Thứ Năm, 21/11/2024
Những vấn đề được quan tâm Chuyên mục sữa Mối tương quan giữa sữa bò và một số bệnh phổ biến

Mối tương quan giữa sữa bò và một số bệnh phổ biến

Bài viết thứ 2 trong 7 bài thuộc ebook Các vấn đề liên quan đến sữa bò
 

sữa và dậy thì sớm

Bài báo được đăng trên Sức khỏe & Đời sống (SK&ĐS) (26/05/2016) làm dấy lên những lo ngại về sữa thông qua việc cân bằng giữa mặt lợi và mặt hại của sữa. Mặt lợi của sữa là tăng hàm lượng chất khoáng trong xương (giúp xương chắc khỏe), tăng chiều cao và giảm ung thư đại trực tràng. Mặt hại là tăng nguy cơ gãy xương và chết sớm, nguy cơ bệnh tim mạch, tiểu đường, nguy cơ ung thư, dậy thì sớm (liên kết đến 8.g.9), không dung nạp đường lactose (liên kết đến 8.g.10), các lo ngại sức khỏe đối với trẻ sơ sinh (hoại tử ruột, dị ứng, thiếu sắt, đau bụng, táo bón) và các vấn đề về hormone tăng trưởng có trong sữa (liên kết đến 8.g.11).

Bài báo đã nêu ra những nghiên cứu liên quan đến sữa bò, nhưng không đề cập rõ ràng về độ tin cậy của những nghiên cứu này. Bạn có thể tham khảo bài viết Cách đánh giá độ tin cậy của các thông tin y học (liên kết đến 8.j.1). Về cơ bản, nghiên cứu tổng hợp hệ thống có độ tin cậy cao nhất, sau đó là nghiên cứu lâm sàng (có thực nghiệm). Còn nghiên cứu quan sát (nghiên cứu thuần tập và nghiên cứu bệnh chứng) có thể có độ tin cậy thấp, đôi khi đưa ra kết luận sai lầm hoặc trái ngược.

Trong bài viết của SK&ĐS, trong số những bài nghiên cứu về mặt lợi của sữa có một số bài là nghiên cứu tổng hợp hệ thống và phân tích gộp (có độ tin cậy cao). Còn toàn bộ những bài phân tích về mặt hại đều là những bài nghiên cứu quan sát (có độ tin cậy thấp). Do đó Thực phẩm Cộng Đồng xin phân tích lại các mặt hại của sữa một cách khách quan hơn. Trong bài viết này, mối liên hệ giữa sữa và một số bệnh phổ biến sẽ được phân tích, còn những mối liên hệ khác sẽ được đề cập đến trong những bài viết khác của TPCĐ.

Lưu ý: TPCĐ không phân tích các lo ngại sức khỏe của sữa bò đối với trẻ sơ sinh vì vốn dĩ trẻ sơ sinh không được khuyến khích uống sữa bò khi chưa được 1 tuổi.

Nguy cơ gãy xương

Nguy cơ gãy xương và chết sớm được đưa ra dựa trên nghiên cứu của Đại học Havard [1] và Đại học Sydney [2] đăng rất nhiều năm về trước (1997 và 1994) và một nghiên cứu mới gần đây (2014) của Cơ quan Lương thực Quốc gia Thụy Điển [3]. Cả ba nghiên cứu này đều thuộc nhóm nghiên cứu quan sát có độ tin cậy thấp. Sau đây chúng tôi sẽ phân tích từng bài một.

Bài nghiên cứu của Đại học Sydney năm 1994

Đây là nghiên cứu bệnh chứng (thuộc nghiên cứu quan sát), không đưa ra số liệu chính xác về lượng sữa dùng mỗi ngày. Ngoài ra, tác giả của bài viết cũng nhấn mạnh kết quả của nghiên cứu này cần được kiểm chứng bởi các nghiên cứu khác. Đó là do nghiên cứu có thể chứa định kiến, cụ thể là các đối tượng tham gia có thể không nhớ chính xác về mức độ tiêu thụ sữa của mình trong vài thập kỷ trước. Đối tượng tham gia nghiên cứu là những người lớn tuổi khoảng 65-74 tuổi, trả lời bảng câu hỏi về mức độ uống sữa lúc 20 và 50 tuổi. Các tác giả cho rằng khả năng nhớ về mức độ uống sữa thường không chính xác và họ không tìm thấy tính hiệu lực của nó. Ngoài ra, các tác giả cũng cho biết họ không chắc về tính hiệu lực khác biệt như thế nào giữa mẫu bệnh (đối tượng bị gãy xương) và mẫu đối chứng (đối tượng không bị gãy xương), vì thường mẫu bệnh có xu hướng lớn tuổi và có sức khỏe xấu hơn (không tính đến mức độ gãy xương) so với mẫu đối chứng. Những yếu tố này dẫn tới kết quả của bài nghiên cứu cần được phân tích cẩn thận và cần được kiểm chứng bởi các nghiên cứu khác.

Bài nghiên cứu của Đại học Havard năm 1997

Bài viết SK&ĐS đã bỏ sót ý của bài nghiên cứu từ Đại học Harvard. Bài nghiên cứu này cho biết, không chỉ sữa mà tất cả các nguồn thực phẩm có chứa canxi khác đều không có tác dụng bảo vệ đối với nguy cơ gãy xương khi về già. Hay nói cách khác, bài nghiên cứu này nói về mối quan hệ giữa canxi (chứ không phải là sữa) với nguy cơ gãy xương. Kết quả của bài nghiên cứu này hoàn toàn không gây bất ngờ vì một mình canxi không đủ để ngăn ngừa loãng xương. Ngoài canxi, chúng ta cũng cần có vitamin D, K và A, cũng như tập thể dục điều độ để bảo vệ xương chắc khỏe [4].

Đó là lý do vì sao nhóm tác giả của bài nghiên cứu trên (Đại học Harvard) trong năm 2003 [5] công bố một nghiên cứu khác cho thấy hầu hết phụ nữ đều không tiêu thụ đủ vitamin D. Chỉ sữa và canxi thôi thì có thể chưa đủ để giúp làm giảm nguy cơ gãy xương, phải tiêu thụ đủ vitamin D mới có thể đem lại hiệu quả.

Năm 2007, có một bài nghiên cứu phân tích gộp cho biết dùng canxi kết hợp với vitamin D giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương ở tuổi từ 50 trở lên [6].

Năm 2009, một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh của Hoa Kỳ cho biết cung cấp đủ canxi nhưng lại thiếu hụt vitamin D sẽ không có tác dụng bảo vệ chống lại nguy cơ loãng xương, cần phải có tỉ lệ tối ưu giữa canxi và vitamin cho cho xương chắc khỏe [7].

Thật ra, mối quan hệ giữa canxi và bệnh loãng xương vẫn còn nhiều điều chưa sáng tỏ. Trong một số nghiên cứu lâm sàng, tiêu thụ canxi có ảnh hưởng tính cực đến trọng lượng riêng của xương (nghĩa là xương chắc khỏe), điều này rất quan trọng trong giai đoạn trẻ đang phát triển. Còn đối với người lớn tuổi, việc tiêu thụ canxi và ngăn ngừa loãng xương dường như không có mối quan hệ chặt chẽ, đó là do bệnh loãng xương còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác [8].

Bài nghiên cứu của Cơ quan Lương thực Quốc gia Thụy Điển năm 2014

Bài nghiên cứu kết luận tiêu thụ nhiều sữa (> 3 ly sữa mỗi ngày) không làm giảm nguy cơ giảm xương, trái lại có thể liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn. Đây cũng là kết luận được đề cập đến trong bài viết của SK&ĐS. Tuy nhiên, SK&ĐS không nêu toàn bộ kết luận của bài nghiên cứu. Những tác giả bài nghiên cứu cho biết do có những hạn chế trong thiết lập nghiên cứu, họ không chắc liệu nghiên cứu của họ có sai lầm hay không, và kết quả bài nghiên cứu này cần được phân tích cẩn thận, không nên dùng nó để phán xét riêng lẻ, mà cần phải cân nhắc đến kết quả của những bài nghiên cứu khác. Đây cũng là đặc điểm chung của các bài nghiên cứu thuộc nhóm nghiên cứu quan sát.

Năm 2015, tác giả chính (first author) của bài nghiên cứu trên, Karl Michaëlsson, đã đưa ra một bài nghiên cứu tổng hợp hệ thống và phân tích gộp với độ tin cậy cao về mối liên hệ giữa sữa và bệnh tật cũng như nguy cơ tử vong [9]. Kết luận trong bài nghiên cứu này là không có mối tương quan chắc chắn giữa sữa và tất cả các bệnh đã nêu cũng như tỉ lệ tử vong do các bệnh này gây ra. Hay nói cách khác, chính Karl Michaëlsson đã cho chúng ta thấy nghiên cứu quan sát là có độ tin cậy thấp và sữa không có liên quan đến nguy cơ tử vong.

Nguy cơ ung thư

Phần này chúng tôi không phân tích nhiều, vì bài báo trên SK&ĐS đã nói rõ, các nghiên cứu lâm sàng (độ tin cậy cao hơn) không ủng hộ kết quả của nghiên cứu thuần tập (độ tin cậy thấp).

Nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp của Đại học Monash (Úc) năm 2013 cho thấy tiêu thụ sữa không có liên quan đến ung thư đại tràng [10].

Nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp của Đại học Leeds (UK) [11] và Đại học Kunming (Trung Quốc) [12] tương ứng cho thấy tiêu thụ sữa có thể liên quan với tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và ung thư buồng trứng, tuy nhiên cả hai bài đều khẳng định sự gia tăng này là nhỏ, sai lệch không có nghĩa về mặt thống kê. (Lưu ý: sai lệch không có nghĩa về mặt thống kê tức là sai lệch này có thể là do sai số gây ra, chứ không phải là sai khác thật sự).

Nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp của Bệnh viên chuyên về ung thư của Trung Quốc cho biết không có mối liên hệ giữa tiêu thụ sữa với bệnh ung thư phổi [13].

Riêng đối với những bệnh nhân đã được chẩn đoán ung thư vú hoặc có nguy cơ ung thư vú cao, lời khuyên của nhóm tác giả là không nên tiêu thụ sữa và các loại kem (cream) từ sữa. Mặc dù trong sữa có những thành phần đã được chứng minh giúp chống lại ung thư như canxi, vitamin D, stearate, lactaptin, lactoferricin từ bò, thậm chí sữa từng được chứng minh giúp bảo vệ khỏi ung thư vú nếu tiêu thụ lúc còn bé, nhưng sữa cũng được cho là có thể làm bệnh ung thư vú trầm trọng thêm cho những người mắc bệnh. Hầu hết sữa tiêu thụ hiện nay được thu hoạch từ những con bò có thai. Lượng hormone tăng trưởng như estrogen và progesterone tăng cao trong sữa của những con bò này, thúc đẩy sự phát triển của các khối u, bởi vì khoảng 2/3 bệnh nhân ung thư vú dương tính với thụ thể của estrogen/progesterone (tức là sự có mặt của các chất này kích thích sự phát triển của tế bào ung thư). Do các chất này tan nhiều trong chất béo hơn trong nước nên kem làm từ sữa chứa nhiều các chất này hơn sữa nguyên chất. Vì vậy, các bệnh nhân ung thư vú cũng cần tránh cả các sản phẩm kem làm từ sữa [14].

Nguy cơ tiểu đường

Bài viết của SK&ĐS không đưa ra tài liệu tham khảo cho nhận định này. Chúng tôi tra tài liệu nghiên cứu trong mối tương quan này tìm thấy những kết quả như sau:

Năm 1994, những nhà nghiên cứu của Bệnh viện Tổng hợp Henderson của Canada có một bài phân tích gộp cho thấy cho trẻ sơ sinh (dưới 4 tháng tuổi) dùng sữa bò có thể làm tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh tiểu đường loại 1 (tiểu đường phụ thuộc insulin) gấp 1,5 lần [15].

Năm 1999, nghiên cứu của Bệnh viện Hoàng gia Melbourne của Úc đưa ra giả thuyết rằng mối tương quan giữa sữa bò và bệnh tiểu đường loại 1 có thể liên quan đến hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh, vốn vẫn đang trong giai đoạn còn phát triển [16].

Như vậy, mối tương quan giữa sữa bò và bệnh tiểu đường mà SK&ĐS đưa ra có thể dựa trên những kiến thức đã cũ. Vì nếu như theo khuyến cáo thì sữa bò không được dùng cho trẻ dưới 1 tuổi.

Trái lại, đối với bệnh tiểu đường loại 2, nhiều bài phân tích gộp mới hơn (độ tin cậy cao) cho thấy tiêu thụ sữa có thể giảm nguy cơ bệnh tiểu đường loại 2 [17-20].

Nguy cơ bệnh tim mạch

Bài viết của SK&ĐS không đưa ra tài liệu tham khảo cho mối tương quan này và cho rằng mối tương quan này là xét cho sữa không tách béo. Một lần nữa, điều này cho thấy SK&ĐS đã dựa trên những kiến thức đã cũ, vốn cho rằng chất béo có mối tương quan có hại cho bệnh tim mạch. Những kiến thức và nghiên cứu mới đã cho thấy tác hại của chất béo có thể đã bị thổi phồng lên. Trên thực tế, các nhà khoa học đang đánh giá lại liệu sữa tách béo (low-fat) có thật tốt hơn sữa không tách béo hay không [21] vì sữa tách béo thường chứa nhiều đường hơn, và tiêu thụ nhiều đường có thể là nguy cơ của nhiều loại bệnh, bao gồm cả bệnh tiểu đường và tim mạch.

Tổng kết

Những thông tin mà SK&ĐS đưa ra về mối tương quan có hại của sữa với một số loại bệnh phổ biến có vẻ mơ hồ, có thể dựa trên những kiến thức đã cũ, không có cơ sở khoa học vững chắc nhưng lại gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Thực phẩm Cộng đồng phân tích lại các mối tương quan này một cách khách quan hơn để người tiêu dùng có thể tránh hoang mang. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là TPCĐ đề cao vai trò của sữa bò hơn những loại thực phẩm khác. Chúng ta nên hiểu là sữa bò không phải là thần dược cũng không phải độc dược. Và cũng giống như bao nhiêu loại thực phẩm khác, chúng ta cần hiểu đối tượng nào nên dùng sữa bò và dùng bao nhiêu là hợp lý, vì mọi chế độ ăn uống không cân bằng đều có thể dễ dẫn đến bệnh tật.

Mời bạn đọc bài tiếp theo về Sữa bò: Cái nhìn toàn diện (liên kết đến 8.g.13)

Tài liệu tham khảo

  1. http://ajph.aphapublications.org/doi/abs/10.2105/AJPH.87.6.992
  2. https://academic.oup.com/aje/article/139/5/493/82678/Case-Control-Study-of-Risk-Factors-for-Hip
  3. http://www.bmj.com/content/349/bmj.g6015.long
  4. https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/calcium-full-story/
  5. http://ajcn.nutrition.org/content/77/2/504.short
  6. http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0140673607613427
  7. http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0899900708005364
  8. http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0022030211005522
  9. http://www.mdpi.com/2072-6643/7/9/5363/htm
  10. http://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/10408398.2011.629353
  11. http://ajcn.nutrition.org/content/early/2014/11/18/ajcn.113.067157.short
  12. http://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/01635581.2014.956247?src=recsys
  13. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4753428/
  14. http://foodforbreastcancer.com/foods/milk
  15. http://care.diabetesjournals.org/content/17/1/13
  16. http://diabetes.diabetesjournals.org/content/48/8/1501.short
  17. http://www.nature.com/ejcn/journal/v65/n9/abs/ejcn201162a.html
  18. http://ajcn.nutrition.org/content/early/2013/08/14/ajcn.113.059030.short
  19. http://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/07315724.2008.10719750?scroll=top&needAccess=true
  20. https://link.springer.com/article/10.1007/s11745-010-3412-5
  21. https://www.forbes.com/sites/melaniehaiken/2013/07/02/lowfat-milk-may-not-be-as-healthy-as-we-thought-says-harvard-expert/#13e8b51e81a0