phải đi khám bác sĩ vì bệnh do virus Rota gây ra,
- Hơn 200.000 trẻ đã phải đi cấp cứu,
- 55.000 đến 70.000 phải nhập viện, và
- 20 đến 60 trẻ đã chết.
Trên toàn cầu, năm 2008 có 453.000 ca tử vong của trẻ từ 5 tuổi trở xuống do virus Rota gây ra.
Sau khi áp dụng tiêm chủng từ năm 2006, hàng năm tại Mỹ số ca nhập viện đã giảm còn 15.000-20.000 (so với con số ban đầu là 55.000-70.000). 7 trong số 10 trẻ tiêm chủng được bảo vệ khỏi virus Rota, 9/10 trẻ tiêm chủng không có biến chứng nặng do Rota. Tuy nhiên, vaccine Rota không bảo vệ được trẻ khỏi bệnh tiêu chảy do các nguyên nhân khác. Vaccine đạt hiệu quả cao nhất khi liều đầu tiên (dạng uống) được áp dụng trong vòng 15 tuần tuổi đầu tiên, và các liều còn lại hoàn thành trước 8 tháng tuổi.
Có hai loại vaccine cho Rota đang được áp dụng tại Mỹ gồm RotaTeq (RV5) và Rotarix (RV1). Trong một nghiên cứu tổng hợp, cả hai vaccine được thống kê cho thấy làm giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và cấp cứu (85% đối với RV1 và 90% đối với RV5). Tiêm chủng với RV5 hoặc RV1 không làm tăng nguy cơ tử vong hoặc các tác dụng phụ nghiêm trọng khác trước đó liên quan đến vaccine Rota được cấp phép đầu tiên. Đối với RV1, hiệu quả chống lại nguy cơ nhập viện là cao nhất (khoảng 80-96%) đối với trẻ em được chủng ngừa trước 12 tháng tuổi, so với hiệu quả 5-60% ở trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, vẫn có tỉ lệ biến chứng lồng ruột (có thể cần phẫu thuật) là 1/100.000 đến 1/20.000 xảy ra sau khi tiêm vaccine (thường không gây tử vong, nhưng nếu không được điều trị có thể gây tử vong). Tại Việt Nam có Rotamin-M1 do Việt Nam sản xuất được chứng minh có hiệu quả tương đương với các loại vaccine đang được sử dụng trên thế giới. Cần lưu ý về những trường hợp chống chỉ định uống vaccine Rota cho những trẻ quá mẫn cảm với thành phần của vaccine, trẻ đang có bệnh lý nặng, sốt cao, bị dị tật đường tiêu hóa, bị suy giảm miễn dịch nặng…9
Kết luận: Lịch và cách thức tiêm chủng được đề nghị hiện nay thường dựa trên kết quả nghiên cứu về hiệu quả bảo vệ tối ưu của vaccine. Việc trì hoãn tiêm chủng có thể vẫn mang lại hiệu quả bảo vệ nhưng thấp hơn, và trong thời gian trì hoãn đó trẻ có thể mắc bệnh. Hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine khác nhau có thể khác nhau, nhưng không nhất thiết là các vaccine của nước ngoài sản xuất sẽ tốt hơn của Việt Nam sản xuất. Trước khi được cấp phép sản xuất vaccine, mọi công ty trên thế giới đều phải đạt được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Tài liệu tham khảo
-
CDC. Zika virus. tại: https://www.cdc.gov/zika/index.html.
-
Weaver, S.C., et al., Zika virus: History, emergence, biology, and prospects for control. Antiviral Res, 2016. 130: p. 69-80.
-
CDC. SARS Basics Fact Sheet. tại: https://www.cdc.gov/sars/about/fs-sars.html.
-
Reemergence of 5 Vaccine-Preventable Diseases. tại: http://reference.medscape.com/features/slideshow/vaccine-preventable-diseases#page=4.
-
Update: Measles --- United States, January--July 2008. tại: https://www.cdc.gov/mmwr/preview/mmwrhtml/mm5733a1.htm.
-
Sears, R.W. and D. Green, The vaccine book : making the right decision for your child. 2015, Hachette Audio,: New York.
-
WHO. Guidelines for the production and control of the acellular pertussis component of monovalent or combined vaccines;. tại: http://www.who.int/biologicals/publications/trs/areas/vaccines/acellular_pertussis/en/.
-
CDC. Rotavirus. tại: https://www.cdc.gov/rotavirus/index.html.
-
Velazquez, R.F., et al., Efficacy, safety and effectiveness of licensed rotavirus vaccines: a systematic review and meta-analysis for Latin America and the Caribbean. BMC Pediatr, 2017. 17(1): p. 14.