Nội dung chính
Sữa mẹ từ lâu đã được ca ngợi là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chân lý này đã được chứng minh bằng vô vàn nghiên cứu khoa học và sự lớn lên khoẻ mạnh của hàng triệu triệu trẻ em bú sữa mẹ. Gần đây, do sự phát triển của khoa học đã chứng minh sự tồn tại của kháng thể và tế bào gốc trong sữa mẹ, có ý kiến cho rằng sữa mẹ vì vậy có khả năng bảo vệ trẻ trọn đời khỏi các mầm bệnh. Những câu hỏi thường gặp như:
- Sữa mẹ có chứa tất cả kháng thể chống bệnh bé cần rồi thì trẻ cần tiêm vaccine làm gì?
- Mẹ đã có kháng thể cho bệnh (do tiêm vaccine hoặc nhiễm bệnh trong quá khứ) thì vì sao trẻ cần phải tiêm chủng cho bệnh đó?
- Tế bào gốc từ mẹ có giúp trẻ kháng bệnh hay không?
Đây là những câu hỏi rất thú vị và hợp lý. Để bắt đầu thì xin bạn đọc lưu ý rằng: có 2 cách để trẻ có hệ miễn dịch cho một bệnh nào đó: Thụ động (nhận trực tiếp kháng thể từ một nguồn khác) hoặc chủ động (cơ thể tự phát triển và thích nghi để tạo ra kháng thể).
Nguồn ảnh: http://www.healthychild.org/ten-years-after-states-ban-big-drop-in-fire-retardants-in-california-breast-milk/
Miễn dịch thụ động trẻ nhận được khi còn trong bụng mẹ
Thành phần đầu tiên của hệ miễn dịch mà trẻ nhận được là kháng thể IgG được trẻ hấp thu “thụ động” từ mẹ qua nhau thai trong thai kỳ. Có 5 loại kháng thể được biết đến hiện nay: IgM, IgD, IgG, IgA, IgE. IgM và IgD hiểu nôm na là kháng thể có tính đặc hiệu yếu được tìm thấy ở những tế bào lympho B chưa được “huấn luyện” bởi mầm bệnh (cơ thể luôn tự động sản xuất ra IgM và IgD). Do đó, chúng chỉ có thể giúp chống lại những mầm bệnh thông thường. IgG và IgA là những kháng thể có tính đặc hiệu cao, chống bệnh do vi khuẩn và virus hiệu quả nhất, trong đó IgG là kháng thể quan trọng nhất trong máu (chiếm 70-75%), còn IgA (chiếm 10-15%) giúp chống các loại bệnh ở vùng niêm mạc như bề mặt ruột, hệ sinh sản… nên thường được vận chuyển đến các vùng này. IgE được cho là giúp chống các bệnh liên quan đến ký sinh trùng (parasite) và dị ứng. [1]
Khi còn ở trong bụng mẹ, trẻ chỉ nhận được duy nhất IgG do chúng có kích thước nhỏ nhất trong các loại kháng thể tuần hoàn trong máu. Do đó, mẹ có loại kháng thể chống bệnh nào trong giai đoạn mang thai thì trẻ cũng sẽ có kháng thể đó lúc chào đời. Vì vậy mà ở một số nơi đã áp dụng tiêm chủng cho mẹ trong giai đoạn mang thai để tăng lượng kháng thể truyền cho thai nhi. Tuy nhiên, kháng thể IgG từ mẹ chỉ tồn tại tạm thời trong máu của trẻ và sẽ dần biến mất vào khoảng 6-8 tháng sau khi sinh (cũng có tài liệu nói là khoảng 3 tháng thì lượng kháng thể này đã giảm đáng kể) [2] do thời gian bán phân huỷ tự nhiên của kháng thể trong máu là khoảng 30 ngày. May mắn thay, từ lúc chào đời, cơ thể trẻ đã bắt đầu tự tạo kháng thể IgG của riêng mình khi tiếp xúc với các vi khuẩn và virus có trong môi trường (tuy nhiên, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh vẫn chủ yếu tạo ra IgM). Đến 6 tháng, khi kháng thể từ mẹ gần như biến mất thì một đứa bé khoẻ mạnh đã có thể sản xuất lượng IgG ở mức bình thường nhờ vào hệ miễn dịch đã phát triển của bé. Lượng IgG trong huyết thanh của trẻ em một tuổi bằng khoảng 60% người trưởng thành. Đến khoảng 4-5 tuổi thì trẻ sẽ đạt được hệ miễn dịch chống các kháng nguyên của vi sinh vật gây bệnh đa dạng như người trưởng thành. Khả năng sản xuất ra IgG2 (một loại IgG có hiệu quả chống bệnh đặc biệt) chỉ bắt đầu phát triển khi trẻ khoảng 2 tuổi. Có lẽ vì vậy mà trẻ được khuyến khích bú sữa mẹ đến ít nhất 2 tuổi. [3]
Đối với những loại bệnh nguy hiểm mà người mẹ có kháng thể trong máu, nếu người mẹ đang không bị bệnh thì IgG cho bệnh đó trong máu sẽ chỉ ở mức thấp (xin nhắc lại là cơ thể sẽ chỉ tạo ra nhiều kháng thể chống bệnh khi gặp mầm bệnh thôi). Do đó, lượng IgG mà trẻ nhận được cho bệnh đó cũng sẽ thấp và khả năng cao là không đủ để bảo vệ trẻ khỏi bệnh. Do đó, một số bà mẹ tiêm chủng trong hai giai đoạn sau của thai kỳ để có nhiều kháng thể truyền cho con.
Một lượng ít kháng thể sẽ được truyền từ máu của mẹ qua nhau thai vào cơ thể trẻ bắt đầu từ ba tháng giữa của thai kỳ (tuần 13-27) và sau đó sẽ đạt mức cao nhất ở ba tháng cuối thai kỳ. Trẻ sinh sớm (< 32 tuần) sẽ không nhận được nhiều kháng thể từ mẹ nên dễ bị bệnh hơn trẻ sinh đủ tháng. [4,5,6]
Miễn dịch thụ động qua sữa mẹ
Cách thứ hai để bé nhận được miễn dịch thụ động là thông qua sữa mẹ. Đầu tiên hết phải kể đến sữa non, là loại sữa chứa lượng lớn kháng thể và dinh dưỡng cho bé trong vài ngày đầu tiên sau sinh. Sữa non chứa lượng lớn kháng thể IgA (là IgA, khác với IgG vừa được đề cập phía trên). Sữa non có chứa đến 12 g IgA/lít giúp bảo vệ bề mặt ruột của trẻ khi vừa sinh ra. Sau vài ngày, cơ thể tạo ra sữa mẹ có chứa chủ yếu là IgA (0,5-1,0 g IgA/lít) và một lượng nhỏ IgG. Một đứa bé bú mẹ hoàn toàn sẽ nhận được khoảng 75 mg IgA/kg khối lượng mỗi ngày, còn một người trưởng thành trung bình tạo ra khoảng 40 mg IgA/kg khối lượng mỗi ngày. Lượng IgA trong sữa mẹ cao gấp đôi so với người trưởng thành, giúp bảo vệ bề mặt niêm mạc ở miệng, cổ họng và ruột của bé khỏi các loại vi sinh vật đường ruột mà người mẹ nhiễm phải.
Cơ chế của việc sản xuất kháng thể IgA trong sữa tương ứng với kháng thể trong cơ thể người mẹ như sau: Trong đường ruột của người mẹ, một vi sinh vật gây bệnh lạ sẽ bị hệ miễn dịch nhận biết và báo động đến tế bào lympho T. Tế bào lympho T này sẽ kích thích tế bào B khiến chúng biệt hoá thành tương bào và theo đường máu đến bầu vú của người mẹ để tiết ra IgA. IgA được tạo ra sẽ đi vào tuyến sữa để sau đó bảo vệ đường ruột của trẻ. [7,8]
Cần lưu ý là dù các nhà khoa học đã tìm thấy sự tương quan giữa việc tăng lượng IgA trong máu khi bé uống sữa mẹ, lượng IgA được vận chuyển từ sữa mẹ vào máu là rất ít. Cơ chế vận chuyển vào máu được cho là do có các thụ thể trên bề mặt niêm mạc có thể nhận ra kháng thể IgA và vận chuyển vào máu, chứ không phải là cơ chế thẩm thấu qua ruột trực tiếp. Do đó, lượng kháng thể vận chuyển được vào máu là có giới hạn. Hơn nữa, IgA chủ yếu hoạt động ở bề mặt ruột nên vẫn có tác dụng bảo vệ dù không được chuyển vào máu.
Cơ chế bảo vệ này là rất quan trọng cho trẻ trong những năm tháng đầu đời, nhất là ở những nước đang phát triển có nguồn nước không sạch. Tuy nhiên, chúng chỉ có tác dụng bảo vệ trẻ khỏi những mầm bệnh thông qua đường tiêu hoá và hô hấp (liên quan tới bề mặt niêm mạc, là nơi có nhiều IgA hiện diện), chứ không bảo vệ trẻ khỏi các bệnh trong máu (đây là chức năng của IgG như đã nói bên trên). [9]
Miễn dịch chủ động
Do kháng thể từ mẹ sẽ biến mất sau khoảng 6 tháng, từ giai đoạn này trở đi, trẻ cần tự tạo ra kháng thể của chính mình nhờ cơ chế miễn dịch chủ động mà cơ thể chỉ có được khi đã tiếp xúc với mầm bệnh (do bệnh hoặc tiêm vaccine). Về phần miễn dịch chủ động thì cơ chế ở trẻ em tương tự như người lớn nhưng thường yếu hơn và chậm hơn nên trẻ dễ bị bệnh hơn. Bạn đọc có thể tham khảo thêm cơ chế của hệ miễn dịch chủ động.
Sự khiếm khuyết trong hệ miễn dịch của trẻ liên quan đến tế bào B và kháng thể bao gồm: (1) tạo ra không đủ kháng thể và các kháng thể có tính đặc hiệu yếu (do chưa tiếp xúc với mầm bệnh trước đó); (2) phản ứng chậm với các mầm bệnh, đặc biệt là khả năng phản ứng với một số vi khuẩn như Hib B và Streptococcus pneumoniae chỉ hoàn thiện lúc 2-3 tuổi; (3) phản ứng hạn chế của tế bào T để kích thích tế bào B sản sinh ra các loại kháng thể có tính đặc hiệu cao. [10]
Ví dụ về việc trẻ bú sữa mẹ vẫn mắc bệnh
Dù được bú sữa mẹ và nhận các kháng thể từ mẹ, trẻ sơ sinh vẫn có khả năng mắc các bệnh mà người mẹ không hề bị ảnh hưởng, bởi vì hệ miễn dịch của trẻ vẫn đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Một ví dụ chính là bệnh tưa miệng (thrush). Bệnh gây ra do một loại nấm Candida có trong miệng, đường ruột và da. Loại nấm này luôn tồn tại ở các nơi kể trên nhưng thường bị khống chế bởi các loại vi khuẩn khác trong cơ thể. Tuy nhiên, ở một vài người bị bệnh và có hệ miễn dịch yếu, hoặc dùng kháng sinh nhiều làm yếu đi hệ vi khuẩn có lợi, nấm Candida có thể phát triển mạnh và tạo nên các vệt trắng sữa trên lưỡi và bên trong má. Có tài liệu cho rằng có đến 50% trẻ sơ sinh ở Mỹ (có hoặc không có bú sữa mẹ) bị bệnh tưa miệng. Đối với những trẻ bú mẹ, do cơ thể mẹ không cần sản xuất kháng thể để chống lại nấm Candida, nên trẻ cũng không nhận được sự bảo vệ trước loại nấm này.
Bình luận: Tương tự đối với các loại bệnh khác mà người mẹ không có kháng thể, nhất là các bệnh nguy hiểm, trẻ cũng sẽ không nhận được sự bảo vệ dù có bú sữa mẹ hay không. Lúc này, trẻ phải tự dựa vào hệ miễn dịch của chính bản thân mình.
Một số thành phần khác ngoài kháng thể trong sữa mẹ có tác dụng bảo vệ trẻ
Bên cạnh kháng thể thì sữa mẹ cũng chứa một số protein và hợp chất khác có hoạt tính sinh học giúp bảo vệ trẻ trong giai đoạn đầu đời. Ví dụ những protein tiêu biểu nhất gồm có lactoferrin, lysozyme và casein.
- Lactoferrin: là một loại protein có hoạt tính bảo vệ trẻ khỏi một số loại vi khuẩn, nấm và virus (bao gồm Hep B và C, rotavirus gây tiêu chảy, adenovirus…). Trong sữa non có chứa 7g/L lactoferrin, còn trong sữa mẹ có 1-3g/L. Không chỉ có trong sữa mẹ, lactoferrin còn được sản xuất tự nhiên trong cơ thể người và được tìm thấy trong nước mắt, nước dãi, dịch mật và dịch tuỵ.
- Lysozyme: Đây cũng là một thành phần của hệ miễn dịch tự nhiên của con người và được tìm thấy ở hàm lượng cao trong sữa mẹ. Chúng là các enzyme có tác dụng phá huỷ lớp màng ngoài của các loại vi khuẩn gram âm như Salmonella và E. coli. Ngoài ra chúng cũng có thể thâm nhập vào bên trong tế bào vi khuẩn và tiêu diệt chúng.
- Casein: Đây là loại protein chiếm đến 40% protein có trong sữa mẹ và cũng có tác dụng bảo vệ trẻ sơ sinh thông qua nhiều cơ chế, ví dụ như chống vi khuẩn bám vào thành ruột.
Kết luận
Trẻ được thừa hưởng IgG truyền qua nhau thai trong thời gian còn trong bụng mẹ. Lượng IgG này sẽ giảm mạnh sau khoảng 6 tháng. Nếu trẻ bú sữa mẹ thì sữa mẹ sẽ có tác dụng bảo vệ trẻ chừng nào trẻ còn bú sữa mẹ và vài tháng sau đó. Do sữa mẹ chứa chủ yếu IgA (tồn tại ở bề mặt niêm mạc) nên sữa mẹ sẽ bảo vệ trẻ chống lại các bệnh truyền qua bề mặt niêm mạc như các bệnh cúm, viêm phổi…, vốn là các bệnh thường gặp nhất ở trẻ. Ngoài ra, xét về mặt dinh dưỡng thì trẻ bú sữa mẹ sẽ nhận được chế độ dinh dưỡng cân bằng hơn nên sẽ phát triển tốt hơn, do đó có sức đề kháng cao hơn những trẻ uống sữa công thức. Vì vậy mà trẻ bú sữa mẹ thường ÍT BỊ BỆNH VẶT hơn trẻ không được bú mẹ, nhưng vẫn có khả năng bị các bệnh khác, nhất là các bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, dù uống sữa mẹ hay uống sữa công thức thì trẻ cũng sẽ mất vài năm để hoàn thiện hệ miễn dịch. Do đó, trong vài năm đầu đời, nếu trẻ chẳng may bị nhiễm bệnh mà chưa được tiêm chủng thì vẫn có khả năng cao không chống được các bệnh trong máu (dẫu là có tiêm chủng thì vẫn có khả năng nhiễm bệnh nhưng thấp hơn). Và tất nhiên là với những loại bệnh mà một người lớn bình thường khoẻ mạnh không có khả năng chống chọi hoặc rất yếu thì khả năng trẻ chống được các bệnh này càng thấp hơn.
Tóm lại, sữa mẹ có tác dụng bảo vệ trẻ trong những năm tháng đầu đời chống lại phần lớn các bệnh tiêu hoá, hô hấp thường gặp. Tuy nhiên, sự bảo vệ này chỉ có tác dụng tạm thời. Sự bảo vệ lâu dài hơn cho trẻ đòi hỏi hệ miễn dịch phải được tiếp xúc và huấn luyện với mầm bệnh, thông qua việc nhiễm bệnh thực sự hoặc tiêm vaccine.
Tác dụng của tế bào gốc được tìm thấy trong sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ sẽ được bình luận trong một bài viết khác. Nhưng hiện nay chưa có chứng cứ nào cũng như chưa có giả thuyết nào từ phía các nhà khoa học cho rằng tế bào gốc có thể thay thế cơ chế của hệ miễn dịch để bảo vệ trẻ khỏi các mầm bệnh.
Tài liệu tham khảo
-
http://kyowa-kirin.com/antibody/basics/isotypes.html
-
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1538544206001076?via%3Dihub
-
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1538544206001076?via%3Dihub
-
https://www.thescientificparent.org/passive-immunity-101-will-breast-milk-protect-my-baby-from-getting-sick/
-
http://journals.plos.org/plosone/article/related?id=10.1371/journal.pone.0070867
-
http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0264410X14001467#bib0120
-
https://www.cambridge.org/core/journals/nutrition-research-reviews/article/evolution-of-lactation-nutrition-v-protection-with-special-reference-to-five-mammalian-species/9A518FD5D8D1BC4B711E34441939A394/core-reader
-
https://www.nature.com/pr/journal/v61/n1/full/pr20073a.html
-
https://www.thescientificparent.org/passive-immunity-101-will-breast-milk-protect-my-baby-from-getting-sick/
-
https://www.thescientificparent.org/passive-immunity-101-will-breast-milk-protect-my-baby-from-getting-sick/