Thứ Năm, 21/11/2024
An toàn thực phẩm Những điều cần biết để có ly nước ép trái cây và rau củ đảm bảo an toàn thực phẩm

Những điều cần biết để có ly nước ép trái cây và rau củ đảm bảo an toàn thực phẩm

 

Nước ép trái cây và rau củ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể nhưng nếu sử dụng nước ép trái cây/rau củ chưa qua khử trùng có thể gây ra những rủi ro sức khỏe cho chính bạn và người thân.

Có thể bạn chưa biết?

Vi khuẩn có thể vẫn tồn tại trong trái cây và rau củ tươi sống hoặc nước ép tự chuẩn bị tại nhà hoặc ép trực tiếp tại các cửa hàng tiện lợi. Nếu trái cây/rau củ và nước ép không được khử trùng hay xử lý bằng phương pháp phù hợp để tiêu diệt/loại bỏ vi khuẩn có hại thì chúng vẫn có thể bị nhiễm khuẩn, trở thành nguồn lây nhiễm mới và gây ngộ độc.

Phần lớn hệ miễn dịch của người khỏe mạnh có khả năng chống lại các tác động của ngộ độc thực phẩm. Mặc dù vậy, trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và những người có hệ miễn dịch yếu (bệnh nhân cấy ghép, ung thư, tiểu đường hoặc HIV/AIDS) vẫn có nguy cơ bị ngộ độc nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong do uống nước ép chưa qua xử lý khử trùng.

Nhãn dán cảnh báo trên sản phẩm chưa qua khử trùng

Hầu hết nước ép đóng chai/hộp bán tại các siêu thị đều được khử trùng bằng phương pháp: thanh trùng (xử lý nhiệt) hoặc tiệt trùng (xử lý bằng các phương pháp khác) để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Tuy nhiên tại một số cửa hàng, quán nước và chợ, nước ép được làm tại chỗ mà chưa qua quá trình khử trùng để đảm bảo an toàn.

Những sản phẩm chưa qua khử trùng hoặc tiệt trùng cần được bảo quản trong tủ lạnh. Tại Mỹ, FDA yêu cầu dán nhãn cảnh báo trên bao bì ghi chú: “CẢNH BÁO: Sản phẩm này chưa được xử lý khử trùng, có thể chứa vi khuẩn có hại gây bệnh nghiêm trọng cho trẻ em, người già và những người có hệ miễn dịch yếu”.

Mặc dù cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã từng nhận được báo cáo về sự bùng phát của ngộ độc thực phẩm gây ra do uống nước ép từ trái cây và rau củ hoặc nước táo lên men chưa qua xử lý để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, FDA vẫn chưa thực hiện bắt buộc dán nhãn cảnh báo tương tự đối với nước ép và nước táo lên men được bán trong ly ngay tại vườn táo, chợ nông sản, quán ven đường và một số nhà hàng.

Hãy tuân thủ các bước sau để có ly nước ép an toàn

Khi mua nước ép trái cây và rau củ

  • Chú ý đọc nhãn cảnh báo dán trên sản phẩm (nếu có) để cẩn trọng khi mua nước ép chưa qua khử trùng. Các sản phẩm đã tiệt trùng thường đặt ở khu vực thực phẩm lạnh, khu thực phẩm đông lạnh hoặc khu vực dành cho nước ép đóng hộp, chai hoặc lon ở cửa hàng tạp hoá và siêu thị. Còn các sản phẩm chưa được khử trùng hoặc chỉ được thanh trùng thường chỉ được đặt ở ngăn lạnh của cửa hàng tạp hoá và siêu thị.
  • Hãy hỏi nhân viên bán hàng nếu bạn không chắc chắn sản phẩm nước ép có được khử trùng hay chưa, đặc biệt là các sản phẩm đặt trong ngăn lạnh hoặc bán theo ly.

Khi tự chuẩn bị nước ép trái cây và rau củ tại nhà

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm ít nhất trong 20 giây trước và sau khi chuẩn bị đồ uống.
  • Cắt bỏ những phần bị hư hỏng hoặc bầm dập trên trái cây và rau củ tươi.
  • Rửa kỹ tất cả các loại trái cây và rau củ dưới vòi nước sạch trước khi sử dụng, bao gồm các sản phẩm trồng tại nhà hoặc mua từ siêu thị và chợ nông sản. KHÔNG rửa trái cây và rau củ bằng xà phòng, các chất tẩy rửa hoặc bất cứ dung dịch nước rửa trái cây rau củ bày bán trên thị trường.
  • Có thể dùng bàn chải sạch để cọ rửa các loại trái cây vỏ cứng (như dưa hấu hay dưa chuột) ngay cả khi bạn sẽ gọt bỏ vỏ khi ép để ngăn bụi bẩn, vi khuẩn không nhiễm vào từ vỏ khi gọt hoặc cắt.
  • Lau khô trái cây bằng khăn sạch hoặc khăn giấy sau khi rửa để giảm thiểu tối đa khả năng vi khuẩn có thể còn trên bề mặt.

Ngộ độc thực phẩm – triệu chứng nhận biết và cách xử lý

Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện trong vòng 1-3 ngày sau khi ăn thực phẩm nhiễm khuẩn gây bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, dấu hiệu ngộ độc thực phẩm cũng có thể xảy ra trong vòng chỉ 20 phút hoặc đến 6 tuần sau đó.

Đa số các ca ngộ độc sẽ hồi phục sau một thời gian ngắn. Nhưng cũng có một số trường hợp có thể bị nghiêm trọng hơn như dẫn đến các vấn đề về sức khỏe mãn tính hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Đôi khi ngộ độc thực phẩm có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác có triệu chứng tương tự. Các triệu chứng thường gặp của ngộ độc thực phẩm có thể bao gồm:

  • Nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng
  • Các triệu chứng giống cảm cúm như sốt, nhức đầu và đau nhức cơ thể

Nếu bạn nghi ngờ mình hay người thân bị ngộ độc thực phẩm, hãy bình tĩnh áp dụng các biện pháp sơ cứu nhanh chóng như gây nôn, bù nước và đưa đi cấp cứu ngay lập tức tại cơ sở y tế gần nhất!

Tài liệu tham khảo:

https://www.fda.gov/food/buy-store-serve-safe-food/what-you-need-know-about-juice-safety