Nội dung chính
Bài báo được đăng trên Sức khỏe & Đời sống (SK&ĐS) (26/05/2016) làm dấy lên những lo ngại về sữa thông qua việc cân bằng giữa mặt lợi và mặt hại của sữa. Trong đó, mối lo ngại về vấn đề hormone tăng trưởng có trong sữa được đề cấp đến. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích mối lo ngại nêu trên.
Hàm lượng hormone trong sữa bò có phải là nguyên nhân gây lo ngại?
Hormone tăng trưởng ở bò, được gọi là bGH, rBGH, bST hoặc bST, được tiêm ở bò nhằm làm chúng tăng trưởng nhanh hơn và sản xuất nhiều sữa hơn. Bản thân những hormone này được cho là không có ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe con người và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại một số chất không có lợi cho sức khỏe có trong sữa sản xuất từ bò được tiêm hormone. Chất tăng trưởng dạng insulin (insulin-like growth factor, IGF) là một ví dụ. Hàm lượng IGF trong sữa tăng khoảng 10 lần khi bò được tiêm rBGH. Hàm lượng IGF cao trong máu (do uống sữa bò hoặc từ tất cả những nguyên nhân khác) có tương quan đến sự gia tăng nguy cơ ung thư ở người như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và các loại ung thư khác.
Tiêu thụ nhiều sữa và các sản phẩm khác từ sữa được chứng minh là làm tăng hàm lượng IGF trong máu ở người. Tuy vậy, điều này không có liên quan trực tiếp tới hàm lượng IGF trong sữa. Đó là bởi vì hàm lượng IGF trong sữa – cho dù là sữa sản xuất từ bò được tiêm rBGH – rất thấp so với hàm lượng có sẵn trong cơ thể chúng ta. Terry Etherton, giáo sư về khoa học động vật và sữa của Đại học bang Pennsylvania cho biết, để đạt được hàm lượng IGF tiết ra trong nước bọt và đường tiêu hóa của chúng ta mỗi ngày, cần phải uống một lượng sữa khoảng 90 lít.
Nếu hàm lượng IGF trong sữa là không đáng kể thì tại sao việc tiêu thụ nhiều sữa lại có liên quan tới việc làm tăng hàm lượng IGF trong máu? Đó là do sữa có chứa nhiều protein, đường (lactose), khoáng chất và những hormone khác bên cạnh IGF – Walter Willett, trưởng khoa Dinh dưỡng của Đại học Harvard cho biết. Chẳng hạn, tiêu thụ nhiều sữa đậu nành cũng tương tự làm tăng hàm lượng IGF trong máu.
Thomas Remer, giáo sư Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Trẻ em ở Đức, cho biết: bất kể đó là sữa, pho mát hay thịt, tất cả các nguồn protein động vật đều có ảnh hưởng rõ rệt đến hệ thống IGF của chúng ta. Marcia Herman-Giddens, giáo sư tại Đại học North Carolina cho biết, thịt, sữa và những thực phẩm tương tự làm dậy thì sớm ở trẻ (vấn đề liên quan đến hormone) là do chúng giàu hàm lượng protein, calo và chất dinh dưỡng. Bạn có thể đọc bài viết Sữa và dậy thì sớm (liên kết đến 8.g.9) để biết liệu sữa hoặc thịt đỏ có phải là nguyên nhân gây dậy thì sớm hay không.
Lời nhắn gởi: vấn đề liên quan giữa tiêu thụ sữa hay thịt động vật với hàm lượng IGF trong máu là do bạn dùng quá nhiều, chứ không phải ở hàm lượng hormone có trong chúng. Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa rõ việc uống nhiều sữa bò (dù từ bò có tiêm rBGH hay không) có làm tăng hàm lượng IGF trong máu đến mức đáng lo ngại hay không.
Vậy có nên cho trẻ nhỏ uống sữa bò hay không?
Tùy bạn. Sữa là một nguồn thực phẩm tốt, một hỗn hợp hài hòa của nhiều chất dinh dưỡng khác nhau trong đó đặc biệt là canxi và các vitamin. Trong trường hợp bạn không chọn sữa, bạn cũng có thể phối hợp nhiều loại thực phẩm khác để có được những chất dinh dưỡng trên. Nhiều cơ quan sức khỏe chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), Viện Sức khỏe Quốc gia và Phòng ban Sức khỏe và Dịch vụ Nhân sinh đã xem xét vấn đề và kết luận sữa bò sản xuất theo phương pháp này (có tiêm hormone) là an toàn. Còn các nhóm phản đối thì cho rằng cần phải kiểm nghiệm kỹ hơn và phê chuẩn của FDA là quá vội vàng.
Nếu bạn quyết định cho trẻ uống sữa bò, thì cần lưu ý lượng sữa trẻ uống mỗi ngày (liên kết đến 8.g.13) không nên quá 3 ly vì uống quá nhiều sữa cũng là một dạng của ăn uống không cân bằng, dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe như là béo phì hay dậy thì sớm.
Có nên chọn các sản phẩm hữu cơ?
Nếu là vậy, có đáng để chúng ta mua sữa hoặc thịt hữu cơ hay không? Walter Willett nói rằng có lẽ là không cần thiết. Việc bạn nên làm là kiểm soát lượng sữa tiêu thụ mỗi ngày. Nếu bạn dùng chúng với lượng hợp lý, thì việc có dùng sản phẩm hữu cơ hay không cũng không tạo ra sự khác biệt.
Tổng kết
Như vậy, cũng như các sản phẩm thịt động vật, tiêu thụ quá nhiều sữa – dù có được sản xuất từ bò có tiêm rBGH hay không – có liên quan đến việc làm tăng hàm lượng IGF trong máu (được chứng minh là có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ ung thư). Nhưng đây không có nghĩa là bạn phải cắt bỏ hoàn toàn thịt hay sữa ra khỏi khẩu phần của bạn hoặc con bạn, mà mục tiêu chính là biết được lượng sử dụng như thế nào là hợp lý, trường hợp nào nên dùng và trường hợp nào nên tránh. Bạn nên luôn ghi nhớ một điều, xét về mặt sức khỏe, một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng luôn là tốt nhất.
Tài liệu tham khảo
http://www.health.com/health/article/0,,20458816,00.html
https://www.cancer.org/cancer/cancer-causes/recombinant-bovine-growth-hormone.html
http://www.babycenter.com/0_bovine-growth-hormone-and-milk-what-you-need-to-know_12493.bc
http://www.huffingtonpost.com/2011/01/31/hormones-in-food-should-y_n_815385.html
https://www.hsph.harvard.edu/news/hsph-in-the-news/three-cups-of-milk-a-day-that-may-be-too-many/