Thứ Năm, 21/11/2024
Những vấn đề được quan tâm Kiến thức tổng hợp Cách đánh giá thông tin y học khách quan

Cách đánh giá thông tin y học khách quan

 

Cách đánh giá thông tin y học khách quan

Hiện nay, trên mạng cũng như trên các phương tiện truyền thông đại chúng có quá nhiều những thông tin trái chiều gây hoang mang cho người tiêu dùng. Đặc biệt, một số trang mạng đưa thông tin có dẫn tài liệu tham khảo trông rất đáng tin nhưng thực ra lại dựa trên những nguồn dữ liệu không đáng tin cậy. Hoặc một trường hợp thường thấy và đáng ngại nhất là chỉ trích dẫn một phần kết quả, ví dụ như tổng quát hóa một kết luận cho tất cả mọi đối tượng tiêu dùng trong khi nghiên cứu được thực hiện trên một nhóm đối tượng đặc biệt. Do đó chúng tôi viết bài này với hy vọng giúp người tiêu dùng/độc giả tự trang bị cho mình cách đánh giá độ tin cậy của những thông tin y học được đưa ra, tránh tình trạng hoang mang vì tin mù quáng quảng cáo của các nhà sản xuất hoặc thậm chí từ một số chuyên gia dinh dưỡng, vì suy cho cùng lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng (nếu đúng đắn) cũng phải dựa trên các nghiên cứu đáng tin cậy.

Lưu ý: Do bài viết này mang tính học thuật cao, nên độc giả chỉ cần hiểu tổng quát thì có thể trực tiếp tham khảo phần Tổng kếtLời nhắn nhủ bạn đọc ở cuối bài viết.

Để đánh giá độ tin cậy của thông tin y học một cách khách quan, bạn cần biết những điểm bao gồm: nguồn (cơ sở dữ liệu), cách thức chọn mô hình nghiên cứu và quỹ hỗ trợ nghiên cứu.

Nguồn – cơ sở dữ liệu

Không phải cứ là thông tin từ tài liệu tiếng Anh là đáng tin cậy. Một số nguồn dữ liệu y học đáng tin cậy bao gồm Cơ sở dữ liệu về các chủ đề khoa học đời sống và y sinh học, được duy trì hoạt động bởi Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ – Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (PubMed – U.S National Library of Medicine) hoặc một số tạp chí uy tín như là BMJ (British Medical Journal – Tạp chí Y khoa Anh Quốc).

Còn những thông tin tổng hợp từ một số tổ chức nhỏ, đặc biệt là những trang báo thường thức hoặc các tổ chức được lập ra để ủng hộ cho một vấn đề nào đó, chưa hẳn đáng tin cậy. Chẳng hạn nếu bạn muốn tìm hiểu về độ an toàn của các sản phẩm từ động vật thì không nên tin mù quáng những thông tin từ các tổ chức muốn kêu gọi chế độ ăn chay hoặc thuần chay, và tất nhiên là cũng không nên tin mù quáng từ quảng cáo của những nhà sản xuất.

Cách thức chọn mô hình nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực y học có độ tin cậy cao hay thấp, mức ảnh hưởng hẹp hay rộng tùy thuộc vào cách thức chọn mô hình nghiên cứu. Có ba loại mô hình nghiên cứu chính là nghiên cứu quan sát (chỉ dựa trên quan sát, tổng hợp thông tin và kết quả trả lời bảng câu hỏi), nghiên cứu lâm sàng (có thực nghiệm) và tổng hợp tài liệu.

  1. Nghiên cứu quan sát (observational studies): gồm có nghiên cứu thuần tập (cohort study) và nghiên cứu bệnh chứng (base control study).

Độ tin cậy

Một số người cho rằng, nếu nghiên cứu quan sát được thiết lập hoàn hảo thì độ tin cậy của nó có thể tương đương với nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (randomized controlled trial – xem bên dưới). Tuy nhiên “thiết lập hoàn hảo” là một thuật ngữ khó đạt được, do đó nhìn chung độ tin cậy của nó vẫn còn là câu hỏi.

Tại sao các nhà khoa học lại chọn loại hình nghiên cứu này?

Bởi vì một số loại nghiên cứu liên quan đến phẫu thuật hoặc các loại bệnh hiếm không có đủ đối tượng nghiên cứu, hoặc vì lý do liên quan đến đạo đức mà các nghiên cứu lâm sàng không thể thực hiện được.

Tại sao nghiên cứu này có thể chứa đựng định kiến?

Nghiên cứu loại này dựa trên việc lựa chọn những nhóm đối tượng có liên quan đến chủ đề và theo dõi họ. Do đó kết quả của nó có thể chứa những định kiến (thông tin phiến diện) tùy thuộc vào một số yếu tố chủ quan.

  • Nghiên cứu thuần tập: loại nghiên cứu này cần theo dõi đối tượng nghiên cứu trong thời gian dài, do đó điều quan trọng là phải giảm thiểu sự thất thoát thông tin khi theo dõi (chẳng hạn như do mất liên lạc với đối tượng, hoặc đối tượng không muốn tiếp tục tham gia nghiên cứu).
  • Nghiên cứu bệnh chứng: Thông tin thu được cho nghiên cứu này đến từ những câu hỏi tự trả lời của những đối tượng tham gia, do đó rất dễ chứa đựng những định kiến (từ cách đặt câu hỏi, từ sự trả lời của đối tượng, từ trí nhớ của đối tượng về bệnh). Nghiên cứu này muốn được thiết lập hoàn hảo cần phải có một bảng phỏng vấn tiêu chuẩn hóa trong một môi trường không thiên vị và những đối tượng tham gia phải được huấn luyện tốt.

Cách đánh giá độ tin cậy của nghiên cứu quan sát

Độ tin cậy của nghiên cứu quan sát được đánh giá thông qua việc đánh giá độ chính xác (precision) và tính hiệu lực (validity) của nghiên cứu.

  • Độ chính xác: Độ chính xác của nghiên cứu có liên quan đến sự không hoàn hảo của sai số ngẫu nhiên (radom error). Độc giả có thể phần nào cảm nhận độ chính xác của nghiên cứu thông qua đánh giá kích thước mẫu (ví dụ như có bao nhiêu đối tượng tham gia nghiên cứu, hai nhóm đối tượng – có bệnh và không có bệnh – có kích thước tương đương nhau hay không) cũng như tính hiệu quả của nghiên cứu.
  • Tính hiệu lực: tính hiệu lực liên quan đến sự không hoàn hảo của sai số hệ thống (systematic error). Tính hiệu lực chia thành hai loại: nội và ngoại.
  • Tính hiệu lực nội liên quan đến độ mạnh của suy luận từ nghiên cứu, nhằm trả lời câu hỏi “Liệu sự sai khác giữa những nhóm đối tượng trong nghiên cứu có đáng kể hay không?”
  • Tính hiệu lực ngoại liên quan đến tính đại diện của nghiên cứu, nhằm trả lời câu hỏi “Liệu kết quả này có mang tính đại diện hay không, có thể áp dụng cho một cộng đồng lớn hơn không?”
  1. Nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (randomized controlled trial)

Đây là nghiên cứu mà đối tượng tham gia được chỉ định ngẫu nhiên vào các nhóm riêng biệt, cả người nghiên cứu lẫn người tham gia đều không được tự chọn nhóm và người tham gia, hoặc đôi khi cả người trực tiếp thực hiện nghiên cứu, cũng không biết về thông tin nhóm này. Tham khảo thêm về những chỉ tiêu trong thiết kế nghiên cứu này ở tài liệu số [3].

Độ tin cậy

Nghiên cứu này có độ tin cậy cao hơn do có thể loại bỏ những định kiến có thể có trong nghiên cứu quan sát.

Hạn chế

Mặc dù nghiên cứu loại này là một công cụ rất hiệu quả, ứng dụng của nó bị hạn chế bởi điều kiện thực tế hoặc lý do đạo đức.

Ví dụ, một nghiên cứu không ngẫu nhiên cho thấy rằng bổ sung vitamin tổng hợp nhiều loại trong thời kỳ mang thai có thể ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh ở trẻ. Mặc dù chữa trị này có thể có lợi, nhưng những lo lắng về đạo đức gây khó khăn cho việc tiến hành thử nghiệm trên người, do đó khó đánh giá được độ tin cậy là cao hay thấp. Sau này nghiên cứu lâm sàng đã chứng thực axit folic là thành phần có hiệu lực trong viên vitamin tổng hợp chứ không phải toàn bộ các thành phần đều có hiệu lực này.

Ngoài ra, có những trường hợp nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên là hợp với đạo đức nhưng lại không khả thi, chẳng hạn là do sự khó khăn trong vấn đề chia nhóm ngẫu nhiên hoặc tìm kiếm đối tượng (như bệnh nhân bị mắc các loại bệnh hiếm).

Ngoài ra, loại nghiên cứu này thường tốn kém và tốn thời gian hơn.

Đánh giá tính đại diện của nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên

Một số nghiên cứu loại này có tính hiệu lực ngoại (tính đại diện) cao, nhưng phần lớn thì không. Do đó, nhìn chung nghiên cứu này khó có thể thích đáng để áp dụng cho tất cả bệnh nhân và tất cả điều kiện. Tuy nhiên, nó nên được báo cáo theo một cách thích hợp cho phép bác sĩ lâm sàng có thể đánh giá những đối tượng và tình trạng bệnh mà kết quả này có thể áp dụng được.

  1. Tổng hợp tài liệu

Tổng hợp tài liệu là một loại nghiên cứu tìm kiếm nguồn cơ sở dữ liệu để trích dẫn kết quả nghiên cứu về một chủ đề nào đó. Có hai nhóm, đó là 1) Tổng hợp tài liệu tường thuật (narrative review) và 2) Tổng hợp tài liệu hệ thống (systematic review) hoặc phân tích gộp (meta-analysis). Hai nhóm nghiên cứu này có đặc tính và mục đích khác nhau.

  • Tổng hợp tài liệu tường thuật (hay thường được gọi là tổng hợp tài liệu, narrative review hoặc gọi đơn giản là review) tìm kiếm tất cả các bài báo mô tả và bàn luận khoa học về một chủ đề theo hướng lý thuyết và quan điểm. Loại nghiên cứu này không liệt kê loại dữ liệu cũng như phương pháp mà họ chọn để thực hiện, nó cũng không có tiêu chuẩn đánh giá cho các tài liệu được sử dụng.

Độ tin cậy: Thường thì nghiên cứu loại này có ý nghĩa trong việc cập nhật kiến thức mới cho độc giả. Tuy nhiên, nghiên cứu này có thể chứa đựng định kiến của người tổng hợp tài liệu thông qua việc chọn lựa nguồn cơ sở dữ liệu và chọn lựa tài liệu một cách phiến diện. Do đó, mức độ đánh giá thay đổi tùy trường hợp, thường chỉ mang tính chất định tính và có thể nhiều bài được chọn không có cơ sở bằng chứng vững chắc.

  • Tổng hợp tài liệu hệ thống (systematic review) và phân tích gộp (meta-analysis)

Tổng hợp tài liệu hệ thống là một bài tổng hợp được thiết kế chặt chẽ dùng những phương pháp luận hệ thống và rõ ràng để chỉ định, chọn lọc và bình phẩm kết quả của những nghiên cứu hiện có. Tổng quát mà nói, loại nghiên cứu này dùng những phương pháp luận rất chặt chẽ (được đưa ra bởi các cơ quan uy tín quốc gia) để ngăn ngừa những thiếu sót hoặc những định kiến trong quá trình thực hiện bài tổng hợp.

Phân tích gộp là phương pháp thống kê dùng để phân tích kết quả trong bài tổng hợp hệ thống.

Độ tin cậy: Đây là loại nghiên cứu có giá trị và đáng tin cậy nhất bởi vì chúng đưa ra kết quả nghiên cứu dựa trên việc xem xét hàng chục, thậm chí hàng trăm, các nghiên cứu khác về cùng chủ đề và không chứa đựng định kiến. Ngoài ra, khác với phương pháp truyền thống có thể chỉ cho chúng ta biết về sự sai khác có nghĩa về mặt thống kê (nghĩa là, liệu sai khác giữa hai nhóm đối tượng nghiên cứu là có nghĩa hay không), nghiên cứu này còn có thể cho chúng ta biết liệu sự sai khác có ý nghĩa về mặt lâm sàng hay không.

Quỹ hỗ trợ nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu có thể bị ảnh hưởng thiên vị (định kiến) bởi nguồn quỹ tài trợ nghiên cứu. Những nghiên cứu không được tài trợ từ phía công nghiệp hoặc nhà sản xuất thường có hiệu lực cao.

Trong những năm gần đây, nhiều tạp chí đã yêu cầu tác giả phải thông báo rõ nguồn quỹ tài trợ.

Lời tổng kết

Chọn thông tin đáng tin cậy từ những cơ sở nguồn dữ liệu y khoa đáng tin cậy, như là PubMed và BMJ. Còn những thông tin từ những tổ chức nhỏ lẻ có thể không đáng tin cậy.

Không phải cứ gọi là nghiên cứu thì sẽ có kết quả đáng tin cậy. Độ tin cậy của những nghiên cứu tùy thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Những bài nghiên cứu tổng quan hệ thống (systematic review) và phân tích gộp (meta-analysis) là có giá trị và đáng tin cậy nhất. Kế tiếp là những bài nghiên cứu nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (randomized controlled trial).

Nghiên cứu quan sát (observational studies, gồm có nghiên cứu thuần tập – cohort study – và nghiên cứu bệnh chứng – base control study) có thể chứa những định kiến thiên vị nên độ tin cậy còn là dấu hỏi, đôi khi đưa ra những kết luận sai lầm hoặc thậm chí trái ngược. Những bài báo tổng hợp tường thuật (narrative review hoặc review) có thể chọn lựa thiên vị nguồn cơ sở dữ liệu và tài liệu về chủ đề có liên quan, do đó cũng có thể dựa trên góc nhìn không chính xác.

Độ tin cậy của những nghiên cứu được tài trợ từ công nghiệp hoặc nhà sản xuất có thể không cao.

Lời nhắn nhủ bạn đọc

Nghiên cứu có thể là công cụ hỗ trợ tốt đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu một vấn đề nào đó, nhất là những vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, chỉ có những nghiên cứu được thiết lập hoàn hảo mới cung cấp những kiến thức có giá trị. Ngoài ra, những kết luận được đưa ra cũng cần phải hợp lý, nhất là khi tổng quát hóa từ một nhóm đối tượng nhỏ cho nhóm đối tượng lớn hơn. Do đó, khi đọc một thông tin nào đó, bạn đọc nên tự đặt cho mình những câu hỏi về mức độ đáng tin cậy của nó trước khi tin hoàn toàn vào nguồn thông tin đó. Hãy tập cho mình thói quen đánh giá thông tin để trở thành một độc giả thông thái và sâu sắc nhằm bảo vệ cho bản thân và gia đình một cách sáng suốt nhất.

Chúng tôi xin giới thiệu ví dụ về những câu hỏi mà độc giả có thể đặt ra để đánh giá một nghiên cứu quan sát. Những câu hỏi này cũng có thể hữu ích khi dùng để đánh giá độ tin cậy của các thông tin.

  1. Thiết kế của nghiên cứu có hợp lý để trả lời những câu hỏi có liên quan?
  2. Kích thước mẫu có đủ lớn và có cân bằng giữa các nhóm hay không?
  3. Ngoại trừ việc tiếp xúc/không tiếp xúc hoặc có bệnh/không có bệnh ra, thì các nhóm có những điểm khác tương đồng hay không?
  4. Kết quả có độ chính xác cao hay không?
  5. Quan hệ nhân quả có hợp lý hay không?
  6. Liệu có định kiến xảy ra do thiếu hụt theo dõi khác nhau giữa các nhóm hay không?
  7. Liệu có những định kiến từ người phỏng vấn hoặc từ đối tượng tham gia phỏng vấn hay không?
  8. Bài nghiên cứu đã xem xét những giải thích khác có thể có hay không?
  9. Kết quả nghiên cứu có xem xét đến những kết quả nghiên cứu khác hiện có về cùng chủ đề hay không và có giải thích sự không nhất quán nếu có hay không?
  10. Liệu kết quả có tính đại diện cho nhóm dân số còn lại trong kết luận hay không?

Ngoài ra, chúng ta cũng cần xem xét tới sự đánh giá bài nghiên cứu của các nhà khoa học đương thời cùng lĩnh vực và trình độ chuyên môn của người thực hiện nghiên cứu.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2998589/
  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2920077/
  3. http://www.bmj.com/content/316/7126/201
  4. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1488890/
  5. http://www.scielo.br/scielo.php?pid=S0103-21002007000200001&script=sci_arttext&tlng=en
  6. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3024725/
  7. http://www.bmj.com/content/356/bmj.i6770