Nội dung chính
Biến thể Delta đã làm rung chuyển cuộc chiến chống dịch COVID-19 của rất nhiều nước trên thế giới. Trước tình trạng khan hiếm vaccine hiện nay và khả năng dịch bệnh kéo dài, tự chủ về vaccine là một trong những chiến lược quan trọng trong công cuộc phòng chống dịch hiệu quả của quốc gia. Điển hình là hai loại vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng của các đơn vị trong nước là Nano Covax (Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen và Học viện Quân y nghiên cứu phát triển) và Covivac (Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế).
Ủng hộ nỗ lực tự chủ về vaccine trong nước nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra về tiêu chuẩn và độ an toàn của các loại vaccine nội địa này. Tiến sĩ người Việt từng tiêm thử nghiệm vaccine Pfizer: “Vaccine Nanocovax an toàn. Nếu được hỏi, tôi sẽ tình nguyện tiêm”.
Vừa qua, khi Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng xin được cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine Nanocovax, có hai luồng ý kiến trái chiều từ cả giới chuyên gia lẫn bạn đọc phổ thông.
Đơn kiến nghị đã bị từ chối. Nhưng ngày 26-6 đoàn công tác của Chính phủ đã trực tiếp đến thăm công ty Nanogen để tận mắt chứng kiến nơi sản xuất và năng lực của công ty để đẩy nhanh việc sản xuất vaccine trong nước song song với việc tích cực làm việc với WHO nhằm đảm bảo chất lượng vaccine. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nói Bộ Y tế đã “cắt bỏ” các thủ tục hành chính để việc phát triển vaccine chỉ tập trung vào chuyên môn.
Theo tôi đây có lẽ là kết quả hoàn hảo nhất, vì nó cân bằng những lo lắng từ cả hai phía ủng hộ và phản đối. Riêng cá nhân tôi, nếu có cơ hội, tôi sẵn sàng tham gia tiêm chủng vaccine Nanocovax vì nhiều lý do, dựa vào những kinh nghiệm cá nhân khi nghiên cứu vaccine cúm, vaccine phòng bệnh zona và vaccine COVID-19 trong hơn bốn năm qua.
Hai nhóm ủng hộ và phản đối đơn kiến nghị nghĩ gì?
Đầu tiên, chúng ta nên nhìn lại những ý kiến từ cả hai phía ủng hộ và phản đối để có được cái nhìn khách quan nhất.
Phía ủng hộ đơn kiến nghị cho rằng trong tình huống khẩn cấp hiện tại, việc tìm ra nguồn vaccine để tiêm chủng đại trà là vô cùng cấp bách và là biện pháp hữu hiệu nhất để thúc đẩy kiểm soát dịch bệnh. Việc tận dụng nguồn vaccine trong nước trước khi hoàn thành ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đã từng được Nga và Trung Quốc áp dụng từ năm ngoái. “Vậy thì tại sao nước ta không làm?”
Ngoài ra, lý do “ủng hộ hàng nội địa”, chất lượng vaccine Việt Nam đáng tin hơn một số vaccine nước ngoài (Trung Quốc, Nga), giá thành thấp hơn vaccine nhập, cũng được phía ủng hộ nêu ra.
Trái lại, nhóm phản đối mong muốn vaccine được phát triển theo quy trình tiêu chuẩn để đảm bảo độ an toàn và hiệu quả trước khi tiêm chủng đại trà, bởi dịch bệnh hiện vẫn còn đang trong vòng kiểm soát.
Sự thận trọng của nhóm phản đối không hoàn toàn vô lý. Chúng đến từ những bài học kinh nghiệm (một số có thật) trong quá trình phát triển nhiều loại vaccine khác nhau trên thế giới trước đây. Điển hình nhất, nỗi lo sợ về một hiệu ứng phụ nghiêm trọng nào đó chỉ được phát hiện sau khi tiêm chủng trên diện rộng, như hiện tượng đông máu đối với vaccine AstraZenecca, là một trong những nỗi lo lớn nhất.
Cả hai phía đều có những lý lẽ hợp lý và chính đáng. Trong bài viết này, tôi xin trình bày những điều đã biết về công nghệ vaccine protein tái tổng hợp để bạn đọc rộng đường đánh giá và đưa ra lựa chọn cho mình.
Vấn đề an toàn của vaccine Nanocovax không đáng lo ngại công nghệ protein tái tổng hợp là một công nghệ khá lâu đời.
Vaccine đầu tiên sử dụng công nghệ này chính là vaccine viêm gan B được sử dụng tại Mỹ từ năm 1986 (Việt Nam cũng sản xuất vaccine viêm gan B theo công nghệ này). Tiếp theo đó, vaccine ho gà (pertussis vaccine) được tiêm cho phần lớn các trẻ em Mỹ cũng là protein tái tổng hợp.
Hai năm trước, tôi từng hợp tác nghiên cứu đáp ứng miễn dịch đối với vaccine phòng bệnh zona Shingrix làm bằng công nghệ protein tái tổng hợp để thay thế cho một vaccine cũ Zostavax dựa trên virus giảm độc lực. Vaccine Shingrix an toàn trên các bệnh nhân ung thư máu mà chúng tôi thử nghiệm, đồng thời lại tạo được đáp ứng miễn dịch cao hơn mong đợi ở nhóm đối tượng này. Shingrix đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trong khi Zostavax đã không còn được sử dụng ở Mỹ nữa.
Ngoài ra, vaccine cúm FluBlok được dùng trong chương trình tiêm chủng hàng năm tại Mỹ từ năm 2013 cũng là vaccine protein tái tổng hợp dù đây không phải là vaccine cúm duy nhất.
Như vậy, có thể nói vaccine protein tái tổng hợp là nhóm vaccine có độ an toàn cao trên nhiều đối tượng sử dụng sau vài thập kỷ sử dụng. Vì vậy, khả năng vaccine thuộc nhóm công nghệ này (như Nanocovax) gây ra những hiệu ứng phụ nghiêm trọng là rất thấp nếu được sản xuất đúng quy cách.
Tá dược – lo nhưng không lo
Đối với vaccine protein tái tổng hợp, việc sử dụng tá dược để tăng cường khả năng kích thích miễn dịch là rất phổ biến, nếu không muốn nói là cần thiết để đạt hiệu quả cao.
Các tá dược lại thường là nguyên nhân chính gây ra những hiệu ứng phụ như đau cơ, sốt, cảm thấy suy nhược. Thế nhưng, các triệu chứng phụ này chỉ tạm thời và ít khi nghiêm trọng hoặc kéo dài; người lao động thường vẫn có khả năng làm việc sau khi tiêm chủng mà không phải xin nghỉ phép.
Tá dược được sử dụng trong vaccine Nanocovax là tá dược nhôm – loại tá dược được sử dụng lâu đời nhất trong số các loại tá dược hiện nay: tá dược nhôm lần đầu được sử dụng vào năm 1932 và là loại tá dược duy nhất được dùng cho con người trong suốt gần 70 năm tiếp theo.
Dù các loại tá dược sau này có hiệu quả kích thích miễn dịch nhìn chung cao hơn tá dược nhôm, nhưng xét về mặt an toàn thì phải thừa nhận rằng tá dược nhôm có bề dày thành tích đáng nể nhất.
Mấy năm trước từng có lúc rộ lên thông tin tá dược nhôm trong nhiều loại vaccine thường gặp gây tự kỷ ở trẻ em, khiến tình trạng phản đối vaccine tăng cao. Thế nhưng, thông tin này lại dựa vào ba bài báo của cùng một nhóm nhà nghiên cứu đã bị giới khoa học chỉ trích dữ dội vì phương pháp nghiên cứu lỗi, cách phân tích dữ liệu không thỏa đáng và thậm chí còn sửa đổi kết quả. Cả ba bài báo đều đã bị rút khỏi các tạp chí tương ứng.
Sau hơn 80 năm, tá dược nhôm vẫn được cho là không gây tự kỷ hay các hiệu ứng phụ nghiêm trọng nào. Vì vậy, trong số các loại vaccine COVID-19, có lẽ tôi sẽ bình chọn cho vaccine protein tái tổng hợp là vaccine có độ an toàn cao nhất và mức độ gây hiệu ứng phụ thấp nhất (dù không phải là không có).
Hiệu quả của vaccine protein tái tổng hợp ở mức nào?
Đối với mỗi loại công nghệ, trái ngược với độ an toàn (bao gồm hiệu ứng phụ nghiêm trọng) thường tương đồng nhau giữa các loại vaccine được sản xuất đúng quy chuẩn, hiệu quả của các loại vaccine lại bị nhiều yếu tố ảnh hưởng và có thể dao động lớn. Ví dụ hai vaccine dựa trên công nghệ adenovirus là AstraZeneca và J&J đều có hiệu quả trong khoảng 70-80%.
Trong khi đó, hai vaccine từ Pfizer và Moderna dựa trên công nghệ mRNA đều đạt hiệu quả 90%-95% trong thử nghiệm lâm sàng nhưng vaccine của công ty CureVac từ Đức dựa trên cùng công nghệ mRNA chỉ đạt hiệu quả 47%.
Tương tự, vaccine protein tái tổng hợp có các mức hiệu quả khác nhau tùy thuộc vào cách sản xuất (thiết kế) protein và quan trọng hơn tùy vào loại tá dược sử dụng.
Gần đây công ty Mỹ Nonavax đã công bố vaccine protein tái tổng hợp của họ có hiệu quả đạt 90% trong thử nghiệm lâm sàng ngay cả đối với các biến thể. Vaccine Nonavax sử dụng tá dược Matrix-M có chứa saponin, một loại tá dược thế hệ sau so với tá dược nhôm của Nanocovax.
Như vậy, cho tới khi số liệu về hiệu quả của vaccine NanoCovax được công bố thì khó có thể nói chính xác hiệu quả bảo vệ sẽ đến đâu. Tuy nhiên, tôi vẫn cho phép mình quyền hi vọng.
Câu chuyện của Nanocovax
Sau khi liên hệ trực tiếp với anh Đỗ Minh Sĩ – Giám đốc R&D của công ty Nanogen – để trả lời một số thắc mắc của bạn đọc xoay quanh quá trình sản xuất và phát triển của vaccine Nanocovax, tôi đã nhận được những lời giải đáp rất rõ ràng của anh và xin chia sẻ lại với bạn đọc.
– Có phải Nanocovax chỉ thu thập thông tin về tác dụng phụ bảy ngày sau mỗi mũi tiêm?
Ông Đỗ Minh Sĩ: Cần nói rõ là Nanocovax sử dụng hai trung tâm nghiên cứu lâm sàng là Học viện Quân y và Viện Pasteur TP. HCM để thực hiện các thử nghiệm lâm sàng, chứ Nanogen không trực tiếp đứng ra thử nghiệm.
Theo các quy trình chung khi thử nghiệm vaccine, người tình nguyện sẽ được theo dõi hàng ngày trong bảy ngày liên tục sau mỗi mũi tiêm. Sau đó, người tình nguyện sẽ chủ động báo cáo với trung tâm nghiên cứu nếu có triệu chứng bất thường sau bảy ngày đó (yêu cầu được ghi rõ trong phiếu Chấp thuận tham gia nghiên cứu).
Nanogen cũng có thuê một công ty tư nhân giám sát trung tâm nghiên cứu. Họ có trách nhiệm báo cáo ngay lên Bộ Y tế nếu phát hiện quá trình thử nghiệm có gì bất ổn.
(Cá nhân tôi cũng là tình nguyện viên cho thử nghiệm pha một của vaccine COVID-19 Pfizer hồi tháng 6 năm 2020. Tôi cũng bị yêu cầu báo cáo tình trạng sức khỏe mỗi ngày trong vòng bảy ngày đầu sau mỗi mũi tiêm và sẽ liên hệ với trung tâm thử nghiệm nếu có triệu chứng bệnh đường hô hấp hoặc hiệu ứng phụ bất thường trong những tuần sau đó. – Nguyễn Quốc Thục Phương)
– Thử nghiệm của Pfizer kéo dài hai năm, nên đến nay tôi vẫn có trách nhiệm báo cáo cho họ khi có bệnh. Như vậy, quy trình theo dõi của Nanocovax hoàn toàn hợp lý và giống với các vaccine khác trên thế giới.
Ông Đỗ Minh Sĩ: Vaccine Nanocovax gây ra ít hiệu ứng phụ nghiêm trọng so với vaccine dựa trên các nền tảng công nghệ khác do Nanocovax sử dụng kháng nguyên tinh sạch (>95%) và chỉ sử dụng một lượng nhỏ 25 mcg.
Để so sánh, độ tinh sạch của các protein tái tổng hợp trong các sản phẩm thương mại dùng cho nghiên cứu thường dao động ở các mức >70%, >85% hoặc >95%. Yêu cầu của WHO cho các vaccine dùng protein tái tổng hợp là >95%. Vaccine cúm FluBlok tôi đề cập bên trên cũng đạt độ tinh sạch >95%. Ngoài ra, một liều chuẩn của vaccine FluBlok có chứa 45 mcg protein so với Nanocovax chỉ chứa 25 mcg.
– Có phải Nanogen chưa có kinh nghiệm sản xuất vaccine?
Ông Đỗ Minh Sĩ: Đúng là Nanogen lần đầu sản xuất vaccine, nhưng đã có hơn 15 năm kinh nghiệm sản xuất và hơn 10 năm ra thị trường các kháng thể đơn dòng (cùng bản chất là protein tái tổ hợp) như EPO, Darbepoetin, Trastuzumab, rituximab, bevacizumab, adalimumab, ipilimumab, nivolumab, bembrolizumab, peginterferon, pegfilgrastim… Vì vậy, Nanogen đã có rất nhiều kinh nghiệm trong thử nghiệm lâm sàng các thuốc sinh học.
Việc phát triển vaccine Nanocovax đã được thực hiện rất bài bản như đối với các thuốc sinh học khác, vì sơ xuất nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến những thành tựu Nanogen đã dày công gầy dựng bao năm qua.
Những thử nghiệm tiền lâm sàng của Nanocovax đều do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE), Viện Pasteur TP.HCM, Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương thực hiện nên đảm bảo kết quả khách quan trước khi được cấp phép thực hiện thử nghiệm lâm sàng trên người. Các lô vaccine dùng cho thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng được kiểm định bởi Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm-
– Vì sao Nanocovax chậm công bố kết quả pha 1&2?
Ông Đỗ Minh Sĩ: Nanogen vẫn báo cáo kết quả với các cơ quan chức năng theo đúng quy trình phát triển vaccine trước khi được cấp phép thực hiện pha thử nghiệm lâm sàng mới. Nanogen chỉ chưa kịp công bố kết quả dưới dạng bài báo khoa học để đông đảo bạn đọc tiếp cận được do nhân lực còn hạn chế so với khối lượng công việc khổng lồ phải hoàn thành trong thời gian ngắn. Hiện Nanogen đang gấp rút hoàn thành bản thảo báo cáo kết quả pha 1&2 để công bố trong 1-2 tuần tới.
– Có phải đến nay Nanocovax chưa báo cáo kết quả Pha 1 và 2 với Hội đồng Y đức?
Ông Đỗ Minh Sĩ: Như đã nói trên, kết quả thử nghiệm Nanocovax bắt buộc phải được báo cáo với Hội đồng Y đức trước khi được chuyển sang pha thử nghiệm mới, hoàn toàn tuân theo quy trình phát triển vaccine tiêu chuẩn. Nanogen thường xuyên gửi báo cáo cho hội đồng, hơn nữa, Hội đồng đạo đức và Bộ Y tế vẫn tổ chức các đoàn thanh tra kiểm tra việc thực hiện GCP (Thực hành nghiên cứu lâm sàng tốt) tại các điểm nghiên cứu.
Cần lưu ý rằng do tính cấp bách của vaccine COVID-19, các nước trên thế giới đều thực hiện phương pháp “gối đầu” khi phát triển vaccine: pha thử nghiệm sau được bắt đầu trước khi pha trước kết thúc (vì thời gian theo dõi chính thức của mỗi pha là 1-2 năm). Theo kế hoạch, phải tới tháng 2/2022 mới hoàn thiện các kết quả pha 2, nhưng Bộ Y tế đã xem xét phê duyệt tiến hành pha 3 vào ngày 11/6/2021.
Ngày 25/6/2021, Bộ Y tế cũng đã tổ chức cuộc họp Hội đồng Đạo đức để đánh giá tiến độ triển khai thử nghiệm lâm sàng pha 3, cập nhật dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và dữ liệu giai đoạn 3 đến thời điểm hiện tại. Dựa trên kết quả nghiệm thu giữa kỳ giai đoạn 2 vào ngày 28/5, Hội đồng đánh giá ứng viên vaccine Nanocovax có tính an toàn và tính sinh miễn dịch ở giai đoạn thử nghiệm này.
Lựa chọn là của bạn
Nếu xét về độ an toàn thì công nghệ protein tái tổ hợp và tá dược nhôm của Nanocovax đã có lịch sử lâu đời đến vài thập kỷ. Hiệu quả của vaccine Nanocovax hiện vẫn là một dấu chấm hỏi cho đến khi kết quả chính thức được công bố. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu không có dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng thì có lẽ sẽ phải mất thời gian khá dài để biết được hiệu quả của vaccine trong pha ba (cũng vì vậy một số vaccine đã được thử nghiệm ở các nước khác với nước chủ nhà).
Theo ý kiến cá nhân tôi, trong tình trạng khan hiếm vaccine, một vaccine an toàn dù có hiệu quả thấp vẫn tốt hơn không có vaccine. Sau khi tình trạng khan hiếm được khắc phục, nếu cần vẫn có thể chích nhắc lại bằng các loại vaccine khác hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, cũng cần nhớ rằng tiêm chủng rồi (nhất là với vaccine chưa rõ hiệu quả) vẫn có thể mắc bệnh, nên vẫn cần nghiêm túc tuân thủ các biện pháp 5K và chỉ thị của Nhà nước.
Riêng tôi nếu được hỏi, tôi sẽ tình nguyện tiêm chủng vaccine Nanocovax.
Tài liệu tham khảo:
https://www.clinicaltrials.gov/ct2/show/NCT04683484
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8225103/
https://www.thelancet.com/journals/laninf/article/PIIS1473-3099(21)00227-9/fulltext
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6985921/
https://www.healthline.com/health-news/vaccines-dont-cause-autism-so-what-does-022015
https://moh.gov.vn/thong-tin-chi-dao-dieu-hanh/-/asset_publisher/DOHhlnDN87WZ/content/tang-toc-hoan-thanh-thu-nghiem-lam-sang-giai-oan-3-vac-xin-nano-covax-trong-thang-8-2021
Bài viết đã được đăng trên báo Soha.vn ngày 14/07/2021.