Nội dung chính
- 1 Virus SARS-CoV-2 có tồn tại trên bề mặt bao bì thực phẩm hay không?
- 2 Lựa chọn, vận chuyển và sơ chế nông sản thực phẩm như thế nào để đảm bảo an toàn?
- 3 Virus có thể tồn tại đến vài ngày trên các bề mặt vật liệu khác nhau, nhưng chưa có bằng chứng về các ca COVID-19 do tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm bẩn?
- 4 Vậy có nên phun khử khuẩn nông sản thực phẩm có nguồn gốc từ vùng dịch hay không?
Để chia sẻ cùng người dân Hải Dương vơi nhẹ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, rất nhiều cá nhân, đơn vị đã có ý tưởng “giải cứu nông sản” cho tỉnh này. Tuy nhiên, không ít người dân băn khoăn về vấn đề liệu virus SARS-CoV-2 có lây qua đường thực phẩm, hàng hóa không? Và làm cách nào để lựa chọn, vận chuyển và sơ chế nông sản thực phẩm đảm bảo an toàn?
Trong tình hình Việt Nam xuất hiện những ổ dịch COVID-19, một số vùng dịch bị cách ly như Quảng Ninh và Hải Dương dẫn tới nông sản của bà con nông dân bị tồn đọng, không đưa đi tiêu thụ ở nơi khác được. Từ đó, phong trào giải cứu nông sản được lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội và được người dân cả nước nhiệt tình tham gia. Tuy nhiên, người dân vẫn còn nhiều băn khoăn về khả năng lây nhiễm COVID-19 trong lúc vận chuyển hoặc tiêu thụ nông sản từ vùng dịch.
Câu hỏi được đặt ra là: “Làm sao để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, bán và tiêu thụ nông sản từ vùng dịch?
Virus SARS-CoV-2 có tồn tại trên bề mặt bao bì thực phẩm hay không?
Nguồn ảnh: Unplash/ Kwon Junho
Virus SARS-CoV-2 không thể phát triển trên bề mặt thực phẩm, ngay cả trên rau củ quả tươi, thực phẩm đông lạnh hay thực phẩm chế biến sẵn. Chúng chỉ có thể nhân lên và tồn tại trên vật chủ sống thích hợp, bao gồm con người và một số động vật. Theo báo cáo gần đây nhất (năm 2020) của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (European Centre for Disease control, ECDC), có rất ít bằng chứng cho thấy virusSARS-CoV-2 tồn tại bên ngoài cơ thể người. Trong các điều kiện thí nghiệm khác nhau ở nhiệt độ 22°C, virus này có thể tồn tại ổn định đến 3 giờ trong môi trường khí dung, 4 giờ trên bề mặt kim loại đồng, 24 giờ trên bìa cứng và 2 đến 3 ngày trên nhựa và thép không gỉ. Nhiệt độ càng cao thì thời gian tồn tại của virus SARS-CoV-2 ở các điều kiện trên càng giảm.
Lựa chọn, vận chuyển và sơ chế nông sản thực phẩm như thế nào để đảm bảo an toàn?
Mặc dù hiện tại chưa có bằng chứng về ca nhiễm COVID-19 từ thực phẩm, bao bì hay túi đựng thực phẩm khi đi chợ, chúng ta cũng cần phải tuân thủ các nguyên tắc thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm để giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 và các vi sinh vật gây bệnh thường có trong thực phẩm.
Cụ thể, hãy đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn với người khác khi đi chợ. Luôn mang theo dung dịch rửa tay sát trùng bên người để sử dụng trước khi vào chợ/siêu thị hoặc các trung tâm mua sắm khác. Sử dụng giấy lau sát trùng (hoặc dung dịch rửa tay sát trùng) để làm sạch tay cầm của xe đẩy hàng/giỏ đựng có sẵn trong siêu thị nếu chúng chưa được sát trùng. Sau khi đi chợ/siêu thị về, hãy rửa tay đúng cách bằng nước ấm và xà phòng trong ít nhất 20 giây.
Khi sơ chế nông sản thực phẩm, bạn cần lưu ý:
Đối với thực phẩm tươi sống bao gói sẵn: hãy mở bỏ bao bì, chuyển thực phẩm sang các hộp chứa/bao bì sạch rồi giữ lạnh hoặc lạnh đông trong vòng 2 giờ sau khi mua từ siêu thị, đặc biệt đối với thịt, trứng, thuỷ hải sản và các rau quả dễ hư hỏng như xà lách, quả mọng, rau gia vị, nấm, v.v… KHÔNG dùng dung dịch sát trùng (thường dùng để sát trùng bề mặt rắn như nước tẩy hoặc dung dịch ammonia) để làm sạch bao bì thực phẩm làm bằng giấy carton hay màng bọc thực phẩm. Đối với các túi đi chợ tái sử dụng, hãy giặt sạch và phơi khô trong môi trường ấm nhất có thể (phơi nắng chẳng hạn).
Đối với rau củ quả tươi: KHÔNG rửa bằng xà phòng, nước tẩy, nước rửa tay sát khuẩn, cồn hay các dung dịch sát trùng và hoá chất khác vì rau củ quả sẽ hấp thụ các hoá chất này và gây ngộ độc cho cơ thể. Hãy rửa rau quả một cách nhẹ nhàng dưới vòi nước sạch (nước lạnh). Sử dụng bàn chải sạch để rửa sạch vỏ ngoài của các loại củ quả (như khoai tây, khoai lang, dưa leo, dưa hấu, v.v…) ngay cả khi bạn sẽ gọt vỏ khi ăn. Hãy lưu ý rằng, nước muối, giấm, nước chanh hay các dung dịch tương tự KHÔNG giúp bạn loại bỏ vi sinh vật gây bệnh trên rau củ quả tươi.
Nên nấu thực phẩm trong bao lâu? Nhiệt độ nào tiêu diệt được virus này?
Nguồn ảnh: Unplash/ Gita Krishnamurti
Theo WHO, loại virus này chịu nhiệt hơn các loại virus và vi khuẩn gây bệnh thường thấy trong thực phẩm. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, thực phẩm cần được nấu chín đến nhiệt độ thấp nhất là 70oC và theo hướng dẫn nhiệt độ nấu khuyến cáo cho từng loại thực phẩm cụ thể.
Hơn nữa, hãy luôn tuân thủ 5 nguyên tắc an toàn thực phẩm khi chuẩn bị và chế biến thực phẩm tại nhà (WHO) sau đây:
- Sạch sẽ: Đảm bảo khu vực bếp và các dụng cụ nấu ăn luôn sạch sẽ, luôn rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm. Sử dụng các dụng dịch tẩy rửa và sát trùng phù hợp để làm sạch bề mặt bếp và các dụng cụ nhà bếp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Tránh nhiễm chéo: Tách riêng thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã nấu chín. Hãy sử dụng các dụng cụ riêng để sơ chế thực phẩm tươi sống như thịt và hải sản tươi, đựng thực phẩm trong các hộp chứa để tránh sự tiếp xúc giữa thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã nấu chín.
- Nấu chín: Nấu chín và hâm nóng thực phẩm đến nhiệt độ cần thiết (70oC), đặc biệt với thịt, trứng, thuỷ hải sản, các món súp và món hầm. Hãy dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ thực phẩm khi nấu.
- Giữ thực phẩm ở vùng nhiệt độ an toàn: Không để thực phẩm đã nấu chín ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ, nhanh chóng cất thực phẩm vừa nấu xong hoặc thực phẩm dễ hư hỏng vào tủ lạnh (đảm bảo nhiệt độ thấp hơn 5oC), giữ thực phẩm nóng tối thiểu 60oC trước khi ăn, không bảo quản thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh, không rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng.
- Sử dụng nguồn nước sạch và chọn mua thực phẩm an toàn: Sử dụng nguồn nước sạch, lựa chọn thực phẩm tươi, chọn thực phẩm đã xử lý để đảm bảo an toàn thực phẩm (ví dụ sữa tươi đã thanh trùng), rửa sạch rau củ quả (đặc biệt khi dùng để ăn tươi), không ăn thực phẩm đã quá hạn sử dụng.
Virus có thể tồn tại đến vài ngày trên các bề mặt vật liệu khác nhau, nhưng chưa có bằng chứng về các ca COVID-19 do tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm bẩn?
Để có thể gây bệnh cần hội tụ đủ hai yếu tố đó là: đủ lượng virus, và lượng virus này phải đi vào mắt, mũi hoặc miệng. Lượng virus tối thiểu một người cần bị nhiễm để gây bệnh COVID-19 được cho là khoảng vài trăm, trong khi với MERS (một virus nguy hiểm cùng họ coronavirus) là vài ngàn, hoặc với cúm là khoảng 10.000 con virus.
Hạt dịch từ người bệnh có kích thước càng nhỏ – nhất là các hạt dưới 5 micromét – thì càng chứa ít virus. Điều này cũng lý giải cho việc đeo khẩu trang sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh, do phần lớn các hạt dịch lớn chứa nhiều virus đã bị khẩu trang chặn lại.
Ngoài ra, virus tồn tại bên ngoài cơ thể hoặc tế bào sống (như trên bề mặt bao bì hoặc thực phẩm) càng lâu thì lượng virus càng giảm. Cuối cùng, sau khi tay chạm vào bề mặt nhiễm virus thì cũng cần chạm vào mắt, mũi, miệng để có thể gây bệnh. Tất cả những lý do trên khiến cho nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19 do tiếp xúc với bề mặt bẩn trở nên rất thấp.
Vì vậy, tại Mỹ các dịch vụ mua thức ăn mang về được xem là an toàn và rất phổ biến ngay cả trong giai đoạn đỉnh dịch.
Vậy có nên phun khử khuẩn nông sản thực phẩm có nguồn gốc từ vùng dịch hay không?
Việc phun khử khuẩn các nông sản thực phẩm để tránh nhiễm COVID-19 là không cần thiết nếu người dân hiểu được các con đường lây nhiễm và thực hành các biện pháp chế biến an toàn hợp lý.
Các hướng dẫn của WHO, CDC và FDA đều cảnh báo các cơ sở sản xuất thực phẩm và người tiêu dùng KHÔNG xử lý thực phẩm hay bao bì thực phẩm bằng các dung dịch sát trùng. Do vậy, các cơ sở thu mua, vận chuyển, chế biến hay bán lẻ nông sản từ vùng dịch KHÔNG ĐƯỢC phun khử khuẩn nông sản thực phẩm. Bởi vì các nông sản thực phẩm có thể hấp thụ hoá chất sát trùng, lưu lại trong thực phẩm và gây ngộ độc cho người tiêu dùng, khiến cho lợi bất cập hại.
Tóm lại, nguy cơ bị nhiễm COVID-19 từ thực phẩm hay bao bì thực phẩm rất thấp. Cho đến nay vẫn chưa có báo cáo về ca bệnh COVID-19 do ăn thực phẩm hay tiếp xúc với thực phẩm và bao bì bị nhiễm virus. Virus SARS-CoV-2 không thể phát triển được trên bề mặt thực phẩm, ngay cả rau củ quả tươi, thực phẩm đông lạnh hay thực phẩm chế biến.
Do vậy, KHÔNG xử lý thực phẩm và bề mặt bao bì bằng bất kỳ dung dịch sát trùng nào. Sau khi lựa chọn và mua thực phẩm, trước khi nấu ăn hay trước khi ăn, hãy luôn rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây, sử dụng dung dịch rửa tay có nồng độ cồn tối thiểu 60% để thay thế nếu không có sẵn xà phòng và nước sạch. Hãy sơ chế nông sản thực phẩm đúng cách và luôn tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm để giảm nguy cơ nhiễm COVID-19 cũng như các vi sinh vật gậy bệnh thường có mặt trong thực phẩm.
Bài viết đã được đăng trên Từ chợ đến Bàn ăn
Tài liệu tham khảo:
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/daily-life-coping/food-and-COVID-19.htm https://www.who.int/news-room/q-a-detail/coronavirus-disease-covid-19-food-businesses https://www.who.int/publications/i/item/9789241594639 https://www.fda.gov/food/food-safety-during-emergencies/shopping-food-during-covid-19-pandemic-information-consumers https://www.fda.gov/emergency-preparedness-and-response/coronavirus-disease-2019-covid-19/covid-19-frequently-asked-questions https://www.ashclinicalnews.org/online-exclusives/much-coronavirus-must-present-get-sick/