Thứ Năm, 21/11/2024
Những vấn đề được quan tâm Kiến thức tổng hợp Kỳ 10 – Vaccine có thật sự cần thiết cho thế hệ ngày nay hay không?

Kỳ 10 – Vaccine có thật sự cần thiết cho thế hệ ngày nay hay không?

Bài viết thứ 11 trong 14 bài thuộc ebook Cuộc tranh luận về vaccine
 

Hỏi: Ông bà/cha mẹ tôi có nói với tôi rằng thời của họ có tiêm chủng gì đâu mà mọi người vẫn sống khỏe đến bây giờ, trong khi đó, trẻ ngày nay được tiêm chủng với đủ loại vaccine thì cứ ốm lên ốm xuống. Đó không phải do vaccine là gì?

Để nhìn nhận một cách khách quan lập luận này thì bạn đọc có thể tìm hiểu và suy nghĩ về các vấn đề/câu hỏi sau:

Có thật là ngày trước không có hoặc có ít trẻ em bị mất sớm?

Hãy hỏi thăm những người thuộc thế hệ trước xem trong gia đình có ai mất sớm/chịu dị tật nghiêm trọng suốt đời sau một cơn bệnh, nhất là trong vài năm đầu tiên sau khi sinh hay không. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra tỉ lệ này cao hơn bạn từng nghĩ, đặc biệt là ở những gia đình đông con và nghèo khó. Tuy nhiên, do đông con, cuộc sống khó khăn, chuyện xảy ra cũng lâu lắm rồi và nhiều nguyên nhân khác, thế hệ ông bà, cha mẹ có thể đã chấp nhận và không còn đề cập đến những chuyện buồn này nữa. Vì thế, tỉ lệ trẻ tử vong ngày trước có thể cao hơn ngày nay.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà công nghệ truyền thông/internet phát triển, một bộ phận người dân mất lòng tin vào hệ thống xã hội hiện tại, những biến chứng do vaccine được báo cáo và lan truyền trên mạng (chủ yếu là những báo cáo riêng lẻ chứ không phải là các nghiên cứu chính thống) khiến một bộ phận không nhỏ cộng đồng cho rằng dù tiêm vaccine nhưng các loại bệnh vẫn bùng nổ hoặc bệnh bùng nổ là do tiêm vaccine (các nghiên cứu sẽ được bàn sau trong loạt bài này). Điều này dẫn đến sự mất lòng tin vào hiệu quả của vaccine và ám ảnh về nguy cơ rủi ro khi tiêm vaccine.

Con người có xu hướng quên đi tác hại và tầm ảnh hưởng của bệnh dịch khi họ không được chứng kiến trực tiếp

Vaccine được tạo ra với mục đích chính là bảo vệ con người ở tầm cộng đồng khỏi sự bùng phát của các loại bệnh dịch. Các bệnh dịch này không phải ai cũng từng trải qua/thấy qua, nhất là những ai không làm trong ngành truyền thông hoặc y tế, nhưng nếu chịu khó tìm hiểu thì ngày nay những thông tin này không khó để tìm, chỉ có điều việc nghe và tận mắt thấy là hai chuyện khác nhau. Do đó, một thời gian sau khi bệnh dịch đã được kiểm soát thì những người chưa từng tiếp xúc trực tiếp với bệnh dịch có xu hướng quên đi tác hại và tầm ảnh hưởng của bệnh dịch. Tuy nhiên, để tự bảo vệ bản thân và gia đình thì dù chưa tận mắt chứng kiến, bạn cũng nên hiểu rằng dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, từ nơi hẻo lánh nhất (như dịch Ebola hoành hành ở Liberia, Guinea, Sierra Leone, Nigeria, Mỹ và Mali năm 2016) cho đến các thành phố đông dân cư hoặc các nước được coi là tiên tiến nhất (dịch cúm H3N2 ở Hồng Kong năm 1968 gây hơn 1 triệu trường hợp tử vong toàn thế giới, hoặc đại dịch cúm H1N1 được phát hiện đầu tiên tại Mỹ năm 2009 nhưng đã gây khoảng 284.500 ca tử vong trên thế giới, chủ yếu ở châu Phi và Nam Á).

Thế hệ trước có lẽ không/chưa cập nhật những bệnh dịch mới nổi gần đây

Có những loại bệnh dịch ngày xưa bùng nổ và ngày nay đã được kiểm soát (chứ không đảm bảo là sẽ biến mất mãi mãi vì thỉnh thoảng vẫn có những bùng phát nhỏ cho vài loại bệnh dịch đã được kiểm soát như sởi và ho gà ở Mỹ), nhưng cũng có những loại bệnh dịch ngày nay mới phát triển mà ngày xưa không hề có. Ví dụ cụ thể là bệnh Zika bắt đầu năm 2007 hoặc cúm H1N1 với tổ hợp gen mới lần đầu tiên được phát hiện tại California, Mỹ năm 2009. Do đó, thế hệ trước (ông bà cha mẹ) có khả năng cao là không/chưa nghe thấy về các loại bệnh dịch này và chưa nhận thấy được mối nguy hại của các loại bệnh dịch mới nổi, trong khi đó thì các loại bệnh dịch cũ đa phần đã được kiểm soát nhờ tiêm chủng và không còn là mối đe dọa như trong quá khứ nữa.

Do phương tiện đi lại trở nên quá thuận tiện, sự lây lan bệnh dịch trở nên trầm trọng hơn so với thế hệ trước

Một ví dụ về sự hình thành và phát triển thường thấy của các đại dịch được tóm tắt như ví dụ về Zika trong Hình 1 bên dưới. Các loại bệnh dịch mới thường bắt nguồn từ những loại virus/vi khuẩn vốn chỉ gây bệnh trên động vật. Sau quá trình tiến hóa tự nhiên, một hoặc vài cá thể vi sinh vật có thể mang gen đột biến phù hợp giúp chúng phát triển được trên người. Động vật trung gian truyền bệnh thường gặp là muỗi hoặc dơi. Những bệnh nhân đầu tiên khả năng cao là những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người già, người bệnh, và có tiếp xúc thường xuyên với vật chủ mang bệnh. Bệnh dịch ban đầu chỉ lây lan trong một nhóm dân cư nhỏ, cho đến khi truyền đến các vùng đô thị đông dân cư thì mới bùng phát thành dịch.

Tuy nhiên, hình này chưa miêu tả đến giai đoạn lây lan sau đó với mức độ cao ra toàn thế giới của bệnh, nhất là các loại bệnh dịch có thể truyền trực tiếp từ người sang người chỉ qua tiếp xúc thông thường, trong bối cảnh việc di chuyển, du lịch với tần số ngày càng cao như hiện nay (Hình 2). Không những thế, do mật độ dân số dày đặc và các hoạt động, trung tâm vui chơi quy mô lớn ở các thành phố lớn ngày nay, nguy cơ lây lan bệnh tật rất cao. Vì vậy mà trong các trận đại dịch gần đây, chính phủ các nước kiểm soát việc du lịch tới và lui từ các vùng/các nước có đại dịch rất nghiêm ngặt.

Virus Zika là một trong các ví dụ điển hình cho sự phát triển nhanh không kiểm soát được của các loại bệnh dịch nguy hiểm và cũng là động lực ra đời của vaccine.1

Hình 1: Virus Zika là một trong các ví dụ điển hình cho sự phát triển nhanh không kiểm soát được của các loại bệnh dịch nguy hiểm và cũng là động lực ra đời của vaccine.1

Bản đồ các vùng bị ảnh hưởng bởi Zika 1

Hình 2. Bản đồ các vùng bị ảnh hưởng bởi Zika 1

Tài liệu tham khảo

  1. Weaver, S.C., et al., Zika virus: History, emergence, biology, and prospects for control. Antiviral Res, 2016. 130: p. 69-80.
  2. https://www.cdc.gov/h1n1flu/cdcresponse.htm.