Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải hoặc các chế độ ăn uống lành mạnh khác, bao gồm trái cây, rau, đậu, các loại hạt và ít thịt, được cho là có liên quan đến việc ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh trầm cảm. Thông tin trên dựa theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí BMC Medicine. Một nghiên cứu lớn trên 15.093 người cho thấy bệnh trầm cảm có mối liên hệ với sự thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Dựa trên một nghiên cứu tổng quát về ảnh hưởng của chế độ ăn uống đối với sức khỏe thể chất, các nhà nghiên cứu phát hiện ra mối liên hệ giữa nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe tinh thần. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phân tích mối liên hệ giữa các chế độ ăn uống lành mạnh đối với nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh ba chế độ ăn: chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải (the Mediterranean diet), chế độ ăn chay (Pro-vegetarian Dietary) và chỉ số ăn uống lành mạnh luân phiên năm 2010 (AHEI-2010). Những người tham gia sử dụng một hệ thống tính điểm để đo lường sự tuân thủ các chế độ ăn uống có chọn lọc. Số điểm càng cao có nghĩa là người tham gia được đánh giá có chế độ ăn tốt hơn.
Các loại thức ăn như thịt và đồ ngọt (nguồn chất béo động vật: axit béo bão hòa và axit béo chuyển hóa) đã bị đánh giá là tiêu cực. Trong khi các loại hạt, trái cây và rau quả (nguồn axit béo omega-3, vitamin và khoáng chất tương ứng) được đánh giá là tích cực.
Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Almudena Sanchez-Villegas tại Đại học Las Palmas de Gran Canaria phát biểu: “Chúng tôi muốn hiểu hơn về vai trò của chất dinh dưỡng đối với sức khỏe tinh thần, vì chúng tôi tin rằng chế độ ăn uống có thể giúp chúng ta cải thiện tinh thần. Tất cả những chế độ ăn này đã mang đến lợi ích cho sức khỏe thể chất và bây giờ chúng tôi thấy rằng chúng còn có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần của chúng ta”.
“Các loại hạt, đậu, trái cây và rau quả (nguồn cung cấp axit béo omega-3, vitamin và khoáng chất) có vai trò ngăn ngừa và giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.”
Nghiên cứu bao gồm 15.093 người tham gia không mắc bệnh trầm cảm. Họ là những cựu sinh viên của Đại học Navarra, Tây Ban Nha, các chuyên gia từ một số tỉnh của Tây Ban Nha và sinh viên tốt nghiệp các trường đại học khác. Đây là một phần của Dự án SUN (Seguimiento Universidad de Navarra), một nghiên cứu bắt đầu vào ngày 21/12/1999. Nghiên cứu nhằm xác định chế độ ăn uống và lối sống có ảnh hưởng đến các bệnh lý như bệnh đái tháo đường, béo phì và trầm cảm.
Bảng câu hỏi đánh giá chế độ ăn uống được ghi nhận vào lúc bắt đầu của dự án và được ghi nhận lại sau 10 năm. Trong báo cáo có tổng cộng 1.550 người, những người này được chẩn đoán lâm sàng mắc bệnh trầm cảm hoặc đã sử dụng thuốc chống trầm cảm sau trung bình 8 năm rưỡi.
Theo báo cáo thì chỉ số ăn uống lành mạnh luân phiên năm 2010 (AHEI-2010) có đánh giá tích cực, chế độ ăn này giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao nhất, điều này có thể giải thích vì chế độ AHEI-2010 tương tự chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải. Các chất dinh dưỡng thông thường như axit béo omega-3, rau, trái cây, các loại đậu, các loại hạt và việc dùng rượu điều độ đều có mặt trong cả hai kiểu (AHEI-2010 và chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải). Chính những chất dinh dưỡng và các loại thực phẩm này có trong chế độ AHEI-2010 làm giảm rủi ro mắc bệnh trầm cảm .
Ông Almudena Sanchez-Villegas cho biết: ” Ngưỡng giới hạn có thể xảy ra. Khi người tham gia bắt đầu tuân theo chế độ ăn lành mạnh có sự cải thiện bệnh trầm cảm rõ rệt, ngay cả khi người tham gia tiếp tục tuân thủ lâu dài những chế độ ăn uống lành mạnh cũng làm giảm nguy cơ phát triển bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, chúng tôi không thấy có thêm lợi ích nào khi người tham gia tuân thủ cao hoặc rất cao các chế độ ăn lành mạnh”.
Vì vậy, một khi đã đạt đến ngưỡng giới hạn có nghĩa là dù người tham gia có tuân theo chế độ ăn nghiêm ngặt vẫn không cho kết quả khả quan hơn. Mô hình liều lượng-đáp ứng này phù hợp với giả thuyết cho rằng việc hấp thu một số chất dinh dưỡng dưới mức quy định có thể là một yếu tố gây ra bệnh trầm cảm trong tương lai. ”
Một hạn chế của nghiên cứu này là kết quả dựa vào sự tự ghi nhận trên chế độ ăn uống, tự báo cáo kết quả chẩn đoán lâm sàng bệnh trầm cảm của người tham gia. Do đó, cần thêm các nghiên cứu để có thể dự đoán hàm lượng chất dinh dưỡng phù hợp với sinh lý thần kinh và xác định chính xác chất gây ra bệnh trầm cảm là chất khoáng, vitamin, protein hay carbohydrate.
Tài liệu tham khảo
http://www.sciencedaily.com/releases/2015/09/150916215535.htm